VĂN HÓA

Tết

Nguyễn Ngọc Thể

(Xuân Nhâm Dần -2022)

 

Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

(Nguyễn Du – Truyện Kiều)

Bốn câu thơ trên của nhà đại thi hào Nguyễn Du dàn trải cho chúng ta thấy toàn khung cảnh của một mùa xuân. Mùa xuân với đàn chim én bay lượn khắp trời, ca hát líu lo. Mùa xuân trở về mang lại cho đất trời cảnh sắc tươi sáng, không còn cảnh âm u, buồn thảm của những ngày đông lạnh giá. Ngoài ra, khi mùa xuân trở về, chúng ta thấy được những hoa lá tốt tươi, những bãi cỏ xanh mướt mịn màng “cỏ non xanh tận chân trời”.  

Mùa xuân, đối với nhiều người Việt chúng ta đang sinh sống xa quê nhà, có thể sánh với ngày lễ Tạ Ơn nơi xứ sở này. Ngày lễ Tạ Ơn, con cháu từ xa quay về, quây quần bên nhau trong gia đình để dâng lời cảm tạ lên Thiên Chúa về những gì Người đã ban cho chúng ta trong một năm qua, rồi tiệc tùng, ăn uống. Ngày Tết Việt nam, đối với con dân Việt cũng có tập tục, truyền thống, quây quần bên ông bà, cha mẹ để cùng chia xẻ niềm vui trong gia đình, ăn uống, trao quà cho nhau và nhân đó chúc tuổi, chúc thọ trong năm mới, chúc mọi sự bình an, hay nói lên lời cám ơn đối với ông bà, tổ tiên, cha mẹ.

Theo tìm tòi, Tết Việt nam có những tập tục riêng, nghi lễ riêng, nhưng tựu trung đều cùng nói lên điều quan trọng nhất trong ngày đầu năm âm lịch. Tết, có nghĩa là Tiết, có nghĩa là “chặng tre nối đuôi nhau”. Tại Việt nam, lúc trước, một số những ngày đặc biệt đều mang chữ tết, như: Tết Thanh minh

“Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh.”

(Nguyễn Du – Truyện Kiều)

Rồi đến tết đoan ngọ, tết trung thu…

Về những ngày xuân, một vài tập tục đã có từ lâu, tùy theo từng vùng hay miền. Chẳng hạn, có nơi ngày mùng 1 Tết nguyên đán, mọi người ở yên trong nhà cho đến quá giờ ngọ (giờ ngọ là từ 11 giờ đến 1 giờ trưa) mới được ra khỏi nhà. Lý do người ta kiêng cữ vì có thể mang điều xui, điều dở đến cho gia đình khác, nếu đi chúc tết một gia đình nào đó trong ngày đầu năm. Ngoài ra, còn có một số “kiêng kỵ” trong ngày đầu năm, như: không quét nhà, đổ rác, cho nước, cho lửa, không làm đổ bể vật gì trong nhà, không tranh cãi hoặc gây bất hòa, không nói điều xui, kiêng ngồi hay đứng trước cửa, hạn chế đóng cửa. Về “mâm ngũ quả” thì sao? Ngũ quả là năm loại trái cây như:  mảng cầu, đu đủ, trái thơm, nho, xoài. Không có cam, vì người ta nói “cam” là cam khổ, nên không được xếp vào “mâm ngũ quả.”

     

Có một số tập tục, vì bị ảnh hưởng văn hóa người Tàu, chẳng hạn như sáng sớm tinh sương ngày mùng một Tết, có màn “xuất hành”. Vậy “xuất hành” mang ý nghĩa gì? Đối với một số người, việc xuất hành đầu năm mang ý nghĩa tâm linh. Khi xuất hành thì nên đi vào giờ nào, đi hướng nào, để gặp được nhiều may mắn, thuận lợi trên công ăn việc làm, và cuộc sống tốt đẹp cho cả năm. Việc xuất hành vào các ngày mùng 1, mùng 2, và mùng 3 tết được coi là khoảng thời gian linh thiêng nhất của năm mới.

Ngoài ra, có một tập tục nữa thường thấy ở vùng quê. Đó là tục dựng cây nêu trước nhà. Có bài vè về cây nêu như sau:

Cu kêu ba tiếng cu kêu [1]
Cho mau tới Tết dựng nêu ăn chè.
Ăn chè rồi lại ăn xôi,
……………………………………………
Còn ba đòn bánh tét để dành hạ nêu.”

 Cây nêu nói ở đây là một cây tre hay cây trúc, dài độ 5- 6 mét. Cây nêu được dựng trước nhà vào ngày 23 tháng chạp là ngày ông táo vắng, vì phải đi về trời chầu diêm vương để báo cáo chuyện thế sự. Bởi thế, những ngày này, vì ông táo đi vắng, nên ma quỷ hay đến quấy phá, vì đói khát. Cây nêu được dựng trước nhà có treo mấy thứ như: cháo đựng trong túi và một vài thức ăn khác nữa để ma quỷ đến ăn mà không vào nhà quấy phá. [2]

Một vài sự việc vừa nêu, chỉ là những tập tục xa xưa, giờ chắc cũng đã trút bỏ đi nhiều, bởi cuộc sống ngày càng văn minh của bao người dân Việt khắp nơi cũng như tại quê nhà. Vì do tập tục, truyền thống, nên có những người con Chúa cũng bị ảnh hưởng ít nhiều, như đi theo bạn bè đến các đền chùa để xin xăm, mong lấy hên trong ngày đầu năm mới. Sự việc này cũng ít nhiều ảnh hưởng ít nhiều đến niềm tin vào Chúa. Nếu trong năm đó gặp nạn, rủi ro hay làm ăn thua lỗ, chúng ta lại nghĩ đến chuyện xui xẻo, mà không nghĩ rằng, mọi việc xảy đến cho mỗi người chúng ta đều có bàn tay huyền nhiệm của Chúa an bài, xếp đặt cả và sẵn sàng vâng nghe thiên ý.

Ngày Tết đang đến khắp nơi, nhất là những nơi nào có số người Việt đang sinh sống tại hải ngoại. Người Việt, dù sống trong hoàn cảnh nào, cũng thích sống hợp quần. Vì thế, dịp đầu năm, cũng lại có những tổ chức vui chơi như múa lân, văn nghệ, ca hát để phần nào làm khuây khỏa tâm tình của những người xa xứ.  Nguyện xin Thiên Chúa là chúa của một mùa xuân muôn thuở ban muôn phúc lành cho mỗi người, mỗi gia đình chúng ta ơn an bình, sức khỏe, học hành, và được thăng tiến trên cuộc sống.

_______________

[1] Cu: chim câu, chim cu là một loại chim rừng.

[2]  Wikipedia

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.