Uncategorized

Sau khi ly dị coi nhau là bạn

Bạn và thù. Bạn nay trở thành thù, để rồi từ phía kẻ thù quay lại nhìn nhau như bạn. Ðây là cái vòng luẩn quẩn, và cũng là những lý luận đầy kịch tính trong hôn nhân. Bạn và tôi chúng ta đã nghe nhiều lần câu nói lý tưởng, đúng hơn, đầy kịch tính này: “Sau khi ly dị coi nhau là bạn”.

Bạn và thù. Bạn nay trở thành thù, để rồi từ phía kẻ thù quay lại nhìn nhau như bạn. Ðây là cái vòng luẩn quẩn, và cũng là những lý luận đầy kịch tính trong hôn nhân. Bạn và tôi chúng ta đã nghe nhiều lần câu nói lý tưởng, đúng hơn, đầy kịch tính này: “Sau khi ly dị coi nhau là bạn”. Nhưng liệu đây có phải là một chân lý của hôn nhân không? Tôi nghĩ là không. Và mời bạn theo dõi hai câu chuyện sau:

 

Trường hợp 1:

– Anh Duyệt ơi! Em khổ quá. Con vợ em bây giờ bắt đầu bỏ nhà đi đêm nhiều hôm đến 1 hay 2 giờ sáng. Em hỏi nó, nó nói là đi công chuyện.

– Anh Duyệt ơi! Mới đây nó đề nghị chia tay và tạm thời ly thân để cho nó thoải mái sống đời sống riêng của nó. Nó còn đề nghị với em cho nó dẫn bạn về nhà chơi. Anh nghĩ có tức hộc máu ra không?

– Anh Duyệt ơi! Hôm qua nó cầm giấy ly dị từ văn phòng luật sư về bảo em ký, anh nghĩ sao?

– Anh Duyệt ơi! Thôi hay là em ly dị nó đi cho rồi để nó khỏi làm ngứa mắt em. Em lắm lúc điên tiết lên vì nó cứ nhởn nhơ nói điện thoại với thằng đó. Em nhức đầu quá anh ơi!

– Anh Duyệt ơi! Chiều hôm qua, nó còn dẫn cả đứa con gái lớn của em đi chơi với thằng đó. Nó bắt đầu làm hư cả con em rồi. Em nói với nó, nó làm dữ chửi em và cho em là bảo thủ, cù lần. Anh bảo em phải đối xử như thế nào?

Và rồi chuyện gì đến đã đến.

– Anh Duyệt ơi! Nó đã ly dị em rồi!!! Sau phiên tòa ly dị, nó tỉnh bơ nói với em: “Tôi và ông bây giờ hãy coi nhau như bạn bè”.

 

Trường hợp 2:

Chàng yêu nàng thật sư. Tình yêu hai người đã kéo dài 2 năm trước khi tiến đến thành hôn. Nhưng chỉ sau ngày cưới có 1 tuần, nàng đã đề nghị ly dị chàng!

 

Bằng mọi cách, chàng cố tránh sự đổ vỡ mà chàng cho là sẽ gây hậu quả tai hại cho cuộc đời của hai người và của những đứa con. Nhưng chàng chỉ cầm cự được 8 năm cộng thêm 3 sóng gió trước khi nàng quyết định bỏ chàng, và 3 năm chờ đợi của chàng sau khi nàng bỏ chàng. Kể từ ngày nàng bế hai đứa con theo người tình mới, bỏ lại cho chàng một căn nhà với một số tiền trang trải hàng tháng mà với số lương hiện tại chàng chắc chắn không thể trả nổi. Xuống nước năn nỉ! Nàng chỉ nhìn bằng con mắt rửng rưng, để rồi căn nhà của cả hai đã bị nhà băng kéo: “Của tôi làm ra, tôi muốn bỏ thì tôi bỏ!” Ðó là câu trả lời đầy thách thức và ngu xuẩn của nàng.

 

Nhưng ly dị không chỉ dừng lại ở đó. Nàng đã đưa vào đầu óc hai đứa con những hình ảnh tầm thường nhất, vô trách nhiệm nhất, và thiếu đạo đức nhất, thiếu tư cách nhất về bố chúng nó. Kết quả đứa lớn bây giờ đang coi bố nó là một “kẻ thù”, và không một lời thăm hỏi. Còn lại đứa thứ hai hằng ngày cũng vẫn phải nghe những lời nói như vậy về bố nó.

 

BẠN VÀ THÙ

 

Khi hai người trước đây đã từng thế thốt yêu nhau, đã từng có những giây phút thật hạnh phúc bên nhau, nay một hoặc cả hai bỗng trở thành kẻ lường gạt, và phá vỡ hạnh phúc của nhau. Trong 50% những cặp vợ chồng đã ly dị mà phần lớn đã tái hôn, hoặc đã tái hôn nhiều lần sau đó, mấy ai đã nhìn lại và coi người chồng, người vợ cũ của mình là bạn? Và nếu có, bạn theo tiêu chuẩn nào? Và trong những điều kiện nào??? Có chăng đó chỉ là vài trường hợp hôn nhân kiểu Hollywood. Nhưng ngay ở Hollywood, những trường hợp bạn hữu kiểu này cũng không bền và không có nhiều.

 

Thông thường, việc coi nhau là bạn sau khi ly dị không dễ và không thực tế như lý thuyết của nó. Vì người ta chỉ ly dị sau khi đã có vấn đề mà sự gàn gắn những vấn đề ấy đã không đem lại kết quả.

 

KHÔNG THỂ LÀ BẠN

 

Sau đây là những điều thường xẩy ra sau khi ly dị, khiến những người trong cuộc không thể dễ dàng coi nhau như bạn.

 

1. Tình cảm đỗ vỡ:

 

Bạn có thể nhìn một người gây ra cho bạn sự đổ vỡ tình cảm, người lường gạt tình yêu, người phá vỡ hạnh phúc của mình là bạn không? Câu trả lời rất thông thường là “không”. Và trong trường hợp ly dị, họa may vì con cái, hoặc vì lý do nào khác bắt buộc bạn phải coi người kia là bạn.

 

Vết thương lòng. Ðây là từ ngữ mà chúng ta thường nghe trong những cuộc tình đổ vỡ.

 

Những nhát cắt của những lời qua tiếng lại, của những tranh chấp, cãi vã trước thời gian ly dị giờ đây lại hiện về trong đầu óc mỗi người. Bạn đâu dễ gì chịu thua, và cũng đâu dễ gì quên được những hình ảnh ấy. Nhưng trong thực tế, bạn vẫn là người thua cuộc, hoặc dù có thắng trong ván bài ly dị, bạn vẫn có cảm giác đau khổ. Và sự hàn gắn này không thể một ngày, một tháng, hay một năm.

Trong những trường hợp ấy, nếu những kỷ niệm đẹp của một thời đã qua có hiện về, thì càng làm cho hiện tại thêm tái tê! Vì những kỷ niệm đẹp kia chỉ là cái cớ để phản chiếu những vết cắt của hiện tại, và làm cho nó trở thành đau đớn hơn.

2. Chia tài sản:

Coi là bạn làm sao được người đã đòi lấy một nửa, hay quá một nửa, hoặc lấy trọn gia tài của bạn sau khi đã ly dị. Con người ấy đã man khai, đã gian dối với mưu đồ chiếm đoạt tất cả những gì mà bạn đã vất vả, khổ cực để thu góp, để xây dựng bấy lâu nay. Giờ đây, bạn phải đuổi ra khỏi căn nhà của mình. Chương mục của bạn bị cạn kiệt vì tiền bồi hoàn luật sư, và nhất là vì đã thua trong ván bài ly dị. Những người đã gây ra những đổ vỡ ấy cho ta, liệu có muốn coi ta là bạn không?!

3. Chia con cái:

 

Nhưng có lẽ một trong những day dứt và khổ tâm nhất đối với vấn đề ly dị là con cái. Những trường hợp như câu truyện 2 vừa kể trên là những trường hợp rất thông thường. Sau khi ly dị, mỗi bên đều đổ lỗi cho nhau và tạo nên một sự xa cách, chia lìa tình cảm giữa con cái. Trong thực tế, những em bé của các gia đình ly dị là những em dễ bị hư hỏng nhất, dễ làm mồi cho những cám dỗ của xã hội nhất. Những khảo cứu cho thấy, nhiều em đã tự tử.

 

Ngoài ra, nếu bạn còn có trách nhiệm phụ cấp cho các con nhỏ, và kể cả nhiều trường hợp phụ cấp cho người vợ cũ, người chồng cũ. Những câu hỏi thường xuất hiện trong đầu là những số tiền ấy có được dùng đúng chỗ? Con mình có được hưởng gì không? Hay người tình cũ lại dùng những vất vả ấy để vui chơi, để tiêu xài với những người mà mình gọi là “tình địch”. Và trong những trường hợp như vậy, bạn cũng khó lòng nhận ra tính chất “bạn” hay tình bạn đối với người đã từng gây đau khổ cho bạn.

4. Vui duyên mới:

Không thể là bạn. Những người sau khi ly dị thật ra nếu có muốn trở thành bạn của nhau theo cái nghĩa lý tưởng nhất của nó, thì cũng khó lòng thực hiện. Bởi vì trái tim con người không thể có nhiều ngăn, và nó chỉ phập phồng, rung cảm với một đối tượng mà nó bị chinh phục. Vậy trong tình trạng sau khi ly dị, đối tượng chinh phục và bị chinh phục dĩ nhiên không còn là người chồng cũ hay người vợ cũ nữa, mà là người yêu mới.

 

Chúng ta thử nghĩ lại cái hấp dẫn của tình yêu để cắt nghĩa thêm rằng những người tình, người yêu cũ sau khi đã ly dị dù muốn quay lại với tình bạn với nhau cũng rất khó, bởi vì yếu tố tình yêu và tình cảm. Ðặc biệt, tình cảm và tình yêu ấy lại là tình cảm và tình yêu thay thế cho một tình cảm và tình yêu mà họ cho là đắng đót cần phải loại bỏ.

 

Ngoài ra, người yêu mới liệu có dễ dàng để họ yêu quay lại với quá khứ bằng một mỹ từ tình bạn? Không chỉ phụ nữ và cả nam giới, tình yêu chân thật cũng phát sinh sự ghen tương. Vì ghen tương theo nghĩa tích cực của nó là chỉ muốn chiếm hữu trọn vẹn người mình yêu. Thử hỏi trong tình trạng như vậy, việc quay trở lại với người cũ bằng một tình bạn liệu có dễ dàng được đón nhận hay không?

GÓP Ý XÂY DỰNG

 

Sau khi ly dị sẽ coi nhau là bạn. Ðây là một lời khuyên hoàn toàn lý tưởng hóa và tiểu thuyết hóa. Thực tế đã chứng minh rằng, dù muốn hay không muốn, sau khi đã ly dị người ta cũng không dễ coi mình là bạn của người mình yêu cũ, và coi nhau là bạn. Do đó, hãy coi tư tưởng này như một cơn dám dỗ hết sức nguy hiểm và độc hại cần phải xa tránh và không nên mon men đến gần. Thánh Kinh đã kể lại câu truyện sa ngã của Nguyên Tổ khi Evà nghe lời xui xiểm của con rắn già Hỏa Ngục mon men đến gần cây biết lành biết dữ: “Không chết chóc gì đâu? Chỉ là Thiên Chúa sợ sau khi ăn rồi, ngươi sẽ nên như các thần minh biết lành biết dữ” (Sáng Thế 3:5). Một cách tương tự, sẽ có những người nói với bạn: “Không hợp thì ly dị cho sướng thân. Cùng lắm là coi nhau như bạn thôi”.

 

Nhưng như Nguyên Tổ, sau khi đã thò tay ăn trái cấm, mắt các ngài đã mở ra và cái lành cái dữ đã tỏ hiện khiến các ngài nhận ra mình “trần truồng”. Câu nói hay tư tưởng “sau khi ly dị sẽ coi nhau là bạn” cũng cho bạn một kinh nghiệm đắng đót tương tự, nếu bạn muốn thử nó. Vậy điều tốt nhất là đừng để mình rơi vào chước cám dỗ đó.

 

Và để tái khám phá và duy trì được vẻ đẹp của ơn gọi hôn nhân, mời bạn tham dự một khóa tĩnh tâm hội thảo Nazareth và sinh hoạt với đại gia đình Nazareth. 
 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.