Uncategorized

Hà Nội sắp hành động?

Hôm 17.3.2009, một cuộc hội thảo về đề tài “Tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông: lịch sử, địa chính trị và luật pháp quốc tế” đã được Chương Trình Nghiên Cứu Biển Đông, Học Viện Ngoại Giao, tổ chức tại Hà Nội. Nhiều người tin rằng mục đích của cuộc hội thảo này không phải là để tiếp nhận ý kiến của các học giả và các chuyên gia về vấn đề Biển Đông, vì mọi tài liệu nghiên cứu đã sẵn có từ lâu rồi.

Hôm 17.3.2009, một cuộc hội thảo về đề tài “Tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông: lịch sử, địa chính trị và luật pháp quốc tế” đã được Chương Trình Nghiên Cứu Biển Đông, Học Viện Ngoại Giao, tổ chức tại Hà Nội. Nhiều người tin rằng mục đích của cuộc hội thảo này không phải là để tiếp nhận ý kiến của các học giả và các chuyên gia về vấn đề Biển Đông, vì mọi tài liệu nghiên cứu đã sẵn có từ lâu rồi. Đây chỉ là một hình thức thức thăm dò hay chuẩn bị dư luận trước khi nhà cầm quyền đi một nước cờ nào đó trong ván bài Biển Đông. Nói cách khác, đây là một cuộc hội thảo có tính toán.

Trước khi tìm hiểu nhà cầm quyền Hà Nội có thể làm gì, chúng ta phải nhìn qua quan điểm của một số học giả và chuyên gia.

NỘI DUNG CUỘC HỘI THẢO

Theo bài tường thuật của Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Diện, Phó Giám Đốc Thư Viện Hán Nôm, có khoảng gần 100 người tham dự, gồm các học giả, nhà ngoại giao, chính khách và nhà báo đến từ mọi miền đất nước. Đặc biệt, tham gia hội thảo còn có 2 học giả đến từ Mỹ.

Tuy nhiên, người ta không thấy có viên chức chính quyền nào đến tham dự hay gởi bài tham luận.

Cuộc hội thảo quy vào ba chủ đề chính do 14 tác giả thuyết trình:

Chủ đề 1: Lịch sử các quá trình tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển tại Biển Đông (5 diễn giả).

Chủ đề 2: Luật pháp quốc tế và tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông (5 diễn giả).

Chủ đề 3: Biển Đông và quan hệ quốc tế tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (4 diễn giả).

Ông Nguyễn Xuân Diện cho rằng có 8 ý kiến chính đã được phát biểu, nhưng trong mỗi ý kiến ông ghi lại, chúng tôi thấy bao gồm nhiều ý kiến về những vấn đề khác nhau. Qua những ghi nhận của ông Diện, chúng tôi thấy những ý kiến sau đây cần được lưu ý:

(1) Hiệp định Genève làm cho công hàm của Phạm Văn Đồng vô giá trị.

(2) Quốc Hội nên nhanh chóng thông qua Luật chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa.

(3) Cần đưa ra những chứng cứ và phân tích pháp lý, đặc biệt lưu ý về vấn đề bản đồ 1608.

Đấu tranh bằng cảm tính chưa được, phải đấu tranh có cơ sở pháp lý, có bằng chứng. Trong khi đó TQ đào tạo và công bố tài liệu và rao giảng khắp thế giới.

(4) Nhanh chóng xây dựng lực lượng dân binh tại HS-TS, giống như đội Bắc Hải, đội Hoàng Sa.

(5) Hội thảo này phải lấy lại tinh thần. Cần mở rộng dư luận để mọi người đều biết, đều có trách nhiệm về vấn đề chủ quyền biển.

(6) Ngoại giao phải đi trước một bước.

Ông Diện kết luận:

“Hội thảo đã diễn ra trong một ngày (kết thúc lúc 17h30) với một tinh thần khẩn trương. Các trao đổi bên lề và các thảo luận tại hội trường thực sự sôi nổi, chất lượng và khoa học. Đây là cuộc hội ngộ của những tấm lòng yêu nước nhiệt thành và quyết tâm dấn thân vào mọi nỗ lực giữ bằng được Biển Đông – "một nửa cơ ngơi" nước Việt Nam.

“Các phát biểu của các học giả mong muốn có một chương trình hành động quốc gia về các vấn đề của Biển Đông, trong đó trọng tâm là Hoàng Sa và Trường Sa.”

Sau đó chúng tôi có đọc được một số đề tài tham luận như:

– Giữ chủ quyền bằng chứng cứ lịch sử,

– Việt Nam trước chủ trương của Trung Quốc đối với Biển Đông,

– Cần giải quyết vấn đề Biển Đông bằng công pháp quốc tế,

– Không thể giữ chủ quyền chỉ bằng cảm tính,

– Căng thẳng Biển Đông và lựa chọn cho Việt Nam,

– Tranh chấp Biển Đông và vai trò của Liên hiệp quốc, v.v.

Chúng tôi có cảm tưởng như cuộc hội thảo nói trên là cơ hội để mọi người “xả xù bắp”.

Tuy nhiên. đọc qua những phát biểu và những bài nói trên, chúng tôi thấy thuần lý và cảm tính vẫn còn đóng vai trò chính trong những quan điểm hay cách nhìn vấn đề, bất chấp thực tế như thế nào, trong khi vấn đề Biển Đông đã trở thành một thực trạng cần được giải quyết.

KHÁI NIỆM VỀ LUẬT BIỂN 1982

Trong bài “Biển Đông nổi sóng: Mỹ làm gì?” phổ biến ngày 17.3.2009 (xem motgoctroi.com, mục “Mỗi tuần một chuyện”) chúng tôi đã nói qua “Khái niệm về Biển Đông”. Trong bài này chúng tôi thấy cũng cần nói qua khái niệm “Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982” trước khi góp một vài ý kiến về cuộc hội thảo nói trên, để các độc giả có thể theo dõi vấn đề một cách dễ dàng hơn.

Công Úớc Liên Hiệp Quốc về Luật Biển được ký ngày 10.12.1982 ở Montego Bay (Jamaica) và có hiệu lực kể từ ngày 16.11.1994. Hiện nay đã có 154 quốc gia và Cộng Đồng Âu Châu tham gia, nhưng Hoa Kỳ từ chối tham gia vì cho rằng Công Ước này không có lợi cho kinh tế và an ninh của Mỹ.

Luật Biển với một hệ thống học lý, án lệ và tập tục quốc tế rất phức tạp, chỉ có những nhà chuyên môn mới có thể thấu hiểu một cách tường tận. Ở đây chúng tôi chỉ trình bày khái niệm về một số vấn đề căn bản thường gặp khi nói về cuộc tranh chấp Biển Đông, đó là những vấn đề sau đây: Đường cơ sở, Nội thủy, Lãnh hải, Vùng tiếp giáp lãnh hải, Vùng đặc quyền kinh tế, Thềm lục địa, Quần đảo và các quốc gia quần đảo, và quyền qua lại không gây hại.

1.- Đường cơ sở

Công ước đặt ra nhiều khu vực trên biển có liên hệ đến quyền lợi và nghĩa vụ của các quốc gia, dựa trên một đường cơ sở (baseline) được định nghĩa trong công ước.

Thông thường, đường cơ sở là đường bờ biển khi thủy triều xuống, nhưng khi bờ biển lồi lỏm, có đảo ven bờ, hoặc đường bờ biển không ổn định, có thể xử dụng các đường thẳng được ấn định theo luật làm đường cơ sở.

2.- Nội thủy

Vùng nằm ngoài đường cơ sở có chiều ngang 12 hải lý được coi là nội thủy. Tại vùng này, quốc gia chủ quyền được quyền đặt ra luật pháp của mình đối với các hoạt động như nhập cư, buôn lậu, thuế khóa, y tế… xảy ra trong lãnh thổ hay lãnh hải của mình, kiểm soát việc sử dụng và khai thác mọi tài nguyên. Các tàu thuyền nước ngoài có quyền "qua lại không gây hại" không cần xin phép nước chủ.

3.- Vùng tiếp giáp lãnh hải

Bên ngoài giới hạn 12 hải lý của lãnh hải là một vành đai có bề rộng 12 hải lý, được coi là vùng tiếp giáp lãnh hải. Tại đây, nước chủ cũng có thể thực thi luật pháp của mình như trong nội hải.

4.- Vùng đặc quyền kinh tế

Vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Trong vùng này, quốc gia ven biển được hưởng độc quyền trong việc khai thác tất cả các tài nguyên thiên nhiên.

5.- Thềm lục địa

Thềm lục địa là vùng đáy và lòng đất đáy biển nằm bên ngoài lãnh hảỉ của nước ven biển trên phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền ra đến bờ ngoài của rìa lục địa (continental margin), hoặc tới giới hạn 200 hải lý tính từ đường cơ sở lãnh hải nếu bờ ngoài của rìa lục địa ở khoảng cách gần hơn. Tuy nhiên, bề rộng tối đa của thềm lục địa không được vượt quá giới hạn 350 hải lý tính từ đường cơ sở lãnh hải, hoặc không quá 100 hải lý bên ngoài đường đẳng sâu 2.500 m.

Quốc gia ven biển được hưởng độc quyền quyền khai thác khoáng sản và các nguyên liệu không phải sinh vật sống trên thềm lục địa.

6.- Các đảo và các quốc gia quần đảo

Theo điều 121 của Công Ước Luật Biển 1982, một đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, và khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước.

Các đảo theo định nghĩa nói trên vẫn được hưởng các quy chế về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa.

Tuy nhiên, khoản 3, điều 121 của Công ước quy định rằng các đảo đá không thích hợp cho con người đến ở hoặc có một đời sống kinh tế riêng thì chỉ được có vùng lãnh hải tối đa 12 hải lý, không được phép có vùng đặc quyền về kinh tế và vùng thềm lục địa.

Đường cơ sở của các quốc gia quần đảo được vẽ giữa các điểm ngoài cùng nhất của các đảo, đảm bảo rằng các điểm này phải đủ gần nhau một cách thích đáng. Mọi vùng nước bên trong đường cơ sở sẽ là vùng nước quần đảo và được coi như là một phần của lãnh hải quốc gia đó.

7.- Qua lại không gây hại

Theo điều 17 Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, tàu thuyền của mọi quốc gia, có biển hay không có biển, đều có quyền “qua lại không gây hại” trong lãnh hải của quốc gia khác. Khoản 1 điều 19 định nghĩa “qua lại không gây hại” như sau:

“Qua lại được coi là không gây hại khi nó không gây thiệt hại cho hòa bình, trật tự hoặc an ninh của quốc gia ven biển. Việc qua lại như vậy sẽ được thực hiện phù hợp với Công Ước này và với các quy định khác của luật quóc tế.”

(Passage is innocent so long as it is not prejudicial to the peace, good order or security of the coastal State. Such passage shall take place in conformity with this Convention and with other rules of international law.)

Trên đây chỉ là những khái niệm căn bản.

CÁC GIẢI PHÁP ĐỀ NGHỊ

Chúng ta thử tìm hiểu những giải pháp được đề nghị trong cuộc hội thảo nói trên có thể góp phần giải quyết được gì trong việc bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa.

1.- Tuyên bố công hàm của Phạm Văn Đồng vô giá trị

Trong cuộc hội thảo nói trên, có học giả đã nói như quan điểm của chúng tôi, phải tuyên bố công hàm ngày 14.9.1958 của Thủ Tướng Phạm Văn Đồng gởi cho Chu Ân Lai, Tổng Lý Quốc Vụ Viện Trung Quốc là vô giá trị.

Chúng ta nhớ lại, ngày 4.9.1958, Trung Quốc ra tuyên bố về lãnh hải của Trung Quốc, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa. Sau đó, ngày 14.9.1958 Thủ Tướng Phạm Văn Đồng viết cho Chu Ân Lai, Tổng Lý Quốc Vụ Viện Trung Quốc một công hàm nói rằng Chính Phủ VNDCCH tán thành tuyên bố ngày 4.9.1958 của CHND Trung Quốc.

Khi tài liệu này được tiết lộ, nhiều tổ chức và người Việt chống cộng ở hải ngoại đã dựa vài đó, mở nhiều cuộc hội thảo, ra tuyên ngôn tuyên cáo tố cáo nhà cầm quyền CSVN đã “dâng đất dâng biển cho Trung Quốc”.

Chúng tôi thấy đây là một hành động thiếu suy nghĩ chin chắn và rất tai hại. Nếu bảo rằng Phạm Phạm Văn Đồng đã dâng Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc, chúng ta đã mất Hoàng Sa và Trường Sa sao? Sự thật không phải như vậy. Hoàng Sa và Trường Sa không thể bị coi là đã bị “dâng” cho Trung Quốc vì hai lý do sau đây:

(1) Theo Hiệp Định Genève năm 1954, Hoàng Sa và Trường Sa đều thuộc chủ quyền của VNCH vì nằm ở phía nam vĩ tuyến 17. Một nguyên tắc căn bản của luật pháp là “Nemo dat quod non habet”, tức không ai có thể cho cái mình không có. Do đó, Phạm Văn Đồng không thể “dâng” đất VNCH cho Trung Quốc được. Nếu Phạm Văn Đồng làm được như thế, chúng tôi cũng có thể bán Toà Bạch Ốc cho Trung Quốc lấy vài trăm triệu xài chơi.

(2) Giả thiết hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc miền Bắc đi nữa, công hàm của Phạm Văn Đồng cũng không có giá trị, vì điều thứ 23 Hiến Pháp năm 1946 của VNDCCH quy định rằng Nghị Viện Nhân Dân (tức quốc hội) “chuẩn y các hiệp ước mà Chính phủ ký với nước ngoài”. Công hàm của Phạm Văn Đồng không được quốc hội chuẩn y nên không có giá trị.
Nói tóm lại, không thể căn cứ vào công hàm ngày 14.9.1958 để nói rằng Hoàng Sa và Trường Sa đã bị “dâng” cho Trung Quốc. Hoàng Sa và Trường Sa vẫn là của Việt Nam. Công hàm của Phạm Văn Đồng chỉ là trò xảo trá của Đảng CSVN khi xin Trung Quốc viện trợ vũ khí và tiếp liệu để xâm chiếm miền Nam Việt Nam mà thôi.

Tuy nhiên, chúng tôi rất buồn cười khi một học giả bảo rằng Trường Sa và Hoàng Sa lúc đó thuộc VNCH và MTQGGPMN! Lúc đó, MTQGGPMN chưa được thành lập làm sao thuộc mặt trận này được?

Chúng tôi rất đồng ý với các hội thảo viên, chính phủ phải ra một tuyên cáo nói công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng vô giá trị để xác định Hoàng Sa và Trường Sa vẫn là của Việt Nam.

2.- Làm luật ấn định Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam

Hôm 10.3.2009, bà Gloria Macapagal Arroyo, Tổng thống Philippines, đã ký đạo luật tuyên bố chủ quyền Philippines đối với hơn 7.100 đảo trong vùng biển cạnh Philippines, trong đó có hai đảo Hoàng Nham và Nam Sa (tên Philippines là Kalayaan và bãi Scarborough) vốn được coi là nằm trong quần đảo Trường Sa gần Philippines. Thiết tưởng Quốc Hội Việt Nam cũng phải làm một đạo luật như thế vì đã có tiền lệ rồi.

3.- Dùng lịch sử và quốc tế công pháp để đấu tranh

 

Trong cuộc hội thảo, chúng tôi thấy rất nhiều học giả và chuyên gia thiên về giải pháp dùng lịch sử và quốc tế công pháp để đấu tranh với Trung Quốc. Sau khi tham khảo một số tài liệu, chúng tôi tin rằng Hà Nội đã tập trung khá đầy đủ các tài liệu về lịch sử và pháp lý để đầu tranh với Trung Quốc, không cần nghiên cứu thêm nữa. Nhưng trong thực tế hiện nay những thứ đó không thể xài được vì các lý do sau đây:

Trước hết, chúng ta không thể đưa nội vụ ra trước Toà Án Quốc Tế rồi dùng lịch sử và pháp lý để chứng minh chủ quyền của VN, vì một trong những điều kiện để được Toà Án Quốc Tế thụ lý là các bên tranh tụng phải cam kết thi hành phán quyết của Toà. Khi Trung Quốc không chịu cam kết như vậy, Toà không thể thụ lý và xét xử được.

Thứ đến, chúng ta cũng không thể dùng lịch sử và pháp lý để yêu cầu Đại Hội Đồng LHQ hay Hội Đồng Bảo An LHQ giải quyết vấn đề, vì tiếng nói của Việt Nam quá nhỏ bé tại đây, trong khi các cuờng quốc vì có nhiều quan hệ kinh tế với Trung Quốc nên không muốn can dự vào chuyện tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam. Điều cần lưu ý là Trung Quốc còn có quyền phủ quyết tại Hội Đồng Bảo An LHQ.

Chúng ta cũng không thể đem lịch sử và pháp lý ra đối kháng trực tiếp với Trung Quốc, vì Trung Quốc chỉ nói càn và xử dụng sức mạnh. Trung Quốc chiếm Mông Cổ, Tây Tạng, Hoàng Sa và Trường Sa có căn cứ vào lịch sử hay pháp lý đâu? Khi Trung Quốc tự động vẻ Đường Lưởi Bò bao quanh Biển Đông và tuyên bố vùng trong đường đó là của Trung Quốc, Trung Quốc có đếm xỉa gì đến lịch sử và quốc tế công pháp đâu? Đem lịch sử và pháp lý đối kháng với Trung Quốc không khác gì Dân Oan đem giấy chủ quyền đi khiếu kiện nhà cầm quyền CSVN cướp đất của họ!

Trong vụ khiêu khích tàu Hải Quân Mỹ hôm 8.3.2009, Trung Quốc còn biểu diễn cả trò tuột quần để nói lên sự khinh bỉ Mỹ! Khi Trung Quốc đã dùng tới những thứ đó, chỉ có sức mạnh mới có thể nói chuyện với Trung Quốc mà thôi.

Nói tóm lại, hiện nay việc dùng lịch sử và pháp lý để đấu tranh với Trung Quốc là không thực tế, nhưng Hà Nội cũng phải công bố những tài liệu này cho người dân cũng như thế giới biết.

4.- Bảo vệ quyền qua lại không gây hại

Hiện nay, Trung Quốc đã vẻ một đường lưởi bò vòng quanh Biển Đông, chỉ cách đường cơ sở (bờ biển) của các nước trong vùng khoảng 12 hải lý.

Cho dù hành động của Trung Quốc được coi là hợp pháp đi nữa, Trung Quốc vẫn phải tôn trọng quyền qua lại không gây hại trên Biển Đông, kể cả quyền đi qua lãnh hải, vùng tiết giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Trung Quốc. Có thể ép buộc Trung Quốc phải tôn trọng luật lệ này, vì Hoa Ký, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ phải nhảy vào để bảo vệ quyền lợi của họ trong vùng.

5.- Đăng ký thềm lục địa mở rộng

Theo Công Ước LHQ về Luật Biển, nước ven biển phải đăng ký yêu sách về phạm vi của thềm lục địa mở rộng với Ủy Ban Ranh Giới Thềm Lục Địa (Commission on the Limits of the Continental Shelf) trong vòng 10 năm kể từ khi Công Ước bắt đầu có hiệu lực với nước đó, hay từ khi Ủy Ban Ranh Giới Thềm Lục Địa ban hành hướng dẫn khoa học kỹ thuật về ranh giới thềm lục địa kể từ ngày 13.5.1999. Nếu nước ven biển không đăng ký đúng hạn, vùng thềm lục địa mở rộng đó có thể thuộc về một nước đã đăng ký đúng hạn, hay có thể được coi là tài sản chung của nhân loại.

Việt Nam đã phê chuẩn Công Ước LHQ về Luật Biển ngày 25.7.1994 cho nên Việt Nam phải đăng ký yêu sách về thềm lục địa mở rộng trước ngày 13.5.2009.

Chúng tôi tin chắc Hà Nội đã chuẩn bị xong các tài liệu luật định đăng ký, nhưng đến nay vẫn chưa đăng ký vì sợ phản ứng không thuận lợi của Trung Quốc khi thềm lục địa mở rộng của Việt Nam xâm phạm ranh giới lưỡi bò do Trung Quốc ấn định. Vỉ thế Việt Nam đang tìm một cơ hội thuận tiện nhất để đăng ký hay đăng ký vào ngày cuối cùng.

6.- Liên kết trong ngoài

Trong cuộc hội thảo, có học giả đã đề nghị liên kết người Việt trong và ngoài nước để bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng đây cũng là một vấn đề khó thực hiện được.

Rất nhiều người Việt chống cộng ở hải ngoại không phân biệt giữa đất nước với chế độ đang nắm quyền trên đất nước, và không hiểu rằng đất nước sẽ tồn tại mãi mãi, còn chế độ sẽ bị biến mất qua thời gian. Do đó, họ sẵn sàng dùng tất cả mọi thứ để đập cho chế độ thù nghịch sụp đổ, dù phải mất một phần lãnh thổ. Vụ rầm rộ tố nhà cầm quyền CSVN “dâng đất dâng biển cho Trung Quốc” khi phát hiện công hàm Phạm Văn Đồng là một thí dụ điển hình, mặc dầu biết tố cáo như vậy là một hình thức mặc thị công nhận Việt Nam đã mất Hoàng Sa và Trường Sa!

Tuy nhiên, rất nhiều trí thức và học giả ở hải ngoại biết họ phải làm gì đê bảo vệ tổ quốc, và họ đã làm hay đang tiếp tục làm. Nhưng họ đã và sẽ hành động với tư cách cá nhân, chứ không nhân danh tập thể người Việt ở hải ngoại.

CHƯA CÓ ÁNH SÁNG CUỐI ĐƯỜNG HẦM

Trong khi xẩy ra vụ đụng độ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tại Biển Đông, ông Phạm Quang Nghị, Bí Thư Thành Ủy Hà Nội, đã sang thăm Trung Quốc. Sau đó, ông Đới Bỉnh Quốc, Thứ Trưởng Ngoại Giao và Ủy Viên Quốc Vụ Viện Trung Quốc lại đến thăm Việt Nam. Báo Nhân Dân của Đảng CSVN hôm 17.3.2009 viết rằng ông Giải Khánh Lâm, Ủy Viên Thường Vụ Bộ Chính Trị Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã "bày tỏ vui mừng nhận thấy rằng… quan hệ hữu nghị, hợp tác Trung-Việt đang không ngừng được tăng cường cả về chiều rộng lẫn chiều sâu."

Ngày 20.3.2009. Bộ Ngoại Giao Việt Nam cho hay Việt Nam và Trung Quốc đã đồng ý thiết lập một đường dây nóng giữa các nhà lãnh đạo hai nước và tái khẳng định “cam kết giải quyết tranh chấp trên biển một cách hòa bình”.

Trung Quốc và Việt Nam cũng đã thỏa thuận sẽ phát động “Năm Hữu nghị Trung Quốc – Việt Nam” vào năm 2010 để đánh dấu kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Qua các sự kiện nói trên, một số nhà phân tích cho rằng Hà Nội đang tìm cách giải quyết vấn đề Biển Đông bằng con đường ngoại giao, vì các con đường khác đều bế tắc.

Việt Nam thừa hiểu rằng những phản ứng cứng rắn chẳng những không đem lại kết quả nào mà có khi còn gây thiệt hại cho việc giao thương Việt – Trung. Hôm 10.3.2009, một viên chức tại Phòng Thương Mại và Kinh Tế của Đại Sứ Quán Trung Quốc ở Việt Nam phát biểu rằng Trung Quốc vẫn duy trì vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong 5 năm liên tiếp.
Năm 2008, tổng kim ngạch thương mại song phương đã đạt 19,46 tỉ USD, tức là tăng 28,8%. Số liệu thống kê của Bộ Thương Mại Trung Quốc cho thấy tính đến tháng 9 năm 2008, Trung Quốc đã đầu tư trực tiếp 540 triệu USD vào Việt Nam.

Tuy nhiên, ngày 20.3.2009 vừa qua, công ty British Petroleum (BP) của Anh, một công ty dầu khí lớn thứ ba trên thế giới, tuyên bố sẽ rút khỏi dự án thăm dò khai thác dầu khí ở lô số 5,2 và 5,3 ngoài khơi Việt Nam. BP là công ty sản xuất khí đốt lớn nhất ở Việt Nam, đã cung cấp 3 tỉ mét khối khí mỗi năm từ Lô 06.1 ở Mỏ Nam Côn Sơn. Lê Dũng, phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Việt Nam giải thích rằng “quyết định này của BP là do các yếu tố thuần túy thương mại và kỹ thuật”. Nhưng các nhà phân tích cho rằng các công ty dầu khí ngoại quốc đã nhận ra rằng việc giải quyết tranh chấp về Biển Đông sẽ khó có giải pháp trong một tương lai gần, nên họ quyết định ngưng khai thác để tránh khỏi những đụng độ phiền phức.

Tháng 7 năm 2008, Bắc Kinh cũng đã yêu cầu công ty Exxon Mobil rút khỏi thỏa thuận hợp tác thăm dò dầu khí với Việt Nam vì cho rằng dự án đó xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng của Hongkong nhận xét: “Nếu đó là vấn đề pháp lý đơn thuần, mọi chuyện sẽ dễ dàng, nhưng sự việc còn mang tính chính trị”.

Điều chắc chắn là hiện nay nhà cầm quyền CSVN sẽ không dựa vào các giải pháp thuần lý hay cảm tính để đương đầu với Trung Quốc, vì cho rằng những giải pháp như thế chỉ làm cho tình hình rối reng thêm. Nhà cầm quyền đang cố gắng tìm một giải pháp qua đường thương lượng. Trong thời gian chờ đợi, phải tránh đụng độ. Nhưng cho đến nay, chúng ta vẫn chưa thấy một ánh sáng nào ở cuối đường hầm.

Lữ Giang

 

Ghi chú: Nếu tìm không thấy bài, cứ vào motgoctroi.com, mục "Mỗi tuần một chuyện" sẽ thấy trong đó.

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.