Uncategorized

Sống Mùa Chay theo Tinh Thần Gia Đình Nazareth

1.
Trong một cuốn sách nói về thiền của Suzuki, tác giả kể một câu chuyện về một thiếu niên lên núi “tầm sư” học đạo. Công việc hàng ngày của người học trò này là xuống núi gánh nước về chùa và vào rừng kiếm củi.

Mấy năm sau, vị sư trụ trì ngôi chùa, người đã nhận cậu thiếu niên năm xưa làm môn đệ, hỏi:

1.
Trong một cuốn sách nói về thiền của Suzuki, tác giả kể một câu chuyện về một thiếu niên lên núi “tầm sư” học đạo. Công việc hàng ngày của người học trò này là xuống núi gánh nước về chùa và vào rừng kiếm củi.

Mấy năm sau, vị sư trụ trì ngôi chùa, người đã nhận cậu thiếu niên năm xưa làm môn đệ, hỏi:

-Này con, đã mấy năm nay rồi, ta không thấy con nói đến việc con tìm đến đây có mục đích là để học đạo. Phải chăng, cảnh chùa vắng vẻ thanh tịnh và công việc hàng ngày đã làm con quên mục đích lúc con mới đến rồi sao ?

Cậu học trò chắp hai tay, cung kính thưa:

 

-Bẩm thầy! Con vẫn học đấy ạ.

-Con nói gì? …

-Bẩm thầy! Con học ở thầy vẫn chưa hết, làm sao con dám xin thầy cho con học đạo pháp. Con học ở thầy những khi thầy bước lên giảng đường; học cách thầy ngồi giảng kinh cho các sư huynh của con; học ở thầy khi thầy tọa thiền; khi thầy tụng kinh; khi thầy tiếp khách, uống trà; khi thầy trầm tư trong sân chùa những khi chiều vắng và đêm trăng; con học ở thầy khi thầy tiếp xúc và giải nghĩa kinh Phật cho từng môn sinh.

 

Tôi đã mang câu chuyện trên đây nói đại ý trong một buổi hội thảo về gia đình, tổ chức tại một giáo xứ đông người, nhân dịp Liên Hiệp Quốc chọn năm 1994 là năm quốc tế về gia đình, Giáo Hội cũng chọn năm này là năm đặc biệt dành cho gia đình.

Trong suốt 3 ngày hội thảo, thuyết trình viên là một linh mục trẻ, có học vị tiến sĩ, nói đến sự hình thành gia đình, ý nghĩa và mục đích của gia đình; gia đình Việt Nam trải qua các thời kỳ lịch sử và nhất là trong giai đoạn hiện nay với nền kinh tế thị trường. Thuyết trình viên đưa ra câu hỏi: Với người công giáo, đâu là kiểu mẫu cho chúng ta noi theo? Phần đông người tham dự hội thảo nhận gia đình Nazareth, với Đức Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria và thánh Giuse, làm kiểu mẫu cho gia đình mình.

Lời phát biểu của họ đều nói đến gương thánh thiện, gương khiêm nhường, gương lao động, gương vâng phục.Lời kể của tôi trên kia nhằm nói đến tính chất quan trọng của gương mẫu qua việc làm cụ thể, cũng được linh mục thuyết trình chấp nhận như chấp nhận những ý niệm về thánh thiện, khiêm nhường, lao động, vâng phục.

Ba buổi hội thảo qua đi. Cả cái năm 1994 về gia đình cũng qua đi, như bao nhiêu năm dành cho một chủ đề khác, như 2004 là năm “Truyền giáo”, năm 2005 là năm “Thánh Thể”.Riêng cái năm sau này, người ta còn nhận ra được những việc làm cụ thể tại một số giáo xứ. Đó là việc lập nên một Nhà Chầu Thánh Thể, mở cửa từ sáng sớm cho đến khuya, giáo dân viếng Chúa Giêsu Thánh Thể bất cứ lúc nào cũng được. Còn những năm về Truyền giáo và Gia đình, đều lặng lẽ qua đi, không một dấu ấn nào để lại, nghĩa là không một việc làm nào cụ thể.Việc tổ chức mấy ngày hội thảo tại một vài giáo xứ, cũng không có một dấu hiệu nào cho thấy đó là một việc có ích!

 

Đức Thánh cha Gioan-Phaolô II đề cao gia đình bằng một tên gọi mới. Đó là “Hội Thánh Tại Gia”.Thiết nghĩ không còn một định nghĩa nào thâu tóm được hết tính chất cao cả và mầu nhiệm của tên gọi mới này. Phải chăng đây là một ý niệm được phát khởi từ Nhà Nazareth, sau nhiều năm và cũng có thể trong suốt cuộc đời tận hiến của Đức Gioan-Phaolô II, đã yêu mến “mái ấm Thánh Gia Thất”? Chắc chắn trong tâm khảm của ngài, Đức Gioan-Phaolô II đã liên tưởng đến nhiều gia đình công giáo và những gia đình này đã hiến dâng cho Chúa những vị thánh, những giám mục, những linh mục và những tu sĩ thánh thiện, trải qua các thời đại, các thời kỳ trong lịch sử của nhân loại, nhất là thế kỷ thứ 20 vừa qua đi với hai cuộc chiến tranh thế giới, với hai trào lưu tư tưởng hình thành nên hai chế độ diệt chủng và đấu tranh giai cấp, đó là Đức Quốc xã và Cộng sản.

Là Kitô hữu, là gia đình Công giáo, thì không thể không nhận Gia đình Nazareth làm gương mẫu cho đời sống đạo của mình.

 

2
Gia đình Nazareth, tuy là thánh trổi vượt trên các bậc thánh, nhưng Thiên Chúa vẫn không “giảm trừ” những gian nan, những vất vả ngược xuôi, những nghèo khó và những đớn đau tủi nhục, đến nỗi lặng câm đón nhận lấy cái án tử đối với Chúa Giêsu, mà khi Đức Mẹ Maria tiếp nhận truyền tin từ thiên sứ, Người đã nghe nói: “Và này, nơi lòng dạ, người sẽ thụ thai, và sinh con, và người sẽ gọi tên Ngài là Giêsu. Ngài sẽ làm lớn, và được gọi là Con Đấng Tối cao và Chúa Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài ngai Đavít cha Ngài; và Ngài sẽ làm vua trên nhà Giacóp cho đến đời đời, và vương quyền của Ngài sẽ vô cùng vô tận!” (Lc 1,31-33). Vậy mà giờ này, sau 33 năm như thế, Đức Mẹ đón nhận vào lòng mình một thân thể bầm tím và đầy máu, không còn hình tượng!


Có người mẹ trần thế nào như Đức Mẹ Maria?!

Còn thánh Giuse? Suốt cuộc đời lao động vất vả, bôn ba vì con trẻ Giêsu, thuộc hoàng tộc Đavít, mà Giuse âm thầm chịu đựng, luôn lắng nghe, suy niệm và làm theo thánh ý Chúa trong mọi biến cố, từ việc đón nhận Maria đang thụ thai về nhà mình, đến việc nửa đêm trỗi dậy mang trẻ Giêsu và Maria sang nước Ai Cập, để tránh việc Hêrôđê truy sát giết chết con trẻ này.Giuse đã sống cuộc đời âm thầm và cũng có thể nói là rất tầm thường. Không một bản văn kinh thánh nào nói đến Giuse, ngoài 3 chữ : “Bác thợ mộc”, mà lại nói đến một cách có vẻ như coi thường cái nghề chân tay này.Thế nhưng, đó là một đấng “Công chính”, người đã sống một cuộc đời đẹp lòng Thiên Chúa.

Còn Đức Chúa Giêsu? Người là Con Thiên Chúa, là Đấng Thiên Sai, nhưng tự hạ mình để yêu mến và phục vụ con người và cuối cùng tự hủy để nên trọn là Người Con Chí Ái của Chúa Cha,đã hoàn tất công cuộc cứu chuộc tại đồi Can-vê. Chính nơi này, Đức Chúa Giêsu đã vào vinh quang với Cha của Ngài.

Đấy là con đường Đức Chúa Giêsu đã đi. Không có con đường thứ hai cho chúng ta. Tuy nhiên, bản tính con người lại như muốn tránh xa đau khổ, gian nan và thử thách. Khi không thể tránh được thì buông lời đắng cay, chán nản, ngã lòng, mất lòng cậy trông vào tình thương của Chúa, để cuối cùng là mất đức tin, không tin vào Lời Chúa: “Kẻ nào kiên nhẫn đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu!” (Mt 24, 13)

Một số khác khi đạt tới danh vọng, giàu có thì lại như muốn dừng chân ở điểm này mà quên đi mình là phận người, một ngày nào đó chẳng biết, cũng trở về với đất, trở về tro bụi.Một lần, Chúa Giêsu dẫn Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi Tabor, Người cho các ông thấy Thánh Nhan của Người trong giây lát: áo Người nên rạng ngời trắng tinh không thợ giặt trần gian nào phiếu được trắng như thế.(Mc 9,3) Thấy thế, các môn đệ của Chúa mừng quýnh lên, muốn “cắm lều” ở lại đó luôn. Nhưng Chúa Giêsu đã dẫn các ông “xuống núi”, trở về với cõi trần, về với “giây phút hiện tại” của kiếp người. Các ông đã đi hết đoạn đường phải đi đâu! Vội vàng chi? Lần thứ hai, khi Đức Chúa Giêsu lên trời sau 40 ngày từ cõi chết sống lại, các môn đệ cũng mãi nhìn lên trời để chiêm ngắm vinh quang của Thầy đến ngất ngây, khiến hai thiên sứ y phục trắng ngời đứng bên họ mà nhắc:

“Các ông, người Galilê, tại sao các ông cứ đứng đó nhìn trời? Đức Giêsu đây, Đấng vừa siêu thăng xa cách các ông, Ngài sẽ đến cũng một thể như các ông đã thấy Ngài đi về trời.” (CVTĐ 1,11).

Người trần thế như vậy đó. Nói mình yêu thánh giá, vác thánh giá theo Chúa. Nhưng đấy là lúc chưa có thánh giá nào hết, lúc đang còn được hưởng cái thứ bình an của trần thế.Đến khi gian truân, cùng khổ, hoạn nạn ập đến thì lại không muốn nhận thánh giá. Khi không còn cách nào đẩy thánh giá cho người khác mang, họ đành vác với tâm trạng của người làm thuê, miễn cưỡng vác.

 

Nhận gia đình Nazareth làm mẫu gương không có nghĩa chỉ dừng lại ở những ý niệm về đạo đức, thánh thiện, vâng phục, lao động, khiêm nhường. Nhưng còn phải chấp nhận thử thách, khổ đau, phải yêu mến sự thanh bần, sự trong sạch; phải sống thánh thiện, sống đời sống thiêng liêng, sống nội tâm, sống kết hiệp với Chúa Giêsu, cầu nguyện, chay tịnh thiêng liêng, chay tinh thể xác, và không thể không thực thi sự công chính.

Trong đời sống xã hội hiện nay ở Việt Nam, khuynh hướng hưởng thụ, thích giàu có, thích xây nhà nhiều “tấm”, nhiều tầng, là rất phổ biến. Ở một xứ đạo có khoảng trên 5.000 người, hầu như toàn tòng, hiện tượng ganh đua xây nhà cao, sắm xe “tay ga” đắt tiền, dù “ăn không ngồi rồi”, chẳng có việc gì làm kiếm nhiều tiền. Nhưng ngày cũng như đêm, từ các nhà hàng đến lề đường trong thành phố, nơi đâu cũng đầy ứ khách sang hèn với ly bia trên tay, hô thật to: “ dzô, dzô”. Cà phê cũng lắm loai, lắm kiểu, lắm phong cách, ngày cũng như đêm, quán nào cũng ngập người ngồi. Có quán còn có bảo vệ mặc đồng phục; có khu vực nổi lên như một “Vương quốc Cà phê”. Nhiều gia đình ở xứ đạo nói trên, hầu như việc xây nhà cao, sắm xe “tay ga” đời mới đắt tiền, đều do tiền người nhà ở ngoài nước cung cấp.Điều này nói lên điều gì?

Gia đình Nazareth xưa sống thanh bần. Thế nhưng, trước Thiên Chúa, và với niềm tin, phải khẳng định rằng , gia đình Nazareth đầy tràn ân sủng, vì từ Đức Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria và thánh Giuse, sống là để thực thi ý Thiên Chúa, tâm hồn luôn hướng về trời, nguyện xin cho đươc vâng theo ý Cha.Có Thiên Chúa ở cùng là có tất cả, không thiếu thốn chi.Đấy là sự giàu sang mà người Kitô hữu nào cũng nên “mua sắm” lấy cho mình.

Ngày Thứ Năm sau Chúa nhật thứ 2 Mùa Chay (Năm B), Giáo Hội công bố bài Tin Mừng theo thánh Luca,(16, 19-31),nói đến một người giàu có, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cửa ông nhà giàu, những ước ao có được những miếng thừa liệng dưới bàn ông nhà giàu mà ngốn cho no…

Dưới con mắt người đời, Ladarô là con người cùng khổ. Nhưng con mắt đức tin, Ladarô là người giàu, còn người phú hộ kia thì nghèo.Cái nghèo của một tâm hồn không biết đến người bên cạnh mình, không quan tâm đến ai, ngoại trừ cái bụng mê ăn uống. Còn Ladarô, tâm hồn luôn hướng về trời, hướng về Chúa tình yêu. Cho nên, khi chết, Ladarô được Abraham ôm vào lòng; còn ông nhà giàu kia phải đau khổ ở nơi hỏa ngục.

Người tín hữu Kitô chỉ có thể chọn một trong hai cách sống trên đây.

 

Antôn Triều
(13/3/2009)

 

 

 

 

 

 

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.