Thật ra, không phải tất cả những người đang la hét đòi Đức Giêsu phải chết là hoàn toàn gian ác. Không phải là không có người nhìn thấy “công lý và sự thật”. Đó là lời của một trong hai tên gian phi : “Ông này đâu có làm điều gì sai trái”.
Sự thật là gì ?
Lúc đó trời vừa sáng. “Người Do Thái điệu Đức Giêsu từ nhà ông Caipha đến dinh tổng trấn”. Một khung cảnh ồn ào, hỗn loạn diễn ra. Tổng trấn Philatô xuất hiện. Khi nhìn thấy Giêsu đứng đó với thân thể rã rời bởi những trận đòn tra tấn đêm qua, ông vội vàng “triệu tập các thượng tế, thủ lãnh và dân chúng lại và nói : Các người nộp người này cho ta, vì cho là tay kích động dân, nhưng ta đã hỏi cung ngay trước mặt các người, mà không thấy người này có tội gì, như các người tố cáo. Các người thấy đó, ông ấy chẳng can tội gì đáng chết.”(Lc 23, 14).
Đáp lại lời quan tổng trấn là một rừng người la ó hô to : “Giết ! Giết nó đi.”. Không nao núng trước sự cuồng nộ của đám đông, Philatô dõng dạc xác quyết rằng : “Ta xét thấy ông ấy không có tội gì đáng chết.”. Nhưng đám đông lại càng gào to hơn nữa : “đóng đinh ! đóng đinh nó vào thập giá.”
Bối rối trước tiếng gào thét điên cuồng của đám đông “Philatô quyết định chấp thuận lời yêu cầu của họ.” (Lc 23, 24).
Ôi ! cay đắng quá !
Đức Giêsu, giờ đây như bị bủa vây. Bủa vây bởi sự nhu nhược và hèn nhát của Philatô. Chính ông ta – chứ không ngoài ai khác – đã lộ rõ tâm địa của một kẻ bàng quang, thờ ơ trước “sự thật và công lý”. Thật vậy, đã ba lần Philatô có ý thả Đức Giêsu vì không có bằng chứng để buộc tội. Các cáo buộc chống lại Giêsu không đạt tiêu chuẩn của một cuộc điều tra tư pháp nghiêm chỉnh.
Hậu quả có thể thấy trong sự phán quyết của Philatô – như người Roma xưa thường nói : một thứ công lý sai lầm giống như một mạng nhện, trong đó con ruồi kẹt lại và chết đi. Còn những con chim với sức mạnh bằng lực bay, nó có thể xé toạc mớ lùng bùng của mạng nhện đó.
Giêsu – như một con ruồi – đã bị một thứ công-lý-lùng-bùng-kiểu-mạng-nhện giết chết.
…một phút suy tư
Hơn 2000 năm trôi qua…
Có vẻ như phiên tòa này vẫn chưa kết thúc.
Có vẻ như những loại công-lý-lùng-bùng-kiểu-mạng-nhện vẫn còn tồn tại và phát huy.
Vẫn còn đó những bản án phi nhân bản.
Vẫn còn đó những con người bị “án oan”.
Vẫn còn đó những con người bị kết án tử mà không cần đem ra xét xử.
Đó là những thai nhi vô tội.
Những thai nhi đó bị kết án bởi một rổ-danh-từ-đầy-hoa-mỹ : “điều hòa kinh nguyệt”.
Những thai nhi đó bị kết án tử bởi đạo luật với một cái tên gọi rất mỹ miều ”phò lựa chọn”. Ôi ! tưởng như là nhân bản nhưng thực chất là cổ vũ cho tự do phá thai. !
Trở lại phiên tòa năm xưa, nơi Đức Giêsu bị kết án.
Thật ra, không phải tất cả những người đang la hét đòi Đức Giêsu phải chết là hoàn toàn gian ác. Không phải là không có người nhìn thấy “công lý và sự thật”. Đó là lời của một trong hai tên gian phi : “Ông này đâu có làm điều gì sai trái”.
“Sự thật là gì ?”. Một câu hỏi vẫn còn tính thời sự đối với mỗi chúng ta.
Có cần “thẩm vấn” lại “phiên-tòa-lương-tâm” của mỗi chúng ta ???
Liệu chúng ta có như Philatô “rửa tay” và như một người vô can quay mặt đi !!!
Hay là chúng ta sẽ như “viên đại đội trưởng” nhìn ra “sự thật” mà “cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa” !
Hãy nhớ rằng “sự thật sẽ giải phóng “ chúng ta .
SAIGON tuần thánh 2009
Đường Đau Đớn…
Từ dinh tổng trấn bước ra, nơi vừa diễn ra đòn tra tấn tàn bạo, Đức Giêsu được cởi bỏ chiếc áo điều nhạo báng thay vào là y phục của Người, áo dài “không có đường chỉ khâu; được dệt từ trên xuống”. (Ga 19, 23).
Đôi vai Đức Giêsu cong oằn dưới đòn ngang của cây thập giá; nơi đặt bàn tay Người lên và sẽ được đóng lại bằng đinh sắt.
Người lê bước chân rã rời trong sự câm nín; dấu chân Người đầy máu và đau đớn. Ngày nay con đường mà Người đã vác thập giá đi qua được mang tên “Via Dolorosa” nghĩa là Con Đường Đau Đớn.
“Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng. Hãy đến cùng Ta.” . Lời mời gọi tràn đầy tình yêu thương đang hiện thực trên đôi vai Người. “Ách Ta êm ái ! gánh Ta nhẹ nhàng”. Vâng, thật êm ái và nhẹ nhàng bởi ba cú ngã. Một dấu hiệu của sự mệt mỏi rã rời. Thân thể tả tơi của Người oằn đi dưới sức nặng của thập giá.
Ba cú té ngã như một bức tranh biếm họa về Người. Còn đâu một vị Thiên Chúa đầy quyền uy mới hôm qua còn dõng dạc tuyên bố : “cứ phá hủy Đền Thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại”.
Ba cú té ngã dưới sức nặng của thập giá gợi lên sự sa ngã của Adam, tình trạng sa ngã của nhân loại, và gợi lên mầu nhiệm Đức Giêsu gánh lấy sự sa ngã của chúng ta.
…..một phút suy tư
Ngày nay, cũng như vào thời đó, chung quanh Đức Giêsu vẫn còn một rừng thập giá. Thập giá của bệnh tật và nghèo đói, thập giá của cô đơn và bất hạnh, của những người bị bỏ rơi bởi sự bận rộn và thờ ơ đang hối hả ngược xuôi trên dòng đời.
Ngày nay, cũng như vào thời đó, khi rảo bước qua những cách đồng lúa mì miền Galilê, Đức Giêsu vẫn đưa ra một mệnh lệnh như là một điều kiện tiên quyết để được vào Nước Trời ; “ Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập tự giá hằng ngày và theo”. (Lc 9, 23).
Vậy chúng ta có chấp nhận mà gánh vác không ? Nếu có “hãy ra khỏi trại mà đến với Người, cam lòng gánh vác nỗi khổ nhục Người đã chịu” (Dt 13, 13) . Cuối con đường Via Dolorosa không chỉ có đồi Golgotha hay tăm tối của nấm mồ; nhưng cũng có đồi Thăng Thiên, đồi của ánh sáng, và đồi của sự sống.
TUẦN THÁNH 2009 – Petrus.tran
Views: 0