Tác giả Moritz Aisslinger.
Cộng tác viên: Teresa Althen và Laura Meda
Phạm Hồng-Lam dịch
Ngày 10 tháng 10 năm 2020 Giáo Hội phong chân phước cho cậu thiếu niên người Italia Carlo Acutis. Em mất năm 2006, lúc 15 tuổi. Giờ đây có hàng triệu tín hữu ki-tô giáo trên khắp thế giới ngưỡng mộ em. Carlo là ai?
Tôi tin rằng, bà mẹ nói, ngay khi Carlo chào đời Trời đã gởi tới hai dấu chỉ, đó là một chiếc bánh và một ngôi nhà thờ. Lúc đó, năm 1991, Antonia Salzano và chồng Andrea Acutis, cả hai người gốc Italia, giữa tuổi 20, đang ở London. Thời gian thai sản bình thường. Carlo chào đời ngày 3 tháng 5, nặng 3500 gram, ở Porland Hospital, một bệnh viện tư, nổi tiếng khắp nước. Một đứa trẻ yên tĩnh.
Bà kể tiếp, lễ rửa tội diễn ra ngày 18 tháng 5 trong vòng gia đình, không tổ chức lớn. Trước đó, bà ra Harrod, một trung tâm mua bán hạng sang, mua một chiếc bánh, „chiếc bánh có hình con chiên“. Cầm bánh trên tay, bà nghĩ ngay tới Chúa Giê-su, con chiên Thiên Chúa. Và nghĩ tới Carlo. „Vì Carlo cũng giống như thế. Cũng như một chú chiên con.“
Rửa tội ở nhà thờ Our Lady of Dolours (Đức Mẹ Sầu Bi), toạ lạc trong khu Chelsea. Mater Dolorosa là biểu tượng cho một người mẹ suốt đời lo lắng cho con mình là Giê-su.
“Tôi tin”, Antonia Salzano nói, “đó là hai dấu chỉ cho những gì sẽ đến với gia đình chúng tôi sau này“.
—//—
Gần 30 năm sau ngày sinh của Carlo, một buổi sáng giữa tháng Mười 2021, sương mù giăng mắc trên thành phố cổ Assisi. Công trường Santa Maria Maggiore trước nhà thờ được cảnh sát dựng rào cản xe cộ qua lại. Các nhân viên an ninh trao đổi với nhau bằng máy gọi cầm tay. Một đoàn người rồng rắn xếp hàng trước cửa chính nhà thờ. Họ đứng nối đuôi nhau dài hàng trăm thước quanh các ngõ ngách: cha mẹ với con cái, các nữ tu, những khách hành hương.
Trong nhà thờ hoàn toàn yên lặng. Một vài người quỳ gối cầu nguyện. Còn đa số xếp thành một hàng dồn nhau bước qua trước bàn thờ để tiến về bên cánh phải nhà thờ, nơi có ánh sáng sáng trưng trên một quan tài bằng đá màu đỏ hồng với mặt tiền được lộng kính. Mỗi người, tới phiên mình, rồi sẽ có được một chốc lát dừng lại để dõi mắt vào quan tài đó. Một người đàn ông đưa tay làm dấu, khi bước tới trước quan tài; một bà quỳ xuống, bà khác khóc. Một đứa trẻ đưa tay vẫy.
Nó vẫy Carlo đang nằm như ngủ sau tấm kính. Mộ phần của Carlo được khai quật vào năm 2019. Các chuyên gia đã ướp xác, làm lại tóc, dùng Silicon đắp lại như in khuôn mặt và hai bàn tay. Rồi khoác lên tử thi một chiếc áo khoác tập thể thao, chiếc quần jean và đôi giày ba-ta hiệu Nike.
Carlo với mái tóc quăn, đầu kê trên chiếc gối với đôi mắt nhắm, xem ra như đang làm một giấc ngủ trưa ngắn sau giờ học.
Trước đó không lâu, ngày 10.10.2020 Giáo Hội công giáo đã phong Carlo Acutis lên hàng chân phước, vị chân phước đầu tiên thuộc giới trẻ sinh trong thập niên 1980 và 1990 của thế kỉ trước. Ngày hôm sau, giáo tông Phan-sinh xuất hiện trên cửa sổ phòng ở của mình và nói: „Hôm qua ở Assisi Carlo Acutis đã được tuyên phong chân phước, một thiếu niên 15 tuổi luôn yêu mến Thánh Thể. Em đã không hài lòng với sự bất động thoải mái, song đã hiểu được những túng quẫn của thời đại, vì em nhìn ra khuôn mặt Chúa Ki-tô nơi những kẻ yếu đuối nhất. Chứng tá của em chỉ ra cho những người trẻ của ngày hôm nay hiểu rằng, chỉ có được hạnh phúc thật sự, khi họ đặt Chúa lên trên hết bằng cách phục vụ các anh chị em mình, nhất là phục vụ những kẻ nghèo hèn nhất. Chúng ta hãy vỗ tay hoan hô vị chân phước trẻ của thế hệ này!“
Kể từ khi mất vào năm 2006, lượng người ái mộ Carlo không ngừng gia tăng trên khắp thế giới. Tín hữu khắp nơi tôn thờ cậu, cầu nguyện với cậu. Hiếm khi Giáo Hội đã phong chân phước sớm như trường hợp này. Nhưng đây chỉ mới là bước đầu. Chân phước là tiền cấp của bậc lên thánh, và chỉ những ai được phong thánh mới có vị trí vững chắc trên ngọn Olymp của thế giới ki-tô giáo. Carlo có thể sẽ sớm có được bước này, vì Giáo Hội đã mở án phong thánh cho cậu.
Gần bên nhà thờ Santa Maria Maggiore là toà giám mục của Assisi. Tổng giám mục Domenico Sorrentino là một con người vui vẻ thân thiện (…) Ông vừa từ một cuộc gặp gỡ giới trẻ về: „Tôi đã nói với họ, là tất cả họ cũng sẽ trở thành chân phước như Carlo“. Và một em đã hỏi tôi, ông kể tiếp: „Cả những kẻ uống bia cũng được như vậy ư?“ – „Dĩ nhiên“. Vấn đề chỉ là uống bao nhiêu chai. Bởi tất cả đều đến từ Thiên Chúa, cả những niềm vui của cuộc sống.
Tổng Giám Mục nói, những người trẻ nhận thấy nơi Carlo một thứ gì đó hợp với họ: „Cậu là một người trẻ của thời đại, không phải là một vị thánh của thời Trung Cổ. Cậu thông chuyển sự thánh thiện bằng một cách mà ai cũng có thể hiểu được.“
TGM cho hay, ông cũng đã nói chuyện với Giáo Tông về Carlo. „Tôi đã hỏi ngài: Thưa đức Thánh Cha, ngài coi điều gì là điểm thích thú nhất nơi vị vừa được tuyên chân phươc?“ Và Giáo Tông đã trả lời, là ngài bị cuốn hút đặc biệt bởi Carlo. Có một câu mà Carlo thường hay nói: Tất cả chúng ta đến thế gian này như một chính bản, nhưng nhiều người trong chúng ta chết như một phó bản. Câu này đã ấn tượng mạnh trên Giáo Tông. Bởi Carlo quả thật là một chính bản.
—//—
Mùa hè 1991 gia đình nhỏ, Antonio Salzano, chồng cô và bé Carlo, vừa được mấy tuần tuổi, rời London trở về lại quê hương. Cha của Carlo phải đảm nhận nhiệm vụ trong một công ti bảo hiểm của gia đình ở Milano.
Carlo biết bập bẹ nói rất sớm, sau chỉ mấy tháng tuổi, bà Salzano cho hay. Bà ngồi giữa một thửa vườn rộng mênh mông ở Assisi, hoa nở đầy chung quanh chỗ bà ngồi. Đây là ngôi nhà nghỉ hè của gia đình. Từ vườn nhìn xuống, toàn cảnh thung lũng hiện ra, thành phố nằm dưới chân người.
Antonia Salzano kể về con mình trong hai lần gặp gỡ, một lần trong tháng Mười sau lễ phong chân phước và một lần trong tháng Sáu 2021, cả hai đều ở Assisi. Ngôi mộ chôn xác Carlo nằm trong nghĩa trang thành phố. Thời gian sau này bà thường ở lại Assisi với hai đứa con song sinh chào đời sau khi Carlo mất. Ông chồng làm việc ở Milano.
Từ phát âm đầu tiên của Carlo là: Daddy (Cha).
Bà kể, trong những năm đầu, Carlo được một cô vú chăm sóc, một người phụ nữ trẻ gốc Ba-lan. Nơi nhà trẻ, cô vú nhiều lần nhận thấy Carlo chẳng phản ứng lại gì cả, khi bị các đứa trẻ khác đánh hoặc giật mất đồ chơi. Cô khuyên Carlo nên chống cự lại, nhưng Carlo không muốn.
„Cô vú rất đạo đức“, bà mẹ nói. Cô đã dạy đạo cho Carlo, đã đọc truyện kinh thánh cho Carlo nghe. Bà cho hay, bà đã rất nguội lạnh về chuyện đạo. Chính nhờ Carlo mà bà mới có đức tin. Ngày nay, bà có thể nói hàng giờ về phép Thánh Thể, về các phúc âm và về Nước Trời. Toàn cuộc đời bà giờ đây chỉ xoay vào chuyện sống đạo. Bà cho hay, bà vừa cho xây một nhà nguyện trong khuôn vườn này.
—//—
Khoảng một năm sau khi Carlo mất, năm 2007, có một phụ nữ tới gặp linh mục Ennio Apeciti tại phòng làm việc. Apeciti là trưởng ban phụ trách các hồ sơ phong thánh của tổng giáo phận. Người phụ nữ nói về đứa con trai của bà: nó hiền lành, rộng lượng, khiêm tốn, một ki-tô hữu gương mẫu và nó đã mất vào năm ngoái. Bà là Antonia Salzano, và bà xin linh mục Apeciti lo cho con bà được làm thánh.
Chúng tôi gặp linh mục Apeciti ở Roma, bởi vì ngoài chuyện phụ trách việc phong thánh ông còn là giám đốc Chủng Viện Giáo Tông Lombardi ở Roma.
Apeciti cho hay, ông „ngờ ngợ“ chuyện người đàn bà kia nói. Ông đã không biết người đàn bà tới gặp ông là ai. „Tôi nghĩ, đó là một bà mẹ nào đó vì buồn thương con của mình.“ Nhưng rồi ông biết: Gia đình Acutis xuất thân từ Turin; họ là chủ công ti bảo hiểm Vittoria Assicurationi, trụ sở chính đặt tại Milano, có nhiều trăm nhân viên với tổng thu nhập trên một tỉ âu kim mỗi năm. Ông của Carlo làm chủ tịch danh dự của công ti, cha của Carlo là giám đốc điều hành. Rồi Apeciti lẩm bảm với thái độ kính trọng: „Gia đình Acutis là một trong số các gia đình quan trọng và giàu nhất ở Turin.“
Sau khi nghe Antonia Salzano yêu cầu, Apeciti bắt đầu tìm hiểu thêm câu chuyện. „Tôi đi tới những địa điểm gần nơi bà ở, nói chuyện với những người quen biết bà.“ Ông đã nói chuyện với người giữ cổng của nhà bà, với người giúp việc trong nhà, với những người vô gia cư sống trên đường phố, với bà hiệu trưởng trường tiểu học, nơi Carlo đã theo học.
Ông gác cổng: Một cậu bé tuyệt vời.
Người giúp việc trong nhà: Một thiên thần.
Những người vô gia cư: Cậu ấy mỗi ngày cho chúng tôi có lúc thì thức ăn có lúc thì tiền bạc. Nhưng cái này còn quan trọng hơn: Cậu luôn tặng cho chúng tôi một nụ cười.
Bà Hiệu Trưởng: Cậu đó ư? Một tay nghịch phá trong lớp, chép bài của kẻ khác. Không thể nào là thánh được.
Một người phải tốt lành tới mức nào mới có thể trở thành chân phước và rồi thánh được? Theo luật giáo hội, phải đợi ít nhất năm năm sau khi qua đời người ta mới có quyền lập hồ sơ và bắt đầu các thủ tục xin phong thánh. Nếu giáo phận đồng í, cuộc điều tra chính thức sẽ được khởi sự. Các nhà thần học và sử học tìm hiểu về cuộc đời của người quá cố. Phải đọc và đánh giá mỗi chữ của người đó viết ra. Phải thẩm vấn những người quen biết và họ phải tuyên thệ nói sự thật, như thủ tục làm chứng trước toà án. Chỉ được phong chân phước, nếu ứng viên đã là một vị tử đạo, nghĩa là đã chết vì đạo, hay đã có một phép lạ được chứng thực về mặt khoa học. Cuối cùng giáo phận lập một hồ sơ (Positio) gởi về Vatican; tại đây trường hợp sẽ được kiểm tra một lần nữa.
Sau khi Apeciti kết thúc điều tra, ông quyết định đề nghị Carlo là một ứng viên. Như vậy, đèn xanh cho những cuộc điều tra, thẩm vấn người chứng, cho những cuộc họp bàn đã được bật. Ngày 24.11.2016, mười năm sau ngày mất, giáo phận Milano hoàn tất hồ sơ điều tra về trường hợp Carlo Acutis. Hồ sơ được trao cho một chưởng khế đích thân mang về Roma, giao nộp cho Bộ Phong Thánh. Chỉ sau mấy tháng, Apeciti cho hay, ông nhận được tin của Bộ: Giáo Tông rất vui mừng với hồ sơ của cậu bé và ngài muốn việc phong chân phước phải sớm được chừng nào có thể (…)
—//—
Mùa hè Carlo sống với cha mẹ tại nhà ở Assisi. Cô em họ và cậu em của cô từ Roma cũng tới với Carlo, cả ba ngủ chung trong phòng của Carlo. Cô em họ Flavia Maria Zauli: „Carlo chia sẻ tất cả: căn phòng và đồ chơi của anh, với chúng tôi.“ Cô cho hay, Carlo là người gần gũi với cô nhất. „Carlo bảo vệ tôi như một người anh che chở em.“
Flavia hiện là một chuyên gia thần kinh học; lãnh vực nghiên cứu của cô là những kích thích não bộ, điện sinh lí học và nụ cười của con người. Cô kể về người anh họ vào một buổi trưa trời mưa rỉ rả ở Milano.
Cô nói, chưa có ai làm cô cười nhiều như Carlo. „Ở Assisi ba chúng tôi luôn lang thang trong khu phố cổ. Chúng tôi tự nghĩ ra các trò chơi. Batman (người dơi) là trò Carlo ưa thích nhất, hay là Indiana Jones đang trên đường thi hành sứ mạng mình. Mỗi khi chúng tôi đi qua một nhà thờ, Carlo liền bước vào trong nhà thờ và làm dấu thánh giá. Tôi cũng làm theo. Đối với tôi, đó là một trò chơi; anh cũng cười, mặc dù cử chỉ đó đối với anh có một í nghĩa sâu xa hơn đối với tôi.“
Tháng Giêng 1998, Carlo sáu tuổi, được chuyển vào một trường tư trong khu phố sang ở Milano. Nhà của gia đình Acutis cũng ở ngay gần đó. Đối điện với trường là nhà thờ Santa Maria Segreta, nơi sau này diễn ra buổi lễ an táng cậu.
23 năm sau ngày Carlo bước vào trường lần đầu tiên, Valeria Quadrio, cô giáo trước đây của Carlo và sẽ về hưu vào năm tới, nói, bà có một nhận xét khác với nhận xét của bà hiệu trưởng. Bà dạy Carlo năm năm dài. Suốt thời gian đó bà chưa hề thấy Carlo cãi nhau với bạn. „Mỗi khi có tranh chấp, Carlo tìm cách dàn hoà. Cậu là nhân tố tạo hoà bình của chúng tôi.“
Cậu thích thú học hành, nhưng không phải là người nổi bật. Trên trung bình. Dễ thương. Chỉ có một điều làm ai cũng ngạc nhiên: Carlo không bao giờ đi chơi xa chung với lớp. Bà giáo nói: „Cha mẹ sợ cậu bị bắt cóc.“
Nhưng Carlo không phản đối gì cả về chuyện này. Cậu không thích nói về mình, nhưng thích làm nổi bật người khác hơn. „Trong lớp có Andrea, một cậu học trò làm chúng tôi điên đầu. Mẹ cậu bỏ gia đình, cha thì đã lớn tổi. Andrea quậy phá dữ dội, luôn lớn tiếng, chẳng chịu nghe chúng tôi. Nó chỉ nghe mỗi Carlo.“ Carlo trở thành người bạn thân nhất của Andrea. Trong giờ nghỉ Carlo thường ngồi với Andrea ở một góc sân yên vắng và cả hai ôn lại bài vở. Bữa ăn trưa, Andrea thường không ăn rau, Carlo đành ngốn hết rau của bạn, để Andrea không bị la rầy.
Về sau, sau khi Carlo mất, Andrea rơi vào con đường sai quấy. Một hôm, trong một cuộc cãi lộn với một người nào đó, cậu bị giết chết. “Mẹ của Carlo sau đó nói với tôi, bà tin rằng, Carlo đã đưa bạn về với mình, để Andrea không phải cô đơn trong cuộc đời.”
—//—
Mỗi ca ứng viên phong chân phước hay phong thánh đều được Bộ Phong Thánh ở Roma kiểm tra. Nơi đây vị bộ trưởng, các tổng giám mục, các giáo trụ quyết định về cấp độ đạo đức và về tác động phép lạ của ứng viên.
Hiện nay, vào mùa hè 2021, có khoảng 1500 trường hợp đang trong tiến trình xét duyệt. Carlo là một trong những trường hợp này.
Thánh trong Giáo Hội công giáo cũng gần giống như Batman đối với Carlo: đó là những người hùng siêu đẳng trong vũ trụ. Họ đã có một cuộc sống rất đỗi đạo hạnh và gương mẫu, đáng cho người ta noi theo. Cho tới hôm nay có tất cả vài ngàn vị thánh, ngay Vatican cũng không biết chính xác là bao nhiêu vị tất cả. Danh sách các thánh được lập từ năm 1588.
Chỉ có giáo tông được quyền tuyên bố ai là thánh. Điểm này từ thời Trung Cổ tới nay không đổi. Chỉ có một điểm thay đổi: tốc độ phong thánh. Chỉ trong thời gian của ba giáo tông cuối, từ Gio-an Phao-lô II. qua Biển-đức XVI. tới Phan-sinh, tất cả chưa tới 45 năm, số người được phong thánh nhiều hơn số lượng các thánh từ bốn thế kỉ nay cộng lại.
Cách đây vài năm, hai nhà nghiên cứu ở Harvard đã tìm hiểu kĩ hơn về các vị được phong thánh từ 1588 tới nay, và họ nhận ra: 46% các vị thuộc nước Italia, 34% từ các quốc gia tây âu còn lại và 7% từ Đông Âu. Châu Mĩ La-tinh có 7%; Bắc Mĩ 4% và Á Châu Thái Bình Dương 2%. Phi Châu ít nhất: 0,7%. Như vậy, thánh trong Giáo Hội, nhìn về mặt lịch sử, cũng mang tính địa phương giống như các anh hùng trên màn ảnh xi-nê.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy: Trong khi trước đây hầu như chỉ có người Âu được phong thánh, thì kể từ năm 1950 có sự gia tăng mạnh việc tôn phong các ứng viên từ các lục địa khác, đặc biệt từ Châu Mĩ La-tinh. Theo hai nhà nghiên cứu, lí do có thể là vì sự gia tăng cạnh tranh. Từ những năm 1950’ phong trào Tin Lành Phúc Âm (Evangelikalismus) phát triển mạnh mẽ ở Nam Mĩ, Công Giáo mất dần ảnh hưởng. Với việc gia tăng phong thánh cho các ứng viên địa phương, Giáo Hội công giáo hi vọng giữ được tín đồ và kìm được chân đối phương.
Một phần cũng vì đạo công giáo ở Âu Châu từ lâu nay không còn nhiều sức sống nữa. Nhà thờ trống vắng, bị lắm chỉ trích, với nhiều gương xấu. Phải chăng cũng cần nhờ sự trợ giúp của Carlo để khuyến khích giới trẻ?
Bộ Phong Thánh toạ lạc trong một ngôi nhà bên công trường thánh Phê-rô. Trong thang máy toà nhà có những nút này: lầu 1: Bộ Phụng Tự; lầu 2: Bộ Các Giám Mục; lầu 3: Bộ Phong Thánh. Thang máy dừng lại ở lầu 3. Một người đàn ông cao, gầy, dè dặt đứng chờ trước của. Ông là Nicola Gori, cáo thỉnh viên (Postulator) của trường hợp Carlo Acutis, trước đây cho việc phong chân phước và giờ đây cho việc phong thánh. Cáo thỉnh viên như vậy cũng giống như là một luật sư của ứng viên. Họ gom góp các chứng cớ cho việc sắc phong, đọc các biên bản thẩm vấn và tìm hiểu tất cả những gì người chết để lại.
Gori đẩy cánh cửa. “Tất cả đã xong”, ông nói. Nicola Gori là người biên tập cho báo Osservatore Romano, tờ báo nhà của Vatican. Ông cũng đã viết một vài cuốn sách về các nhân vật trong đạo. Hiện nay ông bỏ nhiều thì giờ nhất cho trường hợp Carlo.
“Tiếc rằng tôi chưa bao giờ gặp mặt Carlo”. Mẹ Carlo đã kể về con mình với một người, mà cả bà và Gori đều quen biết, và bà muốn nhờ người này hỏi xem, Gori có thể viết đôi điều về con bà không, vì Gori đã viết nhiều sách về những người khác? Và ông đã bắt tay ngay vào việc và đã trao bản thảo cho Antonia Salzano. Bà tìm nhà in, và sách xuất hiện trong tháng Mười 2007.
Gori cho hay, cuốn sách bán hết ngay lập tức. Và ông đã viết một cuốn khác. Và rồi một cuốn khác nữa. Tất cả về Carlo.
Khi hồ sơ của Carlo được giáo phận Milano chuyển về Roma năm 2016, bà Salzano có nhã í hỏi ông Gori có thể nhận làm Postulator cho trường hợp Carlo được không. Ông nói ngay: “Tôi rất hân hạnh và hãnh diện được làm nhiệm vụ này.” Ông tìm hiểu cặn kẽ mọi chuyện, cả soi lục tất cả những gì Carlo để lại trong máy vi tính của cậu. Ông đã chẳng tìm thấy những gì… “bậy bạ” mà một thiếu niên trong độ tuổi ấy thường hay tò mò. Một tâm hồn thanh khiết. Nhưng nhiệm vụ quan trọng nhất của một Postulator là đi tìm dấu vết của những phép lạ cần thiết. Trường hợp Carlo đã có nhiều phép lạ, đủ loại. Nhưng ông phải tìm xét xem cái nào trong số đó có nhiều cơ hội vượt qua được sự xác nhận khoa học của các bác sĩ nhất. Và ông đã tìm được một phép lạ từ Ba-tây.
—//—
Trong phòng riêng của Carlo mọi thứ vẫn để nguyên như khi cậu rời phòng. Chiếc bàn màu vàng lớn gần cửa sổ, chiếc giường kê gần cửa ra vào (…) Người giúp việc già của gia đình vẫn còn có mặt trong căn hộ. Ông tên là Rajesh Mohur, 61 tuổi, bận áo quần và đôi giày toàn màu đen (…) Căn hộ rộng mênh mông, tường treo các bức hoạ, có những bức tượng bán thân đặt trên các kệ tủ, các khăn trong phòng tắm đều có thêu chữ A, viết tắt chử Acutis. Rajesh cho hay, từ nhiều tháng nay chẳng còn ai ở trong nhà này; suốt thời gian dịch bệnh bà chủ có hai lần lai vãng tới đây; chỉ còn mình ông ở lại coi sóc.
Hỏi về Carlo, ông ngồi xuống chiếc trường kỉ, lấy hai bàn tay úp mặt. Rồi kể suốt cả một buổi chiều.
Rajesh Mohur xuất thân từ Mauritius; cha mẹ gởi anh tới Ấn-độ học Vật Lí; nhưng người cha mất, và gia đình rơi vào túng quẩn; anh bỏ học, rời Ấn đến Italia tìm việc kiếm tiền giúp gia đình. Đầu năm 1996 Carlo đi vào cuộc đời của anh.
“Họ mời tôi đến nói chuyện về đơn xin việc, tại nơi phòng khách này, vì họ muốn tìm một người giúp việc gia chánh và trông coi Carlo. Lẽ ra câu chuyện chỉ kéo dài 30 phút. Nhưng Carlo mang đồ chơi của em ra, những hình nộm Batman, những chiếc xe của Batman, quần áo Batman. Em trải những thứ đó ra trước mặt tôi. Tôi ngồi bệt xuống sàn với em và cùng chơi. Tôi chơi suốt ngày với em trên tấm thảm này.”
Mấy ngày hôm sau gia đình gọi cho tôi hay: có thể tới làm việc.
Mohur vào sống trong căn hộ, trong một phòng nhỏ phía sau nhà bếp. Công việc của anh là ở bên Carlo, gần như bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu. Anh đưa cậu tới trường rồi lại dẫn về nhà, cùng đi nhà thờ và đi chợ với cậu. Anh nấu cho Carlo món mì xào ớt mà cậu thích (Spaghetti con Aglio, Olio e Peperocino), nghe với cậu những bản nhạc của nhạc sĩ cậu thích (Sky to Be). Mỗi chiều tối cả hai cùng coi loạt phim hoạt hoạ Simpsons; mỗi cuối tuần cả hai bàn luận về những trận banh của câu lạc bộ AC Milano, đội ruột của cậu.
Rajesh Mohur giới thiệu Carlo với các bạn của anh; đó là những anh chị giúp việc gia đình hay làm vú em trong các gia đình nhà giàu lân cận. Carlo muốn biết, họ là ai, họ từ đâu tới, đời sống của họ trước đây như thế nào. “Các bạn tôi ngỡ ngàng, khi một đứa bé con nhà giàu như thế lại quan tâm tới họ.” “Hầu hết những người ở đây đều không quan tâm gì tới chúng tôi cả.”
Một buổi sáng, ông kể, trên đường tới trường Carlo thấy một phụ nữ nằm trên chiếc ghế dài trước nhà trường. Câu chuyện này mẹ Carlo cũng kể lại. Bà kia xem ra không khoẻ, áo quần xơ xác, thân thể ốm yếu và dơ bẩn. Bà tên là Giuseppina. Carlo và Mohur mang thức ăn và trà tới cho bà. Những ngày tiếp Giuseppina vẫn nằm ở đó, trời lạnh, sức khoẻ của bà xấu dần.
Carlo dẫn mẹ tới công viên và yêu cầu mẹ gọi xe cứu thương. Các bác sĩ tới đưa Giuseppina vào bệnh viện. Mẹ ơi, bà ấy cần quần áo. Antonia đóng một gói quần áo để Carlo mang tới cho bà. Mẹ ơi, bà ấy cần một chỗ ở. Hai mẹ con đi tới Caritas và đã tìm được cho Giuseppina một phòng nhỏ trong một căn hộ chung.
Cứ mỗi lần, Mohur kể tiếp, Carlo thấy một ai đó ngồi xổm bên đường, cậu bước tới hỏi han xem họ cần gì, và nói: Em sẽ trở lại mang theo thứ họ cần.
Cả bà mẹ, cô giáo, người em gái họ cũng kể về những lần gặp gỡ những người khốn khó nơi công viên trước trường, nơi gần nhà hoặc trong thành phố Assisi; Carlo đều tới nói chuyện với họ và trao cho họ một chút gì đó.
Rajesh Mohur: “Khi Carlo lên bảy hay tám tuổi, chúng tôi bắt đầu thường xuyên mang thức ăn phân phát cho những người vô gia cư. Sáng ra Carlo nhắc tôi đi mua những thứ cần như các loại rau, mì sợi, thịt. Tôi chuẩn bị các phần ăn. Chiều tối chúng tôi còn nấu thêm trà và rồi chất lên xe, đạp đi phân phối hết cho những người ngồi dọc đường.”
Nhiều người vô gia cư dạo đó sống dưới Cổng Hoà Bình (Arco della Pace) của thành phố. Rajesh và Carlo tiếp xúc tìm hiểu họ. Ahmed đến từ Tunesie. Maria từ Ethiopia. Vikram từ Bangladesch. June từ Phi-luật-tân. Lens từ Senegal. Rajesh cho hay, Carlo có một cách đặc biệt để nói với họ. “Cậu không để họ cảm thấy họ là những kẻ nghèo khổ; cậu không tỏ bộ mặt thương hại, khi nói chuyện với họ.” Cậu hỏi họ: “Ahmed, anh có xem trận đá banh cuối tuần vừa rồi không? June, chị có nghe nói tới phim Jurassic Park không?” Và bình thản trao phần mì ăn cho họ.
Khi Carlo ngồi trong lớp và chỉ có một mình Mohur đạp xe đi chợ qua Cổng Hoà Bình, những người ở đó thường hỏi ông: Carlo đâu rồi? Khi nào cậu ấy trở lại?
Bà mẹ nói, tất cả tiền tặng nhận được trong năm từ mẹ, từ ông bà và từ bà cô Carlo đều bỏ vào heo. Sau lễ Giáng Sinh, cậu đập heo lấy tiền mua chăn mền và túi ngủ.
“Với chăn mền và túi ngủ hai chúng tôi lại đạp đi phân phát cho những người vô gia cư.” Mohur tiếp: “Ông biết không, tôi cả đời đi tìm chân lí. Ở Ấn, tôi đã nói chuyện với nhiều Guru. Tôi đã tới thăm nhiều đền thờ và trung tâm chiêm niệm. Tôi chưa bao giờ nhận được một câu trả lời. Chỉ khi gặp cậu bé này, tôi nhận ra điều mình đi tìm.”
—//—
Giáo xứ São Sebastiáo ở phía nam Ba-tây cách xa Milano khoảng mười ngàn cây số. Marcelo Tenório, linh mục quản xứ này, lần đầu tiên nghe chuyện về Carlo cách đây gần mười năm. Người con đỡ đầu của ông đã từ Italia gởi cho ông một bản tin về Carlo. “Tôi hiểu ngay, chuyện của Carlo sẽ nổ như một quả bom tại đây”, linh mục Tenório tâm sự qua mạng Skype, vì dịch bệnh tôi đã không sang Ba-tây gặp trực tiếp được (…)
Tenório, 56 tuổi, có thể nói là một linh mục “có vấn đề” tại xứ sở của ông. Trên mạng Facebook có người gọi ông là “tay linh mục phát-xít”, có người gọi là “tên khủng bố”. Có lẽ sự bất bình xuất phát từ việc linh mục này công khai ủng hộ ứng cử viên tổng thống cực hữu Jair Bolsonaro. Mà cũng có thể là do việc thích súng ống của ông. Trên các mạng xã hội Tenório thường hay đưa những bức hình ông mặc áo chùng đen với dây Stola tay cầm những khẩu súng có nòng lớn. Trên mạng thông tin còn có một đoạn phim có lẽ không hợp chút nào với tình yêu tha nhân của Ki-tô Giáo. Linh mục Marcelo ngồi trước ống kính, đưa tay dí nổ tung những quả bong bóng nhỏ, miệng đồng thời nói: tôi muốn dí nát những người chỉ trích tôi như dí những bong bóng này. Rồi ông cầm giơ lên một miểng giấy có chữ “Morra” – Chết tiệt.
Không biết Marcelo có sống cuộc đời ki-tô hữu hợp với tinh thần của Carlo hay không. Nhưng điều chắc chắn, là ông đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phong chân phước cho Carlo.
Sau khi nghe chuyện của Carlo, Tenório dùng WhatsApp liên lạc với mẹ của Carlo. Và rồi ông bay sang Italia, tới thăm bà Salzano ở Assisi. “Antonia lấy xe hơi đón tôi trong khu phố cổ”, Marcelo kể, “hai chúng tôi hợp nhau ngay. Bà nói, Carlo hẳn vui biết mấy, nếu như nó đã quen biết tôi.”
Họ đồng hành với nhau suốt bốn ngày liền. Antonia mời Marcel về nhà mình, chỉ cho ông thấy căn phòng, áo quần của Carlo. Bà nói, chỉ cần một phép lạ nữa là Carlo sẽ được phong chân phước. Tenório bỗng nẩy ra một í nghĩ. Ông hỏi bà, có thể cho ông một vật tích nào đó của Carlo mang về Ba-tây hay không? “Antonia liền cầm cây kéo, cắt một vạt cánh tay từ tấm áo của Carlo.” Với miếng vải đó trong rương, Tenório trở về lại quê hương.
Có ba loại vật tích: Vật tích thân xác, nghĩa là máu, thịt, xương, tóc… của người chết. Vật tích sờ chạm: chẳng hạn quần áo mà người đó đã bận. Vật tích thứ ba là những gì có liên quan đến hai loại trên, nghĩa là xem ra tất cả mọi thứ.
Chỉ những vật tích của “bậc đáng kính” mới được trưng công khai và chỉ những gì đã được Giáo Hội cho phép mà thôi. “Tôi đã phá luật”, Marcelo vừa nói vừa cười lớn.
Cuối thánh lễ ngày 13.10.2013 Marcelo thông báo cho bổn đạo hay, ở Italia có một cậu bé tên Carlo Acutis sắp được phong chân phước, chỉ còn cần một phép lạ nữa mà thôi. Ông giơ miếng vải lên, yêu cầu mọi người bước tới sờ chạm vào nó để cầu phép lạ cho Carlo Acutis.
Linh mục Marcelo gặp may. Phép lạ đã xẩy ra.
—//—
Niên học kết thúc. Hè về. Lại bước vào niên học mới. Lúc này, năm 2005, Carlo vào học ngôi trường tư nổi tiếng nhất thành phố. Đây là nơi của con cái các gia đình nổi tiếng, con cái của các nhà chính trị, các nhà đại thương gia thi thố. “Những học sinh ở đó, vì gốc gác của chúng, thường có đầu óc ganh đua nhau”, Roberto Gazzaniga, nói như thế. Gazzaniga lúc đó là linh hướng của nhà trường (…) Vì thế, Carlo đã sớm làm cho ông để í. Carlo khác hẳn với các em khác; em chẳng coi ai là đối thủ của mình, trái lại luôn quan tâm tới những anh chị bên lề.
Lm. Gazzaniga cũng điều hợp công tác thiện nguyện trong trường. Nhà trường tổ chức lãnh vực này để gia tăng tinh thần phục vụ công ích nơi học sinh. Khi Gazzaniga vào lớp của Carlo hỏi, ai có thể cùng giúp ông thực hiện công tác này, chỉ có mỗi một Carlo dơ tay mà thôi. Ông cho hay, Carlo đã không kể cho ông nghe về những lần phân phát thức ăn cho những người ở Cổng Hoà Bình của em.
Năm 13 tuổi, Carlo được tặng một máy điện toán. Cậu tự đọc sách tìm hiểu về thảo chương, đào sâu các chương trình Java, Ubuntu, Photoshop. Cậu thán phục Steve Jobs. Carlo làm cho Gazzaniga một khúc phim quảng cáo về công việc thiện nguyện trên máy tính, lập một trang thông tin cho giáo xứ nơi cậu ở. Cậu cũng tạo một bảo tàng viện trực tuyến trên máy tính của mình về các phép lạ Thánh Thể. Carlo đưa Ki-tô Giáo vào mạng truyền thông. Sau khi mất, các phương tiện truyền thông ở Italia gọi cậu là “Ảnh hưởng viên (Influencer) của Thiên Chúa”.
“Sau kì nghỉ giáng sinh, mỗi học sinh phải làm một đoạn phim ngắn, để chỉ cách cho những người ngồi xe lăn cần phải xử sự làm sao cho đúng”, Fabricio Zaggia, thầy giáo dạy môn tôn giáo trong trường từ năm 1998, cho hay như thế. Trong trường tư thục này có một sân chơi, một nhà nguyện, mỗi thầy cô có một văn phòng riêng. Zaggia nhớ lại: “Một em học sinh ngồi lên xe lăn, một đứa khác đẩy. Bỗng nhiên Carlo dẫn tới một chiếc xe lăn thật và một ông già, mà em quen biết, ngồi trên đó. Carlo nói, một người lái xe lăn thật sẽ nói đúng hơn cách thức mà họ phải xử sự như thế nào. Tôi nghĩ: để xem, và quả đúng như thế.”
Thầy giáo Zaggia và lm. Gazzaniga là hai người rồi đây sẽ ra trước lớp học để thông báo về cái chết của Carlo.
—//—
Luciana Vianna còn nhớ rõ cảnh linh mục Marcelo, sau thánh lễ ngày 13.10.2013 ở São Sebastiáo, nói với tín hữu là ông có một sự ngạc nhiên cho họ. “Rồi ông cầm vật tích của Carlo giơ lên”, cô nói (…)
Trong cuộc trao đổi qua Skype, Luciana ăn bận rất chỉnh tề. Cô ngồi với đứa con trai mười một tuổi, Matheus, trước căn nhà bé nhỏ của cô. Và kể: Từ sơ sinh Matheus mắc phải chứng Pancreas anulare, một chứng bệnh về tuỵ tạng hiếm khi xẩy ra. Matheus hầu như chẳng ăn được gì; hễ ăn vào là phải ói ra. “Trước khi hai mẹ con đi nhà thờ hôm đó, cô đã được bà bác sĩ cho hay, là bà không thể làm gì cho Matheus được nữa; chẳng bao lâu nữa Matheus sẽ phải chết.”
Sau khi thấy linh mục Marcelo đưa vật tích lên, Matheus, lúc đó khoảng ba tuổi, hỏi mẹ, vật tích là gì? Luciana cắt nghĩa cho con, nó cũng giống như một đường dây điện thoại nối liền với vị thánh ở trên trời. “Nếu con muốn, con có thể đi lên, sờ vào miếng vải và cầu một cái gì đó cho con.” Luciana cũng cho biết, hôm đó Matheus cầu xin cho mình đừng phải ói nữa.
“Rồi chúng tôi về nhà, và Matheus nói, mẹ ơi, con đói. Trước đó Matheus không bao giờ cảm thấy đói.” Cô hỏi con, muốn ăn gì? “Matheus chẳng biết mình có thể ăn được gì, vì xưa nay nó chỉ biết có thức ăn lỏng.” Nó hỏi anh nó: Cái gì ngon nhất mà người ta có thể ăn? Người anh trả lời: Cơm với đậu nấu trộn khoai. “Matheus ăn hết cả dĩa cơm, mà chẳng ói ra tí gì cả”, bà mẹ nói. Và những ngày kế tiếp Matheus cũng ăn như thế.
Hai mẹ con chạy tới bà bác sĩ. Bà này ngỡ ngàng và chuyển Matheus tới một nữ đồng nghiệp khác. Cả bà đồng nghiệp này cũng xác nhận việc khỏi bệnh.
Vianna kể cho linh mục Marcelo hay về sự lành bệnh, và Marcelo báo phép lạ sang Italia. Vatican gởi thẩm phán toà án của mình tới São Sebastiáo. Một nhóm bác sĩ ở Roma chúi đầu vào những bức hình chụp phóng xạ, những tấm ảnh sao chụp và những báo cáo bệnh lí của Matheus. Họ phải xác nhận xem, đây có phải thật sự là một phép lạ hay không.
Hỏi Nicola Gori, cáo thỉnh viên trường hợp Carlo, có thể nói chuyện được với nhóm bác sĩ này hay không, thì ông trả lời: Không, không thể được, danh tính họ phải được giữ bí mật.
—/—
Sau kì hè năm 2006 gia đình Acutis rời nơi nghỉ ở Assis về lại Milano. Trường khai giảng lại. Trong lớp của Carlo nhiều em bị cúm.
“Ngày 4 tháng Mười Carlo bắt đầu cảm thấy mệt”, Rajesh Mohur kể. Bà mẹ báo cho nhà trường biết con mình bị bệnh. Mohur tới tiệm thuê 24 DVD phim cho Carlo, để cậu khỏi chán, khi phải nằm nhà. Bà bác sĩ khám cho biết: cúm; chẳng có gì gia trọng.
Nhưng tình trạng sức khoẻ của Carlo xấu đi từng giờ. Ngày hôm sau, ra khỏi phòng tắm cậu cho hay, mình đi tiểu ra máu. Chủ nhật mùng 8 tháng Mười Carlo yếu hẳn, không dậy khỏi giường được nữa. Cha mẹ chở cậu vào bệnh viện. Các bác sĩ cho biết: ung thư máu cấp tính. Xe cứu thương liền chở Carlo vào bệnh viện San Gerado ở Monza, một bệnh viện chuyên về các bệnh đường máu. “Khi chúng tôi tới đó”, bà Salzano kể, “Carlo nhìn tôi và nói: Mẹ ơi, con không ra khỏi đây được nữa đâu, mẹ ạ.”
Khi tới bệnh viện, tình trạng của Carlo đã tồi tệ đến nỗi không thể làm gì thêm. Momcilo Jancovic, 68 tuổi, bác sĩ trẻ em, cho hay như thế. “Qua khám nghiệm chúng tôi nhận ra một loại ung thư máu ác tính rất lạ, một biến thể M3.” Nó như một cơn sóng thần tàn phá thân xác đứa trẻ.
Sáng ngày thứ hai, khi cô i tá trực ca sớm Claudia Negri xuất hiện, thì Carlo còn tỉnh. “Cậu được chuyển tới khu chúng tôi vào cuối tuần. Khi tôi vào phòng, cậu rất bình thản và rất í tứ. Cậu cho tôi hay, đêm qua khó ngủ. Nhưng cậu không than vãn. Mặc dầu hẳn cậu đã phải chịu đựng cơn đau ghê gớm.”
Không lâu sau đó linh mục của bệnh viện Sandro Villa nhận được cú điện thoại của người mẹ yêu cầu tới xức dầu cho con mình. S. Villa hiện nay đã 81 tuổi, và hiện đã chuyển sang làm việc tại một bệnh viện khác. Vào một buổi sáng tháng sáu, từ phòng làm việc không được yên tĩnh lắm của mình trong bệnh viện, ông kể: “Tôi đến ngay. Carlo nằm trên giường, chỉ còn lại bà mẹ trong phòng. Giọng nói của cậu rất yếu, gần như không còn nói ra tiếng nữa.” Một tay của ông nắm lấy tay của Carlo, tay kia đặt lên đầu cậu. Rồi ông làm phép xức dầu cho cậu. “Khi tôi rời phòng, bà mẹ theo tiễn tôi trên hành lang và nói với tôi, bà tin chắc, Giáo Hội sẽ phong thánh cho con bà.”
Có lẽ đó là lời nói của một người mẹ không biết phản ứng cách nào khác hơn trước nỗi đau mất con; có lẽ bà muốn qua đó trao cho con mình một sự hài lòng cuối cùng; mà cũng có lẽ vì bà muốn nghĩ rằng, bà đã sinh hạ được một vị thánh. Mà có lẽ điều đó cũng chẳng phải là chuyện quan trọng quyết định. Cô em họ, nhà khoa học thần kinh Flavia Maria Zauli, nói, cô chẳng màng gì hết chuyện Carlo có là chân phước, thánh hay chẳng là gì cả. “Quan trọng là nhiều người trên thế giới nhờ Carlo mà có được sinh lực cho mình. Thế là đủ rồi.”
Carlo rơi vào hôn mê. Cậu bị xuất huyết não. Ngày 11 tháng Mười các bác sĩ tuyên bố não không còn làm việc nữa. Ngày thứ Năm, 12 tháng Mười, tim cậu ngưng đập vào lúc 6 giờ 45 phút.
Sau khi hay tin người bạn trẻ của mình mất, Rajesh vào phòng cậu và bọc lại chăn mền. Từ tủ quần áo, ông lấy ra bộ đồ sẽ mặc cho Carlo trên gường chết, chiếc quần jean, tấm áo sọc, áo choàng thể thao, đôi vớ. Anh xếp cẩn thận đặt trên giường.
Hôm lễ an táng ở Santa Maria Segreta trong nhà thờ chật người, bên ngoài trước sân nhà thờ cũng đầy chật người. “Đó là những người mà tôi chưa bao giờ thấy trước đó”, Antonia Salzano cho biết.
“Tất cả những người mà tôi và Carlo quen biết trong bao nhiêu năm qua đều có mặt”, Rajesh nói. Những người vô gia cư ở Cổng Hoà Bình. Những người giúp việc trong các nhà giàu quanh vùng. Học sinh, thầy cô, bạn bè, những người bà con. Những người nghèo nhất lẫn những người giàu nhất của thành phố. Trong một thoáng chốc tất cả đều kết hợp với nhau trong nỗi buồn.
—//—
Ngày 14.11.2019 Uỷ Ban I Tế của Bộ Phong Thánh họp, để luận định về phép lạ chữa lành bệnh cho em Matheus Vienna ở Ba-tây. Họ xác định: đây là một phép lạ. Ba tháng sau, Giáo Tông cũng ra văn thư chuẩn nhận phép lạ. Ngày 10.10.2020 diễn ra nghi lễ phong chân phước.
Dịp tháng Năm 2021 Carlo tròn 30 tuổi. Khắp nơi trên thế giới các tín hữu mừng sinh nhật của cậu. Giáo tông Phan-sinh làm phép một bức tượng của cậu và gởi tới một Viện Mồ Côi ở Ai-cập. Mẹ Carlo tặng một lọn tóc của con mình cho một trung tâm thanh thiếu niên ở Kalabrien. Ở Canada có một trường học mang tên Carlo Acutis. Hiện nay có hơn một tá cuốn sách viết về Carlo. Có áo thung Carlo, vớ Carlo, li uống nước Carlo, nước giải khát Carlo, chăn mền Carlo, ống thở Carlo, các hình nộm Carlo.
Trong mùa hè này, chín tháng sau ngày lễ phong chân phước, Carlo vẫn nằm trong nhà thờ Santa Maria Maggiore, nhưng tấm kính phía trước của hòm vừa được che lại. Người ta hi vọng, sau khi hết dịch, sẽ có nhiều khách hành hương đổ về Assisi và lúc đó tấm kính sẽ được mở ra lại.
Xem ra Carlo đã mang lại nhiều điều tốt lành cho một Giáo Hội bị thương tổn vì những vụ lạm dụng tình dục và bị chảy máu về lượng tín hữu.
Nếu Carlo được phong thánh, cậu sẽ có riêng một ngày lễ kính nhớ và linh vật của cậu sẽ được phép tôn kính ở khắp nơi. Cậu sẽ được gọi là Thánh Carlo, mãi mãi và muôn đời, bởi vì một cuộc phong thánh thường không bao giờ bị rút lại. Ở Vatican người ta đang xì xào, có thể Carlo sẽ là vị thánh quan thầy mạng thông tin toàn cầu!
Nhưng để được phong thánh, cần phải có thêm một phép lạ thứ hai, nếu giáo tông không cho phép một luật trừ. Cáo thỉnh viên Nicola Gori giờ đây đang tìm phép lạ này. Linh mục Marcelo ở Ba-tây cũng sẵn sàng gởi tới một phép lạ nữa của một người trẻ trong giáo xứ của mình. Marcelo cho hay: “Anh này năm lần bị nhồi máu cơ tim, các bác sĩ cho hay, anh đã chết lâm sàng.” Nhưng ông đã tới với bệnh nhân mang theo linh vật và Carlo đã chữa lành anh. Giờ đây anh đã khoẻ trở lại. “Anh ta còn chơi được ping-pông!”
Nhưng có một vấn đề: Phép lạ xẩy ra năm 2018, trước ngày phong chân phước. Vatican đòi hỏi phép lạ thứ hai phải xẩy ra sau ngày phong. Linh mục Marcelo mỉm cười nói: “Để rồi xem”, vì ông đã biết, chuyện dù không thể nào xẩy ra được cũng có thể xẩy ra.
Có thể từ trời cao Carlo lúc này đang nhìn xuống địa cầu và thấy người ta đang bàn tán về cậu. Cậu sẽ nghĩ sao?
Moritz Aisslinger, Ein guter Junge, Die Zeit, số 27, ngày 1.7.2021
Views: 0