Con cái có quyền được một mái ấm như mái ấm Nazareth
Bài huấn dụ của Ðức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI trong đêm canh thức Ngày Họp Mặt Thế Giới Về Gia Ðình lần thứ 5
Anh chị em thân mến,
Tôi rất vui mừng được tham dự buổi họp mặt cầu nguyện này, buổi họp mặt mang ý nghĩa cử hành niềm vui lớn lao về quà tặng gia đình mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Trong kinh nguyện, tôi cảm thấy rất gần gũi với tất cả mọi người đang cảm nhận nỗi đau buồn của thành phố này và trong hy vọng vào Ðức Kitô phục sinh, đem lại ánh sáng và sức mạnh mặc dù trong những thảm kịch lớn lao xảy đến cho con người.
Hiệp thông với cùng một đức tin trong Chúa Kitô, chúng ta tụ họp nơi đây từ nhiều nơi trên thế giới như một cộng đoàn mà với lòng biết ơn và vui mừng, làm chứng rằng con người đã được tạo nên do hình ảnh và giống Thiên Chúa do tình yêu. Và rằng sự viên mãn của con người chỉ đạt được khi chúng ta trao ban tặng vật thiết thân là chính chúng ta cho những người khác.
Gia đình là một tổ chức đặc biệt ở đó mọi người học được sự chia sẻ và đón nhận tình yêu. Ðó là lý do tại sao Giáo Hội rất thiết tha được chứng tỏ mối quan tâm mục vụ đối với thực tại căn bản này của con người.
Ðây là những gì mà Giáo Hội giảng dậy với quyền Giáo Huấn: “Thiên Chúa, ngài là tình yêu, và là Ðấng đã tạo dựng nên người nam và người nữ cho tình yêu, đã mời gọi họ yêu thương nhau. Do việc tạo dựng người nam và người nữ, ngài đã kêu gọi họ tiến tới sự kết hiệp mật thiết của đời sống và tình yêu trong hôn nhân. “Vì họ không còn là hai nhưng là một huyết nhục” (Mátthêu 19:6) (Sách Giáo Lý Yếu Lược, Giáo Hội Công Giáo, 337).
Ðây là chân lý mà Giáo Hội rao truyền một cách không mỏi mệt cho thế giới. Vị tiền nhiệm đáng kính của tôi, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói rằng người ta được tạo dựng “trong hình ảnh và giống Thiên Chúa không chỉ vì là con người, nhưng bởi sự hợp nhất của con người mà người đàn ông và đàn bà đã được tạo dựng ngay từ lúc bắt đầu. Họ không trở nên hình ảnh của Thiên Chúa ở sự đơn lẻ, nhưng trong sự hiệp nhất của họ.” (Bài Giảng Giáo Lý, 14 tháng 11, 1979).
Ðây là lý do tại sao tôi đã nhận lời mời của Ngày Họp Mặt Thế Giới Về Gia Ðình lần thứ 5, và một cách đặc biệt có mặt tại đây ở Valencia, một thành phố phong phú với truyền thống và tự hào về đức tin Công Giáo đã sống và được nuôi dưỡng trong nhiều gia đình tại đây.
Gia đình là một cơ cấu hiệp nhất nối kết giữa những cá nhân và xã hội, và không gì có thể thay thế vị trí của nó được. Gia đình, một cách đặc biệt, được đặt trên mối liên kết sâu thẳm giữa người chồng và người vợ, và được củng cố bằng tình cảm và sự hiểu biết hỗ tương. Ðể có thể làm điều này, nó tiếp nhận sự trợ giúp dồi dào từ Thiên Chúa qua Bí Tích Hôn Phối, mà nó mang theo một ơn gọi thực sự cho sự thánh thiện.
Ước mong rằng con cái của chúng ta có thể cảm được nhiều hơn sự hòa thuận và tình thương giữa cha mẹ, hơn là những bất hòa và chia rẽ. Vì tình yêu giữa cha mẹ là nguồn gốc của sự bảo đảm chắc chắn cho con cái, và điều này dậy chúng về vẻ đẹp của một tình yêu chung thủy và bền vững.
Gia đình là lợi ích cần thiết cho một dân tộc, là căn bản vững chắc cho xã hội và là tài nguyên phong phú và dồi dào cho các cặp vợ chồng. Nó là một lợi ích đặc biệt cho con cái, chúng cũng chính là hoa trái của tình yêu của việc trao ban chính mình một cách rộng rãi và trọn vẹn của cha mẹ. Ðể rao truyền toàn bộ chân lý về gia đình, được đặt trên hôn nhân như một Giáo Hội thu nhỏ và cung thánh của cuộc đời, đòi hỏi một trách nhiệm lớn lao.
Người cha và người mẹ đã nói “có” một cách công khai trước mặt Thiên Chúa, và việc này làm nên căn bản của bí tích nối kết giữa hai người. Cũng thế, để sự liên kết bên trong của mỗi gia đình được trọn vẹn, họ cũng cần nói “có” để chấp nhận con cái mà họ đã sinh ra hoặc nhận nuôi. Mỗi người con ấy có những cá tính và nhân phẩm riêng của chúng.
Bằng cách ấy, con cái sẽ lớn lên trong bầu khí đón nhận và yêu thương, và đạt tới mức trưởng thành sung mãn, và rồi đến phiên chúng sẽ nói tiếng “có” đối với những người đã ban cho chúng sự sống.
Những thách đố của xã hội ngày nay, được đánh dấu bằng những sức mạnh ly tâm, phát sinh một cách đặc biệt tại những khu vực thành phố, tạo nên sự cần thiết phải bảo đảm rằng các gia đình không cảm thấy bị lạc lõng. Một gia đình nhỏ bé có thể đối diện với những khó khăn, ngãng trở khi bị cô lập khỏi những bạn hữu và người thân.
Cộng đoàn Giáo Hội, vì thế có trách nhiệm cung cấp sự trợ giúp, khích lệ và sự nuôi dưỡng tâm linh để nó có thể tăng cường sự nối kết của gia đình; đặc biệt, trong những thời điểm gặp thử thách hoặc khó khăn. Ở đây các giáo xứ có một địa vị quan trọng, cũng như những hội đoàn tôn giáo, nó được kêu gọi để hợp tác như những hệ thống hỗ trợ, và như một bàn tay giúp đỡ cho sự phát triển các gia đình trong đức tin.
Ðức Kitô đã chỉ cho chúng ta điều luôn được coi là nguyên nhân tuyệt vời cho đời sống của chúng ta và cũng như đời sống của các gia đình: “Ðây là điều răn thầy, là các con hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương các con. Không ai có tình yêu lớn lao hơn kẻ thí mạng sống mình vì bạn hữu mình” (Gioan 15:12-13).
Chính Thiên Chúa đã đổ tràn tình yêu ngài trên chúng ta qua bí tích Thánh Tẩy. Kết quả là các gia đình được kêu gọi để cảm nghiệm cùng một tình yêu như thế, do Thiên Chúa đã làm cho tình yêu này trở thành có thể đối với chúng ta qua tình yêu con người, để cảm giác, yêu thương, và nhân từ như Ðức Kitô.
Cùng với việc thông truyền đức tin và tình yêu Thiên Chúa, một trong những trách nhiệm lớn lao nhất của các gia đình là hướng dẫn về tự do và trách nhiệm mỗi cá nhân. Vì lý do đó, các bậc cha mẹ một cách từ từ cho con cái mình được tự do hơn, trong khi vẫn dành thời giờ cho việc hướng dẫn tự do ấy.
Nếu con cái nhìn cha mẹ chúng, hay một cách tổng quát hơn, là tất cả mọi người lớn tuổi chung quanh chúng, sống một đời sống vui vẻ và nhiệt tâm mặc dù giữa những thử thách, chúng sẽ tự hiểu là niềm vui vững chắc của cuộc đời, có thể giúp chúng thắng vượt một cách khôn ngoan những ngãng trở và thử thách không thể tránh được như một phần của đời sống. Hơn nữa, khi các gia đình không khép kín với nhau, thì trẻ em sẽ học biết rằng mỗi người đều xứng đáng được yêu, và rằng có một tình huynh đệ đại đồng và căn bản ôm choàng mỗi con người.
Ngày Họp Mặt Thế Giới lần thứ 5 này mời gọi chúng ta phản ảnh một chủ đề hết sức quan trọng, mà mỗi người phải chiến đấu bằng trách nhiệm lớn lao: truyền thụ đức tin trong gia đình. Chủ đề này được dẫn giải cách đẹp đẽ trong Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo: “Như một bà mẹ dậy con bà tập nói, để hiểu biết và trao đổi, Giáo Hội mẹ chúng ta cũng dậy chúng ta ngôn ngữ của đức tin để giới thiệu với chúng ta sự hiểu biết và đời sống đức tin” (Số 171).
Ðiều này một cách hàm chứa trong nghi thức Thánh Tẩy: với việc trao cây nến sáng, cha mẹ đã thành một phần trong mầu nhiệm của sự sống mới của con cái Thiên Chúa được ban cho con cái họ trong nước Thánh Tẩy.
Truyền đạt đức tin cho con cái với sự giúp đỡ của những cá nhân và các tổ chức như giáo xứ, trường học, hoặc các hội đoàn Công Giáo, là một trách nhiệm mà cha mẹ không thể làm ngơ, coi thường, hoặc hoàn toàn phó mặc cho người khác.
“Gia đình Kitô Giáo được gọi là một giáo hội tại gia bởi vì gia đình sống và chiếu tỏa bản chất riêng tư và đại đồng của Giáo Hội như là một gia đình của Thiên Chúa. Mỗi phần tử trong gia đình, tùy vào vai trò của mỗi người, hành xử quyền tư tế qua bí tích thánh tẩy và đóng góp vào việc làm cho gia đình ấy thành một cộng đoàn ân sủng và cầu nguyện, một trường học cho những nhân đức tự nhiên và Kitô Giáo, và là một nơi ở đó đức tin được công bố trước hết cho con cái” (Tóm Lược Sách Giáo Lý Công Giáo, 350).
Và còn gì nữa: “Cha mẹ, do việc tham dự của mình vào quyền phụ tử của Thiên Chúa, trước hết có trách nhiệm đối với việc giáo dục con cái, và là người đầu tiên dậy dỗ đức tin cho chúng. Họ có bổn phận phải yêu thương, tôn trọng con cái mình như những con người và con Thiên Chúa… một cách đặc biệt. Họ có sứ mạng giáo dục cái mình trong đức tin Kitô Giáo” (ibid, 460).
Ngôn ngữ của đức tin được học hỏi trong các gia đình, nơi đức tin lớn lên và được tăng trưởng qua lời cầu nguyện và thực hành Kitô Giáo. Trong Sách Ðệ Nhị Luật chúng ta đã nghe những lời nguyện cầu tha thiết do Dân Ðược Tuyển Chọn là “Shema Israel” mà chính Chúa Giêsu đã thường xuyên được nghe và lập lại trong nhà ngài tại Nazareth.
Chính ngài cũng đã làm việc này trong đời sống công khai như chúng ta thấy trong Tin Mừng của Thánh Máccô (12:29). Ðây là đức tin của Giáo Hội, được phát sinh từ tình yêu Thiên Chúa chảy vào gia đình của anh chị em. Ðể sống cách đầy đủ niềm tin này, bằng cái mới mẻ phi thường của nó, là một đặc ân lớn lao. Cũng thế, ở vào những thời điểm khi thánh nhan Thiên Chúa bị khuất dang, đức tin có thể trở thành khó khăn và đòi nhiều cố gắng mạnh mẽ.
Cuộc gặp gỡ này mang lại một sức mạnh mới để công bố Tin Mừng của gia đình, tái xác nhận sức mạnh và căn tính của gia đình đã được thiết lập trong hôn nhân và mở ra thành một hồng ân lớn lao của cuộc sống, ở đó con cái được phát triển song phương cả bề thể xác lẫn tinh thần.
Ðây là cách thế tốt nhất để đối đầu với chủ nghĩa khoái lạc đang lan rộng làm giảm thiểu những liên hệ con người để tầm thường và làm trống rỗng giá trị xác thực và tốt đẹp của chúng. Ðể thăng hoa những giá trị của hôn nhân không cần phải có cái cảm kinh nghiệm về hạnh phúc mà người đàn ông và người đàn có trong tình yêu hỗ tương của họ.
Ðức tin và đạo đức Kitô Giáo không phải là cách thức làm ngộp thở tình yêu, nhưng là làm cho nó trở thành khỏe, mạnh hơn, và thực sự tự do hơn. Tình yêu con người cần phải được thanh luyện và trưởng thành nếu thực sự nó là con người viên mãn và nguyên tắc cho một niềm vui mừng thật sự và bền lâu” (cf. Diễn từ tại Vương Cung Thánh Ðường Thánh Gioan Lateran, ngày 5 tháng 6, 2006).
Và vì thế, tôi mời gọi những nhà lãnh đạo trong chính quyền và những vị trong ngành lập pháp phản ảnh trên những phúc lợi rõ ràng sự bình an và bảo đảm thích hợp cho các cá nhân và gia đình, trung tâm của xã hội, như Tòa Thánh đã xác định trong Chương nói về Những Quyền Lợi của Gia Ðình.
Mục đích của mọi luật lệ là sự tốt đẹp liên kết của con người trong việc đáp lại những nhu cầu và những nguyện vọng của nó. Ðiều này là một sự trợ giúp rất cần thiết đối với xã hội, trong đó nó không thể bị phân chia, và đối với các dân tộc là một bảo đảm an toàn và thanh thoát.
Gia đình cũng còn là một học đường cho phép những người đàn ông, đàn bà lớn lên với nhận thức đầy đủ nhân vị của họ. Kinh nghiệm được yêu thương bởi cha mẹ, được giúp đỡ đã làm cho con cái nhận ra nhân vị của chúng như những người con.
Con cái cần được tăng trưởng trong đức tin, được yêu thương và bao bọc. Song song với quyền lợi căn bản được sinh ra, và được nuôi dưỡng trong đức tin, con cái cũng có quyền được có một mái gia đình mô phỏng ngôi nhà Nazareth, và được che chở khỏi những nguy hiểm và đe dọa.
Giờ đây, tôi muốn nói một lời với những ai là ông bà, những vị rất quan trọng đối với mỗi gia đình. Họ có thể là – và thường xuyên là – những người bảo vệ mối cảm tình và thương mến con người đang cần thiết để đón nhận và trao tặng. Họ cống hiến cho con cháu cái viễn ảnh về thời gian. Họ là kỷ niệm và sự giầu có của các gia đình. Không bao giờ họ có thể bị gạt bỏ khỏi phạm vi của gia đình. Họ là kho báu mà thế hệ trẻ không nên coi thường, đặc biệt khi họ mang những chứng từ đức tin trong lúc cuối đời.
Và bây giờ tôi muốn lập lại một phần lời nguyện cầu mà tất cả chúng ta đã cầu xin cho thành quả của Ngày Họp Mặt Thế Giới Về Gia Ðình này.
Lậy Thiên Chúa, đấng trong một Gia đình Thánh
xin giúp chúng con trở nên mẫu gương trọn vẹn của đời sống gia đình
được sống trong đức tin và vâng phục thánh ý Ngài.
Xin giúp chúng ta trở thành mẫu gương về đức tin và tình yêu đối với những giới lệnh của Ngài.
Xin giúp chúng con trong sứ mệnh truyền thụ đức tin mà chúng con lãnh nhận được từ cha mẹ của chúng con.
Xin hãy mở rộng trái tim con cái của chúng con
để hạt giống đức tin mà chúng đã lãnh nhận qua bí tích Thánh Tẩy được lớn lên trong chúng.
Xin tăng cường đức tin cho giới trẻ của chúng con,
để chúng lớn lên trong sự hiểu biết Ðức Giêsu.
Tăng cường tình yêu và sự trung thành trong các cuôc hôn nhân,
Một cách đặc biệt cho những ai bước đang đi trong thử thách và đau khổ.
(…)
Hiệp cùng Thánh Giuses và Ðức Maria,
Chúng con cầu xin những ơn ấy nhờ Chúa Giêsu Kitô Con Chúa, là Chúa chúng con. Amen.
Views: 0