"Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ.
Mắt họ liến mở ra và họ nhận ra Người" (Luca 24 : 30-31).
Đang lúc Giêrusalem còn chìm trong giấc ngủ, thì cách đó khoảng mười một cây số, có “hai người lữ khách bước đi bên nhau” . Họ thuộc “hai người trong nhóm môn đệ” (Lc 24 : 13). Sau biến cố xảy ra cho Đức Giêsu – một biến cố làm chấn động Giêrusalem – họ quyết định trở về nơi chôn-nhau-cắt-rốn; đó là một ngôi làng có tên là Em-mau. Chân bước, chân đi.. mệt mỏi chán chường, họ rơi vào trạng thái tuyệt vọng và tâm hồn thật cô đơn. Thế là hết. Bao nhiêu ước mơ và hy vọng giờ đây tan thành mây khói. Mọi sự đều liên quan đến một người. Một người mà họ đã đặt tất cả niềm tin và nhận làm tôn sư. Người đó chính là Đức Giêsu .
Vâng, sự việc bắt đầu khi họ bỏ tất cả mọi sự, chia tay cha mẹ, giã từ vợ con, tạm biệt ngôi làng thân yêu để lên đường; họ gia nhập vào nhóm bảy mươi hai, với hy vọng một ngày kia – Giêsu – chính con người này sẽ đem lại cho đất nước, cho gia đình, cho mọi người một nền hòa bình, thoát khỏi ách thống trị của đế quốc.Ba năm trời “nằm gai nếm mật” cũng là ba năm các ông mong đợi cho ngày ấy mau đến. Hy vọng một khi “khởi nghĩa thành công” tệ lắm các ông cũng được cái chân “xã trưởng”.Than ôi ! sự việc lại không như mong muốn. Thê thảm quá ! Thật không thể hiểu nổi một người đầy quyền năng, đầy lòng nhân ái như “sư phụ”, thế mà lại có một kết cục bi đát quá… nhục nhã quá !! Không còn một chút hy vọng và mất hết niềm tin, thôi thì về quê cắm câu vậy. Thế là hai ông lên đường trở về, buồn bã, thất vọng.Đang lúc các ông “nhọc nhằn lê gót chân buồn đường dài” thì xuất hiện một người khách lạ “tiến đến gần và cùng đồng hành với các ông” (Lc 24 : 15). Họ cùng nhau trò chuyện. “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy ?” – “Chắc chỉ có ông mới không biết chuyện gì mới xảy ra…” – “Nhưng là chuyện gì vậy ?” – “Chuyện là thế đó. Trước đây, chúng tôi hy vọng rằng… thế mà bây giờ đã ngày thứ ba rồi…”.Những lời trao đổi, những lời tâm sự của hai ông được tuôn ra. Những cử chỉ cảm thông, những câu hỏi mang đậm tính chất chia sẻ, những lời giải thích tường tận về Thánh Kinh, về các lời ngôn sứ của vị khách lạ đã khiến hai ông như cởi mở được tấm lòng. “Lòng các ông như bừng cháy lên” (Lc 24 : 32).
Tuy nhiên, chỉ đến khi cùng đồng bàn với vị khách lạ, khi tận mắt chứng kiến động tác cầm bánh, dâng lời chúc tụng, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các ông; các ông mới vỡ lẽ , thế là “mắt hai ông mở ra và họ nhận ra Người” (Lc 24 : 31).Không còn nghi ngờ gì nữa, hai ông đồng loạt nhìn nhau và cùng thốt lên : Ồ ! “Người lữ khách đó chính là Ngài” (nhạc phẩm Trên đường Em-mau – tác giả Thành Tâm).
………một phút suy tư
Cũng như hai môn đệ trên đường Emmau xưa, đường Emmau hôm nay vẫn còn đó những âu lo, phiền muộn. Vẫn không phải là một con đường bằng phẳng, rộng thênh thang. Đường Emmau hôm nay muôn hình vạn trạng. Nó có thể là một sự nghèo túng. Nó có thể là một nỗi buồn về một người con hư hỏng, về một căn bệnh hiểm nghèo, một sự đổ vỡ trong hôn nhân, một sự phản bội, một sự mất mát người thân yêu. Ai trong chúng ta lại không có lúc “mộng vàng tan mây !" Ai trong chúng ta lại không một lần “nhọc nhằn lê gót chân buồn đường dài!"Nếu xưa kia, khi hai môn đệ “vẻ mặt buồn rầu” chán nản thất vọng, thì Đức Giêsu – với dáng dấp một người khách lạ – Ngài đã đến đúng lúc, đúng lúc họ đang bỏ cuộc. Hôm nay đây, chúng ta cũng không là ngoại lệ. Ngài cũng đến với chúng ta, có thể là dáng dấp một người bạn, một người hàng xóm, một đồng nghiệp, một vị linh mục, một “ma soeur”.Đường Emmau của chúng ta hôm nay không hề chịu cảnh đơn độc. Người vẫn đang đồng hành với mỗi chúng ta. Người vẫn hiện diện ở đó “trong tất cả sách thánh” và nhất là trong “Thánh lễ” hàng ngày . Nếu chúng ta cùng đồng bàn trong bữa “Tiệc Thánh” với Người, chắc chắn mắt chúng ta sẽ “mở ra và nhận ra Người” mà thôi.
phục sinh 2009
petrus. tran
Views: 0