Elizabeth Nguyễn
Thời Cựu Ước Thiên Chúa đã ký giao ước với dân Israel và ban cho họ 10 điều răn để họ sống trung thành với giao ước „Vậy giờ đây, nếu các ngươi thật sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu của riêng Ta. Vì toàn cõi đất là của Ta“ (Xh 19, 5). Thời Tân Ước giao ước của Chúa Giêsu với nhân gian là ngày Sứ Thần truyền tin cho Đức Mẹ Maria sẽ mang thai một em bé do Thánh Thần, sẽ đặt tên là Giêsu, và Mẹ đã thưa „xin vâng“ „Tôi là nữ tỳ của Chúa, xin cứ làm như lời Sứ Thần nói“ (x. Lc 1, 26-38).
Giao ước hôn nhân của vợ chồng tôi đã trải qua 58 năm bên nhau với bao thăng trầm trong cuộc sống. Cử hành bí tích hôn phối, nhắc đến lời thề hứa: „Tôi là … nhận (anh/em) làm (chồng/vợ) và hứa giữ lòng chung thủy với (anh/em) làm (chồng/vợ) và hứa giữ lòng chung thủy với (anh/em), khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng nhau (anh/em) suót đới tôi“ của người nam và người nữ khi ký kết hôn ước với nhau trược mặt Thiên Chúa, trước linh mục chủ tế trong Thánh Lễ và trước mặt cộng đoàn dân Chúa nơi mình sinh sống.
Thời gian đầu của hôn nhân thật hạnh phúc chan hòa và cứ luôn nghĩ là mình sẽ hạnh phúc như vậy suốt đời bên nhau, nhưng thời gian và không gian giãn nở theo từng thời kỳ, từng hoàn cảnh nên khi có vài em bé thì bổn phận làm cha mẹ và cơm áo gạo tiền níu kéo… trách nhiệm nhiều hơn, bận rộn hơn, tình yêu vẫn có đó, nhưng chúng tôi vụng về khi đối xử với nhau trong những bổn phận trói buộc trong gia đình, vì „chuẩn bị làm linh mục có chúng viện, chuẩn bị làm tu sĩ có đệ tử viện, tập viện, chuẩn bị làm giáo sư có trường sư phạm, chuẩn bị làm cha mẹ có gì? –Không có gì cả! Thật là một thiếu sót lớn lao trên thế giới. Lúc này đã có dự bị hôn nhân nhưng chưa đi đến đâu. Bao nhiêu người sẽ là nạn nhân do cuộc phiêu lưu của các con? ĐHY Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận). (hồi đó chúng tôi đâu được học về giáo lý hôn nhân trước khi ký hôn ước vì Giáo Hội chưa để ý đến điều này).
Chúng tôi không biết đặt tình yêu Thiên Chúa là cùng đích của gia đình nên có bất đồng, giận dỗi, cãi vã, bực bội, thiếu kiên nhẫn với nhau v.v… tôi nhớ đến lời của Hyppolite Taine, ông nói về đời sống gia đình: „biết nhau ba ngày, quen nhau ba tháng, tìm hiểu nhau ba năm, chịu đựng nhau ba chục năm và tha thứ cho nhau suốt đời“ đem ra thực hành bốn chữ „tha thứ suốt đời“, cũng đồng nghĩa là chịu đựng nhau suốt đời, vì tình yêu nó chạy chơi trò „đi trốn đi tìm“, lúc này lúc nọ chỉ còn tình nghĩa đong đầy hơn tình yêu mà thôi. Rồi chiến tranh trong nước bùng phát, chồng tuy là con một trong gia đình cũng bị động viên, một mình tôi vừa đi làm tại công sở, vừa thêm trách nhiệm làm cha, vừa làm mẹ, vừa làm dâu…
Các con nhỏ bé cần hiểu biết về đức tin mà tôi chỉ là một tân tòng, lấy chồng rồi thì chỉ biết đi dự Thánh Lễ Chúa Nhật là đủ nên những chân lý, những điều Chúa dạy ra sao tôi chẳng biết gì, vì khi học giáo lý để được tửa tội tôi chỉ được vị linh mục dạy đọc thuộc lòng vài kinh thôi , những gì cha có dạy thêm tôi quên hết trôn hết trọi, thật là tệ quá sức. Tôi chỉ biết xin cha sở cho các cháu vào ban giúp lễ, hy vọng các cha, các soeur dạy dỗ dùm… Tiếp đến năm 1975, chồng phải đi tù tại trại cải tạo của nhà nước Việt cộng nên mẹ con chúng tôi càng thêm khốn đốn, song Thiên Chúa quan phòng thương yêu gìn giữ che chở bao bọc chúng tôi trong vòng tay Thương xót của Ngài.
Cho đến khi ra Hải Ngoại, được Chúa Thánh Thần dẫn dắt đi tĩnh tâm, dự một khóa Linh Thao ba ngày mới nhận ra cuộc sống hôn nhân của mình có một lỗ hổng to tướng, và tình yêu Chúa Kitô nồng nàn trong tim tôi được sống dậy, giúp chúng tôi sống đời hôn nhân an hòa hơn, hạnh phúc hơn, nhiều niềm vui hơn, biết tha thứ nhau dễ dàng hơn… nhờ ơn khôn ngoan và tình yêu thương của Chúa hiện diện trong gia đình.
Giáo Hội Gia Đình nhỏ bé của chúng tôi trong Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ có hai người, nay triển nở thành 15 thành viên lớn nhỏ, trai gái, khỏe mạnh thường tụ tập những ngày giỗ, ngày Tết, ngày kỷ niệm hôn phối, những ngày lễ Giáng Sinh, Phục Sinh, Lễ Tết v.v… cùng nhau cầu nguyện và chia sẻ thân mật bên bàn ăn. Trong thời dịch bệnh này, tất cả gia đình gồm các con cháu từ Úc Châu, và các tiểu bang ở Đức Quốc đoàn tụ nhau qua zoom để cầu nguyện và chia sẻ thăm hỏi nhau. Tạ ơn Chúa, đó chính là niềm an ủi cho những ngày cuối đời của hai thành viên đã thề hứa với nhau trong giao ước được ấn ký từ năm 1964./-
Elisabeth Nguyễn (28.12.2021)
Views: 0