Uncategorized

Giáo dân làm gốc

 Tác giả Trịnh Nhất Định, đã có những đóng góp ý kiến xây dựng với những nhận định và đề nghị quý báu trong bài viết “Làm thế nào để trở thành linh mục tuyệt vời cho Giáo hội Công Giáo Việt Nam ngày nay?”(dunglac.org).

Tác giả đóng góp ý kiến về 4 vấn đề:

 Tác giả Trịnh Nhất Định, đã có những đóng góp ý kiến xây dựng với những nhận định và đề nghị quý báu trong bài viết “Làm thế nào để trở thành linh mục tuyệt vời cho Giáo hội Công Giáo Việt Nam ngày nay?”(dunglac.org).

Tác giả đóng góp ý kiến về 4 vấn đề:

– Làm thế nào để các bài giảng của các linh mục Việt Nam ngày chủ nhật có chất lượng cao hơn.

– Làm thế nào để các bài viết của các linh mục Việt Nam trên các website đây đó được sâu sắc hơn.

– Làm thế nào để các lời phát biểu về những vấn đề đạo-đời của các linh mục Việt Nam ở những nơi công cộng, ở các bàn hội nghị thể hiện được đầy đủ bản chất công bằng và bác ái, công lý và hòa bình của Đạo Công giáo toàn cầu nhưng bằng cách diễn đạt mang đậm nét văn hóa Việt Nam. đầy hiền hòa, nhẹ nhàng và tế nhị nhưng lại rất hữu hiệu…trong mọi hoàn cảnh.

– Làm thế nào để các linh mục Việt Nam ngày nay sống vững vàng và sâu sắc hơn đời sống linh mục của mình giữa lòng dân tộc.

 

Để giải quyết 4 vấn đề: nâng cao chất lượng bài giảng, nâng cao sự sâu sắc của bài viết, nâng cao chất đạo của các lời phát biểu và nâng cao sự vững vàng và hiệu quả của đời sống linh mục, tác giả nêu lên 3 đề nghị:

– Đề nghị 1: Đề cao ý nghĩa thần học mục vụ dấn thân trong việc giải thích Kinh Thánh .

– Đề nghị 2: Xây dựng một nền thần học mục vụ dấn thân mang tính văn hóa Việt.

– Đề nghị 3: Xây dựng môn học mới: Giáo dân học,và soạn thảo lại môn Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.

 

Tôi đọc nhiều lần bài viết này. Chân thành cám ơn những góp ý và đề nghị thật tâm huyết của Tác giả Nhất Định. Dựa theo tài liệu Thời sự thần học số 14 tháng 12/98 và Hợp tuyển thần học số 34, chủ đề: Giáo dân trong Hội Thánh (htth.org), tôi trình bày thêm “vai trò Giáo dân” theo Giáo huấn của Giáo hội.

 

Giáo hội là một tổ chức phẩm trật nhưng Giáo hội cũng còn là một tổ chức bao gồm mọi thành viên có những vai trò năng động. Những thành viên này, tuy không thuộc về phẩm trật, nhưng dưới sự hướng dẫn của các mục tư, họ tham gia vào cùng một chương trình cứu độ. Đó là Giáo dân, thành phần năng động của Giáo hội. Do Bí Tích Rửa Tội, Giáo dân được tháp nhập vào Thân Thể Chúa Kitô, được tham dự vào sứ mệnh của Người là Tư Tế, Tiên Tri, Vương Giả (1Pr 2,6). Do đó họ là những chi thể sống động của Nhiệm Thể Chúa Kitô tức là Giáo hội. Do ấn tích Rửa tội và Thêm sức, Giáo dân có quyền và có bổn phận tham gia vào hoạt động”bí tích” của toàn thân mình Chúa Kitô với những hình thức khác nhau. Hiến chế tín lý về Giáo hội số 33 đã nói về vai trò giáo dân : Nhiệm vụ của mọi Giáo dân là làm cho ý định cứu độ của Thiên Chúa ngày càng lan tới tất cả mọi người ở mọi nơi và mọi thời đại. Vì thế, khắp nơi phải mở đường cho họ tích cựu tham gia vào công cuộc cứu độ của Giáo hội, tuỳ sức lực họ và tuỳ nhu cầu của thời đại.

Giáo hội có những giáo huấn về vai trò người giáo dân.

 

1. Giáo dân theo Công Đồng Vatican II Sự phát triển của các phong trào tông đồ giáo dân cùng với sự xuất bản những tác phẩm suy tư thần học về vai trò của giáo dân trong Giáo hội là những bước dọn đường cho Công đồng Vatican II. Công đồng đã đánh dấu một bước tiến về thần học giáo dân, khi trình bày các giáo dân có một ơn gọi và sứ mạng. 16 văn kiện của công đồng đều đề cập xa gần đến các giáo dân. Cách riêng một sắc lệnh được dành để bàn về hoạt động tông đồ của giáo dân “Apostolicam Actuositatem”. Hiến chế “Ánh Sáng Muôn Dân” mở đầu với chương I trình bày mầu nhiệm Giáo hội trong chương trình cứu rỗi. Chương II với tựa đề Dân Thiên Chúa, bàn đến phẩm giá và ơn gọi của tất cả các phần tử của Giáo hội. Chương III bàn về phẩm trật được đặt làm mục tử Dân Chúa. Chương IV mang tựa đề là “Các Giáo dân”. – Số 30 nói về vai trò của giáo dân là góp phần cùng với các mục tử vào sứ mạng cứu rỗi nhân loại của Giáo hội. Vai trò của các mục tử là phối hợp các tác vụ và đặc sủng khác biệt sao cho tất cả đều cộng tác vào việc chung. Giáo hội là một thân thể gồm bởi nhiều bộ phận liên kết chặt chẽ với nhau, mỗi phần tử đã nhận lãnh năng lực từ Đức Kitô, và mỗi phần tử đều có vai trò tích cực trong việc xây dựng thân thể. (Ep 4,15-16). – Số 31 trình bày phẩm giá và ơn gọi của giáo dân trong Giáo hội. Có hai điểm đáng lưu ý như sau :

 

a.Về mặt từ ngữ, Công đồng muốn phân biệt hai danh từ “tín hữu, Kitô hữu” ( fidelis, christifidelis) và “giáo dân” ( laicus). Từ “tín hữu” có ý nghĩa rất rộng, bao hàm hết mọi phần tử của Giáo hội, những người được sát nhập vào thân thể của Đức Kitô nhờ bí tích rửa tội. Các giám mục, linh mục, tu sĩ cũng là tín hữu.

 

b. Các “giáo dân” là một hàng ngũ tín hữu, khác với hàng ngũ giáo sĩ, tu sĩ. Ơn gọi của các giáo dân là đi tìm Nước Chúa qua việc quản lý các thực tại trần thế và quy hướng chúng theo chương trình của Thiên Chúa. Môi trường sống đạo của các giáo dân là trần thế. Cả ba hàng ngũ cùng hợp tác với nhau để thi hành một sứ mạng chung của Giáo hội, tuỳ theo ơn gọi riêng của từng hàng ngũ. Hàng giáo sĩ chuyên về các hoạt động thuộc chức thánh. Hàng tu sĩ làm dấu chỉ của thế giới mai sau. Các giáo dân được mời gọi mang Phúc âm vào các thực tại trần thế “như men từ bên trong, họ thánh hoá thế giới bằng thi hành những nhiệm vụ của mình”. – Số 34-36 nói về đường lối nên thánh của giáo dân trong những hoạt động theo cách thức thông dự vào ba chức vụ tư tế ngôn sứ và vương giả của Đức Kitô.

 

– a. Người cho họ dự phần vào chức tư tế để họ thực hành việc phụng thờ thiêng liêng hầu tôn vinh thiên Chúa và cứu rỗi loài người…Mọi hoạt động, kinh nguyện và công cuộc tông đồ, đời sống hôn nhân và gia đình, công việc làm ăn thường ngày, việc nghĩ ngơi thể xác và tinh thần, nếu họ chu toàn trong Thánh Thần, và cả đến những thử thách của cuộc sống, nếu họ kiên trì đón nhận, thì tất cả đều trở nên của lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô ( 1Pr2,5)…Giáo dân thánh hiến thế giới này cho Thiên Chúa nhờ biết phụng thờ Ngài bằng hành động thánh thiện khắp nơi. (số 34)

 

– b. Chúa Kitô, vị Tiên Tri cao cả…đã chu toàn chức vụ tiên tri không những nhờ hàng giáo phẩm mà còn nhờ các giáo dân…Như những bí tích của luật mới, là của ăn nuôi dưỡng đời sống và hoạt động tông đồ của tín hữu, tiên báo trời mới và đất mới thế nào (x. Kh 21,1), thì giáo dân cũng mạnh mẽ loan báo lòng tin vào điều mình trông đợi như thế (x Dt 11,1). Công cuộc rao giảng phúc âm đó, nghĩa là sự loan báo Chúa Kitô bằng đời sống, chứng tá và lời nói, mang một sắc thái và hiệu quả đặc biệt vì được thể hiện trong những hoàn cảnh của trần gian…Giáo dân phải khéo léo tìm hiểu sâu xa hơn chân lý Chúa mạc khải và tha thiết nài xin Thiên Chúa ban ơn khôn ngoan cho mình. (số 35)

 

– c. Chúa Kitô đã vâng lời cho đến chết, và vì thế Người được Chúa Cha tôn vinh (x.Ph 2,8-9), và đã vào trong vinh quang nước Người. Mọi vật đều suy phục Người, cho đến khi Người cùng với mọi tạo vật suy phục Chúa Cha, để Thiên Chúa nên tất cả mọi sự (x.1Cor 15,27-28). Người cũng thông ban cho các môn đệ quyền bính đó để họ được hưởng sự tự do vương giả, và chiến thắng ách thống trị của tội lỗi nơi họ, bằng một đời sống từ bỏ và thánh thiện (x.Rm 6,12)…Nhờ khả năng chuyên môn trong nhũng việc trần thế, nhờ các hoạt động của họ, những hoạt động được ân sủng Chúa Kitô nâng lên bậc siêu nhiên, giáo dân hãy đem toàn lực hợp tác để nhờ lao công con người, kỹ thuật và văn hoá nhân loại khai thác những của cải được tạo dựng hầu mưu ích cho mọi người và phân chia cân xứng hơn giữa họ theo ý định của đấng Tạo Hoá và sự soi sáng của Ngôi Lời Ngài. (Số 36).

 

2. Từ Công đồng Vatican II đến Thượng Hội Đồng Giám Mục 1987 Giáo dân có ơn kêu gọi phục vụ Nước Chúa trong thế gian, bằng việc sử dụng các thực tại trần thế theo chương trình tạo dựng và cứu chuộc của Thiên Chúa. Tuy nhiên, có những vấn nạn đã được nêu lên. Phải chăng có sự phân chia lãnh thổ: các giáo sĩ lo công chuyện của Giáo hội (việc đạo), còn các giáo dân lo chuyện thế gian (việc đời)? Lấy gì làm ranh giới phân chia các lãnh vực đó? Các tu sĩ tham gia vào các việc đời (giáo dục, y tế, và những công tác xã hội nói chung) chứ đâu phải chỉ tối ngày đọc kinh trong Nhà thờ? Các giáo dân cũng được mời tham gia vào các công tác tông đồ mục vụ (huấn giáo, phụng vụ) nữa, chứ đâu phải chỉ lo chuyện làm ăn buôn bán? Như vậy thì có nên dùng “đặc tính trần thế” như tiêu chuẩn để định nghĩa ơn gọi và sứ mạng của giáo dân hay không? Cha Yves Congar là một nhà tiên phong về thần học giáo dân qua tác phẩm “Jalons pour une théologie du laicat” (1953), với những luận cứ : Các giáo dân lãnh nhận một sứ mạng làm tông đồ do Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, chứ không phải là do hàng giáo phẩm uỷ thác. Các giáo dân mang sứ mạng sống ơn gọi Kitô hữu giữa môi trường trần thế. Tất cả Giáo hội đều được sai vào trần thế; do đó tất cả mọi tín hữu (Giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân) đều vừa thuộc về Giáo hội vừa được sai vào trần thế. Sự khác biệt giữa các hàng ngũ không dựa trên môi trường hoạt động cho bằng dựa trên những tác vụ khác nhau. Do đó, vấn đề quan trọng không phải là tìm cách xác định vai trò của giáo dân cho bằng xác định tác vụ của các giáo sĩ khác với các tín hữu khác ở chỗ nào (Ministères et communion ecclésiale, Paris 1971). Đề tài của Thượng Hội Đồng Các Giám Mục họp năm 1987 (từ 1-30/10) là “ơn gọi và sứ mạng của các giáo dân trong Giáo hội và thế giới”. Có 60 giáo dân cũng được mời tham dự vào các phiên họp, và trong thời kỳ khoá họp, một số giáo dân đã được đặt lên Bàn thờ. Ngày 4/10, Đức Gioan Phaolô II đã phong chân phước cho ba thanh niên nam nữa giáo dân tử đạo: Marcel Callo (1921-1945), Pierina Morosini (1931-1956), Antonia Mesina (1919-1935). Ngày 18/10 lễ phong thánh cho 16 vị tử đạo tại Nhật (thế kỷ 17) trong đó có vài thầy giảng giáo dân. Ngày 25/10 lễ phong thánh cho bác sĩ Giuse Moscati (1880-1927). Trong những khoá họp, các Nghị phụ tìm ra những phương thế hữu hiệu nhằm thúc đẩy các giáo dân thực thi sứ mạng của họ. Đề tài của Thượng Hội Đồng nói đến hoạt động của các giáo dân vào lãnh vực trần thế và còn muốn cho họ tham gia vào các hoạt động của Giáo hội nữa.

 

3 . Tông huấn “Christifideles laici” Dựa trên 54 đề nghị của Thượng Hội Đồng, Đức Thánh Cha đã soạn Tông Huấn “Christifideles laici” ban hành ngày 30/12/1988. Nhìn cách tổng quát ta thấy có hai điểm nổi bật sau đây: – Ơn gọi và sứ mạng của người tín hữu giáo dân được trình bày dựa trên mô hình Giáo hội “Mầu nhiệm – hiệp thông – sứ vụ”. – Mô hình Giáo hội đó được gắn liền với hình ảnh Tân ước về “cây nho và vườn nho”.

 

a. Mô hình Giáo hội nhìn dưới ba khía cạnh “Mầu nhiệm – thông hiệp – sứ vụ” được sử dụng làm cái sườn cho ba chương đầu. Đây là lần đầu tiên mà mô hình này xuất hiện trong văn kiện của Toà Thánh. Ý nghĩa của mô hình này được giải thích ở số 8 như sau: “Giáo hội là mầu nhiệm bởi vì tình yêu và sự sống của Cha, Con và Thánh Thần là thuần tuý hồng ân được cống hiến cho những kẻ được tái sinh nhờ nước và Thánh Thần; họ được kêu gọi làm sống lại chính sự thông hiệp của Thiên Chúa và biểu lộ cùng thông truyền nó trong lịch sử (sứ vụ). Ba chiều kích gắn chặt với nhau, như văn kiện còn lặp lại ở các số 18 (sự hiệp thông là một mầu nhiệm), số 32 (sự hiệp thông dẫn tới sứ mạng). Dựa theo sườn đó, chương I (mầu nhiệm) trình bày phẩm giá của tín hữu giáo dân. Bắt nguồn từ Ba Ngôi, Giáo hội là Dân Thiên Chúa, Thân Thể Của Đức Kitô, Đền Thờ Của Thánh Thần. Do Bí tích Thánh tẩy, người tín hữu được thông dự vào mầu nhiệm của Giáo hội. Vì thế người tín hữu trở thành con của Chúa (số 11), chi thể của Đức Kitô (số 12), được thánh hiến làm Đền thờ của Thánh Thần (số 13). Đây là nền tảng của ơn gọi và sứ mạng của người tín hữu. Vì là chi thể của Đức Kitô, họ được thông dự vào ba chức phận tư tế, ngôn sứ và vương giả (số 14). Vì là Đền thờ của Thánh Thần, người tín hữu được thúc đẩy nên thánh qua việc phát triển các hoa trái của Thánh Thần (số 16). Chương II bàn về sự tham gia cuả các tín hữu vào sinh hoạt của Giáo hội, được kết thành do một chuỗi những mối dây thông hiệp hữu cơ: sự hiệp thông hàng ngang giữa những tác vụ và đặc sủng đa dạng (số 21-24); sự thông hiệp hàng dọc từ những cộng đoàn địa phương lên tới cộng đoàn hoàn vũ (số 25-27). Chương III nói tới sứ vụ. Các tín hữu được sai đi để mang Tin mừng vào các môi trường xã hội: từ những nơi chưa hề được nghe giảng Tin mừng cho đến những nơi thờ ơ lãnh đạm với đạo nghĩa. Việc rao giảng Tin mừng bao gồm sự phục vụ phẩm giá con người, cách riêng, là bảo vệ nhân quyền (số 37). Vài môi trường đặc biệt đang cần sự dấn thân của các giáo dân là: gia đình (số 40), các công tác bác ái từ thiện (số 41), hoạt động chính trị (số 42), đời sống kinh tế xã hội (số 43), văn hoá (số 44).

 

b. Mô hình về Giáo hội được gắn với hình ảnh về cây nho và vườn nho. Hình ảnh này được sử dụng làm tựa cho 5 đề mục của văn kiện: – Thầy là cây nho, các con là ngành (phẩm giá); – Tất cả là cành của một cây nho (thông hiệp); – Thầy đã để các con ra đi và mang về hoa trái (sứ mạng); – Các người được gọi vào làm việc trong vườn nho (những ơn gọi khác nhau); – Ngõ hầu các con mang lại hoa trái hơn nữa (việc đào tạo huấn luyện). Ý nghĩa Kinh thánh về vườn nho và cây nho được Tông Huấn giải thích ở số 8 (Cựu ước: Giêrêmia 2,21; Êdêkiel 2,21; Isaia 5, 1-2; Marcô 12,1). Cách riêng, hình ảnh vườn nho lấy dụ ngôn ở (Mt 20, 1-16) nói tới sự mời gọi vào làm việc trong vườn nho như muốn nêu bật tính cách hồng ân của mọi tác vụ và linh ân: Chúa kêu gọi mỗi người vào một giờ khác nhau và trao cho họ một công tác khác nhau; bởi vậy không nên phân bì ghen tương nhau làm chi ( số 45). Hình ảnh cây nho dựa theo chương 15 của Phúc âm theo thánh Gioan. Hình ảnh cây nho và vườn nho bổ túc thêm cho những ý niệm về Giáo hội là “Dân Thiên Chúa, Nhiệm thể Đức Kitô, Đền thờ Thánh Thần”. Số 16 viết rằng : “Giáo hội là vườn nho ưu tuyển, nhờ đó mà các cành nho được sống và tăng trưởng do chính nhựa sống thánh thiện và thánh hoá của Đức Kitô. Giáo hội là thân thể huyền nhiệm, trong đó chi thể thông dự vào đời sống thánh thiện của Đầu tức là Đức Kitô. Giáo hội là hiền thê yêu dấu của Đức Giêsu, Đấng đã hiến mình để thánh hoá nó. Chúa Thánh Thần xưa kia đã thánh hoá Đức Giêsu trong cung lòng trinh khiết của Đức Maria cũng là Thánh Thần đang ngự và tác động trong Giáo hội, ngõ hầu thông chuyển sự thánh thiện của Con Thiên Chúa làm người”. Người tín hữu giáo dân được mời hãy kết hợp chặt chẽ với Đức Kitô như cành với cây nho; nhờ việc kết hiệp đó mà họ sẽ mang lại nhiều hoa trái. Việc sinh hoa trái bao hàm sứ mạng ra công làm việc, ngõ hầu cánh đồng thế giới trở thành vườn nho của Thiên Chúa, nghĩa là sao cho các môi trường nhân sinh được thấm nhiễm tinh thần Phúc âm. Như thế, Tông Huấn “Christifideles laici” đã trình bày thần học về ơn gọi và sứ mạng củ Giáo dân trong bối cảnh Giáo hội sinh động vừa hướng đến sự nên thánh bằng việc kết hiệp thâm sâu với Chúa, vừa hướng tới sứ mạng giữa nhân loại. Linh mục F.Gomez Ngô Minh, phụ trách “Hợp tuyển thần học”, đã đánh giá cao vai trò giáo dân trong thời đại hôm nay : Bởi có kiến thức đầy đủ và được đào tạo chu đáo, giáo dân ngày nay không những còn ngại ngùng, mà hơn nữa, còn mạnh mẽ dấn thân vào trong càc công tác tông đồ và hành chánh của Giáo hội. Không thiều gì giáo dân đích thân đứng ra thành lập các phong trào hoặc hội đoàn tông đồ hay đạo đức. Và hiện nay, cũng không thiếu gì giáo dân đang đứng đầu dẫn dắt các cộng đoàn giáo xứ. Và trong khắp thế giới, đại đa số các giáo lý viên đều là giáo dân: họ là những thầy giáo khai tâm, có sứ mạng gieo hạt giống Lời Chúa vào lòng các thế hệ trẻ. Hơn bao giờ hết, hiện giờ giáo dân đang ý thức rõ về quyền lợi và nhiệm vụ của mình trong cộng đoàn Giáo hội; đó là một ân huệ của Thần khí. Nếu thế, thì đã có đủ cơ sở vững vàng để hy vọng là tương lai của giáo hội sẽ rực rỡ hơn. Giáo dân thường được mệnh danh là tác nhân đặc thù khai lối cho con người đến với siêu nhiên, và là những công nhân đầu tiên xây dựng cuộc gặp gỡ Thiên Chúa và con người. Như thế, Giáo dân là người “ làm cho thế giới sống như linh hồn làm cho thân xác sống” (LG số 38).
 

 

Linh mục là những người “quản lý” giáo dân, mà đã là người “quản lý” thì phải biết rành rẽ và có hệ thống những gì thuộc về giáo dân mới có thể giúp giáo dân sống Đạo, loan báo Tin Mừng ngày càng tốt hơn. Giáo dân mỗi nước thì có những đặc điểm văn hóa riêng. Vì thế cần phải soạn thảo một chương trình mang tính ưu việt riêng của dân tộc Việt Nam. Môn giáo dân học được xây dựng trên nền tảng Thần Học – Kinh Thánh theo chiều hướng mục vụ, dấn thân, tiến bộ, đậm nét văn hóa dân tộc Việt hiện đại (Nhất Định).

 

Cám ơn tác giả Trịnh Nhất Định và ước mong đựơc đọc thêm những thao thức, những ý kiến đóng góp xây dựng của tác giả.

 

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.