Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo gọi lương tâm là “cốt lõi bí nhiệm nhất và là cung thánh của con người. Tại đó, họ một mình với Thiên Chúa, Đấng có tiếng nói vang vọng trong cõi sâu thẳm nhất của họ” (SGLCGHCG, số 1776).
Mặt trận bảo vệ văn hóa sự sống
1. Quyền lương tâm: từ chọn lựa tới cưỡng chế
Đặc điểm của các quốc gia tự do là việc nhìn nhận quyền tự do lương tâm của cá nhân. Các nhà nước độc tài không bảo vệ lương tâm; họ bóp nghẹt lương tâm ấy.
Quyền lương tâm cũng cổ xưa như chính nền Văn Minh Phương Tây. Hơn 2,400 năm trước, nhân vật hư cấu Antigone của Sophocles đã được người ta qúy chuộng nhờ bà cương quyết theo tiếng lương tâm mà chôn cất người em trai của mình, bất chấp lệnh cấm của nhà vua.
Trường hợp đầu tiên được sử sách ghi chép về việc đòi hỏi quyền lương tâm cho các nhân viên chăm sóc sức khỏe xẩy ra vào thế kỷ thứ tư trước Công Nguyên. Lời Thề Hippocrate có đoạn như sau: “Tôi sẽ theo hệ thống điều dưỡng nào mà căn cứ vào khả năng và phán đoán của tôi, tôi cho là có lợi cho bệnh nhân của tôi… Tôi sẽ không cho bất cứ ai thứ thuốc gây tử vong dù được yêu cầu, cũng không đề nghị bất cứ ý kiến nào như thế; và cũng tương tự như thế, tôi sẽ không cho bất cứ phụ nữ nào một thứ thuốc để phá thai”.
Quyền lương tâm được nhìn nhận trong Hiến Pháp Hiệp Chúng Quốc, trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, trong Qui Ước Đạo Đức Y Khoa của Hiệp Hội Y Khoa Thế Giới, và tại 47 tiểu bang, đều có các đạo luật bảo vệ quyền lương tâm của các nhân viên chăm sóc sức khỏe.
Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo gọi lương tâm là “cốt lõi bí nhiệm nhất và là cung thánh của con người. Tại đó, họ một mình với Thiên Chúa, Đấng có tiếng nói vang vọng trong cõi sâu thẳm nhất của họ” (SGLCGHCG, số 1776).
Căn cứ vào tính phổ quát cũng như lịch sử quyền lương tâm nơi các dân tộc tự do, người ta thấy quả là ngỡ ngàng khi Liên Đoàn Các Tự Do Công Dân Mỹ (American Civil Liberties Union – ACLU-) và một số tổ chức khác đã tranh đấu để bãi bỏ các qui định được đưa ra để thi hành các đạo luật liên bang vốn có từ lâu nhằm bảo vệ quyền lương tâm của các nhân viên cũng như định chế chăm sóc sức khỏe.
Quốc Hội từng ban hành Tu Chính Án Church ngay sau phán quyết Roe v. Wade để bảo đảm rằng các nhà chuyên nghiệp về chăm sóc sức khỏe cũng như các bệnh viện không bị cưỡng chế phải can dự vào việc phá thai và triệt sản. Cách nay hơn một thập niên, Tu Chính Án Coats đã được ban hành để vô hiệu hóa các mưu toan của hội đồng chứng nhận y khoa nhằm cưỡng chế các trường y khoa phải huấn luyện các bác sĩ nội trú ngành phụ sản và nhi khoa về các thủ tục phá thai. Từ năm 2004, Tu Chính Án Weldon đã ngăn cản Chính Phủ không được kỳ thị chống lại các thực thể chăm sóc sức khỏe khi các thực thể này từ khước không “cung cấp, trả tiền, nhận bảo hiểm, hay giới thiệu để ngừa thai”.
Mặc dù ai trong bọn họ cũng nói tới việc “chọn lựa”, nhưng kỹ nghệ phá thai và những người ủng hộ họ lúc nào cũng quyết tâm loại cho bằng được sự lựa chọn dành cho các nhà chuyên nghiệp và các thực thể y khoa khi họ không muốn trở thành những người đồng lõa trong việc sát hại các trẻ em chưa sinh. Dù tất cả bọn họ ai cũng nói tới “sự tư riêng” (privacy), nhưng kỹ nghệ phá thai và những người ủng hộ họ luôn cương quyết chà đạp lên phạm vi tư riêng thâm sâu nhất, lên cái “cốt lõi bí nhiệm và cung thánh” thường được gọi là lương tâm của các nhà chuyên nghiệp trong ngành chăm sóc sứ khỏe.
Dưới mắt họ, họ không bao giờ lấy làm đủ dù các phụ nữ và thiếu nữ hiện nay lúc nào cũng có thể mua được các thứ thuốc có khả năng trục thai tại bất cứ tiệm thuốc nào trên đất Mỹ, hay có thể phá thai theo yêu cầu tại bất cứ thành phố nào, những nơi ấy bọn họ tha hồ thu lợi. Không, họ chỉ chịu nghỉ yên khi mọi tiệm thuốc, nhà thương, người cung cấp việc chăm sóc sức khỏe, và người chịu thuế phải cộng tác vào văn hóa sự chết.
Trong những tuần lễ tới, có lẽ ta sẽ thấy một cuộc tấn công vô tiền khoáng hậu vào các quyền lương tâm: người chịu thuế có thể bị cưỡng bức phải tài trợ cho các tổ chức vốn cổ động và thực hiện việc phá thai ở ngoại quốc, trong đó có Quĩ Dân Số Liên Hiệp Quốc (UNFPA), là Quĩ giúp thực thi chính sách kiểm soát dân số đầy tính bạo hành của Trung Quốc; người chịu thuế rất có thể bị yêu cầu phải tài trợ các thứ thuốc ngừa và trục thai ở bình diện mỗi ngày một cao hơn; người chịu thuế cũng có thể bị yêu cầu phải tài trợ cho những người co lợi tức thấp và không có bảo hiểm để họ phá thai; và các nhà chuyên nghiệp cũng như các định chế chăm sóc sức khỏe có hể bị cưỡng bức phải vi phạm lương tâm hay thôi không được cung cấp các dịch vụ của mình nữa.
Ta cần cầu nguyện và hành động để ngăn chặn cuộc tấn công vào lương tâm ấy.
(Theo Susan Wills, phụ tá giám đốc về giáo dục và nối vòng tay của Văn Phòng Thư Ký Các Hoạt Động Phò Sự Sống của HĐGM Mỹ).
2. Đức Hồng Y George gặp TT Obama
Ngày 18 tháng Ba, chủ tịch HĐGM Mỹ là ĐHY George, Tổng Giám Mục Chicago, đã gặp TT Obama trong nửa tiếng đồng hồ.
Thông cáo báo chí của HĐGM Mỹ cho hay: trong cuộc gặp mặt tại Tòa Bạch Ốc, “Đức Hồng Y [Francis] George và Tổng Thống Obama đã thảo luận về Giáo Hội Công Giáo tại Hiệp Chúng Quốc và mối liên hệ của nó với tân chính phủ”. Bản thông báo ghi nhận rằng lúc kết thúc cuộc đối thoại, “Đức Hồng Y bày tỏ lòng biết ơn đối với cuộc gặp mặt và ngài hy vọng rằng cuộc gặp mặt này sẽ cổ vũ cuộc đối thoại hữu hiệu vì ích chung”.
Tòa Bạch Ốc cũng công bố một thông cáo báo chí cho hay: tổng thống và đức hồng y “thảo luận một loạt nhiều vấn đề, trong đó có các cơ hội quan trọng để chính phủ và Giáo Hội Công Giáo tiếp tục việc hợp tác đã có từ lâu nhằm giải quyết các thách đố hết sức cấp bách của quốc gia”. Bản thông cáo còn viết thêm: “Tổng thống cám ơn Đức HY George về sự lãnh đạo của ngài và về các đóng góp của Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ cũng như trên khắp thế giới”.
Sứ điệp của Đức Hồng Y
Dù nội dung cuộc đàm đạo giữa đức hồng y và tổng thống được giữ bí mật, nhưng người ta cũng đoán được phần nào, vì nó xẩy ra chỉ một ngày sau khi Đức Hồng Y George cho công bố một sứ điệp công khai trên liên mạng thúc giục người Công Giáo hãy yêu cầu Chính Phủ Obama duy trì các qui luật đang bảo đảm việc bảo vệ lương tâm cho các nhân viên chăm sóc sức khỏe.
Một thông cáo chung của Hội Đồng Giám Mục cho biết một video đã được tung lên Trang Mạng của Hội Đồng cũng như Youtube trong đó, Đức HY George lên tiếng trả lời đe dọa của chính phủ trong việc hủy bỏ các qui định trước đây vốn bảo vệ các nhân viên chăm sóc sức khỏe khỏi bị cưỡng bức phải vi phạm lương tâm của chính họ.
Trong sứ điệp của mình, Đức HY George cho hay: “Ngày 27 tháng Hai vừa qua, Chính Phủ Obama đã đăng tải trên Trang Mạng của họ các tin tức cho hay: họ có ý định loại bỏ các qui định nhằm bảo vệ lương tâm cho (các nhân viên) Bộ Y Tế và Dịch Vụ Nhân Bản.
“Qui định đó là một phần trong một loạt các bảo vệ của luật pháp đối với các nhân viên chăm sóc sức khỏe, nghĩa là các bác sĩ, y tá và nhiều người khác, là những người có quyền phản đối trong lương tâm khi phải liên lụy tới việc phá thai cũng như nhiều thủ tục sát hại khác, đi ngược lại lối sống đức tin của họ”.
Ngài tỏ ý “hết sức quan ngại” rằng hành động trên “về phía chính phủ, sẽ là bước đầu dẫn đất nước ta từ dân chủ qua chuyên quyền”.
Tự do tôn giáo
Đức Hồng Y khẳng định rằng “tôn trọng lương tâm bản thân và tự do tôn giáo tự chúng đảm bảo sự tự do căn bản của ta khỏi sự áp bức của chính quyền” và “không một chính quyền nào được phép đứng giữa một con người cá thể và Thiên Chúa”. Ngài nhấn mạnh rằng các công dân được quyền nại tới lương tâm để phản đối chiến tranh hay việc phải thi hành án tử hình. Ngài đặt câu hỏi: như thế tại sao “chính phủ và hệ thống pháp lý của chúng ta lại không thể cho phép người ta dùng lương tâm mà phản đối một hành động xấu về phương diện luân lý, như việc sát hại các thai nhi còn trong bụng mẹ?”
Ngài nói thêm: “Mọi người đều hiểu việc gì xẩy ra trong một vụ phá thai và các thủ tục liên hệ: một thành viên sống động của gia đình nhân loại bị sát hại, chỉ có thế, và chính phủ không được cưỡng bức bất cứ ai phải hành động như thể không biết chi tới thực tại ấy”. Đức Hồng Y George đưa ra lời kết luận bằng cách khuyên nhủ mọi người hãy cho chính phủ biết “rằng bạn muốn các biện pháp bảo vệ lương tâm phải được duy trì nguyên vẹn” nhất là đối với những người “đang cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hết sức cần thiết cho một xã hội lành mạnh”.
3. Tân duy nữ phò sự sống
Hãng tin Zenit ngày 17 tháng Ba vừa qua cho hay: Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình đang cổ vũ cho một hội nghị quốc tế nhằm kêu gọi phụ nữ làm nhân chứng cho lòng yêu sự sống, nhất là trong phạm vi nhân quyền. Hội nghị này, một hội nghị mới có lần đầu, sẽ được tổ chức vào hai ngày Thứ sáu và Thứ Bẩy này tại Vatican và sẽ bàn tới “Sự Sống, Gia Đình, Phát Triển: Vai Trò Phụ Nữ trong Việc Cổ Vũ Nhân Quyền”.
Cùng với Hội Đồng Giáo Hoàng, là cơ quan tổ chức hội nghị, sáng kiến này cũng đang được Liên Minh Phụ Nữ Thế Giới Phò Sự Sống và Gia Đình cũng như Liên Đoàn Thế Giới Các Tổ Chức Phụ Nữ cổ vũ. Trong một thư ngắn gửi cho Zenit, các nhà tổ chức này nhắc lại lời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết trong thông điệp “Phúc Âm Sự Sống”: “Trong cuộc thay đổi văn hóa có lợi cho sự sống, phụ nữ chiếm một chỗ đứng độc đáo và có lẽ có tính quyết định về cả tư tưởng lẫn hành động. Họ phải là người cổ vũ cho một thuyết duy nữ mới, một chủ thuyết không rơi vào cơn cám dỗ muốn cóp nhặt các mẫu mực hung hăng nam giới, nhưng có khả năng nhận ra và nói lên nét thiên phú thực sự có tính nữ giới trong mọi biểu hiện của cuộc sống chung dân sự, cố gắng khuất phục mọi hình thức kỳ thị, bạo lực và bóc lột”.
Nét thiên phú nữ giới
Hội nghị này là cuộc gặp mặt đầu tiên của Liên Minh Phụ Nữ Thế Giới Phò Sự Sống và Gia Đình, một tổ chức của phụ nữ thế giới có trụ sở tại Rôma, do Olimpia Tarzia, chủ tịch đương nhiệm, sáng lập cách nay 5 năm. Mục tiêu của tổ chức phụ nữ “liên minh phò sự sống” có mặt rải rác khắp 50 quốc gia trên thế giới này là: cổ vũ “nét thiên phú của nữ giới” trong mọi lãnh vực của cơ cấu xã hội. Cuộc gặp mặt này cũng là dịp để khẳng định việc làm của Liên Đoàn Thế Giới Các Tổ Chức Phụ Nữ là liên đoàn sẽ cử hành kỷ niệm năm thứ 100 vào năm tới và chủ tịch hiện nay là Karen Hurley.
Đức HY Renato Raffaele Martino, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng nói rằng: “Hơn lúc nào hết, nay đã đến giờ để phụ nữ đáp trả đầy đủ ơn gọi làm chứng cho lòng yêu sự sống của họ trong mọi lãnh vực của xã hội và ở khắp mọi nơi trên thế giới… Vào thời điểm có những biến đổi sâu xa, phụ nữ, khi được tinh thần phúc âm soi sáng, có thể thực hiện được rất nhiều việc để giúp đỡ nhân loại”.
Phần Tarzia, bà ghi nhận rằng thời kỳ khủng hoảng hiện nay “chính là thời dành cho một thuyết duy nữ mới… Nó là thời cách mạng văn hóa thực sự, để ta thẩm định trọn vẹn các phương cách suy nghĩ và hành động đặc trưng có tính nữ giới trong mọi lãnh vực của sinh hoạt dân sự, nhằm phục vụ lợi ích của cộng đồng và để phò sự sống, hòa bình, phát triển kinh tế mà vẫn tôn trọng và bảo vệ được các nhân quyền”.
Chủ đề của Hội Nghị
Hơn 60 chuyên gia và khoa học gia từ khắp thế giới sẽ tham dự Hội Nghị. Vào ngày Thứ Sáu, sau diễn văn khai mạc của Đức HY Martino và các vị chủ tịch các cơ quan khác đứng ra tổ chức Hội Nghị, sẽ là cuộc thảo luận về đề tài “Sự Sống, Gia Đình và Phát Triển trong Cái Nhìn Của Giáo Hội”. Cuộc thảo luận này sẽ được dẫn khởi bằng một bản phúc trình của nhà xã hội học kiêm thần học gia người Lithuania là Egle Laumenskaite.
Vào buổi chiều, các chủ đề sau đây sẽ được đem ra thảo luận: “Phụ Nữ, Gia Đình và Chức Phận Làm Mẹ: Các Tài Nguyên Và Tranh Chấp trong Xã Hội Hiện Đại” và “Phụ Nữ, Giáo Dục và Văn Hóa: Tình Thế Khẩn Trương Của Giáo Dục Trong Bối Cảnh Thách Thức Văn Hóa Các Dân Quyền” sẽ lần lượt do giáo sư Maria Lacalle, người Tây Ban Nha, và luật sư Anne Kone, người Ivory Coast, trình bày. Các chủ đề trong ngày Thứ Bẩy sẽ bao gồm: “Phụ Nữ, Cảnh Nghèo và Việc Đẩy Qua Bên Lề: Cố Gắng Của Phụ Nữ Bênh Vực Người Yếu Thế” và “Phụ Nữ và Các Thánh Đố Hiện Nay trong Đạo Đức Sinh Học: Cái Nhìn Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội”.
4. Người phò sự sống sẵn sàng tranh đấu
Đối với Austin Ruse, chủ tịch sáng lập của Viện Gia Đình và Nhân Quyền Công Giáo (the Catholic Family and Human Rights Institute, tắt là C-FAM), một tổ chức chuyên vận động tại Liên Hiệp Quốc về các vấn đề phò sự sống, các hành động chống phá sự sống của tân chính phủ Obama không phải là những giây phút thất vọng, mà là các thúc đẩy khiến ta ra tay hành động. Ruse cho hay: “Ngay sau ngày bầu cử, các nhân viên của tôi hơi chút nản lòng. Nhưng tôi nhấn mạnh với họ: đây sẽ là bốn năm tốt nhất trong đời họ” Theo ông, “Hiếm có khi nào trong lịch sử Giáo Hội, người ta lại được cần đến như chúng ta hiện nay tại Liên Hiệp Quốc. Điều ấy tốt gần như thế kỷ thứ hai vì không ai sẽ bị phí phạm, có rất nhiều việc để chúng ta làm”.
Ruse cho rằng giống như Clinton, Obama sẽ tìm kiếm nhiều chính sách cấp tiến tại Liên Hiệp Quốc hơn các nơi khác vì người ta ít chú ý tới cơ quan này, nhất là trong lãnh vực chính sách xã hội. Vì theo Ruse, Obama sẽ tìm cách trả nhiều món nợ đối với phe cực tả về phá thai, hôn nhân đồng tính v.v… Cách nay mấy hôm, chính phủ Obama đã ủng hộ các hướng dẫn quốc tế có tính cấp tiến về HIV/AIDS. Các hướng dẫn này kêu gọi phải kết án những người chỉ trích đồng tính luyến ái. Ông ta còn đề cập tới các thách thức khác do cuộc khủng hoảng quốc tế hiện nay đem lại.
Buồn thay, chính vào một thời điểm như hiện nay, lúc đang có nhiều trục trặc về xã hội, khủng hoảng về tài chánh và chiến tranh, thì kẻ thù xã hội lại thực hiện được nhiều thành công. Chẳng qua vì họ hết sức cố gắng trong khi mọi người chúng ta nhìn đi chỗ khác. Kẻ thù của chúng ta trong các vấn đề trên hầu như không bao giờ ngủ, họ coi những thời điểm khó khăn hiện nay như dịp may hiếm có để đẩy mạnh chương trình hành động của họ.
Đối với Ruse, lời tuyên bố của Obama về việc kết hợp mọi tầng lớp công dân chỉ là một mánh lới: vì điều ông ta nói về đồng thuận chỉ có nghĩa là đồng thuận giữa phe tả với phe cực tả, ông ta đâu muốn nói truyện với chúng ta.
Từng hoạt động được 11 năm qua, C-FAM đã cùng nhiều tổ chức phò sự sống khác gặt hái được nhiều thành quả giá trị: ngăn cản để việc phá thai không được mọi nước nhìn nhận như một nhân quyền, phá tan mưu toan muốn định nghĩa lại gia đình và phái tính. Hiện nay, một trong những con ngoáo ộp chính là chiến dịch hướng tới một chính sách cai trị hoàn cầu (global governance), một chiến dịch sẽ được chính phủ Obama tích cực vận động. Ruse đang phát động một tư trang (blog) đặt tên là "The New Sovereigntists" (Những Tên Tân Đế Quyền) để kéo chú ý công luận đối với các nguy cơ do chính phủ Obama mang tới.
Ruse cho hay: “Phong trào phò sự sống cương quyết đấu tranh với ông ta (Obama) trên mọi điều thuộc các vấn đề của chúng ta. Chúng ta sẽ không để mất một tấc đất. Chúng ta sẽ liên tiếp vẽ ông ta như chính con người thực của ông ta, nghĩa là một tổng thống phò phá thai nhất trong lịch sử Hiệp Chúng Quốc”.
5. Chủ nghĩa đế quốc về văn hóa
Theo tờ The Catholic Weekly số ngày 22 tháng Ba, ở Úc, cũng đang có cố gắng đánh tan cái thứ đế quốc chủ nghĩa về văn hóa được nhắc đến trên đây. Thực vậy, theo gương ‘đàn anh’ là chính phủ Obama, chính phủ của ông Kevin Rudd cũng vừa quyết định bãi bỏ lệnh cấm sử dụng ngoại viện để tài trợ việc phá thai ở ngoại quốc, vốn do chính phủ tiền nhiệm của ông John Howard đặt định năm 1996.
Đức cha Anthony Fisher, nguyên là điều hợp viên của Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2008 và hiện là giám mục phụ trách Sự Sống Và Sức Khỏe, cho đó là một điều đáng buồn, và là một hung tín, mặc dù, theo lời ngoại trưởng Stephen Smith, chính phủ Úc vẫn cổ vũ việc tránh phá thai bằng các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và cố vấn, và riêng Ông Kevin Rudd, trong một cố gắng giữ “thể diện” của một người Kitô hữu sống đạo, đã cho rằng bản thân ông không ủng hộ sự thay đổi này.
Theo Đức Cha Fisher, rõ ràng đây chỉ là một hành động do ý thức hệ thúc đẩy, chứ không hẳn để bình đẳng hóa giữa phụ nữ Úc và phụ nữ các nước nhận viện trợ, như lời ông Smith trình bày. Đức cha cho hay: các cuộc điều trần tại Ủy Ban Ước Chi vào năm ngoái không cho thấy có lời yêu cầu tài trợ phá thai nào đến từ các quốc gia nhận viện trợ. Việc bãi bỏ đó hoàn toàn do sáng kiến của chính phủ Úc, người luôn luôn muốn chạy theo ‘đàn anh’ Mỹ, nhất là lúc này, Mỹ đang có một đồng minh ‘cùng hội cùng thuyền’ với mình ở Tòa Bạch Ốc.
Nói trắng ra, theo lời Đức cha Fisher, đó chỉ là “một thứ đế quốc chủ nghĩa văn hóa vốn tạo ra bực tức thật sự nơi các quốc gia đang mở mang”. Theo ngài, mọi bà mẹ đang mang thai đều có quyền được săn sóc và nâng đỡ để sinh ra đứa con khỏe mạnh và mọi đứa trẻ đều có quyền được sinh ra và sau đó được nâng đỡ. Ngài nói: “quyền ấy cũng là quyền của người thuộc các quốc gia đang mở mang và đó là nơi ta có thể làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ. Thay vì dùng tiền người dân đóng thuế để trục thai các em bé chưa sinh tại các quốc gia đang mở mang, ta nên giúp người tại các quốc gia đó chọn các giải pháp cổ vũ sự sống. Gọi việc phá thai như một thứ ngoại viện là nhục mạ chương trình phát triển hải ngoại hết sức đáng kính của Úc, và biến mọi người Úc thành những tên tòng phạm trong cuộc tấn công mới nhằm vào sự sống con người… Một xã hội lương thiện như xã hội ta chắc chắn có thể làm tốt hơn cho các lân bang nghèo chứ không như thế này. Gợi ý rằng mình đẩy mạnh các Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ đối với sức khỏe trẻ em và bà mẹ bằng cách tài trợ việc trục thai các đứa con chưa sinh của họ đâu phải là việc giúp đỡ’.
Vũ Văn An
Views: 0