Phạm Hồng Lam chuyển ngữ
Những điều dối trá về lí lẽ của Wladimir Putin đưa ra trong bài diễn văn tối hôm 21.02.2022 mở màn cho cuộc tấn công quân sự Ukraina.
Taqc giả: Michael Thumann
Wladimir Putin bị lịch sử thúc đẩy, có thể nói ông bị thôi miên bởi lịch sử. Giờ đây ông muốn chính mình viết lịch sử tại Ukraina. Phải chăng các người tiền nhiệm của ông, từ Lênin tới Gorbachow, đều đã hành động sai? Từ lâu Putin tự coi mình ngang hàng với những nhân vật như đại đế Peter I., người lập ra Đế Quốc Nga, hay như Josef Stalin, kẻ xâm chiếm Âu châu tới tận sông Elbe. Giờ đây ông muốn đánh chiếm Ukraina, để đưa thêm công trình của mình vào gia sản của họ. Và – để rồi xem.
Chiếu tối ngày thứ Hai vừa rồi (21.02.2022) ông tỏ ra giận dữ suốt một tiếng đồng hồ trên đài truyền hình quốc gia. Gần một tiếng ông la hét về những thua thiệt to lớn của nước Nga do lịch sử của thế kỉ 20. để lại. Ông dùng truyện cổ tích đầy nuớc mắt, để biện minh cho chính sách quân sự của mình. Ông kể Nga đã bị Tâp phương lừa gạt và bị Ukraina phản bội. Truyện kể này được dùng làm bình phông cho cuộc tiến chiếm Ukraina. Có thể gây chiến tranh bằng cách diễn dịch sai lịch sử.
Putin đòi dành cho mình cái quyền đạo đức. Ông muốn dùng nó để hợp thức hoá việc xét lại trật tự của Âu châu; ông bảo Tây phương đã phá bỏ các hiệp ước; ông tạo khủng hoảng cho dân Ukraina và gây phân rẽ công luận âu châu, đặc biệt là công luận ở Đức.
Ông tạo ra nhữ thứ đó bằng cách nào? Và phải chăng ông có lí?
Chúng ta hãy bắt đầu với nước Đức. Tổng thống Nga lấy cớ Tây phương „vi phạm các hiệp ước“, để biện minh cho cuộc tấn công quân sự ở Đông Âu. Theo ông, nước Nga đã chấp thuận cho nước Đức thống nhất vào năm 1990, vì trước đó Mĩ và Âu châu đã hứa là sẽ không mở rộng Nato về phía đông. Nhưng rồi, cũng theo ông, Nato đã mở rộng. Gần như trong mọi bài phát biểu Putin đều đề cập tới câu chuyện tranh luận hết sức thời sự của cuộc đàm phán 32 năm về trước. Trong bài nói tối hôm thứ Hai ông cũng đề cập tới nó. Nhưng có sự hứa hẹn kia không?
Sự cáo buộc của ông có liên quan tới những câu phát biểu của các chính khách Mĩ và Âu châu vào năm 1990. Thời đó, vào tháng Hai 1990, ông ngoại trưởng Mĩ James Baker chẳng hạn có nói rằng, với việc thống nhất nước Đức, „quyền tài phán của Nato“ sẽ không chuyển động „một li về phía đông“. Đó là câu Putin đã lặp lại trong buổi tối thứ Hai. Putin cũng nhắc lại câu của Manfred Wörner, tông thư kí của Nato thời đó, vào tháng Năm 1990: Nato sẽ không đóng quân „phía bên kia phần đất của Cộng Hoà Liên Bang Đức [Tây Đức]“.
Hai câu nói này được Putin coi là lời hứa mang tính bó buộc: Nato hứa sẽ không mở rộng. Nhưng diễn giải như thế là sai.
Thời đó các cường quốc đàm phán về một hiệp ước được gọi là Hiệp Ước hai cộng với bốn, qua hiệp ước này Đức sẽ được tái thống nhất. Hiệp ước đã được kí vào tháng Chín 1990 bởi Mĩ, Liên Xô, Liên Hiệp Vương Quốc, Pháp và hai nước Đức. Một điểm quyết định trong bàn thương thảo là: Tính cách thành viên Nato của một nước Đức tái thống nhất sẽ ra sao? Hai câu nói của Baker và Wörner có liên quan trực tiếp với điểm thương thảo này.
Thời đó, khi nghe Baker tuyên bố, “quyền tài phán“ của Nato sau khi nước Đức thống nhất sẽ không bao hàm cả vùng đất của Đông Đức cũ, tổng thống Mĩ là George H.W. Busch cho đó là chuyện quá hàm hồ, nên đã yêu cầu Baker từ nay không được nói tới câu đó nữa. Và cả tổng thống Liên Xô là Michael Gorbachow cũng không đề cập gì tới điểm này. Cuối cùng phương Tây và Moskau đã thoả thuận về một sự hiện diện hạn chế của Nato ở nước Đức. Khi kí thoả ước hai cộng bốn vào tháng Chín 1990, Gorbachow đã đạt được điều mà ông quyết có cho được: Tây phương không đóng quân Nato và không đặt hoả tiễn nguyên tử trên vùng đất Đông Đức cũ. Đã không có một „lời hứa“ nào như Putin nói, hay một ghi chú bằng chữ viết nào về điểm này.
Những người đương thời còn sống đều phủ nhận giả thiết do Putin đưa ra. Horst Teltschik, thời đó là cố vấn ngoại giao cho Helmut Kohl, người đã có mặt trong mọi cuộc họp bàn, khẳng định: các cuộc đàm phán đã „không bao giờ nói tới chuyện mở rộng Nato ra bên ngoài nước Đức“ cả. Chính Gorbachow đã nhiều lần nói rất rõ về điểm nay, lần cuối vào năm 2014 và 2019. Ông nói với báo Rossijskaja gaseta: Thời đó Baker, Kohl và Genscher chỉ nói với ông về chuyện „mở rộng cấu trúc quân sự của Nato và việc đóng quân của Liên Minh trên phần đất của Đông Đức cũ mà thôi“. „Hoàn toàn không đá động gì tới“ chuyện mở rộng Nato. Người thông dịch cho ông thời đó, vốn đồng hành với ông trong mọi cuộc họp bàn, đã khẳng định điều đó vào năm 2018 trên đài truyền thanh Echo Moskwy. Năm 2019 Gorbachow lại xác nhận một lần nữa: Không thể nói „chuyện hoàn toàn vô lí này“ vào thời điểm đó. Lúc này Hiệp Ước Warschau, một liên minh quân sự đối ứng với Nato, hãy còn đó – và sự kết thúc sau này của nó lúc đó chưa ai biết được. Phản ứng của thủ tướng Ba-lan cho thấy rõ tình trạng lúc đó. Tadeusz Mazowiecki rất lo lắng trước việc tái thống nhất nước Đức, vì thế ông muốn bằng mọi cách giữ quân lính liên-xô ở lại trên nước ông. Sang tới năm sau, mọi chuyện đổi khác.
Putin coi việc đổ vỡ khối Liên Xô năm 1991 là „nguồn cội của mọi tai ương“; tai ương này đã dẫn đến một diễn tiến lịch sử sai, đó là „sự thống trị của Mĩ“ qua việc mở rộng Nato. Cả điểm lập luận này cũng sai. Tháng Hai 1991, qua một cuộc trưng cầu dân í, dân Lithuana chọn độc lập trách khỏi Liên Bang Xô Viết. Tiến trình đổ vỡ khối Xô Viết bắt đầu; các biến cố dồn dập tiếp diễn theo nhau: Cuối tháng Hai 1991 các nước trong Liên Minh Warschau quyết định giải tán Liên Minh. Bắt đầu từ đây người ta mới luận bàn cụ thể về chuyện mở rộng Nato.
Nhưng các chính trị gia phương Tây tỏ ra vô cùng dè dặt. Tháng Ba 1991 thủ tướng Liên Hiệp Vương Quốc là John Major bác bỏ mọi hình thức mở rộng Nato. Người Pháp, và các nhà ngoại giao Đức, cũng một quan điểm như thế. Họ không nói lên quan điểm đó trong các cuộc đàm phán với Moskau, mà nói ra trong các buổi luận bàn nội bộ. Hiến Chương Paris đã được kí, cũng như Hiệp Ước hai với bốn. Chẳng có „lời hứa“ nào để mua lấy sự đồng í của Nga, mà đó chỉ là một thông báo: Phương Tây không muốn mở rộng Nato trong lúc Liên Minh Warschau tan rã.
Nhưng tại sao sau đó Nato lại được mở rộng? Cú hích tới từ bên ngoài, do sức ép của người dân Trung Âu và do tình hình bất ổ ở Đông Âu. Trong nhiều nước, như Moldau và Georgien, nổ ra những cuộc xung đột, các lực lượng đòi tự trị tách ra. Trong hoàn cảnh bất ổn đó quân đội Nga đã đóng một vai trò hết sức tàn ác. Đồng thời chính trị nội bộ của Nga, quyết định của Quốc Hội Nga trong tháng Mười 1993 và cuộc chiến ở Tschetschenien nổ ra năm 1994, đã dấy lên những âu lo cho dân Trung Âu. Giữa thập niên 1990‘ các đảng chù trương hướng về phương Tây thắng thế trong các cuộc bầu cử ở Tiệp, Hung và Ba-lan. Họ muốn nước họ gia nhập Nato, trong khi đó quan điểm của phương Tây vẫn chưa ngã ngũ. Một loat các chính khách hồi hưu của Mĩ khuyến cáo không nên, trong lúc tổng thống Bill Clinton có quan điểm ngược lại và Nato cũng muốn mở ra. Người Đức cũng muốn mở rộng Nato, nhưng chỉ với điều kiện là vẫn tiếp tục thắt chặt quan hệ với Nga. Vì thế, năm 1997 Nato đã kí với Nga một Tài Liệu Căn Bản (Grundakte) quy định tương quan an ninh song phương và loại trừ mọi việc đặt vũ khí nguyên tử trên các nước sẽ gia nhập Nato. Dựa trên các điều kiện này, Moskau đồng í việc mở rộng Nato.
Trong bài cáo buộc phương Tây dai dẳng của ông trong tối hôm thứ Hai Putin chẳng đá động gì tới những điều trên. Ông giận dữ kê ra những nước gia nhập: Cộng Hoà Xéc (Tschechien), Hung, Ba-lan gia nhập năm 1999; Estland, Lettland, Lithuana, Slô-vắc, Rumania, Bulgaria năm 2004. Nhưng Putin đã dấu nhẹm vai trò của chính ông trong tiến trình đó. Lẽ ra ông phải bực dọc về những cuộc gia nhập năm 2004, vì trong số gia nhập đó có ba nước là thành viên của Liên Xô cũ. Lúc đó Putin là tổng thống Nga – và Gerhard Schröder là thủ tướng Đức. Cả hai lớn tiếng chống lại cuộc chiến năm 2003 của USA ở I-rắc. Nhưng Putin đã không lên tiếng chống lại việc mở rộng Nato. Thủ tướng Schröder đẩy mạnh việc mở rộng Nato, và Putin đã không có phản ứng chống đối nào.
Trong một cuộc họp báo chung ngày 02.04.2004, ba ngày sau khi ba nước Lithuana, Lettland, Estland gia nhập Nato, Putin đứng mỉm cười bên cạnh Schröder và ca ngợi „diễn tiến tích cực“ của các tương quan giữa Nga và Nato. Và ông tiếp: „Vế việc mở rộng Nato chúng tôi chẳng có quan ngại nào cả cho sự an ninh của Liên Bang Nga.“ Sau đó ít lâu, khi Tổng Thư Kí của Nato tới Moskau, Putin nói, mỗi quốc gia có „quyền chọn hình thức an ninh cho riêng mình“. Đã chẳng có lời nào nói đến sự thất hứa của Tây phương hay nói tới mối nguy hiểm cho Nga cả.
Ngày nay Putin nói ngược lại hoàn toàn những gì ông nói trước đây, khi diễn ra việc gia nhập Nato của các tân thành viên, và với giả thuyết về sự „bội hứa“ của phương Tây ông đã nói ra điều trái ngược lại với chính mình. Tại sao ông lại nói vậy? Từ 2004 trở đi Nato không còn cuộc mở rộng nào về phía Đông, mà chỉ cỏ có những nước ở Nam Âu xin gia nhập mà thôi. Đã có hai nguyên cớ khác – cả hai đều có liên quan tới nền độc lập của Ukraina – làm cho Putin ngày nay nổi giận.
Trong cuộc họp thượng đỉnh của Nato năm 2008 ở Bucarest người Mĩ và người Đức tranh luận nhau về việc cho Ukraina và Georgia gia nhập Nato. Ukraina đã có một sự bảo đảm an ninh qua Giác Thư (Memorandum) Budapest năm 1994, qua đó Nga được nhận tất cả các vũ khí nguyên tử ở Ukraina, đối lại Nga bảo đảm „sự toàn vẹn lãnh thổ“ của Ukraina. Điều này được xác nhận qua Hiệp Ước Hữu Nghị giữa Nga và Ukraina kí năm 1997. Dù vậy, năm 2008 Mĩ vẫn muốn cho Ukraina gia nhập Nato, nhưng Angela Merkel phản đối. Và hai bên đã đi tới một thoả hiệp: Ukraina và Georgien sẽ được gia nhập vào một thời điểm nào đó, nhưng hai nước không được quyền làm thành viên của kế hoạch hành động chung (Membership Action Plan). Nghĩa là một lời mời chẳng có giá trị gì cả.
Olaf Scholz, tân thủ tướng Đức, ngày hôm nay vẫn nại vào điều này, khi ông nói, chưa bao giờ vấn đề gia nhập Nato của Ukraina đã được đưa ra bàn thảo. Nhưng đối với Putin, chỉ cần một khả thể mơ hồ cũng đủ để tạo ra chuyện. Trong bài nói của mình ông vẽ ra những cảnh tượng huyễn hoặc: Mĩ sẽ dùng càc phi trường của Ukraina để tấn công vào lãnh thổ Nga; Mĩ có thể sẽ dựng hoả tiễn ở Ukraina, chỉ cần từ bốn tới tối đa tám phút là tới Moskau; Mĩ sẽ „cầm dao dí vào cổ“ Nga; Mĩ cũng có í định đó, i như họ đã có hậu í trong việc mở rộng Nato trước đây.
Nhưng vấn đề của ông ta đối với Ukraina còn mang tính chất sâu xa hơn. Trong bài nói chuyện hôm thứ Hai, ông vẽ ra một bức tranh lớn. Ông quả quyết, Ukraina không phải là một „quốc gia lân cận“, mà chỉ là một phần „của lịch sử và văn hoá của chúng ta“. Ông đổ tội cho Lênin, vì đã mang „tham vọng làm thoả mãn tầng lớp ưu tuyển nặng tinh thần quốc gia“ và đã „khiên cưỡng“ tạo nên những Cộng Hoà Xô-viết dựa trên cơ sở chủng tộc. Theo ông, Lênin là „kẻ tạo dựng và kiến trúc sư“ lập nên Ukraina. Đây là điểm hoàn toàn dối trá. Cũng như nhiều quốc gia âu châu khác, phong trào quốc gia người Ukraina đã hình thành trong thế kỉ 19.; và họ đã tạo nên một quốc gia độc lập, trước khi Lênin lên nắm quyền và dùng đám Bô-xê-vích để dẹp tan quốc gia này.
Putin đổ tội cho Ukraina đi theo phương Tây. Theo ông, Ukraina chưa bao giờ có „truyền thống là một quốc gia“ cả; Ukraina chỉ cóp nhặt „một cách máy móc những mô hình xa lạ“ khiến cho „lịch sử của mình bị vong thân“. Ông nói tới quá trình đi theo phương Tây của Ukraina, xuyên qua cuộc cách mạng trong năm 2004/2005 và đạt tới cao điểm với những chống đối trên công trường Maidan ở thủ đô Kiev năm 2014 chống lại người đồng minh của ông là Viktor Janukowitsch. Đối với Putin, mọi chống đối của dân chúng, bất luận ở Ukraina, ở các nước Ả-rập hay nơi sự chống đối của dân Nga năm 2012 ở Moskau chống lại ông, đều do bàn tay của Mĩ giật dây và đó là một sự đe doạ có thể đưa tới tử vong.
Mối thù trước sự ước ao độc lập của Ukraina lớn lên trong Putin kể từ năm 2014, và nó chẳng còn được dấu diếm gì nữa qua bài nói bữa hôm tối thứ Hai. Nhưng với việc chiếm đóng bán đảo Crimea, Putin cũng đã khiến cho dân Ukraina quay mặt chống Nga, và tình cảm này khó mà thay đổi được nữa. Theo những thăm dò mới đây, chỉ còn 14% dân Ukraina muốn có một sự hợp tác kinh tế chặt chẽ với Nga, và chỉ còn 8% muốn có một sự hợp tác quân sự chặt chẽ với Nga. Ngược lại chưa bao giờ dân Ukraina lại muốn được vào Nato với tỉ lệ cao như thế. Năm 2014 đa số dân Ukraina tỏ ra hoài nghi về sự gia nhập, nay con số thuận lên đến 55%. Gần 2/3 dân Ukraina muốn gia nhập Liên Hiệp Âu Châu (EU).
Giờ đây Putin xé bỏ mọi hiệp ước và phá luật quốc tế . Bắt đầu với việc Moskau sát nhập Crimea, nay – vào hôm thứ Hai – tiếp theo công nhận hai vùng cộng hoà li khai. Và hôm thứ Ba với việc cho lệnh tấn công quân sự đối với Ukraina. Và chắc chắn Putin sẽ không dừng lại ở đó.
Putin nại tới lịch sử, nhưng lịch sử không bao giờ hợp thức hoá về mặt đạo đức cho một cuộc chiến tranh. Bước cực đoan hoá nơi Putin chẳng liên quan một chút gì với sự hứa hẹn năm 1990, nhưng nó cho thấy thực tế người dân Nga đã phải sống ngột ngạt đến chừng nào trong 22 năm thống trị của Putin.
– Michael Thumann, Der Geschichtsvollzieher. Die Zeit số 9, ngày 21.02.2022. Người dịch: Phạm Hồng-Lam
Views: 0