Chuỗi 48 mẫu truyện « Trạng Quỳnh » trong kho tàng chuyện dân gian Việt-Nam chỉ nhằm cái mà ngày nay chúng ta gọi là “xả stress”, chút cay cú phản ánh những suy nghĩ của người dân về vua chúa quan quyền.
Thực tế không ai định được “chúa” trong những mẫu truyện nầy là ai,cũng như “Trạng Quỳnh” sống vào thời nào, xuất thân ra sao. “Chúa” đại diện cho lớp người ăn trên ngồi trốc, bóc lột cửa quyền; trong khi “trạng” tượng trưng cho sự bất khuất của người dân thấp cổ bé họng không chấp nhận luồn cúi vua quan,vì thế mà ở thế đối lập, dễ dàng mất mạng hoặc chí ít cũng như ‘cá nằm trên thớt”, nhưng nhờ vào trí thông minh sắc sảo, chẳng những thoát hiểm, mà ‘trạng – dân’ còn làm cho vua chúa lắm phen ê mặt. Tuy nhiên, không chỉ miệng nhà quan có gang có thép, mà đạo quân thần vua tôi ”quân xử thần tử,thần bất tử bất trung”.
“Trạng Quỳnh” cuối cùng biết mình sẽ bị giết; song “cà cuống chết đít hãy còn cay”: Trạng khiến chúa phải chết theo, tất nhiên cũng bằng mưu mẹo. Dù « kịch bản » ra sao,thì cả “chúa” lẫn ‘trạng’ đều chết do cùng một chất độc; kẻ thì cho là ‘chúa’ hạ độc ‘trạng’ nhưng ‘gậy ông lại đập lưng ông’; người thì kể rằng thuốc độc do ‘trạng’ dùng,bôi vào các trang giấy, khiến ‘chúa’ xưa nay nhiều phen bị mắc lỡm,nay lại cũng vì tò mò mở các trang sách ấy mà trúng kế độc của ‘trạng’. Một câu chuyện vui,chẳng nói lên được nhiều điều trong ngày hoan hỉ hôm nay : mừng Chúa Giêsu Kitô sống lại hiển vinh. Mầu Nhiệm Phục Sinh “nằm” trong Mầu Nhiệm Khổ Nạn, là hoa trái của “vâng lời, tự hạ” (x Pl 2,6 – 8). Vì thế sẽ chẳng phải là khơi lại vết thương lòng trong ngày vui, khi cùng nhau gợi lại “nguyên nhân” dẫn đến cái chết của Chúa Giêsu –‘chúa’ ,và cũng là nguyên nhân khiến chúng ta –‘trạng – dân’ phải chết : cũng chỉ là một.
Theo trình tự tố tụng ngày nay, nếu Chúa Giêsu kháng án, thì sẽ được xử phúc thẩm. Nhưng những bản án không thể xếp vào hình sự mà cũng chẳng phải là dân sự, mang nhiều tính chất chính trị, tôn giáo nầy, thì khó lòng thay đổi cáo trạng và hình phạt. Lý do là những thành kiến của các quan toà không thay đổi, bởi động cơ của vụ xét xử là hận thù, là không để vuột mất cơ hội trút lên đầu lên cổ bị cáo Giêsu những ấm ức mặc cảm dồn nén bấy lâu nay.
Người ta chúng kiến điều tương tự xảy ra cho tám giáo dân Thái Hà, Hànội, Việt-Nam cuối tháng ba vừa qua. Phán quyết đã có từ trước và nếu kháng án lên Tào Án tối cao, thì cũng sẽ chỉ như vậy: tội danh không ‘đổi’, thì làm sao mà ‘thay” khung hình phạt hoặc tuyên vô tội? Bản án dành cho Chúa Giêsu được tuyên từ cách đó một thời gian, khi Cai-pha đề xuất :”thà một người chết thay cho dân” (Ga 11,50).
Hai ngàn năm sau,chúng ta cũng chẳng thể bắt chước kêu oan cho Chúa Giêsu,như Emile Zola đã làm đối với Dreyfuss khi viết loạt bài “J’accuse” (tôi tố cáo), cuối cùng đã minh oan được cho viên đại úy người Pháp gốc Do Thái. Bản án dành cho Chúa Giêsu không thể lật ngược được, bởi chính miệng Người đã “hại” chết bản thân khi khẳng định mình là “Con Thiên Chúa”. Với tổng trấn Philatô hoặc cả với ông vua bù nhìn Hê-rô-đê, Chúa Giêsu muốn xưng mình là gì,cũng chẳng ăn thua, có khi còn bị những người như Hê-rô-đê “chê là dại”(x, Lc 23,11). Nhưng với Thượng Hội Đồng Do Thái, những kẻ suốt ba năm rình rập vẫn chẳng tìm ra sơ hở nơi Chúa Giêsu, thì câu khẳng định của Người chẳng khác nào dịp may bằng vàng, không thể bỏ qua được, bởi án dành cho ngừơi lộng ngôn phạm thượng chỉ có một : chết!(x. Mc 14, 61 – 64). Vạ miệng, ư? – Chắc chắn rồi,nhưng nếu ra toà lần nữa hoặc nhiều lần nữa, nếu phiên toà được mở ra hằng ngày,hằng năm,mãi mãi, thì Chúa Giêsu vẫn sẻ chết vì một tội danh ấy.
Điều nầy không phải là chuyện giả tưởng hoặc hoang đường, mà thật hơn mọi chuyện thật. Từ hai ngàn năm qua, đang xảy ra trên khắp thế giới, đang diễn ra quanh ta, những phiên toà mà bị cáo là các Kitô hữu, các môn đệ Chúa , thuộc đủ mọi dân nước, mọi thành phần, mọi chủng tộc,ngôn ngữ, trong đó có hơn 130.000 cha ông người Việt chúng ta, đã mau mắn nhận cùng một bản án (dù hình thức và mức độ dã man khác nhau) vì cùng một tội danh : án TỬ dành cho tội tin vào Chúa Kitô và theo Chúa Kitô mà xưng mình là con Thiên Chúa. Tất cả bắt nguồn từ niềm tin Phục Sinh, tin vào Chúa Giêsu Kitô sống lại từ kẻ chết. Niềm tin nầy không chỉ khác xa, lạ lẫm với chủ nghĩ vô thần, chủ nghĩa duy vật, mà còn đe doạ lật nhào,biến đổi và kết án xã hội được xây dựng theo ý chí và ý đồ con người : hưởng thụ, bóc lột, gian dối, lừa đảo, dâm ô, ích kỷ, sa đoạ, bạo lực. Tóm lại, tất cả những người đang qùy lạy bụt thần, Satan và xác thịt mình. Một người không thể thờ hai chủ. Một nước không thể có hai vua. Kết cục bi thảm của Chúa Giêsu và sau đó dành cho hết những kẻ tin tủơng và đi theo Người là tất yếu và chẳng thể khác nhau.
Con đường,hay đúng hơn là lựa chọn,cho Chúa Giêsu và cho những ai đi theo Người để có thể thoát án tử, là tử bỏ, nếu không phải trong lòng, thí ít ra cũng ngoài miệng câu tuyên xưng mình là “Con Thiên Chúa”. Và đó cũng là điều mà nhiều Kitô-hữu đang làm. Quả thực,chỉ với một vài thay đổi,một vài biểu hiện, họ đã “đẹp lòng thế gian”. Người ta viện ra rất nhiều cớ, thoạt nghe hoàn toàn hợp lý, được đa số ngừơi đời hoan nghênh. Lý do chính họ đưa ra được trích dẫn từ chính câu nói của Chúa Giêsu: ”Không phải nhửng kẻ nói ‘lạy Chúa,lạy Chúa’ là vào được Nước Trời” (Mt 7,21 tt ). Câu trích không sai , nhưng lòng dạ đầy dối trá khi dùng Lời Chúa để bao biện hành động sai trái của mình. Họ muốn “tương đối hoá” ngay cả giới răn thờ phượng Chúa. Họ muốn phỉnh gạt và che mắt cả với Chúa. Đành rằng ‘không phải ‘lạy Chúa’ là được vào Nước Trời’, nhưng tất cả mọi người vào được Nước Trời đều là những ngừơi đã nói’lạy Chúa’: Họ tuyên xưng ngoài miệng và tôn thờ trong lòng. Khi ấy ‘lạy Chúa’ là lời tuyên xưng đức tin, công khai,không dấu diếm, trái với những người vin vào đó để ngụy biện cho hành vi của mình : những linh mục tu sĩ suy nghĩ ra sao mà ngại mặc áo dòng khi đi ra ngoài; thanh thiếu niên được dạy dỗ thế nào mà không dám đàng hoàng làm dấu Thánh Giá trước giờ học, trước bửa ăn nơi quán xá, ở chỗ đông người, chỉ vì sợ bị cho là ‘người ngoài hành tinh’ hoặc sợ bị coi là khiêu khích, phân biệt. Lý do nào cũng mạnh mẽ và không kém thuyết phục. Không chỉ vào thời gian đầu sau 1975, khi mà ”rày con phải thu dấu chờ đợi ngày thong dong” (bài hát Mân Côi),mà vẫn còn tồn tại những vụ ‘chối đạo’ khi người ta ghi “không” ở phần “tôn giáo” trong những tờ lý lịch, vì ba chữ “Thiên Chúa Giáo’ có thể làm “đen” bản lý lịch sáng sủa, hoặc muốn sáng sủa của mình.
Sau cùng, mới nghe,mới nhìn, không chỉ tưởng chừng vô thưởng vô phạt, mà còn có vẻ như làm sáng danh đạo Chúa, khi người ta đi tìm ( và tìm thấy không khó) ở ngoài Giáo Hội những ‘giáo huấn’, những phương pháp để dùng chúng mà tạo cho Kitô-giáo thanh thế, sự hấp dẫn và nét ‘thời thượng’, hợp lòng người. Tin Mừng của Chúa, Giáo Lý của Chúa, giáo huấn của Hội Thánh phải được mặc cho bộ vó mới, phải được đánh bóng,phải được ‘PR”, tiếp thị bằng những ngôn từ và phương pháp ít nhiều phô trương phóng đại, để đạt hiệu quả cao nhất, ngoạn mục nhất. Danh Chúa chưa thấy được tôn vinh, mà chỉ thấy danh họ nỗi như cồn và lợi lộc vật chất chảy vào như nước. Thế gian tin theo họ, không phải tin theo Chúa. Nhiều người chỉ vì ‘nhiệt tâm Nhà Chúa’ nhưng thiếu cân nhắc, đã bị hấp dẫn và ảo tưởng cho rằng phải nhờ những cách thế đó, thì Lời Chúa và việc truyền giáo mới mong có kết quả! Họ quên rằng chính Chúa Giêsu đã nhận những chỉ trích sống sượng, khi không lựa lời cho đẹp lòng thế gian :” Lời nầy chói tai quá,ai mà nghe cho được” (Ga 6,60). Thánh Phaolô đã cảnh báo điều nầy :”Sẽ có một thời người ta không chịu nghe Đạo lành, mà chỉ thích nghe những lời êm tai thoả mãn tư duc…” (2 Tim 4,3). Cách thức xuyên tạc,bóp méo mà giới truyền thông đã làm đối vơi Đức Thánh Cha không khó nhận ra và nhận ra được cả ý đồ xấu xa của họ lẫn bàn tay của Satan và các thế lực vô thần thù nghịch đừng đằng sau giật dây điều khiển. Nhưng những sai trái trong giáo lý được rót vào tai nhẹ nhàng êm ái và cả hấp dẫn nữa, sẽ hết phương cứu chữa khi ‘chất độc’ phát tác : người ta đang chối Chúa bằng lời thừa nhận Chúa, thừa nhận mà thôi, như “con át chủ bài”; còn tin theo…? Người ta giết chết mình và tha nhân,mà vẫn ngỡ là cưu sống,giải thoat cho bản thân và anh em. Có lẽ đây mới đúng là “trạng chết,chúa cũng băng hà”!
Làm gì có chuyện ‘chúa băng hà’, mà ‘trạng’không chết, trừ phi nguyên do gây nên cái chêt của Chúa và của con không giống nhau,không phải là một, hoặc con chối bỏ nó.
TÌNH CA CHO NGƯỜI ĐƯỢC YÊU 149 – CHÚA NHẬT PHỤC SINH (Năm B) – Ga 20, 1 – 9
‘
Views: 0