Để làm tan vỡ hệ thống gia đình Việt Nam, CS áp dụng hai biện pháp chính : tấn công vào nền tảng văn hóa truyền thống của dân tộc và gia đình và xóa hẳn kinh tế cá thể, một hình thức lao động bị Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đả phá. ” …
1.Mặt Trận Lao Động
Trong hai bài trước đây, chúng tôi đã đề cập đến “ Mặt Trận” tuyên truyền của Cộng Sản trong việc phá hủy tinh thần truyền thống của gia đình Viêt Nam, như tách trẻ nhỏ khỏi tình máu mủ, đẩy các thành viên trong gia đình xa dần các quan hệ ruột thịt, bằng những giờ lao động dành cho nhà thì “đổ mồ hôi”, còn việc nước thì“sôi nước mắt”. Song song với biện pháp này, tất cả mọi lứa tuổi, không buông tha cho người già, đều phải vào các tổ chức, đoàn thể, kể cả đoàn dân công, đi lao dộng xa nhà nhiều ngày, trai trẻ thì lùa họ vào các trại lính, sau đó đẩy vào chiến trường B. Mục đích là để kiểm soát, đồng thời cũng để không một ai sống cho cá nhân mình, cho gia đình mình, cho nhà thờ (theo cách gọi của Cộng sản).
Tất cả cho sản xuất
Tất cả cho chủ nghĩa
là một câu nói có ý nghĩa áp chế, đồng thời cho thấy con người, chủ thể làm ra sản phẩm cho xã hội “vắng mặt”!
Người Cộng sản biết rằng hệ thống gia đình ở Việt Nam hết sức chặt chẽ và ảnh hưởng rất lớn trên mỗi thành viên của nó.Ông bà và bố mẹ vẫn tiếp tục ảnh hưởng trên con cháu. Cho nên, một trong những mục tiêu hàng đầu của CS là làm phân hóa gia đình, tấn công dữ dội vào tinh thần truyền thống của gia tộc.
Để làm tan vỡ hệ thống gia đình Việt Nam, CS áp dụng hai biện pháp chính : tấn công vào nền tảng văn hóa truyền thống của dân tộc và gia đình, bằng văn hóa Mác xít, với những phạm trù về duy vật vô thần và đấu tranh giai cấp. Biện pháp thứ hai là xóa hẳn kinh tế cá thể, một hình thức lao động bị Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đả phá. Ông nói : “ Thời ấy nếu ai bỏ vốn mở một cửa hàng hay một xưởng thủ công, chắc tôi gạt ngay, và phê phán là làm ăn trái với đạo lý.” ( x. Nguyễn Khắc Viện trong “Đổi Mới” ?, nhà xuất bản Thanh Niên, 1988, tr.13).Xóa bỏ kinh tế gia đình, kinh tế cá thể bằng việc lập nền kinh tế tập trung , qua các hợp tác xã , nhằm tách rời từng thành phần trong các gia đình, để người ta có cảm tưởng không ai phải lệ thuộc vào ai, đề cao lao động giả trá, cưỡng bách và chủ trương “Không làm thì không có ăn”. Gọi đây là một chính sách “công bằng”, nhưng thực tế luôn luôn chứng minh ngược lại : Công bằng triệt để cũng là một hình thức bất công.
Hỗ trợ cho biện pháp này, cộng sản tung ra khẩu hiệu : “Hy sinh hôm nay để phồn vinh ngày mai”, “Thắt lưng buộc bụng”, “Tất cả cho sản xuất”, “Tất cả cho chủ nghĩa xã hội”v.v…Không thấy hình bóng con người, chủ thể của xã hội ở đâu ! Đấy là một hình thức bóc lột trá hình. Ở đây không tiện nêu lên một khái niệm về bóc lột. Nói vắn tắt, CS chỉ chấp nhận những khái niệm về bóc lột xuyên qua kinh tế tư bản, vì vậy những biện pháp trong các khẩu hiệu trên đây không được họ coi là một hình thức bóc lột. Ông Lương Hữu Định có viết một bài báo trên tờ Tuần báo Công Giáo và Dân Tộc, số 800-801 ngày 31-3-1991, tr.2, có ý nói đến một hiện tượng thường thấy trong xã hội, gọi là “hiện tượng bóc lột nhau bị che dấu”.Tác giả nêu ra một thí dụ :
*Một nhóm 6 công nhân được giao công tác khiêng một cây gỗ dài, nhưng thực tế chỉ có 2 người ở 2 đầu là để cây gỗ lên vai và khiêng cây gỗ ấy, còn 4 anh kia ?
Anh thứ hai, cũng đi theo bên cạnh cây gỗ, nhưng chỉ để nhẹ một ngón tay dưới cây gỗ thôi. Đó là những người lao động hình thức. Họ đến sở đúng giờ, không về sớm, nhưng lại dùng thời gian này vào những việc riêng tư nhiều hơn : đọc truyện, đan áo, uống nước trà, hút thuốc lá, hoặc ngó trời đất. Có họ thì văn phòng cũng đỡ trống trải, nhưng nếu họ có nghỉ vài ngày thì hình như cũng không trở ngại gí cho công việc.
Anh thứ ba, bết hơn, đong đu hai tay vào cây gỗ để các bạn khiêng đi. Đó là những người thất nghiệp trá hình. Không những họ làm việc riêng, mà đôi khi còn qua chỗ người khác để tán chuyện, rủ rê người khác ra quán cà phê ngồi qua buổi. Khẩu hiệu của họ là “lương chết đói, làm chi cho mệt xác”…
Anh thứ tư, tệ hơn nữa, đang mắc võng lên cây gỗ đó mà nằm vắt vẻo. Đó là những người lao động lý lịch. Với những hy sinh xương máu của cha anh, họ được bố trí công việc nhàn hạ, nhưng lương bổng lại cao, những công việc chỉ đòi hỏi thật thà, nhưng không cần tài năng, lương bổng thì theo quy chế đãi ngộ, thành phần đối tượng. Họ tự cho mình quyền hưởng thụ thành quả lao động của người khác, như một thứ gia tài cha anh để lại.
Anh thứ năm, coi kìa, đã leo lên ngồi vắt vẻo trên cây gỗ dài đó, miệng phì phèo thuốc lá, tay trái cầm ly rượu, với nụ cười thỏa mãn. Vâng, đó là những người lao động ô dù. Nhờ thành tích trong quá khứ, hoặc chỉ cần nhờ quen biết, họ hàng thân thích với những vị có chức có quyền, ho được may mắn đưa lên nắm những chức vụ cao, thường là cao hơn khả năng thực sự của họ. Nhưng chúng ta thường quen tự đánh giá mình quá cao, hoặc chủ trương vừa làm vừa học, sai thì sửa. Những người ấy, không chỉ làm hại tập thể, mà có thể làm hại cả đất nước.*
Rồi Giáo sư Lương Hữu Định (+) viết : “Chúng tôi không nói mọi người đều như thế, vì nếu mọi người đều như thế, thì chúng ta chẳng có được ngày hôm nay, nhưng vì có những người như thế, nên ngày hôm nay chúng ta mới còn như thế này.”
Sáu công nhân khiêng một cây gỗ dài mà chỉ có hai người ở hai đầu là khiêng thực sự, đấy là một hình ảnh khôi hài, khó tin, nhưng lại rất thực trong thời bao cấp. Nó thực đến nỗi đã có những câu vè như trong bài thứ hai của loạt bài này đã nói đến. Ở đây xin nhắc lại 4 câu :
Nhân dân làm việc bằng hai
Để cho cán bộ mua đài mua xe
hoặc:
Nông dân đóng khố cởi trần
Để cho cán bộ xây sân đắp nhà.
Nhân dân và nông dân trong hai câu vè trên đây, chính là hai công nhân ở hai đầu cây gỗ. Hai thành phần này là tuyệt đại đa số trong xã hội Việt Nam, người Công Giáo thuộc hai thành phần này, có khi họ còn bị đối xử hà khắc hơn so với những người không tôn giáo, không phải họ làm biếng hay vi phạm điều gì, song chính là để hạn chế tối đa việc người có đạo đến nhà thờ cầu nguyện.
Nói đến việc Cộng Sản Việt Nam phá hủy nền móng gia đình, ngoài chính sách và những biện pháp lao động cưỡng bức đặt để trên người dân, người ta thường nói đến Chiến dịch Cải cách Ruộng đất, trong đó có việc đấu tố địa chủ.Để đấu tố một người nào là địa chủ, cán bộ CS cố tìm cho được những người gọi là “nạn nhân” của địa chủ, cho dù, trong thực tế “địa chủ” ấy chính là ân nhân của người được cán bộ đưa ra làm “nạn nhân”.Thí dụ, địa chủ đã cho “nạn nhân” này vay lúa, gạo trong lúc thiếu thốn, như vụ đói năm 1945. Đây là dịp để tố cáo địa chủ cho vay nặng lãi, dù chẳng có lãi bao giờ .Muốn cầm cố và giết một địa chủ, thường là có nhiều người được cài vào vai “nạn nhân” để tố, rất nhiều trường hợp, người đứng ra tố địa chủ là con dâu, con rể hay những thành phần khác trong gia đình và trong thân tộc của “địa chủ”, với lý do là để khỏi bị liên lụy.Sau khi một người nào đó bị xếp vào thành phần địa chủ, không một ai trong thôn xã dám trò chuyện với họ; trông thấy địa chủ ở đâu, ai nấy đều muốn tránh mặt, nếu không muốn xỉa xói vào mặt họ, nguyền rủa họ đủ mọi điều gian ác.Trẻ con trong làng cũng buộc phải tham gia vào cái trò bỉ ổi này. Gặp địa chủ, chúng cũng đưa tay lên, chỉ thẳng vào mặt địa chủ rồi quát lớn : Con mụ địa chủ kia, mày không biết tao là ai hả, sao mày không mở miệng chào tao ? Tao là nhân dân, con của nhân dân”. Buộc lòng bà địa chủ này phải nói : “Con chào ông nhân dân ạ “.
2.Mặt Trận Tín Ngưỡng và Văn Hóa Dân Tộc
Có người cho rằng, cái tội lớn lao nhất của người Cộng Sản là phá hủy văn hóa dân tộc. Văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam đã trải qua gần 5.000 năm cùng với những trận chiến dai dẳng của nòi Hán , của Nguyên, Mông, Minh, Thanh, có lúc ta đã bị chúng đô hộ cả ngàn năm. Nhưng, mưu duệ của Dòng Bách Việt vẫn tồn tại đến ngày nay, mặc dù các nhà văn hóa chưa ai tìm ra được những cái nào là ảnh hưởng của thời kỳ đô hộ, cái nào còn là nguyên bản, là cội rễ của chủng tộc Bách Việt, khiến cho từ đó ta chưa bị bọn Phương Bắc đồng hóa như các tộc khác, nhiều lắm.Đấy là niềm tự hào lớn lao nhất của Bách Việt.
Thế nhưng, sang đến thời kỳ Đảng CSVN cầm quyền, chỉ chưa đầy 50 năm đối với miền Bắc, tính từ vĩ tuyến 17 trở ra, theo Hiệp định Genève 1954, thuộc quyền cai trị của Hà Nội, cho tới ngày 30-4-1975, chỉ có 21 năm, miền Bắc vẫn được coi là Đất Tổ, là ngàn năm văn vật,văn hóa đã bị “xóa sổ”! Thật ra, khi Việt Minh đặt chân trên một vùng nào, chúng đã thi hành ngay chính sách Cộng sản ở đó. Đầu tiên là ngăn cấm tất cả những lề thói sinh hoạt truyền thống của vùng đó, như giỗ chạp cuối năm của các dòng họ trong làng, các lễ hội tại đình, chùa v.v…Cũng bắt đầu từ đó, nhiều loại thuế được áp dụng ngay, tính từng thành phần trong gia đình, kể cả học trò, như kẻ viết loạt bài này, đầu thập niên 1950, lúc đó đang học ở Hà Nội.
Nói như thế để thấy được xa hơn, trong chính sách lao động và những biện pháp chế tài trong lao động, cũng như thuế khóa và những mặt sinh hoạt khác bị ngăn cấm, gia đình và những thành phần trong gia đình bị chấn động nhiều nhất,nói khác đi, nó bị chấn thương. Vì đây là nền móng, là cái nôi của xã hội.Khi cái nền móng này, cái nôi này bị phá hủy, thì xã hội cũng phản ảnh tình trạng đổ vỡ này.Ngày nay, chưa sửa chữa được sự rách nát của gia đình sau mấy thập niên mất khuynh hướng, hay là mất thế đứng, chúng ta lại bước vào chốn chân không là chấp nhận kinh tế thị trường, với các trò ma quái của toàn cầu hóa,của một số tập đoàn tư bản, khiến cho có dư luận phê phán, người Việt đang trong tình trạng vô cảm và liệt kháng, xu hướng bây giờ là thu vén cá nhân, không còn ý niệm về lương tâm, công bằng, liên đới, trách nhiệm v.v…
Trên tờ Lao Động Chủ nhật, ngày 1 tháng 12 năm 1991, dẫn một câu nói ghi nhận lời của một cán bộ cao cấp, xem ra rất trung thực , phản ảnh tình trạng phi văn hóa trong xã hội từ lâu nay. Nguyên văn câu nói như sau : “Lo cho cái bụng đã, khi nào no bụng rồi, hãy nói chuyện văn hóa nhé !”
Đấy là câu trả lời cho những thắc mắc và những phàn nàn của người dân, khi hàng ngày chứng kiến cái cảnh phá núi Sập, san bằng núi Sam để lấy đá, mặc dù biết rằng làm như thế thì chẳng khác nào phá hủy những di tích lịch sử và văn hóa ở hai nơi này, nơi mà người dân miền Tây nói riêng, các tỉnh miền Nam nói chung, vẫn coi đây là mảnh đất thiêng. “Lo cho cái bụng đã…”, mặc dù chỉ là câu nói của một cán bộ, nhưng chắc chắn nó không phải là ngẫu hứng, nói bừa, nói để có nói trước những câu hỏi xem ra không thể tránh né.
Trong chương trình Câu Lạc Bộ những người cao tuổi của đài phát thanh Hà Nội sáng ngày 15-10-1991, có đề cập đến một vấn đề ở một địa phương miền Bắc, các cụ yêu cầu nhà nước cho khôi phục các đình chùa, miếu mạo đã bị phá trước đây. Để trả lời các cụ, phát thanh viên giới thiệu môt vị trí thức thuộc Viện Khoa học Xã hội. Ông này nói rằng đó là điều rất chính đáng. Chỉ có điều là…là(cười) việc phá các đình chùa là “ lỗi của các cụ thời đó.” !
Chỉ nói một câu như thế mà phải mời một trí thức trong Viện Khoa học Xã hội để trả lời mà không phải trả lời, mà là để trách cứ, đổ lỗi cho các cụ kèm theo tiếng cười nhạo báng, miệt thị các cụ.Đấy là biểu hiện nét văn hóa mới Xã hội chủ nghĩa. Thật sự là rất rõ ràng.
Lịch sử các tôn giáo chưa thấy có một sự việc nào xảy ra, người trong đạo lại đi đập phá đền thờ, nơi chính bản thân mình vẫn coi đó là chỗ thần linh ngự, hàng ngày đến đó cầu khấn, lễ bái, chẳng những cho riêng mình, nhà mình, mà còn cầu cho “mưa thuận gió hòa”, cầu cho “quốc thái dân an”v.v…Vì vậy, việc đập phá chùa chiền, miếu mạo là hành động của những kẻ nghịch đạo, những kẻ vô thần, không có đời sống tâm linh. Chắc chắn người ta không thể tìm ra được nguyên nhân nào các cụ tự dưng rủ nhau cầm búa đi đập phá những nơi thờ tự, ngoại trừ nguyên nhân khách quan là bị xúi giục, bị bắt buộc một cách triệt để là phải thi hành chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”.
Trong một tuyển tập Truyện và Ký của nhiều tác giả, do báo Văn Nghệ, báo Nông Nghiệp Việt Nam và Nhà xuất bản Nông Nghiệp xuất bản năm 1988, có tựa đề Người Đàn Bà Quỳ, trong đó có một bài Ký của Võ Văn Trực : Tiếng kêu cứu của một làng văn hóa (từ tr. 115-128), viết vào cuối năm 1987.Tác giả viết về chính làng quê của mình, thuộc xứ Nghệ, được xây dựng vào khoảng 700 năm về trước, nhưng người ta tưởng cái thôn này mới lập nên trong phong trào xây dựng các vùng kinh tế mới. Bởi vì, không thấy một “dấu vết gì của một cái làng cổ…”
Sau đó, tác giả nói đến những địa danh bị phá hủy. Như núi Hai Vai, nơi vua Lê Thánh Tông làm thơ cảm tác khi đi kinh lý qua đó. Ngoài ra, còn bao nhiêu hang động khác đã bị phá sạch. Chẳng hạn như hang Thần Đồng, hang Nhà Nước, hang Khách, hang Thắt cổ, cùng những chùm thạch nhũ óng ánh như vàng, như bạc, như kim cương được tạo nên qua hàng triệu năm.
Về các đình chùa, miếu mạo, tác giả bài Ký này cho biết : “Ở Nghệ Tĩnh, một cán bộ văn hóa nói mỉa mai rằng : “Về cơ bản, tỉnh nhà đã phá xong di tích lịch sử !” Phượng Hoàng Trung đô thời vua Quang Trung ở Núi Quyết đã bị phá để xây lò cao. Đền thờ Mai Hắc Đế ở Nam Đàn chỉ còn cái nền gạch lở lói…
3.Hợp Tác Hóa Tổ Tiên Các Dòng Họ và Các Vị Thần
Ngoài ra, để phá đổ nền móng gia đình một cách quyết liệt hơn, nhà cầm quyền CS đánh vào việc thờ cúng tổ tiên :
“ Đầu tiên, người ta tổ chức một chiến dịch rước ông bà tổ tiên về ở tập thể. Tất cả các gia đình đều rước bài vị tới nhà thờ họ. Rồi từ các nhà thờ họ, tổ tiên lại được rước tới một ngôi nhà thờ lớn nhất trong làng.. Sau khi đã hoàn thành việc hợp tác hóa tổ tiên, tất cả các nhà thờ của chi nhánh họ đều bị phá tanh bành.” (Sdt, tr.121-122)
Còn các vị thần trong các đền thờ ?
“ Người ta cũng mở một chiến dịch hợp tác hóa các vị thần. Tất cả các vị thần ở các xóm làng đều bị rước tập trung vào một ngôi đền chung của toàn xã. Dĩ nhiên, sau cái chiến dịch này là lập tức tiếp đến chiến dịch đập phá hàng loạt ngôi đền.” (tr.122)
Trong số các ngôi đền bị đập phá, theo tác giả bài Ký, có ngôi đền thờ đức Triệu Cơ, vị sáng lập làng quê của tác giả, là lớn nhất làng, nên “tất cả các gia đình các dòng họ đều rước tổ tiên về đây để sống chung. Tưởng thế là yên vị. Ngờ đâu mấy năm sau, ông bí thư đảng ủy quyết định lấy nhà thờ làm kho thóc. Dân chúng kêu xin : “Cả làng chỉ còn một nhà thờ duy nhất, mong ông giữ vẻ tôn kính đường thờ phụng. Chim có tổ, người có tông.” Ông bí thư mặt lạnh như tiền, trả lời đanh thép: “Các chiến sĩ đổ máu xương ngoài mặt trận không tiếc, bà con ta lại tiếc cái nhà thờ tổ thì lập trường giai cấp để đâu ?” (Sdt,tr.123-124)
Tác giả bài Ký còn kể đến việc đào ngôi mộ võ tướng Hùng Lê Bá, một vị tướng của làng quê tác giả, để lấy đất trống xây đống rạ hoặc ủ phân chuồng. Vì ngôi mộ rộng lớn gần một mẫu đất nên phải đào đến lần thứ hai mới tìm được hài cốt.
Tác giả kể:
“Mấy bô lão ôm hài cốt, nước mắt chảy ròng ròng, rồi kéo lên gặp ông chủ nhiệm hợp tác xã xin một ít tiền mua tiểu sành đựng hài cốt, ông chủ nhiệm trừng mắt nói như đinh đóng cột: “Mộ vua, mộ thượng thư cũng đập thành đống đất, mộ ông tướng làng các cụ thì đã ra cái gì !” (Sdt, tr.126)
Người xưa có câu :
“Làm thầy thuốc mà lầm thì giết một người
“Làm thầy địa lý mà lầm thì giết một họ
“Làm chính trị mà lầm thì giết cả nước
“Làm văn hóa mà lầm thì giết một đời.”
(Còn tiếp)
Khải Triều
Views: 0