Bây giờ ở hải ngoại, gần như người Việt chống cộng nào cũng thuộc bài thơ hay bài hịch được nói là của Lý Thường Kiệt và coi đó như là khuôn vàng thước ngọc để đánh đuổi quân Tàu. Bài thơ hay bài hịch đó như sau:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Được dịch là:
Sông núi nước Nam vua Nam ở,
Rành rành định phận tại sách trời.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
Vì ít đọc sử, nhiều người tin rằng nhờ bài thơ hay bài hịch đó, Lý Thường Kiệt đã đánh thắng quân Tống, nên ngày nay ta cũng phải dùng bài thơ hay bài hịch đó để cho bọn bá quyền Trung Quốc “một bài học”. Nhưng sự thật không phải thế. Lịch sử cho thấy dưới thời nhà Lý, các vua nhà Lý và Lý Thường Kiệt đã phải chiến đấu rất vất vã và ngoại giao rất khôn khéo mới bảo vệ được đất nước.
ĐÁNH VÀ HOÀ VỚI NHÀ TỐNG
Lý Thường Kiệt (1019–1105) tên thật là Ngô Tuấn, làm tướng thời Lý Thái Tông và Lý Thánh Tông, và làm Phụ chính thời Lý Nhân Tông. Ông là một danh tướng có công đánh và chống lại quân nhà Tống từ 1075 đến 1077, và đã tấn công Chiêm Thành năm 1069, truy đuổi và bắt được vua Chiêm Thành là Chế Củ.
Sử chép rằng dười thời vua Lý Nhân Tông (1072 – 1127) quan Tống là Lưu Gi gây khó khăn cho người Giao Chỉ ở biên giới, vua Lý gởi thư qua hỏi Tống triều, quan Lưu Gi giữ lại không cho đệ về kinh. Vua Lý Nhân Tông liền sai Lý Thường Kiệt và Tôn Đản đem quân đi đánh.
Năm Ất Mão (1075) Lý Thường Kiệt đem quân qua vây Khâm Châu và Liêm Châu (thuộc Quảng Đông), còn Tôn Đản đem quân đi đánh Ung Châu. Lý Thường Kiệt và Tôn Đản giết đến 10 vạn (100.000) người (?), bắt người và lấy của đưa về.
Năm 1076, quân Tống đem đại binh qua nước ta chinh phạt, vua Lý lại sai Lý Thường Kiệt đem quân ra chận quân Tống ở sông Như Nguyện (hạ lưu sông Cầu). Quân Tàu chặt gỗ làm máy bắn đá sang như mưa, thuyền của ta bị thủng rất nhiều, quân sĩ chết mấy ngàn người. Lý Thường Kiệt hết sức chống giữ nhưng sợ quân ta ngã lòng, nên sai người vào đền thờ anh em Trương Hống và Trương Hát (tướng của Triệu Việt Vương) phổ biến bốn câu thơ nói trên và nói do một vị thần ban cho.
Sách “Lĩnh Nam Trích Quái” cho biết bài thơ này không phải của Lý Thường Kiệt. Bài thơ đó đã được sáng tác từ thời Tiền Lê và đã được Lê Hoàn, tức vua Lê Đại Hành (980 – 1005) vận dụng để dánh quân nhà Tống trước đó rồi.
Vua Lý Nhân Tông thấy quân ta không giải vây địch được, trước hơn 80.000, sau chết hơn một nữa, nên quyết định thương lượng xin bãi binh.
CÁC CUỘC THƯƠNG LƯỢNG GAY CẤN
Sở dĩ nước ta nhỏ bé sống bên nước Tàu vĩ đại, “sông liền sông, núi liền núi”, mà không bị biến mất như Tây Tạng, Tân Cương hay Mãn Châu vì các lý do chính sau đây: Lý do thứ nhất là vì vùng Bắc Việt ngày xưa được coi như là một vùng sơn lam chướng khí, người Tàu đến đây không hợp thủy thổ, bị chết rất nhiều vì các chứng bệnh thổ tả, kiết lỵ, số rét v.v. Do đó, quan và quân Tàu không ở đây lâu được. Lý do thứ hai là các triều đại của Tàu thay đổi hoài, nên chủ trương cũng thay đổi. Lý do thứ ba là cha ông ta rất kiên cường, nhưng cũng rất khôn khéo, biết khi cương khi nhu, nên đã đối phó được với Tàu. Nếu cha ông chúng ta lúc nào cũng thích “biểu dương khí thế” như Chiêm Thành, nước Nam cũng đã mất từ lâu rồi.
Chúng tôi xin ghi lại dưới đây các cuộc thương lượng rất gay cấn giữa nhà Lý với nhà Tống như những bài học lịch sử để người đời sau có thể rút kinh nghiệm.
1.- Đòi Lôi Hỏa và Kế Thành
Đời vua Lý Thánh Tông (1054 – 1072), động Lôi Hỏa ở phía tây Cao Bằng được giao cho một tù trưởng người Nùng cai trị, đó là Nùng Tông Đản. Năm 1057, nhân một lúc cao hứng, Nùng Tông Đản đã đem quân qua quấy phá vùng Ung châu của Trung Quốc. Thay vì đánh dẹp quân của Nùng Tông Đản, Trung Quốc đã dụ viên tù trưởng này ly khai khỏi Đại Việt và bổ anh ta coi hai vùng Lôi Hỏa và Kế Thành của Đại Việt và biến vùng này thành đất của Trung Hoa với cái tên mới là châu Thuận An. Bỗng dưng ta bị mất một phần đất!
Vua Lý Thánh Tông sai sứ thần Lê Thuận Tông qua Trung Quốc xin lại phần đất này. Sứ thần Lê Thuận Tông đến Quế Châu gặp quan nhà Tống là Lục Sẵn nhờ tâu lên vua Tống xin trả lại đất. Vua Tống hỏi ý kiên đình thần. Tể Tướng Hàn Kỷ đã tâu như sau: “Xứ Giao Châu rừng núi hiểm trở, khí hậu ẩm độc. Nếu có lấy cũng không giữ được. Chỉ nên vỗ về mà thôi”. Vua Tống liền truyền trả lại hai vùng nói trên cho vua Lý.
2.- Dùng biện sĩ để bàn hoà
Như đã nói ở trước, sau khi Lý Thường Kiệt và Tôn Đản kéo quân qua đánh phá châu Khâm, châu Liêm và Ung châu của Tàu, vua Tống Thần Tông đã sai Quách Quỳ và Triệu Tiết đem quân đánh trả đủa. Quách Quỳ kéo đại binh đến bờ bên kia sông Như Nguyệt, cách kinh đô Thăng Long chỉ khoảng 30 cây số. Quân của Lý kéo tới chận bên này sông, không cho quân Tàu tràn qua. Đại quân của Tàu có khoảng 100.000 binh lính và 200.000 phu, tuy rất mạnh nhưng vì gặp chướng khí và thiếu lương thực nên chỉ sau một thời gian đã chết đến một nữa, phần còn lại đa số đều gầy yếu xanh xao. Tuy thế, khi quân Lý Thường Kiệt mở cuộc tấn công vào Kháo Túc, quân Tàu đã chống cự rất quyết liệt, quân Lý bị thiệt mất hai hoàng tử là Hoàng Chân và Chiêu Văn.
Thấy địch khó thắng được ta vì không hạp thủy thổ và lương thực tiếp tế thiếu hụt, còn ta khó chống lại địch vì thực lực không bằng địch, và nếu quân Tống bị bại trận này, vua Tống có thể cử đại binh khác qua chinh phạt, nên Lý Thường Kiệt tâu với triều đình rằng “dùng biện sĩ để bàn hòa, không nhọc lòng tướng tá, khỏi tốn máu xương mà bảo an được tông miếu.” Vua Lý Nhân Tông đồng ý, sai Kiều Văn Ứng là quan giữ chức Văn Tư Sứ, có tài biện luận và thuyết phục, đến gặp Quách Quỳ để xin hòa.
Kiều Văn Ứng đã nói với Quách Quỳ rằng việc quân Việt kéo qua quấy phá châu Khâm và châu Liêm của đại quốc là do sự xúi biểu của người Tống là Từ Bá Tường chứ không phải chủ trương của vua Đại Việt. Vậy nếu đại quốc bằng lòng lui binh, nước Đại Việt sẽ cử sứ sang tạ lỗi và xin tiếp tục nộp cống như xưa.
Mặc dầu Kiều Văn Ứng xuống nước như vậy, Quách Quỳ nghĩ rằng mình là Tướng đem đại quân đi trừng phạt nước Việt, chưa làm được gì cả mà đã thiệt mất nữa quân số, nay nếu rút lui như thế này thì coi như bị thua trận, chắc chắn sẽ không khỏi bị triều đình trừng phạt. Do đó, Quách Quỳ không đồng ý.
Kiều Văn Ứng về trình lại, Lý Thường Kiệt liền sai Kiều Văn Ứng qua thương thuyết lần thứ hai, đưa điều kiện mới cho Quách Quỳ: “Nơi nào quân Tống đã chiếm, coi nơi đó như đất Tống.” Tuy nói như vậy, nhưng Lý Thường Kiệt thừa biết rằng Quách Quỳ không thể ở Đại Việt lâu được vì thủy thổ không hợp, quân sĩ sẽ chết lần mòn hết, nên thế nào cũng phải rút lui. Khi quân Tống rút lui thì đất Đại Việt lại trở về Đại Việt.
Quách Quỳ cũng hiểu như thế, nhưng với điều kiện mới này, Quách Quỳ có thể lui binh mà không bị mang tiếng là thua trận. Do đó, khi nghe Kiều Văn Ứng đưa ra điều kiện mới, Quách Quỳ đành chấp thuận, nhưng than: “Ta không đạp đổ được sào huyệt của giặc, bắt được Lý Càn Đức (tức Lý Nhân Tông) để bảo mệnh triều đình, đó là tại Trời. Thôi, ta đành chịu tội với triều đình để cứu hơn 10 vạn nhân mạng”.
Quách Quỳ tâu về triều đình, vua Tống chấp nhận điều kiện của vua Lý. Thế là đến đầu tháng 2 năm Đinh Tỵ (1077), chiến cuộc coi như chấm dứt.
3.- Chiến thuật vừa đánh vừa đàm
Khi quân của Quách Quỳ rút đến đâu thì quân nhà Lý tiếp thu đến đó. Nhưng quân Tống đã giữ lại 5 châu miền núi không chịu rút, đó là các châu Quảng Lang, Tư Lăng, Tô Mậu, Môn và Quảng Nguyên. Quân Tống quyết giữ hai châu Quảng Lang và Quang Nguyên vì đó là cửa khẩu đi vào châu Ung của Tàu. Ngoài ra, Quảng Nguyên lại còn là nơi có mỏ vàng. Nhà Tống ra quyết định đổi Quảng Nguyên thành châu Thuận An và nâng Quảng Lang lên thành huyện.
Trước tình trạng nói trên, Lý Thường Kiệt bất thần cho quân tiến vào chiếm Quảng Lang.
Nhưng Lý Thường Kiệt không dám đánh Quảng Nguyên vì nơi đó có đại binh của Tống đang giữ. Ông lại quyết định dùng ngoại giao để lấy lại Quảng Nguyên. Ông bàn với vua Lý Nhân Tông sai sứ thần Lý Kế Nguyên qua Ung châu thương lượng với quan Tàu là Triệu Tiết đang cai trị ở đây, nhờ xin trả lại Quảng Nguyên, hứa sẽ phóng thích hết các tù binh đang giam giữ và tiếp tục triều cống.
Triệu Tiết về triều xin yết kiến vua Tống và trình bày thỉnh nguyện của sứ giả Đại Việt. Vua Tống đã xuống chiếu như sau: “Giao Chỉ đã theo ta rồi. Nếu nó sai người tới bàn việc, hãy cho tới Quế Châu.” Tuy nhiên, vua Tống vẫn sợ quân Lý lại bất thần đánh Ung châu như đã đánh Quảng Lang, nên đã hỏi Triệu Tiết: “Giao Chỉ thuận nghịch như thế nào? Chúng sắp vào cống. Thế nào chúng cũng yêu cầu trả miền đã nhượng cho ta, ta nên trả lời nhanh hay chậm, cho chúng nhiều hay ít?”
Biết được sự lo sợ của Vua Tống, sứ thần Lý Kế Nguyên đến biên giới Việt – Hoa để trấn an và thương lượng với quan Tàu về việc xin lại đất. Lý Kế Nguyên khẳng định với Triệu Tiết rằng nước Đại Việt không theo đuổi mục tiêu quân sự, chỉ muốn sống hòa bình.
Quan Tàu lấy ấn tín vua Tàu đã phong cho vua Lý ra mà hiểu dụ rằng Lý Càn Đức (tức Lý Nhân Tông) phải trả lại nhân khẩu đã cướp, triều đình Tống mới cấp đất cho. Lý Kế Nguyên làm biểu của vua Lý dâng lên vua Tống nói rằng vua Lý chấp thuận điều kiện đó. Nhưng khi đọc biểu của vua Lý, Triệu Tiết thấy rằng trong đó có chỗ dùng chữ phạm húy nên không dám dâng. Lý Kế Nguyên phải trở về Thăng Long làm lại tờ biểu khác, bỏ chỗ phạm húy đó đi.
Đầu năm Mậu Ngọ (1078), vua Lý Nhân Tông lại sai sứ thần Đào Tông Nguyên qua Trung Quốc xin lại đất Quảng Nguyên và Quảng Lang. Sứ đem theo một tờ biểu và 5 con voi cống vua Tống. Biểu viết như sau:
“Tôi đã nhận được chiếu chỉ cho phép theo lệ tới cống y như lời tôi thỉnh cầu. Chiếu lại đã sai quan thuộc Ty An phủ định rõ cương giới và dặn tôi không được xâm phạm. Tôi đã vâng lời chỉ dụ. Nay sai người tới cống phương vật. Tôi xin triều đình trả lại các đất Quảng Nguyên và Quảng Lang.”
Triệu Tiết nhận biểu và tâu về vua Tống. Vua Tống ra chỉ dụ: “Hãy để sứ thần tới kinh rồi hãy phán xử về cương giới”. Tuy nhiên, vua Tống cũng ra lệnh đề phòng những hành động của người Việt. Vua đã phê vào biểu của vua Lý:
“Sứ Giao Châu tới kinh. Vì chúng mới đánh cướp đất ta nên phải đề phòng. Khi còn ở dọc đường cũng như khi tới kinh, hễ chúng ra vào phải cắt người giám thị. Vậy phải viết thư cho Ty Kinh Lượng Quảng Tây và các viên hộ tống phải mau mau báo cáo. Nếu dọc đường có xẩy ra việc gì, Ty Kinh Lược chưa kịp bẩm thì cứ việc mà thi hành”.
Vì phải dẫn đàn voi 5 con đi rất khó nhọc nên mãi đến ngày 2 tháng 9 năm Mậu Ngọ, tức 9 tháng sau, sứ thần Đào Tông Nguyên mới tới được kinh đô nước Tàu. Khi qua kinh Hồ Bắc, viên phụ trách chuyển vận sứ không có đủ phu hộ tống để đưa đàn voi qua, sứ Đào Tông Nguyên phải bỏ tiền ra thuê thêm phu phục dịch đàn voi.
Triệu Tiết khuyên vua Tống Thần Tông không nên trả lại hai châu cho nhà Lý cho đến khi vua Lý trả lại các tù binh và nhân khẩu đã bị bắt năm trước, nên vua Tống đã xuống chiếu cho vua Lý:
“Khanh đã được triều đình cho coi cỏi Nam Giao, đời đời ban vương tước, thế mà khanh đã bội đức, phụ mệnh tới cướp phá các biên thành, đã bỏ lòng trung thuận của cha ông, làm phiền quân triều đình phải đi chính phạt. Đến lúc quan quân vào trong cõi, thế bức bách rồi khanh mới quy hàng. Xét tội thì khanh càng đáng bị truất chức.
“Nay khanh đã sai sứ tới cống dâng lời kính cẩn. Xét rõ tư tình, Trẩm thấy khanh đã biết hối.
“Trẩm vỗ về vạn quốc không kể gần xa, nhưng khanh phải trả dân các châu Khâm, Ung mà khanh đã đưa đi xa làng mạc chúng. Đợi khi nào đưa chúng trở về hết, Trẫm sẽ lập tức lấy các châu Quảng Nguyên ban cho khanh”.
Đào Tông Nguyên thay mặt vua Lý xin hứa sẽ trả lại một nghìn quân và dân đã bắt ở ba châu Khâm, Liêm và Ung. Vua Tống lại đặt thêm một điều kiện mới là phải trừng phạt những kẻ cầm đầu đã gây ra các cuộc quấy phá. Vua Tống xuống chiếu như sau:
“Giao Chỉ quận vương Lý Càn Đức (tức Lý Nhân Tông) bằng lòng trả những người đã cướp ở ba châu Ung, Khâm, Liêm thì theo lời khanh đã xin, Trẩm đem các châu Quảng Nguyên và huyện Quảng Lang trả lại cho, nhưng phải đem các thủ lĩnh đã gây loạn đến biên giới xử”.
Biết được quân Tống sẽ không thể ở lại Quảng Nguyên lâu dài vì thời khí ở đây rất khắc nghiệt, quân Tống cứ đau ốm mà chết dần, nên Lý Thường Kiệt chỉ trả một ít tù binh và nhân khẩu mà thôi. Các tù nhân và nhân khẩu này đang bị giam tại Nghệ An.
Ngày 13 tháng 10 năm Kỷ Mùi (1078) các tù nhân được đưa đến Quảng Tây bằng thuyền. Để cho các tù nhân không biết họ đã bị giam giữ ở nơi nào, cách xa biên thùy Trung – Việt bao nhiêu dặm, các tù nhân được đưa lên các thuyền bịt kín, ở trong thắp đèn, để các tù nhân không biết ngày hay đêm. Mỗi ngày thuyền chỉ đi từ 10 đến 20 dặm rồi dừng lại. Thuyền đi mất mấy tháng mới tới Quảng Tây. Ty Kinh Lược Quảng Tây tâu lên vua Tống rằng Giao Chỉ đã trả 221 người. Đàn ông từ 15 tuổi trở lên đều có thích vào trán ba chữ “Thiên tử binh” (quân của Thiên tử). Một số người bị thích chữ “đầu Nam triều” (theo về với Nam triều). Đàn bà chỉ thích vào tay trái chữ “Quan khách”.
Vua Tống phê lên biểu của Ty Kinh Lược Quảng Tây: “Thuận châu là nơi lam chướng, dẫu được cũng không lợi ích gì, há nên dồn quân lính vào chỗ chết ư?”. Sau đó vua Tống truyền trả lại đất Quảng Nguyên cho vua Lý. Tuy nhiên, quan coi Ty Kinh Lược Quảng Tây đã giữ lại một số động và nói rằng đất đó trước đây thuộc Ung châu của Trung Quốc, rồi họ dồn 9929 người vào vùng này. Như vậy, mặc dầu đã đấu tranh rất căm go, một phần đất của nước Việt vẫn còn nằm trong tay của nhà Tống.
4.- Đi thỉnh Tạng kinh để cầu hoà
Năm Tân Dậu (1080), vua Lý lại đưa một phái đoàn gồm 156 người đến Trung Quốc để nạp cống đồng thời xin thỉnh Tạng kinh của Đức Phật. Phái đoàn do Dương Dũng Luật làm chánh sứ, còn Nguyễn Văn Bội làm phó sứ. Vua Lý Nhân Tông làm một tờ biểu dâng lên vua Tống như sau:
“Trước đây tôi có sai bọn Đào Tông Nguyên vào triều cống nhưng bị quan Quảng Châu cầm chế, ngăn cản nên các thú vật đem cống không cùng tới một luợt được. Nay tôi lại sai viên Lương Dũng Luật và Nguyễn Văn Bội đi thuyền tới cống. Xin giáng chỉ cho phép theo lệ mà vào kinh”.
Viên quan đang cai quản Quảng Tây lúc đó là Trương Hiệt đã tâu lên vua Tống rằng phái đoàn Giao Chỉ vào cống lên đến 156 người. Như vậy theo lệ cũ, thừa ra 56 người. Vua Tống Thần Tông truyền lệnh cứ cho vào, nhưng lần sau phải giữ lệ cũ là 100 người mà thôi. Sở dĩ phái đoàn Đại Việt đi đông như vậy là vì phải có đủ người mới thỉnh Tạng kinh được, vì bộ kinh này rất lớn.
Sứ bộ xin đi theo đường thủy là đường Kinh Hồ để vào kinh. Vua Tống thuận và sai một viên kinh hộ tống theo phái đoàn đi thỉnh Tạng kinh. Sau đó, vua Tống còn hạ chỉ cho các quan cai quản tỉnh Quảng Tây: “Từ nay, hể có chiếu cho An Nam thì sai Khâm Châu báo cho nước ấy, đợi họ sai người tới biên giới thì giao cho”.
Như vậy, nhờ tài ngoại giao khéo léo, nhà Lý đã lấy lại được các phần đất đã bị quân Tàu chiếm và thiết lập được bang giao thân thiện với Trung Quốc, chứ không phải chỉ đọc hịch và “biểu dương khí thế” mà có như nhiều người lầm tưởng.
CÓ VAY THÌ PHẢI CÓ TRẢ
Trên đây là một số bằng chứng về cách đòi đất của người xưa. Dưới thời đảng CSVN, mọi sự đã diễn biến khác hẵn.
Sau Hiệp Định Genève 1954, nhà cầm quyền CSVN cai trị miền Bắc một thời gian mới nhận ra rằng nếu không có miền Nam, miền Bắc không thể phát triển được, nên quyết định phải chiếm miền Nam bằng mọi giá. Muốn chiếm miền Nam, lại phải nhờ Trung Quốc và lệ thuộc vào Trung Quốc như trước đây chống Pháp.
Cuốn “Lịch Sử Kháng Chiến Chống Mỹ Cứu Nước 1954 – 1975” (Tập II, tr. 235) của Bộ Quốc Phòng Hà Nội cho biết sau khi thông qua Nghị Quyết 15 về “giải phóng Miền Nam” vào đấu tháng 5/1959, Đảng CSVN đã đem nghị quyết này đi trình các đảng Cộng Sản Liên Sô và Trung Quốc. Bí Thư Thường Trực đảng Cộng Sản Liên Sô là Kuxơnen nói:
“Đảng Cộng Sản Liên Sô không đồng tình với chủ trương của Nghị Quyết 15, phải củng cố miền Bắc, qua đó rồi thống nhất, không có chuyện vũ trang khởi nghĩa.”
Còn Trung Quốc thì sao? Tài liệu cho biết:
“Đặng Tiểu Bình đồng ý phương hướng chung của cách mạng miền Nam đã đề ra trong Nghị Quyết 15, nhưng nhấn mạnh: hoạt động vũ trang chỉ nên đến quy mô đại đội.”
Cũng như thời chống Pháp, Hà Nội đã tiếp nhận tối đa võ khí và tiếp liệu của Trung Quốc để chiếm miền Nam. Để đổi lại, Trung Quốc làm gì ở biên giới, Hà Nội cứ phớt lờ, coi như không có chuyện gì xẩy ra. Đảng CSVN tính toán rằng nếu chiếm được miền Nam mà có mất đi vài khu ở biên giới thì chẳng nghĩa lý gì! Mãi đến đầu năm 1979, khi Trung Quốc đem quân qua biên giới “dạy cho Việt Nam một bài học”, Hà Nội mới phản ứng, cho phát hành cùng một lúc ba tập sách, chửi Trung Quốc cạn tàu ráo máng:
(1) “Sự Thật Về Quan Hệ Việt Nam – Trung Quốc Trong 30 Năm Qua” (Bộ Ngoại Giao)
(2) “Phê Phán Chủ Nghĩa Bành Trướng và Bá Quyền Nước Lớn của Giới Cầm Quyền Phản Động Bắc Kinh” (Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam)
(3) “Vấn Đề Biên Giới Giữa Việt Nam và Trung Quốc” (Nhà xuất bản Sự Thật 1979)
Trong gần 10 năm trở lại đây, người Việt chống cộng ở hải ngoại đã thay nhau lớn tiếng chửi nhà cầm quyền CSVN “dâng đất, dâng biển” cho Trung Quốc, nhưng thường chỉ chửi đổng hay chửi khống (như Nam Quan của ta!), không thể nêu đích xác đất bị “dâng” ở chỗ nào. Nhờ tập thứ ba mà Hà Nội đã công bố, chúng ta mới biết được một cách chính xác Trung Quốc đã thật sự chiếm đất của Việt Nam ở những chỗ nào. Tập tài liệu này đã nói có sách, mách có chứng, Trung Quốc không thể cãi được. Một thí dụ cụ thể: Năm 1955, tại khu “Hữu Nghị Quan” (tức Ải Nam Quan):
– Trên tuyến đường sắt: Khi phục hồi đường sắt từ biên giới Việt – Trung đến Yên Viên (gần Hà Nội) cho Việt Nam, Trung Quốc đã đặt điểm nối rây giữa hai nước sâu vào lãnh thổ Việt Nam thêm 300m và coi đây là biên giới giữa hai nước!
Trên tuyến đường bộ: Trung Quốc cho ủi sập cột mốc biên giới số 18 trước Ải Nam Quan, cách ải này 100m, trên đường Quốc lộ 1, rồi đặt cột km số 0 của quốc lộ này vào sâu trên lãnh thổ Việt Nam 100m và coi đó là cột mốc biên giới giữa hai nước. Như vậy, theo Công Ước Thiên Tân, cột mốc biên giới chỉ cách Ải Nam Quan của Trung Quốc 100m, nhưng Trung Quốc đã sửa thành 200m!
Tài liệu cho biết từ 1974 đến 1978, Trung Quốc đã xâm phạm lãnh thổ Việt Nam tất cả 4333 vụ, chia ra như sau: 1974: 179 vụ, 1975: 294 vụ, 1976: 812 vụ, 1977: 873 vụ và 1978: 2175 vụ!
Ở hải ngoại, người Việt chống cộng có hàng chục ngàn chuyên viên chửi Cộng Sản ngày đêm bằng đủ 36 kiểu, không thiếu kiểu nào, nhưng nếu so với những lời CSVN chửi CSTQ trong ba tập tài liệu nói trên, chúng ta thấy những lời chửi bới của người Việt chống cộng chẳng nghĩa lý gì. CSVN còn xài cả “hịch” và nói đó là “Hịch Tướng Sĩ” của Vua Quang Trung đọc ở Thanh Hoá để doạ Trung Quốc, nhưng không cho biết hịch đó đã trích ở tài liệu nào. Hịch đó như sau:
“Đánh cho nó chích luân bất phản,
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn,
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.”
Có nghĩa là:
Đánh cho không một chiếc xe nào trở về,
Đánh cho không còn một mảnh giáp,
Đánh cho chúng biết rằng nước Nam anh hùng là có chủ”.
Tuy nhiên, sau khi “biểu dương khí thế” long trời lỡ đất như vậy, Hà Nội nhận ra rằng Trung Quốc không hề bị rụng sợi lông chân nào. Trái lại, Trung Quốc đã cho công bố một tập tài liệu có nhan đề “Ghi chép thực về việc đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp”, viết rất lịch sự và nhẹ nhàng, ngầm cho thế giới biết rằng không có Trung Quốc không có Quân Đội Nhân Dân Việt Nam có tổ chức và mạnh, không có chiến thắng Điện Biên Phủ…, làm đảng CSVN đau diếng.
Ngày nay, CSVN đã thấm đòn về chuyện bám vào “hậu phương đáng tin cậy” Trung Quốc để xâm lược, hết tự nhận là “đỉnh cao của trí tuệ loài người”, từ bỏ thói quen “biểu dương khí thế” và bắt đầu học bài học lịch sử của cha ông. Trong cuộc phỏng vấn của đài BBC ngày 19.1.2009, Đại Sứ Lê Công Phụng ở Washington DC đã nói: “Trung Quốc ngày càng lớn mạnh thì Việt Nam càng phải học cách sống chung, nhưng phải không ngừng làm quan hệ với Trung Quốc tốt đẹp trong sự tôn trọng lẫn nhau.”
Nhiều nhà phân tích cho rằng Hà Nội khó thoát khỏi cánh tay của Bắc Kinh, nhưng rồi sẽ chẳng có chuyện gì quan trọng xẩy ra trong lúc này vì hai bên vẫn phải bám vào nhau thành cái thế liên hoàn để bảo vệ tàn dư của chế độ cộng sản còn lại.
Lữ Giang
(Ngày 17.8.2009)
Views: 0