Uncategorized

Cha mẹ được kêu gọi làm chứng cho đức tin và hy vọng của họ

Trong những chứng từ thánh kinh, gia đình không chỉ bao gồm cha mẹ và các con, nhưng còn có ông bà, và tổ tiên nữa. Một gia đình như vậy đối với chúng ta là một cộng đoàn của nhiều thế hệ, và là sự đảm bảo cho một di sản các truyền thống.

 

 

Anh chị em thân mến,

 

Trong những chứng từ thánh kinh, gia đình không chỉ bao gồm cha mẹ và các con, nhưng còn có ông bà, và tổ tiên nữa. Một gia đình như vậy đối với chúng ta là một cộng đoàn của nhiều thế hệ, và là sự đảm bảo cho một di sản các truyền thống.

 

 

Anh chị em thân mến,

 

Tôi rất vui mừng cử hành Thánh Lễ hôm nay cùng với quí Anh Em tôi trong hàng Giám Mục và các linh mục. Tôi dâng lời cảm tạ Thiên Chúa cho tất cả anh chị em, đông đảo các gia đình đang hân hoan tụ họp tại đây, cũng như nhiều gia đình đang tham dự buổi lễ này từ xa qua truyền thanh và truyền hình. Tôi chào đón tất cả anh chị em trong vòng tay âu yếu của tôi.

 

Cả Esther và Phaolô, mà chúng ta vừa nghe trong những bài đọc hôm nay đều làm chứng rằng gia đình được mời gọi để hành động cho việc tiếp nối đức tin.

 

Esther thừa nhận: “Từ khi con vừa được sinh ra, con đã nghe trong chi tộc của gia đình con rằng Chúa, ôi Thiên Chúa, đã chọn lựa Israel trong các dân tộc” (14:5).

 

Thánh Phaolô noi theo truyền thống các tổ phụ Do Thái của mình bằng việc thờ phượng Thiên Chúa với một lương tâm tinh tuyền. Ngài đã ca ngợi đức tin chân thành của Timôthêô và đã nói với ông về: “một đức tin sống động trước hết nơi bà con là Lois và mẹ con là Eunice, và giờ đây, cha chắc chắn rằng, đang sống trong con” (2 Timothy 1:15).

 

Trong những chứng từ thánh kinh này, gia đình không chỉ bao gồm cha mẹ và các con, nhưng còn có ông bà, và tổ tiên nữa. Một gia đình như vậy đối với chúng ta là một cộng đoàn của nhiều thế hệ, và là sự đảm bảo cho một di sản các truyền thống.

 

Không một ai trong chúng ta tự mình cho mình sự sống hoặc đơn thuần tự học hỏi để sống như thế. Tất cả chúng ta đều lãnh nhận từ những người khác cả về sự sống cũng như về những chân lý căn bản của nó, và chúng ta được kêu gọi để đạt tới mức trọn hảo nhờ hiệp nhất và giao tiếp yêu thương với người khác.

 

Gia đình, được thành lập trên hôn nhân vững chắc giữa người nam và người nữ, là một diễn giải của trạng huống liên đới, đạo nghĩa con cháu, và song phương của đời sống này. Nó là một sắp xếp mà ở đó những người nam và người nữ có thể được sinh ra với phẩm giá, lớn lên và phát triển trong sự tương quan liên đới.

 

Khi con cái được sinh ra, qua sự liên kết với cha mẹ, chúng bắt đầu chia sẻ trong cùng một truyền thống gia đình với ngay cả những gốc rễ lâu đời. Cùng với quà tặng của sự sống, chúng tiếp nhận toàn thể di sản của kinh nghiệm. Cha mẹ có quyền và có bổn phận bất tương nhượng để chuyển đạt cái gia sản này cho con cái họ: để giúp chúng tìm ra bản chất riêng của chúng, bắt đầu cuộc sống xã hội, nuôi dưỡng trách nhiệm hành xử quyền tự do luân lý và khả năng để yêu thương trên căn bản là chúng được yêu và, trên tất cả, để gặp gỡ Thiên Chúa.

 

Con cái cảm nhận sự phát triển nhân bản và sự trưởng thành đối với việc nhận định rằng chúng đón nhận một cách tin tưởng gia sản này, và việc huấn luyện mà dần dần chúng thực hiện cho mình. Từ đó, chúng có thể làm thành một tổng hợp cá nhân giữa những gì đã qua và những gì mới mẻ, một tổng hợp mà mỗi cá nhân và mỗi thế hệ được kêu mời để làm nên.

 

Từ khởi đầu của mỗi người nam và mỗi người nữ, và ở đó trong tất cả tình phụ tử và tình mẫu tử của con người, chúng ta tìm thấy Thiên Chúa, Ðấng Tạo Hoá. Vì lý do đó, những cặp hôn nhân phải chấp nhận con cái mà họ sinh ra, không phải như người con do mình sinh ra, mà còn như người con của Thiên Chúa, được yêu thương nhân danh chúng và được kêu mời trở thành người con trai hay con gái của Thiên Chúa. Hơn thế nữa: mỗi thế hệ, mọi tình phụ huynh, và ở mỗi gia đình có nguồn gốc của nó trong Thiên Chúa, ngài là Cha, Con, và Thánh Thần.

 

Thân phụ của bà Esther đã truyền lại cho bà, cùng với kỷ niệm của tiền nhân và dân tộc của bà, kỷ niệm về một Thiên Chúa, Ðấng là cội nguồn của tất cả, và với ngài tất cả được mời gọi để đáp lại. Kỷ niệm về Thiên Chúa là Cha, đấng đã chọn một dân tộc cho riêng mình và đấng hành động trong lịch sử cứu độ chúng ta. Kỷ niệm về người Cha này sẽ chiếu tỏa trên vùng thẳm sâu căn tính con người: chúng ta từ đâu tới, chúng ta là ai, và phẩm giá cao cả của chúng ta là gì.

 

Ðiều hiển nhiên là chúng ta do cha mẹ sinh ra, và chúng ta là con của họ, nhưng chúng ta cũng đến từ Thiên Chúa, đấng đã sáng tạo chúng ta qua hình ảnh ngài và đã kêu gọi chúng ta làm con ngài. Do đó, sự hiện hữu mỗi cá nhân không phải do tình cờ hoặc bất ngờ, nhưng là một dự án yêu thương của Thiên Chúa. Ðiều này được mặc khải cho chúng ta do Chúa Giêsu Kitô, Con thật của Thiên Chúa và một người hoàn toàn. Người biết nơi mình phát xuất và nơi mà tất cả chúng ta đã bắt đầu: từ tình yêu của Cha ngài, và là Cha của chúng ta.

 

Vì thế, Ðức tin, không chỉ là một gia tài văn hóa, nhưng là một hành động liên tục của ân sủng Thiên Chúa, đấng mời gọi, và do sự tự do con người của chúng ta, chúng ta có thể đáp lời ngài hoặc từ chối. Mặc dù không ai có thể trả lời thay cho người khác, cha mẹ Kitô hữu vẫn tiếp tục được kêu gọi để trao ban một dấu chứng khả tín cho con cái mình về đức tin và niềm hy vọng. Một sự cần thiết để bảo đảm rằng ơn gọi của Thiên Chúa và tin mừng của Ðức Kitô sẽ đến được con cái họ, rõ ràng và chính xác tối đa.

 

Như năm tháng trôi qua, hồng ân của Thiên Chúa mà cha mẹ đã giúp đặt trước mắt những người con nhỏ bé cũng cần được vun trồng với sự khôn ngoan và hiền dịu, để thấm nhiễm từ từ trong chúng một khả năng để phân biệt và nhận ra nó. Bởi đó, bằng một nhân chứng xác thực của tình yêu vợ chồng nơi cha mẹ chúng, thấm nhập với một đức tin sống động, và với việc nâng đỡ yêu thương của cộng đồng Kitô hữu, trẻ em sẽ được giúp đỡ hơn để tiếp cận hồng ân đức tin của chúng, để khám phá ý nghĩa sâu thẳm của cuộc đời chúng, và đáp lại với niềm vui mừng và biết ơn.

 

Gia đình Kitô hữu truyền đạt đức tin khi cha mẹ dậy dỗ con cái cầu nguyện và khi chúng cầu nguyện với cha mẹ (cf. Familiaris Consortio, 60); khi cha mẹ hướng dẫn con cái tới các Bí Tích và từ từ giới thiệu với chúng đời sống của Giáo Hội; khi mọi người cùng nhau đọc Thánh Kinh, đốt lên ngọn lửa đức tin chiếu sáng trong đời sống gia đình của họ và ca tụng Thiên Chúa là Cha của chúng ta.

 

Trong nền văn hóa hiện nay, chúng ta thường xuyên coi việc đề cao quá đáng quyền tự do cá nhân như một vấn đề bất biến, xem đấy như chúng ta tự tạo và tự thỏa mãn, là một phần trong liên hệ với người khác, và trong trách nhiệm bảo vệ của mình.

 

Những cố gắng đang được thực hiện nhằm tổ chức một đời sống xã hội trên những căn bản chủ quan và những ước muốn chóng qua mà không nhắm tới khách quan và những chân lý trước đó như phẩm giá của mỗi con người, những quyền lợi và bổ phận bất tương nhượng mà mỗi tổ chức xã hội được kêu mời để phục vụ.

 

Giáo Hội không ngừng nhắc nhở chúng ta rằng quyền tự do thật của con người phát xuất từ việc chúng ta được tạo theo hình ảnh và giống Thiên Chúa. Nền giáo dục Kitô Giáo, do đó, là một nền giáo dục trong tự do và cho tự do.

 

“Chúng ta không hành động giống như những người nô lệ, họ không có tự do để làm khác hơn, nhưng chúng ta hành động vì chúng ta có trách nhiệm cá nhân đối với thế giới; bởi vì chúng ta yêu chân lý và sự thiện, bởi vì chúng ta yêu mến chính Thiên Chúa, và từ đó yêu mọi tạo vật của ngài. Ðây là tự do đích thực mà Chúa Thánh Thần muốn hướng dẫn chúng ta” (Bài giảng Lễ Vọng Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, 9 tháng 6, 2006).

 

Chúa Giêsu Kitô là một con người toàn thiện, một thí dụ về sự tự do của đạo làm con, người đã dậy chúng ta để chia sẻ với những người khác về chính tình yêu của người: “Như Cha đã yêu thầy, thầy cũng yêu các con; hãy ở trong tình yêu thầy” (Gioan 15:9).

 

Và cũng vì thế Công Ðồng Vatican Ðệ Nhị đã dậy rằng: “Những cặp hôn nhân và cha mẹ Kitô Giáo, bằng cách thế riêng mình, cần nâng đỡ nhau trong ân sủng và trong suốt cuộc sống bằng một tình yêu trung thành, và cần huấn luyện con cái, đón nhận chúng một cách yêu thương từ Thiên Chúa, trong giáo lý Kitô Giáo và những nhân đức phúc âm. Bởi vì bằng cách ấy, họ giới thiệu cho mọi người một thí dụ của tình yêu bền bỉ và quảng đại, họ xây dựng tình bác ái huynh đệ, và họ đứng đó như những nhân chứng và những người đồng cộng tác với hoa trái của Mẹ Giáo Hội, như một dấu chỉ và sự chia sẻ trong tình yêu mà Chúa Giêsu đã yêu Hiền Thê mình và đã thí mạng sống mình cho hiền thê của ngài” (Lumen Gentium, 41).

 

Trong tình yêu vui mừng mà cha mẹ chúng ta đã đón nhận chúng ta và đã theo dõi những bước đầu đời của chúng ta trên thế giới này là như một dấu hiệu bí tích và sự tiếp nối của tình yêu nhân từ của Thiên Chúa, từ đó chúng ta được xuất phát. Kinh nghiệm được đón nhận và yêu thương bởi Thiên Chúa và bởi cha mẹ chúng ta luôn luôn là một nền tảng vững chắc cho việc lớn lên và phát triển nhân tính xác thực của mọi cá nhân và xã hội, cũng như là những cách thế tốt nhất bảo đảm nhân phẩn, sự bình quyền, và tự do thực sự của con người.

 

Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng và vai trò tích cực nhiều hội đoàn gia đình trong Giáo Hội đang tham dự vào việc nâng đỡ hôn nhân và gia đình. Bởi thế, “tôi muốn kêu gọi tất cả mọi Kitô hữu hợp tác cách mật thiết can trường với tất cả những người thiện chí đang phục vụ các gia đình tùy theo trách nhiệm của họ” (Familiaris Consortio, 86), nhờ đó qua việc tập hợp những lực lượng đông đảo của những sáng kiến ấy, họ sẽ cống hiến cho việc cổ võ điều thiện hảo chính đáng của gia đình trong xã hội hôm nay.

 

Chúng ta hãy trở lại trong giây lát bài đọc thứ nhất trong Thánh Lễ hôm nay, được trích từ Sách Esther. Giáo Hội khi cầu nguyện đã nhìn thấy vị nữ hoàng khiêm tốn này đang can thiệp với tất cả con tim mình cho dân tộc khốn khổ của bà, một hình ảnh của Mẹ Maria, đấng mà Con của mẹ đã trao ban cho chúng ta như là Mẹ của chúng ta, một hình ảnh của Mẹ đấng che chở bằng tình yêu gia đình của Thiên Chúa trên hành trình dương thế này. Maria là hình ảnh và mẫu gương cho tất cả mọi người mẹ, của sứ mạng lớn lao của họ là bảo vệ sự sống, là thầy dậy nghệ thuật sống và yêu thương.

Gia đình Kitô hữu –  cha, mẹ, và con cái – được kêu gọi, và để thực hiện tất cả những việc này không phải như một việc làm bắt buộc mà không thể thực hiện; mà hơn thế, như là một tặng ân do ân sủng của bí tích được tuôn đổ trên hai người phối ngẫu. Nếu họ tiếp tục mở rộng cho Chúa Thánh Thần và cầu xin sự trợ giúp của ngài, ngài sẽ không quên đổ xuống trên họ tình yêu của Thiên Chúa, là Cha đã được tỏ rạng và nhập thể trong Ðức Kitô.

 

Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần sẽ giúp đôi phối ngẫu không đánh mất dấu chỉ của suối nguồn và tiêu chuẩn của tình yêu và việc tự trao ban của họ, và để hợp tác với ngài làm cho nó được tỏ hiện và nhập thể trong mọi cảnh huống đời sống của họ.

 

Chúa Thánh Thần cũng thức tỉnh trong họ một niềm mong đợi về một cuộc gặp gỡ chắc chắn với Ðức Kitô trong nhà của Cha người và Cha của chúng ta. Và đây là thông điệp của niềm hy vọng mà từ Valencia, tôi muốn chia sẻ với tất cả các gia đình trên thế giới. Amen.

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.