“Trong thời gian Đức Giê-su ở Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ Vượt Qua, đám người lên chầu lễ đã có lắm kẻ tin vào danh Ngài, bởi họ được chứng kiến các dấu lạ Ngài làm. Nhưng Đức Giê-su không tín nhiệm họ, vì Ngài biết họ hết thảy, và không cần phải có ai tuyên chứng về người ta, vì chính Ngài, Ngài đã biết có gì nơi con người ta” (Ga 2,23-25). Cụ thể, một chuyện nghịch lý đã diễn ra trong Bài đọc I và Bài Tin Mừng :
v Bài đọc I : Toàn dân Do-thái thuộc mọi giai cấp từ vị vọng đến cùng đinh, đều lớn tiếng quyết liệt khẳng định với ông Gio-suê người đang lãnh đạo dân : “Chúng tôi không hề có ý lìa xa Thiên Chúa để phụng thờ các thần khác, vì Đức Chúa đã đưa chúng tôi thoát khỏi kiếp nô lệ người Ai-cập, lại còn thi thố nhiều dấu lạ lớn lao, luôn gìn giữ chúng tôi suốt những con đường chúng tôi đi” (Gs 24,16-17).
v Thế mà trong Tin Mừng, cũng đoàn lũ dân tộc ấy lại chê bai Đức Giê-su ăn nói thiếu văn hóa, thô lỗ tục tằn, vì Ngài đã bảo họ : “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống đời đời”. Ngài nói thế là chọc vào tai người ta, ai mà chấp nhận được, họ tuốn đến với Ngài để mong có bánh ăn no bụng, mọi bệnh tật của họ được chữa lành, chứ đâu phải đến nghe Ngài nói bậy bạ! Thế là toàn dân, cả nhiều môn đệ Đức Giê-su cũng “bái bai”Ngài, họ quay lưng đi hết! Đức Giê-su nhìn thấy cảnh trớ trêu bội bạc ấy, Ngài không hề hối hận vì đã nói sự thật cho họ, Ngài còn thách cả Nhóm Mười Hai : “Kìa người ta lũ lượt kéo nhau đi hết rồi, cả anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” (Ga 6,67) Rất may, lúc đó ông Phê-rô đại diện cho Nhóm Mười Hai lên tiếng thưa : “Bỏ Thầy chúng con biết theo ai ? Thầy mới có những Lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68).
Chúng ta lưu ý điểm đặc biệt trong trình thuật hóa bánh để diễn tả mầu nhiệm Thánh Thể trong Gio-an chương 6 : Phê-rô đã đại diện cho anh em tuyên xưng đức tin về giá trị Lời là đỉnh cao, kết thúc diễn từ về mầu nhiệm Thánh Thể. Trong các bài giảng của Đức Giê-su, thì bài giảng về mầu nhiệm Thánh Thể dài nhất, nhưng xem ra thất bại nhất, vì chưa hề bao giờ dân chê Ngài giảng và hết thảy bỏ đi như vậy. Mặc dù Đức Giê-su đã hết lời xác nhận về xuất xứ Thần lương của Ngài ban cho họ và diễn tả chất bổ dưỡng cũng như hiệu quả Bánh của Ngài trong cương lãnh là Tân Lang tặng quà cho Tân Nương. Ngài dùng bốn cụm từ để diễn tả :
GIÊ-SU LÀ BÁNH
– Bánh (Ta) bởi Trời (9 lần, các câu :31,32,33,38,41,42,50,51,58.
– Bánh sự sống (để khỏi chết) chính là Ta (3 lần, các câu : 35,48,50).
– Bánh của Thiên Chúa chính là Ta (1 lần, câu 33).
– Bánh là thịt máu Ta (6 lần, các câu : 51,52,53,54,55,56).
BAN SỰ SỐNG
– Lưu lại sự sống đời đời (không chết) [6 lần, các câu 27,40,47,50,54,58)].
– Ban sự sống cho thế gian (2 lần, các câu : 33,51).
– Không ai còn phải đói khát (1 lần, câu 35).
– Sống lại trong ngày sau hết (4 lần, các câu : 39,40,44,54).
Vậy trong mầu nhiệm Thánh Thể, Chúa Giê-su nhấn mạnh và đề cao giá trị Bánh của Ngài ban ; còn Hội Thánh (Phê-rô đại diện) nhấn mạnh và đề cao giá trị Lời của Chúa Giê-su ban. Chỉ có Bánh và Lời của Chúa Giê-su đem lại cho ta sự sống đời đời.
Chính nhờ Bánh và Lời liên kết ta lại với Đức Ki-tô bất khả phân ly, giống y như sự bất khả phân ly của Bí tích Hôn Nhân, nhờ hai sợi dây Giao Ước và Trao Thân cho nhau trói chặt đôi vợ chồng lại, chỉ có thần chết mới tháo cởi cho họ được. Bởi đó mà Phụng Vụ hôm nay Hội Thánh cho chúng ta đọc lại nền tảng giáo lý Hôn Nhân, cũng như sứ mệnh của đôi bạn sống Bí tích Hôn Phối : “Chồng yêu vợ như Đức Ki-tô yêu Hội Thánh, và Hội Thánh tùng phục Đức Ki-tô thế nào thì người vợ cũng phải tùng phục chồng mình y như vậy” (Ep 5,21-32 : Bài đọc II). Vậy đời sống vợ chồng sống ơn gọi của Bí tích Hôn Nhân là : Gia đình Công giáo diễn tả Hội Thánh Chúa Ki-tô lữ hành. Nói cách khác, khi vợ chồng đã ký giao ước Hôn Nhân và trao thân cho nhau, thì hôn nhân đó thực sự là Hôn Nhân hoàn hợp, bất khả phân ly (x Giáo Luật số 1061). Chúa đã quyết định như vậy, thì nơi loài người, dù cao cả như Đức thánh Pha Pha cũng phải bó tay, không có quyền tháo gỡ ! (x Mt 19,5). Như thế, cô cậu chưa thể được gọi là vợ chồng, khi thiếu một trong hai điều kiện : Giao ước và trao thân cho nhau. Cũng thế, ta được gọi là Tân Nương của Tân Lang Giê-su (x Ga 3,29 ; 2Cr 11,2) trong Bí tích Thánh Tẩy. Nhưng đó mới chỉ là lễ Đính hôn Chúa và ta mới cùng lập Giao ước với nhau. Để ta trở nên Hiền Thê thực thụ của Tân Lang Giê-su, không bao giờ Ngài rẫy từ ta được nữa, Ngài mời gọi ta đến dự tiệc Thánh của Ngài một cách trọn vẹn, để Ngài trao thân cho ta và ta trao thân cho Ngài, có thế cuộc “Hôn Nhân” giữa Chúa và ta mới “thực sự hoàn hợp”, bất khả phân ly. Nhất là Tân Lang Giê-su không bao giờ Ngài chết nữa, thì làm sao “Hôn Phối” giữa Ngài với ta, quyền lực nào có thể tháo gỡ ?! Và như vậy ta nắm chắc mình được Chúa cứu độ cách vĩnh viễn. Ngày nay, rất nhiều người Ki-tô hữu không ý thức giá trị được kết hợp với Chúa Giê-su Thánh Thể, đó là cách làm cho Ngài nhục nhất, thái độ hững hờ của dân Chúa như thế, đã khởi đi từ lúc dân Do-thái được Chúa thiết tha mời gọi họ ăn thịt và máu của Ngài, cả đoàn lũ dân chúng cũng như nhiều môn đệ, chê bai Ngài ăn nói sống sượng rồi quay gót bỏ đi hết, chắc chắn là họ đi theo Giu-đa để tìm tiền kiếm của. Mà thực, vì ngay khi Chúa Giê-su thấy dân bỏ đi, Ngài nói ngay về Giu-đa, con của Si-mon Iscariot : “Hắn là quỷ sứ, hắn đi kiếm 30$ để nộp Thầy Giê-su” (x Ga 6, 69-71).
Chúng ta hãy cầu nguyện : “Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy. Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Chúa, câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi, linh hồn tôi hãnh diện vì Chúa, xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên” (Tv 34/33, 2-3 : Đáp ca).
THUỘC LÒNG.
Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về, như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ ! (Is 62,5)
Lm Đinh Quang Thịnh
Views: 0