Uncategorized

Gia đình Việt Nam từ bao cấp đến toàn cầu hóa (bài 5)

Người đàn bà trong gia đình và ngoài xã hội.

Người đàn bà trong gia đình và ngoài xã hội.

Một khi văn hóa truyền thống bị đồng hóa với phong kiến và trở thành mục tiêu để hủy diệt của một nhà nước vô đạo, con người nói chung trong xã hội ấy, cách riêng người đàn bà, trở nên mất hướng, giống như con thuyền trong đêm đen bão tố.Tuy nhiên, ở đây là một tập đoàn được chỉ đạo theo một hình thức phong kiến, phát-xít kiểu mới, gọi là Đệ tam Quốc tế, con người thấy mình là số không, một số không vô tận. Cho nên, nỗi sợ hãi bao trùm lên toàn diện cuộc sống, mặc cho thời cuộc xoay vần, đẩy đưa. Nó hoàn toàn nằm trong bàn tay vô sản dắt đi, mất ý thức phản kháng. Con người trở nên thụ động, tuân theo sự điều khiển của bản năng.

Kinh Dịch cho chúng ta biết, người đàn bà phần lớn sống theo hướng này.Họ không được tôn trọng dưới thời phong kiến.

Trai năm thê bảy thiếp
Gái chính chuyên một chồng
Việc trong làng ngoài xã hay bán buôn đường xa, đều thuộc về người chồng .Thế nhưng chính ở chỗ này, đức tính đảm đương việc nhà của người đàn bà được thể hiện:

 

-Nhà anh chỉ có một gian,
Nửa thì làm bếp, nửa toan làm buồng.
Anh cậy em coi sóc trăm đường…
Để anh buôn bán trẩy trương thông hành,
Còn chút mẹ già nuôi lấy cho anh,
Để anh buôn bán thông hành đường xa,
Liệu mà thờ kính mẹ già,
Đừng tiếng nặng nhẹ người ta chê cười.
Dù no dù đói cho tươi,
Khoan ăn, bớt ngủ, liệu bài lo toan.
Trước sự ân cần dặn dò của người chồng, người vợ cũng cảm thấy mình có bổn phận bày tỏ nỗi lòng của mình, để chồng yên lòng ra đi:

 

Anh đi em ở lại nhà,
Hai vai gánh vác mẹ già con thơ.
Lầm than bao quản muối dưa,
Anh đi anh liệu chen đua với đời.
Ở một phương diện khác trong gia đình, người đàn bà Việt Nam xưa kia còn biểu lộ một đức tính tuyệt vời khác đối với người chồng ôm mộng trạng nguyên :

 

Canh một dọn cửa dọn nhà,
Canh hai dệt cửi, canh ba đi nằm.
Canh tư bước sang canh năm :
-Trình anh dậy học, chớ nằm làm chi.
Nửa mai chúa mở khoa thi,
Bảng vàng chói lọi kia đề tên anh.

 

Khi Cộng Sản cướp được chính quyền, họ đã triệt để khai thác mặt tiêu cực và tích cực của người phụ nữ trong gia đình.Họ “giải phóng” người phụ nữ, xưa kia nặng gánh việc nhà, việc chồng con,nay đề cao vai trò đảm đương việc nước, việc hợp tác xã nông nghiệp.Họ được giao những chức vụ ngoài thôn, xã, các cửa hàng mậu dich, là nhân viên kế toán hoặc thủ quỹ trong các cơ quan, xí nghiệp cũng như tại ngân hàng và tại những trung tâm giao dịch, khách sạn, nhà hàng. Người đàn bà còn có mặt trong các nhà máy, hầm mỏ,thủy điện, trên các công trường xây dựng và trong quân ngũ. Khi chiến tranh hút hết trai tráng trong làng, xã, các thiếu nữ ít tuổi hơn, phải thay thế cha, anh đi dân công xa nhà nhiều ngày, muôn vàn cơ cực.
Năm 1980, chúng tôi trở về thăm nhà, chỉ 5 năm sau ngày miền Nam mất,những đứa cháu gái của tôi, tuổi mới 14,15 mà bàn tay bàn chân đều to bành bạnh như chân voi, chẳng tương xứng với những khuôn mặt xinh xắn và thân người nhỏ bé tí nào.Thấy tôi nhìn xuống chân một vài đứa, hỏi : Sao bàn chân các cháu lại to khác thường như thế này ?Chị tôi nói : Các cháu của cậu phải đi dân công, gánh gồng nặng lắm, bàn chân phải bám chặt xuống đất, lâu ngày nó to bành bạnh ra như vậy.

 

Theo cảm nhận của chúng tôi, Cộng sản thời bao cấp mang nhiều tính chất “đàn bà”, hoặc nó phù hợp với bản chất của người đàn bà hơn là đàn ông,đặc biệt nhất là ở tính chất “đa ngôn”. Do đó, người đàn bà dễ dàng tham gia hơn, đồng thời họ cũng dễ bị khuất phục, sống và làm việc theo bản năng. Họ thực tế và chịu đựng nên họ cũng thực dụng, và vì cuộc sống khó khăn quá, nên nhiều người trở nên ích kỷ, hẹp lượng để rồi cái lòng nhân từ trong họ đã vuột khỏi họ lúc nào chính họ cũng không biết. Lòng họ bị sơ cứng như xã hội, chế độ nghiệt ngã, khắt khe.

Để sống được với một xã hội như vậy, người đàn bà với tính thực tế và sức chịu đựng truyền thống, có thể “thích ứng” được với nó. Nói là “thích ứng” vì thực ra, họ cũng chỉ là nạn nhân của một thể chế chính trị, trong một hoàn cảnh, một giai đoạn lịch sử của dân tộc. Người đàn bà bị đẩy ra bên ngoài, thay thế người đàn ông bị nhìn như kẻ thù, hoặc như kẻ lưng chừng phản động, vì đã đứng trong hàng ngũ quốc gia trong hai cuộc chiến Đông Dương. Do đó, người đàn ông bị phân biệt đối xử và mất hết cơ hội làm việc, mất vị trí “làm chủ”. Vai trò này được chuyển sang người đàn bà. Điều này được coi là kết quả của cách mạng, đã “giải phóng” phụ nữ khỏi những ràng buộc của lễ giáo phong kiến. Nhưng, sự lấn lướt của người đàn bà trong gia đình cũng như vai trò của họ ngoài xã hội, là kết quả của cuộc “giải phóng phụ nữ”, hay đấy chỉ là tình trạng đương nhiên phải xảy ra khi mà lực lượng đàn ông, thanh niên đã được tung ra mọi chiến trường ở Đông Dương trong hơn 30 năm trời ?

Thực tế này đã mặc nhiên đưa đến tình trạng là, người đàn bà lấn lướt quyền của đàn ông, chi phối những sinh hoạt trong gia đình. Bởi thế, nhiều người đã xử sự với chồng con và cả với cha mẹ đẻ, cha mẹ chồng rất quan liêu, cửa quyền theo cung cách cán bộ trong các cơ quan, xí nghiệp mà người đàn bà công tác.

Còn một khía cạnh khác trong vấn đề này là, không do người đàn ông thiếu năng lực hoặc do người đàn bà có năng lực hơn cũng không do một văn bản pháp lý nào qui định khiến ông chồng bị bà vợ lấn lướt, song do cuộc sống. Đồng tiền lương hàng tháng không đủ nuôi sống bất cứ một ai làm việc cho nhà nước, nên người đàn bà phải lao mình ra ngoài kiếm sống thêm bằng nhiều cách và nhiều nỗi truân chuyên, vất vả, nhọc nhằn, cơ cực.Như đi buôn bán xa hoặc đứng mua đi bán lại ngoài chợ trời, móc ngoặc với những cửa hàng nhà nước để tuồn hàng ra ngoài v.v…Mà những việc như thế này kiếm tiền nhiều hơn là đồng lương của cánh đàn ông ở hậu phương, như trong ngành giáo dục, y tế, hầm mỏ v.v… cũng như người đàn bà lại dễ “lách”, dễ “qua mặt” công an, cảnh sát kinh tế, thuế vụ hơn là người đàn ông trong những việc làm như vậy.

Hoàn cảnh xã hội ấy đã mặc nhiên đưa người đàn bà đến việc làm chủ gia đình vì nắm quyền kinh tế và có nhiều ưu thế ngoài xã hội. Vai trò của người đàn ông bị hạ thấp hoặc bị xem thường, vì họ bị lệ thuộc vào người đàn bà.Tình trạng này sẽ thay đổi một khi chế độ thay đổi cái nhìn đối với những thành phần của nam giới, vì lẽ này lẽ khác đã đứng trong hàng ngũ quốc gia chống lại Cộng sản trong hai cuộc chiến vừa qua, nhất là tại miền Nam Việt Nam. Cuộc chiến 1955-1975 vừa đi qua trên 30 năm, đã ảnh hưởng rất lớn tới người đàn ông ngay sau ngày này, lúc đó những người lính trong QLVNCH, chưa đến tuổi giải ngũ, có nghĩa họ trong tuổi lao động không thể có việc làm và nếu họ ra ngoài buôn bán chui, thì không thể bằng người đàn bà, vì họ bị nhìn bằng con mắt của đối phương, kẻ này thuộc thành phần “ngụy”, rất dễ bị gây khó khăn. Cho đến giờ này thì những thành phần trên đã già, mọi sự trong gia đình đều phải nhờ vào người đàn bà cũng như con cái sinh ra từ cuối thập niên 50, 60 thế kỷ trước.

 

Khi Người Vợ Là Sếp

 

Trên tờ tuần báo Công giáo và Dân tộc số 1717, tuần lễ từ 17.7 đến 23.7.2009, tr.36 dành cho Gia đình, có đăng bài “ Chuyện gì xảy ra khi vợ là Sếp ?”, tác giả là Đặng Quốc Minh Dương viết : “Thời gian gần đây, điều kiện xã hội thuận lợi nên nhiều chị em phụ nữ có cơ hội phát huy khả năng của mình. Do vậy, số chị em được cất nhắc lên những vị trí “hot” trong xã hội, trong công sở như trưởng phòng, trưởng nhóm, chủ doanh nghiệp, giám đốc …ngày càng nhiều. Tuy chuyện vợ là sếp không còn mới nhưng đây đó vẫn còn nhiều vợ chồng “ lúng túng” trong việc xử lý tình huống này dẫn đến nhiều chuyện khó xử trong gia đình.” Rồi tác giả dẫn chứng hai trường hợp.

Thứ nhất : Đó là chuyện vợ chồng anh Hạnh, vốn xuất thân từ vùng quê nghèo Đăk Lăk. Với bản chất chịu khó, ham học, sau một thời gian vừa học vừa làm, chị Khánh – vợ anh Hạnh có tấm bằng MBA và được cất nhắc lên vị trí giám đốc nhân sự của một công ty nước ngoài…Từ đó anh Hạnh trở nên thiếu tự tin, ít về quê. Bởi cứ mỗi lần về, bố mẹ Khánh, bố mẹ Hạnh lúc nào cũng đem Khánh ra để khoe với xóm làng làm Hạnh nhiều lúc thấy mình như là “chiếc bóng” của Khánh vậy. Hạnh tâm sự “Bực mình nhất là lúc đi nhậu với mấy đứa bạn ở quê, tụi nó đưa mình ra làm trò đùa : “Mời chị Hạnh uống với bọn anh một ly”.

Thứ hai :Trường hợp của anh Bính (Lâm Đồng) cũng tương tự.Anh Bính và chị Hồng (vợ Bính) học cùng lớp ở đại học. Sau khi ra trường, công việc của Hồng ngày càng “phất” lên, từ trưởng phòng rồi lên Phó giám đốc. Còn việc của Bính thì ngày càng khó khăn, rồi anh thất nghiệp. Thấy Bính cứ ru rú trong nhà, Hồng tạo điều kiện cho Bính ra ngoài gặp gỡ bạn bè. Gặp tụi bạn, nỗi đau của Bính lại bị đụng chạm : “Sếp đã cho phép đi nhậu chưa ? Sếp có cho tiền đi nhậu không vậy ?” Và cứ thế, Bính càng ngày càng bẳn tính với vợ con. Tự cô lập hóa mình với mọi người.

 

Hệ lụy của tình trạng khi vợ là “sếp”, theo hai ông chồng khác là :

Người thứ nhất, ở quận 10 tp.HCM cho biết “Từ ngày vợ được đề bạt lên làm Giám đốc, tuần nào cũng gặp đối tác, về muộn vài ba lần; về nhà lại mang theo tài liệu, văn bản để xử lý nên thời gian nàng dành cho chồng con càng ít dần. Có nhiều lúc, mình thấy vợ như là ngừoi ở trọ trong gia đình mình vậy !” (Bđd, tr. 37)

Người thứ hai, ở quận Bình Thạnh tp.HCM tâm sự : “Trước đây, mình có biết nấu ăn gì đâu. Từ ngày vợ lên sếp thì phải nấu ăn và làm một số việc nội trợ. Việc này dần cũng sẽ quen nhưng điều mình và mấy đứa con mong ước là bữa cơm gia đình được đông đủ – điều mà từ ngày vợ tôi lên sếp chỉ tính được trên đầu ngón tay”.(Bđd,tr.37)

Người chồng thứ ba có vợ là “sếp” lại khác: Chị Q.Trâm biết chồng mình là anh Nguyên không quen việc nhà, nên chị đã thuê một Ôsin. Nhưng việc chị thường ít về dùng cơm tối với gia đình đã kéo theo một hệ lụy khác : Anh cũng hay gặp gỡ, lai rai với bạn bè. Tội nghiệp mấy đứa con, lúc nào cũng thấy cô đơn, bơ-vơ-ngay-trong-tổ-ấm-gia-đình-mình.” (Bđd,tr.37)

 

Phụ Nữ Lao Động Cũng Say Xỉn

 

Trước tình trạng bế tắc của xã hội, những bất ổn trong cuộc sống, những phiền hà trong cách quản lý xã hội, nhất là về mặt Hành chánh. Đến nỗi ngay từ những năm đầu khi CS tiến chiếm miền Nam, báo chí của chế độ cũng phải nói rằng : Hành chánh hay “hành dân” là chính ? Lề thói làm việc của các cơ quan công quyền , cũng như về tác phong, thái độ hống hách, quan liêu của cán bộ, nhân viên tại các nơi này, đã gây bất mãn trong dân chúng khi có việc phải đến các “cửa quan” này. Tờ báo Lao Động Chủ nhật số 34/91 ngày 8/9/1991, mục “Nói hay Đừng” viết (tác phong và thái độ của cán bộ, nhân viên) chính là “đầu nguồn của sự mất lòng dân”.Đến nay, sau 34 năm, những vấn đề này vẫn còn đó. Người dân bình thường đến những “cửa quan” là một cực hình. Cho nên nó tác động rất lớn đến tâm lý người dân. Cái khổ tinh thần không có gì bù đắp vào được ở những thành phần dân chúng lao động, dẫn đến nhiều hệ lụy khác, nhiều nỗi khổ khác. Người trầm cảm sẽ đi tới tâm thần, người mạnh mẽ tìm đến hơi men. Đó là cách phản kháng của đông đảo giới thanh niên, phụ nữ mà người làm cha mẹ không một ai là không thấy âu lo cho chồng cho con khi họ vướng phải tệ nạn rượu.Tại miền Nam, còn một thực tế khác mà có lẽ người ta “sợ” nên không ai muốn nói đến, đó là từ hạ tầng cơ sở về cơ cấu hành chánh, như phường, khóm đến các cơ quan, ban ngành, công ty, tổng công ty, xí nghiệp v.v…ở đâu người ta cũng thấy cán bộ miền Bắc có mặt. Họ là trưởng phòng, phó giám đốc, giám đốc, là bí thư chi bộ đảng. Miền Nam không thiếu người, mà còn rất thừa nên mới có tình trạng ngày cũng như đêm, tại các quán cà-phê, lúc nào và giờ nào cũng đầy thanh niên vào đó để tiêu phí thời giờ ! Việc đưa cán bộ người Bắc vào miền Nam không có biện minh nào khác ngoài ý đồ khống chế họ về lâu về dài.Những ông chồng trẻ trong bài báo trên tờ CGvDT trên đây có vợ là sếp, không có việc làm, có là chứng từ cho tình trạng họ bị nhìn bằng con mắt giai cấp, nên phải đứng bên lề xã hội, ngay cả bên lề cuộc sống của chính gia đình họ ?!

*Điều đáng nói hiện nay là chẳng những phái đẹp tập tành ăn chơi, mà đến các cô lao động buôn gánh bán bưng cũng nhậu. Có dịp đi ngang qua một dãy quán cóc dưới chân cầu xa lộ (đường Điện Biên Phủ), bạn sẽ chứng kiến gần một tiểu đội nữ, già có, trẻ có đang “trực chỉ” vài khô mực cùng xị rượu “ tắc kè” từ xế chiều đến sẩm tối…Trong số họ có người bán vé số, kẻ bán bưng cóc ổi…tụ tập sau một ngày buôn bán ế ẩm, mệt nhoài. Hoặc cứ vào sâu trong con hẻm cuối cùng Phan Văn Hân, phường 15 Bình Thạnh, để đến xóm rau muống nổi tiếng có nhiều “ hũ chìm nữ”, cứ nhậu vào là ca hát, múa may quay cuồng…mặc cho con cái đói rách, kêu khóc Có thể nói, ở các xóm, hẻm lao động, giới nữ uống rượu đến kinh khủng ! Ở hẻm “khăn đen suối đờn” (Bình Thạnh) không ai không biết M.T một cô gái có nét lai Mỹ, cha lấy vợ khác, mẹ có người tình “nhí”, không biết từ bao giờ, T. đã nghiện rượu nặng, mỗi ngày một cữ, ít nhất cũng phải hai xị rượu trắng. Có điều không chỉ uống để quên đời, T. còn ép người yêu uống đến ngã gục rồi đổ rượu vào mũi, châm thuốc vào môi, tỉnh dậy lại buộc uống tiếp. Nhiều chàng đã phải “dông” lẹ vì không chịu nổi ngón nhậu “độc địa” của T. Đó là khi rượu cạn, tiền hết, cô thường dùng dao bấm Thái Lan, hoặc mười móng tay nhọn của mình rạch ngang dọc trên lưng người tình đến ứa máu cho đỡ cơn ghiền. Còn ở quán bà Chín trên đường Phan Văn Trị (Bình Thạnh), sáng nào cũng có bốn năm phụ nữ, ngắt bớt tiền chợ, lén con cháu ghé qua quán “ực” một ly nhỏ rượu trắng rồi mới đi mà chẳng cần mồi miếc gì cả cho đúng kiểu chơi của dân nhậu thứ thiệt.

*Có không ít bạn gái hiện nay quan niệm : phải biết uống bia, rượu, hút thuốc như là một trong các tiêu chuẩn của người phụ nữ hiện đại, và họ tập tành theo lối sống gấp, thời thương.” (Theo Kim Thịnh, Tuổi Trẻ ngày 19-10-1991)

 

Kết Luận

 

Từ khi Đảng CSVN đổi mới vào năm 1986, vị trí của người đàn bà đã thay đổi. Họ “nổi” lên một cách nhanh chóng, hầu như làm lu mờ cánh đàn ông. Theo lý của Dịch, thì đây là điều không tốt, nó không bình thường. Chẳng phải khi một người đi khám bệnh, chụp X.quang, hay nội soi một bộ phận nào đó trong người, nếu kết quả được ghi là “âm tính”, thì hẳn là người ấy sẽ rất lo âu vì đó là việc nói cho biết mình có bệnh. “Âm thịnh” thì “dương suy” hay ngược lại, đó là lẽ thường. Ngày nay, Việt Nam đã đổi mới hơn 20 năm,những vấn đề về nữ giới đã nổi cộm lên trên các trang báo. Nào là đi làm việc ở nước ngoài, gọi là “lao động hợp tác”, nhưng không ít người bị dối gạt, làm công việc tạp dịch trong nhà, bị đối xử không tốt; nào là lấy chồng Đài Loan, Đại Hàn, Malaysia, Trung Quốc v.v…, bị đem ra trưng bày toàn thân không mảnh vải trên người để cho mấy ông ngoại kiều trên đây ngắm nghía và lựa chọn, một sự lựa chọn biểu hiện tính chất duy vật, chọn cái bề ngoài chứ không chọn cái “đẹp” của tâm hồn. Như vậy, thời gian sẽ phai nhòa cái hình thể bên ngoài này, sau đó thì người đàn bà chỉ còn như cái giẻ rách trước mặt những kẻ háo sắc ! Một số cũng không nhỏ bị đẩy vào nhà điếm, có trường hợp họ phải tìm cái chết vì không lối thoát, các công ty môi giới của CSVN sau khi thu vào một khoản tiền không nhỏ, đã phủi tay, vô trách nhiệm, “đem con bỏ chợ”.Đây là một hình thức của tình trạng buôn bán nô lệ.Khổ một nỗi, những nỗi đau này một phần do chính gia đình không được biết cảnh gian truân khi chấp thuận đẩy con gái của mình đi đến xứ sở người, chỉ vì bị những kẻ vô lương tâm môi giới lừa gạt về một sự “đổi đời”. Những trường hợp này đều xuất đi từ nông thôn nghèo đói. Một số thiếu nữ không lấy chồng nước ngoài, thì được làm công nhân tại các công ty liên doanh, do người nước ngoài quản lý. Tại đây, họ cũng bị đánh đập, bị bóc lột sức lao động, bị quản lý ngay cả giờ giấc trong việc đi vệ sinh, không có chính sách khi người phụ nữ có thai nghén. Việc liên tục công nhân đình công tại các công ty này, đòi chủ nhân tăng lương hay đòi được đối xử tốt hơn, là một minh chứng cho những bất hạnh của họ.Trong lúc đó, đại diện phía Việt Nam lại ngậm miệng, không muốn bênh vực công nhân của mình, vì sợ làm mất lòng chủ nhân.

Một số thiếu nữ khác, bỏ nông thôn lên thành phố tìm việc làm. Có người giữ được đức hạnh, khiến dân thành phố phải nể và mến thương họ, vì họ còn giữ được lễ giáo và đạo đức truyền thống. Nhưng cũng có một số không nhỏ đã tìm thú vui và cần tiền để tiêu xài cũng có mà để giúp gia đình cũng có, nên chấp nhận làm thân phận nô lệ tình dục cho người nước ngoài cũng như cho cánh đàn ông có tiền, có chức quyền.

Trong khi đó, về phía chính quyền CS, qua một số cơ quan, đoàn thể đã liên tục tổ chức những cuộc thi hoa hậu, duyên dáng, thanh lịch, thời trang, khỏe đẹp, và mới đây cuộc thi hoa hậu đẹp và thành đạt, gồm thành phần đã có gia đình, tuổi từ 38, 40,50.Đấy là cách quảng cáo và kinh doanh phụ nữ, nhằm đề cao người phụ nữ ngoài xã hội.Còn thành phần thiếu nữ, họ cũng triệt để lợi dụng những cơ hội ấy như một lối thoát duy nhất , một cuộc “đổi đời” mau lẹ nếu lọt được vào mắt của một ai đó. Điều này không chỉ thu hút một số người tại các thành phố, nó còn lan tỏa xuống các vùng nông thôn nữa.Cho nên, người thiếu nữ ở nông thôn đã tìm nhiều cách để từ giã mảnh vườn, xóm làng dấn thân vào cuộc sống thành phố đầy cạm bẫy và bất trắc, với hy vọng có được một cuộc sống có ý nghĩa hoặc để được “như-người-ta”. Tất nhiên cuộc thoát ly nào xa nguồn cội của mình cũng có nhiều nguyên nhân, nhiều nỗi đắng cay và nghiệt ngã. Đó cũng là lý do không phải người thiếu nữ hay người đàn bà nào cũng có thể thoát ly được, cũng có thể dấn thân vào cuộc đời mới.

Tuy nhiên một số rất lớn trong nữ giới hiện nay, hầu hết đều mắc phải cái tật chưng diện quá lố, kệch cỡm và đôi khi gây ác cảm trong xã hội, nhất là người có tuổi. Sự chưng diện có khi lôi kéo theo cả con em của họ còn ở tuổi học sinh. Có nhiều cô gái đi làm, tiền lương hàng tháng không đủ cho may mặc, trang điểm phấn son; một số khác đã có 2,3 con mà không chịu làm gì cả, lại còn kiểu cách trong lối may sắm quần áo như “Việt kiều”, trong khi người chồng chỉ là một người làm công ở cơ sở tư nhân, lúc có việc lúc không; lại có những phụ nữ làm những việc tay chân, hay những bà nội trợ, buôn bán nhỏ trong ngõ hẻm, cũng đua đòi trang điểm móng tay móng chân lòe loẹt loại rẻ tiền. Âu cũng là một cách biểu hiện tâm lý đua đòi, bắt chước và muốn được xã hội nhận ra mình là “đàn bà”, cho dù đấy là sự hoang phí, một sự tiêu pha không cần thiết. Đấy cũng còn là một nếp sống xa nguồn cội, chỉ chú trọng thân xác mà không quan tâm tới việc trau dồi đức hạnh.

Ngày 31-8-2009
(Kỳ tới : Hai thế hệ cha và con trong gia đình)
Khải Triều

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.