Vào một buổi chiều, trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu và các môn đệ tổ chức một bữa tiệc tưởng niệm.
Công Giáo gọi bữa ăn này là bữa tiệc ly vì đó là bữa tiệc cuối cùng của Đức Giêsu và môn đệ, trước khi Người đi nhận cái chết. Nhưng trước khi nhập tiệc, “ma quỉ đã đặt ý tưởng phản nghịch vào tâm của Giuđa Ít-ca-ri-ốt, con ông Simôn” (Gio 13:1-27). Như vậy ma quỉ đã có mặt nơi bàn tiệc ngay từ phút khởi đầu. Đức Giêsu cũng biết rõ điều ấy.
Ma Quỉ Lung Lạc Ý Chí Tự Do Của Con Người
Tại sao ma quỉ lại có thể thao túng làm sa đọa đệ tử ngay trước mặt thầy? Chẳng phải ma quỉ không sợ Đức Giêsu, nhưng Giuđa đã mời Satăng đến. Kể từ khi Ađam–Evà từ chối lời răn của Chúa, Thiên Chúa cho phép ma quỉ quyến rũ người ta. Ma quỉ đã đặt vào tim Giuđa những dẫn dụ gì? Không ai biết, trừ Giuđa. Nhưng chính hắn lại không biết đó là dẫn dụ của ma quỉ. Ma quỉ ảo hóa suy tư con người, tinh vi đến độ con người tin nó là ý tưởng của mình. Ma quỉ không lộ diện trong thế giới thực nghiệm. Trong cõi siêu hình, ác ý của Satăng đi thẳng đến tim Giuđa. Giuđa đã “nghe” thấy ảo dụ của dục vọng và căm hận bằng tim. Nhưng nếu tim Giuđa có thể “nghe” tiếng nói của Satăng thì tim hắn cũng có thể “nghe” tiếng nói siêu nhiên của Thiên Chúa. Chẳng qua với ý chí tự do, hắn đã không muốn nghe lời Thiên Chúa. Cụ thể hơn, Đức Giêsu đã cố tình cảnh tỉnh Giuđa qua những dẫn dắt rất cảm động. Sau khi rửa chân cho các môn đồ Đức Giêsu nói, “Không phải trong các ngươi ai cũng sạch hết đâu.” Giuđa nghe thấy nhưng lặng thinh. Một lát sau Người lại nói, “Một người trong các ngươi sẽ phản ta.” Trước sau tim Giuđa vẫn u uất lạnh lùng, mặc dù hắn biết rõ Thầy đang nói với mình. Như vậy Giuđa đã thất bại trong tri thức nhận diện Đức Kitô. Giuđa đã không tin Thầy là Đấng Kitô, Đấng cứu chuộc nhân loại, nhưng tin vào Satăng.
Đến phút chót Giuđa hoàn toàn thuộc về Satăng. Đức Giêsu đành buồn bã nói với hắn, “Việc ngươi muốn làm thì hãy làm mau đi.” Guiđa dứt khoát đứng dậy đi ngay vào bóng đêm. Như vậy chính Đức Giêsu cũng không thể cứu Giuđa. Người đã trao cho hắn món quà cứu độ rất quí, nhưng hắn không nhận. Chúa Cha biết rõ con người Giuđa là thế, nên Chúa đã dùng hắn trong kế hoạch của Người.
Kitô hữu chúng ta hiểu rằng kể từ khi nguyên tội nhập vào tim con người, chúng ta sống thường trực trong dẫn dụ của Sa-tăng tại mọi chốn và mọi thời. Cuộc sống đạo là cuộc phấn đấu giống như sống trong chiến trận. Nơi đó chúng ta chỉ có hai lựa chọn: hoặc sống hoặc chết. Nếu chúng ta không chấp nhận Đức Giêsu, chúng ta sẽ thuộc về Satăng. Đức Giêsu đã cảnh tỉnh chúng ta như vầy, “Kẻ nào không theo Ta ắt là kẻ nghịch lại Ta.” Con người có toàn quyền tự do trong việc định hướng cho sự sống của mình. Ngay cả Thiên Chúa, Người cũng chỉ có thể cứu chúng ta, nếu trước hết, chúng ta muốn được cứu.
Chiêm Niệm Lòng Nhân Từ Của Thiên Chúa
Đang ăn tiệc, Đức Giêsu đứng dậy “cởi áo choàng ra, lấy khăn quấn ngang lưng. Đoạn Người đổ nước vào chậu mà rửa chân cho các môn đồ, rồi lấy khăn đã quấn quanh mình mà lau chân cho họ.” Phải có tâm hồn của một nhiệm sĩ mới có thể cảm nghiệm được trọn vẹn sự thánh thiện của cảnh tượng này. Đức Kitô là Thầy, Đấng mang ánh sáng đến thế gian; Đấng từ trời; là Vua trong Nước Trời; là Ngôi Lời của Thiên Chúa Ba Ngôi; là Thiên Chúa…đã bỏ Thiên Tính của mình để hạ mình trở thành một phàm nhân. Người lại còn cởi áo choàng chủ tiệc của mình, để hạ mình thêm một lần nữa. Chưa đủ, Người quấn khăn ngang lưng chấp nhận vai tôi tớ (không phải rửa đầu, rửa tay) mà cúi mình xuống rửa chân cho kẻ thụ tạo. Hơn nữa Người cúi mình rửa chân, làm đẹp lòng Guiđa, kẻ phản bội mình với tất cả lòng yêu thương. Đức Giêsu đã dậy nhân loại về đức khiêm nhường và đức phục vụ. Suy ra Thiên Chúa rất yêu lòng khiêm nhường và lòng phục vụ tha nhân. Bữa tiệc của Đức Giêsu, với những nghi thức cao cả, không phải dành chỉ cho người thánh thiện mà còn dành cho cả kẻ tội lỗi. Đức khiêm hạ của Đức Giêsu khiến chúng ta, những kẻ coi trọng cái tôi, sững sờ trong trạng thái hoang mang ngỡ ngàng.
Với những ai chưa quen chiêm niệm, hôm nay xin hãy nương theo sự chiêm niệm của thánh Augustinô, để hướng đến một chiều kíck tâm linh cao diệu hơn. Thánh Augustinô cảm luận rằng, tại sao ta lại ngỡ ngàng khi Đức Giêsu cưởi áo choàng. Không phải Người đã trút bỏ tất cả, không những quần áo, mà còn cả Thánh Vị của Người, để chết trần truồng thế cho chúng ta hay sao? Tại sao chúng ta phải sững sờ về việc Đức Giêsu đổ nước vào thau, quấn khăn ngang lưng, để rửa chân cho các phàm nhân. Còn hơn thế nữa, Người đã đổ máu chính mình để rửa tội cho nhân loại. Tại sao chúng ta phải lấy làm lạ về việc Đức Giêsu cúi mình xuống nâng chân các đệ tử. Người đã đặt Thân Thể của Người xuống để làm con đường cho những kẻ truyền đạo bước đi. Tại sao chúng ta phải hoang mang về việc Đức Giêsu nuốt nỗi buồn vào lòng để rửa chân cho Giuđa. Người đã nhẫn nhục nghe những lời nhạo báng và lãnh nhận sự bạo hành đến chết để hóa giải tội lỗi cho nhân loại.
Qua Phép Thánh Thể Chúng Ta Trở Nên Một
Đang lúc ăn, Người lấy bánh bẻ ra trao cho các môn đệ và nói, “Hãy cầm lấy mà ăn, đây là thịt Ta.” Đoạn Người cầm lấy chén rượu trao cho họ uống và nói, “Đây là máu Ta. Máu Giao Ước đổ ra vì mọi người” (Máccô 14: 22-24). Sau lời phán, bánh và rượu trở thành Mình và Máu Đức Kitô. Nhiệm tích Thánh Thể được thành lập từ đó. Hội Thánh có bảy nhiệm tích, tất cả mầu nhiệm cứu độ của mọi nhiệm tích đều bắt nguồn từ nhiệm tích Thánh Thể. Nhiệm tích Thánh Thể chính là nhiệm tích Vượt Qua của Đức Kitô.
Theo sử liệu, biến cố vượt qua có thể được tóm lược như sau: Yavê phán với Môisen và Aharôn: hãy báo cho cộng đồng Ítraen, mỗi gia tộc hãy tìm một con chiên. Toàn thể cộng đồng sẽ cử hành lễ hiến tế. Hãy lấy máu chiên bôi lên thành cửa. Còn thịt chiên, hãy ăn với bánh không men và rau đắng. Đó là lễ vượt qua mừng Yavê. Đêm ấy ta sẽ đi ngang qua đất Aicập. Ta sẽ hủy diệt mọi con đầu lòng của đất Aicập từ người cho đến thú. Máu bôi trước cửa nhà sẽ là dấu chỉ các ngươi ở trong đó. Ta sẽ đi vượt qua và sẽ không có họa tiêu diệt trên các ngươi (Khởi Nguyên 12:1-13).
Mọi biến cố có sự can thiệp của Thiên Chúa trong thời giao ước cũ, đều là những biểu tượng của nhiệm tích. Chúng sẽ được kiện toàn trong giao ước mới. Biến cố vượt qua của thời Môisen là biểu tượng cho cuộc khổ nạn của Đức Giêsu. Máu chiên thú vật của cựu ước được thay thế bởi máu Đức Giêsu—Chiên Thiên Chúa. Người đã dùng máu của mình đánh dấu lên cánh cửa tâm hồn chúng ta. Nhờ đó chúng ta cũng được vượt qua cõi chết. Trong giao ước mới, chính Đức Giêsu là nền tảng của cuộc vượt qua. Khi phục sinh, Đức Giêsu đã vượt qua sự chết để đến cõi sống thật. Khi lên trời, Người đã vượt qua cuộc thương khó để về cùng Cha. Đức Giêsu đã không vượt qua một mình. Nhân loại thụ hưởng hoa quả của ơn vượt qua để về cùng Cha. Không có biến cố vượt qua của Đức Giêsu, con người không thể về cùng Cha. Đức Giêsu đã kiện toàn mầu nhiệm vượt qua bằng nhiệm tích Thánh Thể. Nhiệm tích Thánh Thể có mầu nhiệm ban sự sống và ơn cứu rỗi cho người lãnh nhận. Vì vậy lãnh nhận Mình Máu Chúa còn gọi là dự bữa tiệc vượt qua. Khi dự bữa tiệc này, cộng đồng Kitô chúng ta thông phần vào cuộc vượt qua với Đức Giêsu, vì Thánh Thể đã khiến cá nhân chúng ta trở nên một với Đức Giêsu và đồng thời cũng trở nên một với mọi người khác.
Cách Kitô Hữu Nhận Lãnh Thánh Thể
Bánh và rượu trở thành Thịt và Máu của Đức Giêsu là một nhiệm tích, nhưng cũng là cuộc hiến tế, vì Đức Giêsu phải chịu chết để có Máu Thịt cho chúng ta. Cũng vậy nếu muốn nhận lãnh ơn ích của Thánh Thể, chúng ta phải rước lễ trong tinh thần nhiệm tích và tinh thần hiến tế. Rước lễ phải là một kết hợp giữa Chúa và ta thì mới nên trọn vẹn. Nhiệm sĩ Chu Công cho biết, lúc rước lễ, mỗi khi cha nghe thấy câu nói của Đức Giêsu “Đây là Mình Ta ban cho con.” Chân thân của cha mở ra và đáp lại, “Đây là mình con dâng lên cho Chúa.” Đó thật là một kết hợp trọn vẹn cả thể xác lẫn tâm hồn. Ngoài ra ta phải nhìn sâu trong tâm hồn mình để nhận diện những gì ta phải hiến tế. Chẳng hạn, khi lên rước lễ ta còn mang theo lòng hận thù (như Giuđa), ta hãy dâng nó lên Thiên Chúa làm cuộc hiến tế. Sau khi nhận lãnh Thánh Thể, ta không mang lòng hận thù về cùng ta nữa.
Bàn về cách lãnh nhận Thánh Thể, sách Giáo Lý cho biết có “hai hình thức”: (1) rước lễ dưới hình thức bánh; (2) rước lễ dưới hình thức bánh và rượu. Sách Giáo Lý khảng định rước lễ chỉ có bánh không cũng đã đầy đủ. Nhưng kế đó sách giáo lý nói: rước lễ với cả bánh và rượu là một hình thức trọn vẹn hơn. Rước lễ có cả bánh và rượu xưa kia chỉ dành riêng cho các linh mục. Trong quá khứ, có thể vì lý do tài chánh khiến phải giản dị hoá nghi thức mục vụ, nên chúng ta đã có hai hình thức rước lễ. Tuy nhiên Công Đồng Vaticanô II đã trả lại đặc quyền rước lễ với cả bánh và rượu cho giáo dân.
Lời nói trang trọng và quyết liệt của Đức Giêsu, “Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống… vì thịt tôi thật là của ăn và máu tôi thật là của uống” giúp chúng ta nghiệm ra, nên nhận lãnh Thánh Thể với cả bánh và rượu (Gio 6:53-55). Dĩ nhiên thay đổi một thói quen không phải là dễ, nên có người đã và sẽ không đồng ý. Nhiều người còn cho rằng nếu ai cũng uống chung một chén rượu như vậy hẳn là mất vệ sinh. Thần học gia Philippe Rouillard cảm khái phát biểu: “có lẽ cũng giống như thời trước, lời nói ăn thịt và uống máu của Đức Giêsu nghe ‘chướng tai’ khiến người ta không thể chấp nhận chăng?” Cha Rouillard đã chơi chữ khi mượn từ ngữ “chướng tai” của Thánh Kinh. Chúng ta không nghĩ cha có ý khôi hài hay mỉa mai. Đó chỉ là một nhận xét buồn, bao hàm một thiện ý mà ai cũng có thể hiểu.
Views: 0