Uncategorized

Năm Linh Mục 2009: Ngài và tôi

Trong bài “Cha Sở Tôi”, tôi đã có hỏi: “Ông cố hay ông cha, dẫu cho được gọi dưới tên gì, đó cũng là linh mục.

Trong bài “Cha Sở Tôi”, tôi đã có hỏi: “Ông cố hay ông cha, dẫu cho được gọi dưới tên gì, đó cũng là linh mục. Nhưng, linh mục, ngài là ai?” mà chưa có câu trả lời, vì khó lắm đó, bởi nếu nói ngài là … thì chưa trọn, nếu nói ngài là … thì đòi hỏi quá mức…, còn nếu nói ngài là … thì tôi sẽ hỏi ngược lại: tại sao vậy?

 

Cha sở họ tôi, giờ cha đã chết rồi, tôi mới dám nói. Cha có tật cà lăm, hơi cà lăm. Cha nói với tụi tôi, đám học trò giúp lễ: “Cha thấy chức linh mục … mục … mục … thiệt là cao quí. Tuy. . tuy. . tuy … nó không có quyền cao hay tiền bạc gì nhưng mà nó cao quí lắm …” Tôi biết cha có ý muốn dụ tụi tôi đi tu để làm linh mục. Nhưng trong câu nói, rõ ràng cha muốn nói tới một vấn đề: thiên chức linh mục thật là cao quí!

 

Tại sao thiên chức linh mục là cao quí? Bởi linh mục, qua công việc của ngài, ngài thay mặt Chúa Giêsu để ban các phép bí tích, để cứu rỗi linh hồn người ta, để mở mang nước Chúa, nhưng các công việc này của ngài, trong năm linh mục này, nhiều vị đã và sẽ bàn tới, còn tôi thì không … được. Tôi chỉ xin phép được nhìn vị linh mục dưới con mắt trần thế, qua những việc làm thường ngày.

 

Trong cuộc đời lưu lạc đó đây, tôi đã gặp khá nhiều linh mục. Đôi khi tôi đã tự hỏi: “Linh mục, ngài là ai? Ngài có biết ngài là ai không? Ngài có biết tại sao người ta kính trọng ngài như thế không? Điều này quá rõ ràng là do ở thiên chức ngài có, vì:

 

– Cha ơi, cha có biết tại sao người ta kính trọng, quí mến cha đó không? Bằng cặp mắt trần này, con đã thấy: Cha thật sự sống cuộc đời hiến dâng, “xa” gia đình, sống với đàn chiên, biết hy sinh, sống cho tha nhân, thực thi bác ái, giữ lẽ công bằng, phú quí vinh hoa không màng, trần tục lánh xa, …

 

Người ta kính trọng và thương ngài là vì như vậy đó! Bởi vậy có một lần, một vị linh mục đã nói với người thân: “Tại tao là linh mục nên người ta mới cho tao cái này, cái kia, để tao có phương tiện mà làm việc bổn phận mình.”

 

Một anh bạn tu ra, có anh chị là linh mục, là dì phước, có lần anh ta đã bực mình nói: “Thiệt tiếc quá, mình không tu làm linh mục được!…”

 

– Tại sao?

 

– Tại vì các ngài không chịu nhớ rằng mình là Linh mục!

 

Rõ ràng anh đã đòi hỏi. Nhưng anh đã đòi hỏi những gì?

 

– Chỉ mong các ngài biết sống và biết làm. Biết sống linh mục và biết làm linh mục. Chỉ mong các ngài nhớ: các ngài là ai?

 

Ngài Là Ai?

 

Dĩ nhiên tôi không đặt vấn đề như nguời Cọng sản, đặc biệt ở Việt Nam, sau 1975. Họ đã đòi hỏi ở ngài: “Anh đã làm được gì có ích lợi cho xã hội, cho nhân dân, cho đất nước?” Thậm chí họ hỏi: “Anh đã sản xuất được gì cho xã hội?” Không như họ, ở đây đặc biệt tôi muốn nói đến vai trò của Ngài.

 

Các đấng bậc cao “xa” thì không kể, ngài chính là vị đại diện của Giáo Hội tại địa phương. Ngài chính là đấng bậc cao trọng nhất tại họ đạo. Ngài rao giảng lời Chúa. Ngài hướng dẫn giáo dân sống theo Phúc âm. Ngài ban các phép bí tích. Ngài là gương mẫu của cuộc sống thực thi bác ái và công bằng. Ngài là người mà giáo dân tin tưởng để “thố lộ tâm tình”. Ngài là người mà giáo dân đến để tìm nguồn an ủi, khuyên răn. Ngài là, là … Chính vì thế, ngài là đích nhắm của không phải chỉ người “có đạo” mà còn là của những người ngoài Công giáo. Cứ mỗi lần thấy ngài đi ra khỏi khu vực nhà thờ là người ta bàn: ông cha đi đây, ông cha đi đó. Chiều lại, thấy ngài đi ra, người ta nói: ông cha đi ăn đám cưới, cái đám cưới làm lễ hồi trưa nay, chiều nay đãi tiệc, … Còn cái hôm đó, đang đêm khuya, ông cha đi “kẻ liệt”, có ai thấy đâu nên không nghe ai nói!?

 

Một điều đáng chú ý, sau 75 tại Việt Nam, các linh mục là mục tiêu theo dõi của Cọng sản, để nếu thuận lợi, sẽ biến linh mục thành “linh mục quốc doanh”. Điều thuận lợi đó đã cho phép họ dùng hai tiếng “nhiểm thế” để gán cho các linh mục nói riêng, và các tu sĩ nói chung, thay vì mục đích và ước vọng của giới tu sĩ là làm sao hội nhập với xã hội, để có cơ hội đem Chúa đến với mọi người ở mọi tầng lớp, là “nhập thế”.

 

Ngài phải nhập thế. Ngài cần phải nhập thế để ở giữa muôn người, ngài sẽ là chứng nhân của Chúa Kitô, của tình thương. Để giữa con chiên của Ngài, ngài thực hiện ba nhiệm vụ đòi hỏi ở thiên chức linh mục: thánh hóa (sanctificare), giáo huấn (docere), và quản trị (administrare). Ngài đã làm được những gì trong ba nhiệm vụ kể trên? Ngài sẽ phải không chỉ bằng lời giảng dạy suông, mà còn bằng gương sáng của mình để thánh hóa người khác. Người ta biết tới Chúa qua ngài đó!

 

Tại địa phương, hễ nói tới nhà thờ là người ta nói tới ngài. Ngài đã là ai trong cuộc sống chung đụng với xã hội? Ngài không thể cứ giam mình trong bốn bức tường của khu vực nhà thờ. Ngài còn có xóm giềng, không lẻ ngài sống “thoát lên cao” một mình. Cộng đồng, chùa chiền, thánh thất, tịnh xá quanh vùng là những “xóm giềng” ngài cần phải giao thiệp, để hôm sớm có nhau. Ngài còn cần phải biết tới “địa phương” để rồi nhiều phen ngài sẽ phải nhờ tới họ. Chẳng lẻ cứ mỗi lần “giao tiếp” với bên ngoài, ngài đều phải nhờ tới giáo dân.

 

Một vấn đề cũng đáng được nêu ra là với ý nghĩ sai lầm của một số giáo dân. Nhiều người đã đem tặng cho ngài những cái mà ngài không nên và không cần có! Nhiều người đã quá lời khen tặng ngài để rồi vô tình, người ta làm sai vị linh mục! Rồi từ đó, lắm lúc chính ngài đã quên ngài là ai và ngài phải làm gì. Chính những quan niệm không được thích hợp của họ đã làm cho linh mục quên mình đang là ai, quên rằng mình đã là ai? Kính trọng linh mục, nguời thay mặt Chúa, đồng ý, nhưng đừng làm cho linh mục thấy hay nghĩ mình có vị trí cao hơn vị trí mình có, ngoài thiên chức.

 

Kể từ tiếng chuông nhà thờ đổ buổi sáng, qua ngày, cho đến tối, cũng như từ sáng thứ hai đến chiều Chúa nhật, ngài đã làm gì trong cương vị của người chủ chăn, ngoài những công việc thường ngày như tế lễ, giảng dạy, ban các phép bí tích? Mà ngay cả trong những công việc thường xuyên đó, ngài đã thực hiện như thế nào? Tôi đòi hỏi ở ngài đó, chắc ngài thắc mắc và muốn biết

 

Tôi là ai?

 

Hằng ngày, ngài vẫn thường gặp tôi đó chứ. Tôi vẫn lui tới nhà thờ thường xuyên theo thông lệ đã có trong gia đình tôi từ không biết mấy đời rồi. Người ta nói tôi giữ đạo như một cái máy, vì tôi là người “đạo gốc”, đạo từ đời ông qua đời cha, qua tới đời con, rồi không biết sẽ còn truyền được qua mấy đời nữa.

 

Hồi đó ông bà tôi giữ đạo thiệt là “khó”: trên Chúa, dưới Cha, kế đến mấy bà phước, rồi tới mấy ông biện họ. Những điều các cha đã dạy thì y như rằng là ông bà tôi đều răm rắp tuân giữ. Không tuân giữ sao được vì có lần ông tôi đã nói: “Chúa đã dùng miệng cha để phán dạy cùng ta…!” Nhìn qua đó, ông bà tôi đã giữ “đạo cha”.

 

Cha là nhất, là trên hết, là “gương lành” để ta noi theo. Thôi thì còn gì phải nói, có món ngon vật lạ chi đều lo đem cho cha, lễ cuới lễ hỏi, đám giỗ đám quảy, thảy thảy cha đều luôn luôn là khách quý. Chuyện gì cũng đem hỏi cha, chuyện linh hồn thì đem hỏi trong “toà cáo giải”, còn thỉnh thoảng lên cha là để hỏi chuyện “phần đời”. Rồi có con trai, ông bà lại rất là ước ao “có con đi tu”. Qua tới đời cháu, ông bà cũng muốn có cháu “dâng mình cho Chúa”. Nhà nào có người đi tu, ông bà trầm trồ “thiệt là nhà có phước”.

 

Chúng tôi giữ đạo, từ thuở nào xưa hơn nữa thì không biết, từ ông nôi tôi truyền qua ba tôi, rồi tới tôi. Vừa mới lọt lòng mẹ, ngay ngày hôm sau là ba tôi đã ẳm tôi đi rửa tội, có ông nội tôi xách dù đi theo, mừng rỡ từ “nay có thêm cho dân Chúa một người”. Cả dòng họ tôi theo đạo, hay đúng hơn phải nói là tôi giữ đạo “cha truyền con nối”, nên người gọi tôi là “đạo dòng”.

 

Nhưng khổ nổi là tôi sinh ra rồi lớn lên trong thời chinh chiến: giặc Tây rồi giặc Mỹ, hay nói đúng hơn là thời Việt Minh rồi qua thời Việt Cộng. Lại thêm văn minh Tây phương và trào lưu tiến bộ nhập vào đất nước nên cuộc sống nó bôn ba chớ không còn an nhàn như thời ông nội tôi và ba tôi. Ông nội tôi còn bận bịu với ba vụ ruộng lúa, chớ còn ba tôi thì an nhàn lắm. Sáng sớm đi lễ, theo như cha dạy, rồi đi uống cà phê, ăn hủ tiếu, bánh bao, xíu mại, nói dóc với bạn bè rồi đạp xe đạp Alcion đi lên ruộng coi “trai cày” làm ruộng nên việc giữ đạo thiệt là dễ dàng. Rồi tới tôi, hồi nhỏ khác, khi lớn lên rồi, nhiều khi phải hành quân trong rừng cả tháng thì còn đâu mà lễ với lạc, mà về tới thành phố thì nhiều chuyện bận bịu, ngày Chúa nhật, tới nhà thờ đi lễ, đánh một vòng xung quanh nhà thờ, rồi lễ xong thì đi về, đi dẫn đầu người ta. Có khi siêng lắm, rán ở lại lâu hơn, thì tôi đứng ở gốc cây bên hông nhà thờ. Thấy vậy, thiên hạ nói tôi là “đạo lòng dòng” hay là “đạo gốc cây”. Vậy mà tôi cũng biết cha đó chớ. Tôi cũng thấy cha trên bàn thờ, cũng có nghe cha giảng. Tôi còn biết tên cha nữa đó chớ và biết cả cha “đã làm” gì nữa. Trong họ đạo mà không biết cha chớ biết ai, tuy rằng tôi là “đạo lòng dòng” hay “đạo gốc cây”. Chỉ có điều là cha không biết tới tôi!

 

Người ta cười tôi giữ “đạo dòng” hay “đạo gốc” theo nghĩa trên, vậy mà tôi cũng đem được người trở lại đạo mới hay chớ, cũng làm được việc “tông đồ”. Thằng bạn thường hay đến nhà chơi, nhè nó mê một cô ở trong xóm. Xóm này toàn là dân có đạo, muốn được vợ thì phải theo đạo, vì thời đó có ai mà chịu gã con cho người “khác đạo”. Thế rồi tôi nói má tôi đứng ra làm mai cho nó, còn tôi, tôi dẫn nó lên gặp cha, để xin cho nó thành “con chiên mới”. Nó theo đạo, theo đạo vợ. Người ta nói nó là dân “đạo theo”. Vậy mà nó giữ đạo ai cũng khen là ngoan đạo. Vợ kêu đi nhà thờ lúc nào, nó đi lúc đó, không dám cãi. Nó rành đạo, nhờ vợ nó, còn nói tới “ông cha”, nó hơi “mặc cảm”. Nhiều người thấy nó “ngoan đạo”, tới rủ nó tham gia các hội đoàn. Hội đoàn nào cũng muốn mời nó: Legio, Phạt Tạ, … Nó cũng tham gia. Bà con quí nó lắm. Cha cũng vậy, vì nó là bác sĩ, dân có học, có tiền mà. Việc đạo hạnh của nó một tay vợ nó lo hết, nó lên cha có một lần rồi cha cho rửa tội. Nó hơi “suy nghĩ”, nhưng vợ nó “dạy” nó, nó học lại với tôi: “Mình giữ đạo Chúa chớ không phải giữ đạo cha, gì gì anh không cần biết, chỉ cần biết giữ trọn lề luật Chúa…”. Cái thằng thiệt là ngoan.

 

Tuy là dân “đạo theo”, “theo đạo vợ” nhưng nhờ có học, đi công tác tông đồ, nó biết ăn nói, ăn nói đàng hoàng, lý luận vững vàng nên nó dễ thành công. Nó cũng đem người ta “trở lại” đạo được. Có cái “ông đó” coi vậy mà thiệt là khó. Ông có cảm tình với đạo Công Giáo từ lâu, vì hồi nhỏ ông có học ở Taberd. Đại Hội Thánh Thể hồi thời Đức Khâm sứ John Dooley, ông có tham dự, rước Đức Hồng Y Aghagianian, ông cũng có đi rước, đi rước tượng “Đức Mẹ khóc” cũng không vắng ông… Nhất nhất các sinh hoạt của Công Giáo ông đều biết hay tham dự, nhưng trong họ đạo này, ông nói thẳng: “Nhìn cha, ông chưa thấy được Chúa nên ông chưa theo đạo!” Vậy mà gặp thằng bạn tôi, nó truyền lại cho ông tư tưỡng vợ nó “dạy” cho nó: Giữ đạo Chúa chớ không phải giữ đạo cha, ông lấy làm đắc ý, thế là ông trở lại đạo. Hồi nhỏ không theo, giờ lớn rồi mới theo, người ta gọi ông là dân “đạo mới”. Ông lớn tuổi mà cũng có ăn học nên tinh đời lắm, vì ông “ngộ” được đạo mà. Ông học giáo lý rất mau, ông biết rành hết, cha hỏi mấy câu, ông trả lời là cha chịu liền. Nhưng có cái điều: ông không “chịu cha”.

 

* Biết bà L. từ bỏ nhà thờ nhà thánh từ lâu rồi chưa trở lại, hơn nữa thấy bà cũng già rồi, ngày “ra đi” biết đâu chẳng còn xa nên anh em trong hội đoàn bàn việc tới khuyên bà nên trở lại, lo phần linh hồn. Người ta cũng đã năm lần bảy lượt tới thăm bà mà lần nào cũng thất bại, lần này ai cũng yên trí, tin tưởng vào tài ăn nói nhỏ nhẹ của thằng bạn tôi, “tràn trề hi vọng”. Nhưng khi mấy ông công tác tới gỏ cửa, bà mời vào, bà mời ngồi, bà rót nước mời, rồi bà tấn công luôn một hơi, ai nấy “nín thở” nghe, không gở gạt gì được hết. Bà có lý quá đó chớ: nhà thờ không đối xử công bằng với bà. Bà lên cha. Cha nghe lời “biện việc”, nạt mắng bà mà không chịu nghe bà phân trần: vụ đất đai nhà thờ cho bà mướn… Bà giận, bà chửi, bà chửi hết. Bà nói: làm cha gì mà không giữ công bằng, bác ái… Rồi bà không tới nhà thờ nữa, bà “bỏ đạo”, bà thù cha sở, thù biện họ. Bà ghét các cha mà bà quên Chúa, “bỏ” Chúa luôn, tội nghiệp!

 

Còn như chú T. lò rèn, cũng thuộc loại “bỏ đạo”, nhưng đáng thương hơn. Hồi nhỏ nghe nói không tin, học thử chơi, rồi không dám bỏ: chú học bùa, sau làm thầy pháp. Chú “trừ tà, bắt quỉ”, và chú cúng thần, cúng quỷ, không còn thờ Chúa. Giờ thì chú già rồi, vã lại giữa thời buổi văn minh “súng đạn” này, ma quỉ không còn ám hại người ta nhiều, chú bỏ nghề nhưng chưa trở lại đạo. Mấy “ông công tác tông đồ” cũng có tới khuyên lơn nhưng chú buồn chú nói: Sao không bao giờ thấy cha đến thăm chú một lần để chú dạn trở lại nhà thờ hơn!

 

* Nói tới “bỏ đạo”, tôi mới nhớ tới đám con Sáu Q. Mấy em này không thuộc loại “bỏ đạo” nhưng thuộc loại “bỏ nhà thờ”, bỏ nhà thờ này đi nhà thờ khác. Trong khi cha mẹ vẫn đi lễ nhà thờ này thì mấy anh em đi lễ nhà thờ khác, tham gia sinh hoạt ở họ đạo khác. Nhiều người tiếc, Sáu Q. vốn là thầy dòng Taberd “xuất”, trước đây cũng có tham gia đàn hát ở nhà thờ, rồi đám nhỏ tiến lên, chúng nó cũng nối nghiệp cha, nhưng rồi lần hồi chúng nó “thưa thớt” dần rồi “xa lìa” họ đạo luôn. Mấy anh em đi đàn hát rất giỏi nhưng “tụi nó” trách “ông cha”: cha độc tài mà cổ hủ, thiếu sáng kiến, thiếu nhiệt tình, nhiều khi không thấy cha đâu hết, mà hễ gặp mặt thì chỉ thấy la trách…

 

* Đám “bỏ nhà thờ” này nói trắng ra là “bất hợp tác”. Mà nói tới bất hợp tác là người ta nghĩ ngay đến ông Hai T. Ông là kỷ sư bên Pháp về, thuộc loại có tài, có tiền, và cũng đạo đức. Mấy trào cha sở trước, ông đã đóng góp tiền tài công sức vào các sinh hoạt trong họ rất nhiều. Lễ lớn, lễ nhỏ, lễ Tây lễ Tàu, lễ nào cũng thấy ông có mặt trên nhà thờ phụ với các cha, với anh em cho cuộc lễ tươm tất, tốt tươi. Nhưng khi cha sở này đến, hội đoàn cha bỏ bớt, sinh hoạt cha giảm bớt. Riết rồi các sinh hoạt hội đoàn cha bỏ mặc cho “bà con tự lo lấy”. “Thua buồn” ông cũng từ từ tự rút lui, “cáo lão qui điền”, không còn chịu trở lại sinh hoạt nữa…

 

* Lần kia, đi công tác về, chắc là “thoải mái”, thằng bạn tôi nó ghé tôi chơi. Nó than: “Mấy ông công tác này thiệt là ẩu, nhè vô nhà người ta mà nói người ta là “bỏ vợ”. Mà ông đó cũng dễ chịu, ông không nói gì, chỉ cười thôi, còn rót rượu mời uống rồi nói chuyện đời nghe chơi, rồi bàn tới chuyện nhà thờ qua tới chuyện các cha, ông nói rành mạch chứng tỏ ông cũng rất quan tâm đến chuyện họ đạo duy có điều là ông không tham gia. Ông bị mặc cảm, ông thuộc loại “đạo rối”: một chồng hai vợ, làm sao bỏ. Nhứt phu mà nhị phụ thì lỗi luật đạo, mà lỡ làng rồi, bỏ thì vương, thương thì tội, sao các cha không đến giúp dùm tôi?

 

* Cái thằng bạn “đạo theo” đó mới thiệt là ngoan, còn hơn mấy người giữ đạo lâu năm. Nó luôn giữ điều răn Chúa, mà cũng dễ nghe lời cha dạy chớ không như một thằng bạn khác của tôi. Thằng này kỳ khôi, cũng “đạo gốc” nhưng nó nói nó biết “tẩy” mấy ông cha: nó tu ra. Người ta gọi nôm na là dân “ta ru”. Nó là dân “la tinh cựu”, là dân “tu xuất”. Nó nói nó đã từng ở chung “lò” với các cha nên nó “rành sáu câu” mấy cha, nên các cha hơi ghét nó.

 

Thật ra, tu cũng năm bảy đường tu, mà “tu ra” cũng năm bảy đường tu ra. Tu ra theo kiểu thằng H. đó thì người ta gọi là “la yêu”, “la quỉ” chớ không gọi là “la tinh”. “La tinh” ra trong họ này thiếu gì, như anh Chín N. đó, anh cũng tu ra, nhưng các cha làm sao thì làm, anh cứ đều đều tham gia vào họ đạo, để giúp đỡ các cha. Anh nói, anh phải làm để trả ơn nhà chung. Thấy các cha ù lì, trì trệ quá, anh nói anh muốn lui tới nhà thờ hoài để thúc đẩy các cha, để “làm con lừa cõng các cha đi”, vậy mà các Ngài còn không chịu!

 

* Tôi còn là những người không hề “đi” nhà thờ, nhưng có đi ngang nhà thờ, đi qua khuôn viên nhà thờ. Đôi lúc tôi có vào nhà thờ để dự lễ cưới người quen biết và có thấy ngài. Tôi có gặp ngài, chào hỏi, nói chuyện và “cụng ly” với ngài ở những tiệc cưới đó.

 

Đó! tôi đó. Tôi là ai, chắc ai cũng đã biết rồi. Thì tôi hẳn là tôi rồi, mà tôi ở đây còn là quí vị đó, là anh và cả chị nữa, người đang đọc bài viết này… Tôi không “luận tội”, vì phán xét không phải là quyền của chúng ta, nhưng những điều mắt thấy tai nghe và một chút suy nghĩ, xin ghi ra đây trong mục đích hay đúng ra là ước vọng linh mục, ngài hãy nhìn lại để thấy chính ngài là ai. Và chúng ta, người giáo dân, chúng ta sẽ hợp tác với các cha như thế nào. Năm nay là năm linh mục, ta phải làm gì cho các cha? Cầu nguyện cho các ngài? Thiết nghĩ không cần phải đợi đến năm thánh, ta phải luôn luôn cầu nguyện cho các ngài. Cầu nguyện gì cho các ngài? Cầu nguyện cho các ngài có được đầy đủ sức khỏe để chu toàn nhiệm vụ của mình, có được đầy đủ thánh thiện và khôn ngoan để là gương sáng cho giáo dân, bởi dù sao, các ngài cũng là con người…

 

Micae Nguyễn Ngọc Sáng

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.