(Chúng ta đang còn trong năm thánh của Thánh Phaolo, tác giả xin được mượn ít tư tưởng của Thánh nhân để gợi một vài ý với độc giả vì có lẽ ngoài Đức Mẹ, không ai hiểu thấu mầu nhiệm Thánh Giá bằng Thánh Phaolô).
Thiên Chúa thường chọn những cái nghịch lý để làm những điều vĩ đại. Tám Mối Phúc Thật ngược lại với người đời (nghèo khồ, đói khát, đau buồn, bắt bớ vì đạo Chúa v.v… được gọi là phúc trong khi thế gian gọi là hoạ); Lúc xuống thế, Chúa không đến với sức mạnh mà đến trong yếu đuối của một em bé ; Môn Đệ đại đa số những người ít học, quê mùa ; Trong đời rao giảng, Chúa chú ý nhiều tới những người tầm thường, goá bụa, bệnh hoạn ; Ngày lìa đời, Chúa lại chọn cái chết tức tưởi, xấu hổ, nhục nhã, đau khổ tâm linh và đau đớn thể xác trên thập giá.
Thánh Phaolô đã so sánh cái chết trên thánh giá với vinh quang Chúa Cha ban tặng Chúa Con thật nhiệm mầu. Và Ngài tìm thấy cụm từ “đóng đinh” với ý nghĩa trọn vẹn. Thánh giá tỏ rõ tình Ngài với sức mạnh của Thiên Chúa. Nhờ Thánh giá, tội lỗi đã được xoá bỏ và con người được giao hoà với TC. Thánh giá là dụng cụ giết người do con người lập nên nhưng Chúa Kitô đã dùng để biệu lộ tình thương của Ngài.
Sách TĐCV chương 17 thuật lại việc T. Phaolo và một số bạn hữu tới Athens, Hylạp để truyền đạo. Khi rao giàng Tin mừng Chúa Kitô chịu đóng đinh chết và sống lại sau 3 ngày thi dân chúng ở đó nhạo cười và phỉ báng. Các nhà truyền giáo ở thế kỷ đầu tiên nầy đã không xấu hổ nhưng đã làm đảo lộn cả thế giới bởi nhờ tin vào Chúa Kitô đóng đinh. Họ đã không ngần ngại trở nên những kẻ “khờ dại” cho Tin mừng! Các Thánh Tông Đồ cũng là những người “khờ dại” nhất trước mắt người đời bởi vì họ bỏ mọi người thân, và mọi sự để theo một ông Chúa bị đóng đinh trên thập giá như một tử tội giữa hai người trộm cướp.
Thư 1 Cor. 2: 1-9 viết: “Tôi chỉ rao giảng một Đức Kitô chịu đóng đinh vào Thập giá và sự khôn ngoan của TC chứ không phải khôn ngoan của thế gian. Và tôi chỉ dựa vào Thần khí và quyền năng TC để đức tin của anh em không dựa vào sự khôn ngoan của người phàm nhưng vào quyền năng của TC. Đó là những điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều mà TC đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Ngài” Những điều mà T. Phaolo muốn nói đến là những điều gì?
Ngay từ Chương đầu tiên của cuốn Sách đầu tiên trong Kinh thánh: sách Sáng Thế Ký, TC tạo dựng nên vườn Địa đàng cho thuỷ tổ loài người, ông Adam và bà Evà, an hưởng hạnh phúc trường sinh. “Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon. Trong đó có một cây được gọi là “cây trường sinh” với những trái cây nuôi sống Adam và Evà, ở ngay giữa vườn. Trong vườn lại còn có một cây nữa mà ai ai hầu như cũng biết đến, đó là “cây biết lành biết dữ” với những trái “nhìn cũng đẹp, ăn cũng ngon” như các cây khác, nhưng lại là cây mà TC cấm!” Thiên Chúa khuyên Adam và Eva nên ăn mọi trái cây, nhưng cấm ăn trái từ cây biết lành biết dữ vì Ngài biết điều gì tốt và điều gì xấu cho con người.
Satan hiện hình con rắn cám dỗ bà Evà bằng cách hé mở một phần của sự thật, đại ý: “Bà đừng bận tâm, Thiên Chúa cấm ông bà ăn trái của cây biết lành biết dữ là vì Thiên Chúa sợ ông bà sẽ bằng Chúa.” Ma quỉ biết trước nếu nó hoàn toàn nói dối thì con người đời nào nghe theo. Cho nên khi nói “sau khi bà ăn trái cây ngon ngọt nầy bà sẽ bằng Chúa,” nó đã nói đúng một phần. Vì quả thực sau khi ông bà Adam-Evà ăn xong “trái cấm” tức khắc ông bà nhận ra sự thiện điều ác. Trước đây ông bà vâng lời Chúa, Đấng chỉ dạy ông bà biết điều thiện, tránh điều ác thì hạnh phúc, “cho dù trần truồng mà chẳng hổ ngươi,” bây giờ ông bà tự cho mình là Chúa, tự mình quyết định mọi việc thiện ác nên tai hoạ đã kéo tới! Xấu hổ nên lấy lá che thân. (Quả thật, mỗi khi chúng ta phạm tội cho dù nặng nhẹ, là mỗi lần chúng ta cho rằng mình là Chúa, quyết định mọi sự!) Hậu quả hay hình phạt sau khi phạm tội là Adam-Evà không thể vươn tay ra hái trái trên cây trường sinh giữa vườn để có thể sống được nữa. Thánh Kinh chép: “Thiên Thần Chúa dùng gươm sắc canh giữ cây trường sinh trong vườn cẩn mật và đuổi ông bà ra khỏi vườn địa đàng.” (STK. 3:24).
Tình cảnh của hai người sau khi phạm tội thật bi đát, đau thương! Tuy nhiên, TC hứa một ngày nào đó sẽ cho con người lại cây trường sinh. Sách Tiên tri Ezekiel trong chương 47 kể lại việc Ông được nhìn thấy một thị kiến quang cảnh thành Jerusalem khi Đấng Thiên Sai đến: “…một đền thờ tráng lệ, hùng vĩ sẽ được tái lập (đền thờ vua Salomon xây), bên phải đền thờ, về phía đông, có một con sông mang theo dòng nước của sự sống, nước nầy chảy qua ngưỡng cửa của đền thờ và nước ấy chảy đến những đâu thì có sinh vật đến đó, trong đó có cả cây có trái trường sinh!….” Tiên Tri Êzekiel thực sự thấy gì? Ông thực sư thấy vườn địa đàng được tái thiết. Đây là sự tiên báo của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Đền thờ được tái thiết! PÂ Thánh Gioan viết rõ: “Phá đền thờ nầy đi, Ta sẽ xây lại trong ba ngày” Khi nói điều đó, Chúa Giêsu có ý nói về đền thờ thân xác Ngài.” Khi Chúa Giêsu bị treo trên Thánh giá, nước và máu chảy ra từ cạnh nương long bên phải Ngài trở thành Ân sủng của các Bí Tích trong Hội Thánh, chảy dài đến tận cùng trái đất qua thời gian và lịch sử nhân loại. Thánh Phêrô trong Tông Đồ Công Vụ tuyên bố: “Chúa bị treo trên cây.” Thánh Phaolô cũng nhiều lần nhắc đến danh từ “cây” nầy. Thánh Giá là Cây của Sự Sống. Sự tiên báo của Tiên tri Êzêkiel đã được thực hiện vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.
Mọi Ân sủng mà chúng ta tiếp nhận đều bắt nguồn từ Cây Thánh Giá. Cây sự sống là một thực vật sống đầu tiên được nói đến trong Kinh thánh. Thiên Chúa dùng cây Thánh Giá để cứu rỗi chúng ta. Chương cuối cùng của cuốn Sách cuối cùng trong Bộ Kinh thánh là sách Khải Huyền, cũng lại nói đến cây sự sống. Tác giả Gioan Tông Đồ thuật rõ: “Tôi thấy Jerusalem nhưng không thấy đền thờ đâu hết, mà tôi thấy Con Chiên chính là đền thờ. Bên phải Con Chiên, tôi lại thấy dòng nước chảy mãi và chạm đến tất cả mọi công dân của thành thánh (ý nói Giáo hội). Rồi tôi nghe thấy tiếng phán: ‘Hoàn tất! Ta là Alpha và Omega, Khởi nguyên và Tận cùng. Ta đã ban cho tất cả một cách nhưng không.’” …Và bộ Kinh Thánh kết thúc….
Trong đời làm Tông đồ cho Chúa, Thánh Phaolô cũng đã nhiều lần bị thử thách, đối chọi với gian nan và đau khổ: ở tù, bị ném đá, bị đánh đòn nhiều lần suýt chết, bị đắm tàu rồi lênh đênh giữa biển khơi, bị nguy hiểm trên sông, nguy hiểm trên biển, ngoài sa mạc, nguy hiểm giữa người đồng hương, giữa người ngoại, nguy hiểm do trôm cướp, nguy hiểm từ kẻ làm bộ là anh em…Nhiều lần phải thức đêm, bị đói khát, chịu rét mướt, trần truồng…Và thân thể Ngài còn phải mắc phải một cái dằm, tưởng rằng không thể chịu nổi và thánh nhân đã 3 lần xin Chúa Kitô cất khỏi nỗi đắng cay đó và Chúa đã trả lời thẳng: “Không! Ân sủng Ta đã là đủ cho sự yếu đuối của con rồi!” (2 Cor. 10 – 12) Đời sống chúng ta không hẳn là bị thử thách nhiều như Thánh Phaolô nhưng chắc chắn không ai dám nói rằng đời mình toàn dễ dàng yên ổn, cho dù sống trong bậc nào.
Ân sủng từ Thánh Giá Chúa Kitô, cây trường sinh bất tử tuôn trào qua muôn thế hệ, vượt thời gian, không gian, và lịch sử, đến trên toàn thể nhân loại mọi nơi mọi lúc. Nhờ vào quyền năng của Chúa trên Thánh giá, chúng ta được chung hưởng sự sống đời đời do của lễ hy tế đồi Can-vê mang lại mỗi lần chúng ta công bố tác động của lễ hy tế Chúa làm trên Thánh Giá đó trong các Thánh Lễ.
Nhờ Thánh lễ và các Bí Tích do Chúa Giêsu để lại, người CG chúng ta có thể trở nên khờ dại, yếu đuối giữa thế gian nhưng không sợ hãi khi tuyên xưng Chúa Kitô đóng đinh là Chúa chúng ta. Nhờ ân sủng thánh giá Chúa, chúng ta trở về với vai trò môn đệ trung thành của Chúa để mỗi ngày một trở nên giống Chúa hơn, biết huỷ bỏ và tự hạ mình để phục vụ anh chị em đồng loại như Chúa Giêsu đã làm, và như T. Phaolô đã noi theo. (Phil. 2:6-11) .
Xin Thánh Tông Đồ Phaolô bầu cử cho chúng con. Amen.
Views: 0