Uncategorized

Nhận diện sự thật

Ngày 27.2.2009, bà Katia Bennett, Tham Tá Chính Trị tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn đã đến vấn an và trao đổi về tình hình Việt Nam và Phật Giáo với Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Tăng Thống GHPGVNTN, tại Thanh Minh Thiền Viện ở Saigon. Sau đó, bà Ỷ Lan, đại diện đài Á Châu Tự Do (RFA) đã phỏng vấn Hoà Thượng về cuộc gặp gỡ này. Cuộc phỏng vấn đã được đài RFA phát đi trong cùng ngày.

Ngày 27.2.2009, bà Katia Bennett, Tham Tá Chính Trị tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn đã đến vấn an và trao đổi về tình hình Việt Nam và Phật Giáo với Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Tăng Thống GHPGVNTN, tại Thanh Minh Thiền Viện ở Saigon. Sau đó, bà Ỷ Lan, đại diện đài Á Châu Tự Do (RFA) đã phỏng vấn Hoà Thượng về cuộc gặp gỡ này. Cuộc phỏng vấn đã được đài RFA phát đi trong cùng ngày.

Hòa Thượng Quảng Độ cho biết ngài đã nói với bà Katia Bennett hai điều quan trọng: Điều thứ nhất là không hài lòng với lời tuyên bố vừa qua của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tại Bắc Kinh. Lời tuyên bố này đã xem nhẹ vấn đề nhân quyền trong quan hệ ngoại giao Trung – Mỹ. Điều thứ hai là quá trình thất bại của nhà cầm quyền Hà Nội trong 6 bước tấn công nhằm tiêu diệt GHPGVNTN qua các năm 1977, 2000, 2005, 2006, 2007 và 2008. Hoà Thượng nhấn mạnh rằng Hà Nội đã xử dụng lá bài Sư Ông Nhất Hạnh và hai năm qua dùng chiêu bài “Về Nguồn” của nhóm các Sư ở Úc Châu, Âu Châu, Canada và Hoa Kỳ nhưng tất cả đều that bại.

Điều đáng chú ý là qua cuộc nói chuyện với bà Katia Bennett, Hoà Thượng đã công khai nói lên mặt trái của lá bài dân chủ và nhân quyền mà Hoa Kỳ thường đưa cao. Hy vọng tiếng nói của Hoà Thượng sẽ làm cho nhiều người Việt chống cộng ở hải ngoại nhìn rõ vấn đề hơn.
Mặc dầu một số website đã đăng toàn văn bài phỏng vấn nói trên, trước khi góp một vài ý kiến vào những vấn đề mà Hoà Thượng Quảng Độ đã nêu ra, chúng tôi xin mời độc giả đọc kỹ lại một lần nữa phần Hoà Thượng Quảng Độ chỉ trích Hoa Kỳ về vấn đề dân chủ và nhân quyền.

TRÍCH BÀI PHỎNG VẤN

Ỷ Lan: Kính chào Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ. Được biết bà Katia Bennett, Tham tán Chính trị tại tòa Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ vừa đến vấn an Hòa thượng tại Thanh Minh Thiền viện, Saigon. Kính xin Hòa thượng hoan hỉ cho thính giả được biết sự kiện này và Hòa thượng đã nói gì khi gặp gỡ?

HT Quảng Độ: Chào cô Ỷ Lan, lúc 9 giờ ngày hôm qua tức ngày 26.2.2009, bà Katia Bennett, Tham tán Chính trị tại tòa Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ ở Saigon có đến thăm tôi ở Thanh Minh Thiền viện. Sau khi chào hỏi và trao đổi mấy câu có tính cách xã giao thường lệ, tôi bắt đầu ngay vào vấn đề chính mà tôi muốn trình bày trong cuộc gặp gỡ đúng lúc này.

Đó là vấn đề lời tuyên bố của bà Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tại Bắc Kinh ngày 21.2.2009, rằng Hoa Kỳ sẽ không để vấn đề Dân chủ, Nhân quyền gây ảnh hưởng và cản trở bước phát triển trong mối quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Tôi nói với bà Bennett rằng, khi tôi nghe lời tuyên bố ấy tôi có cảm tưởng như người Việt Nam thường nói, bị dội gáo nước lạnh lên đầu. Như vậy tôi hiểu từ nay Hoa Kỳ sẽ coi vấn đề Dân chủ, Nhân quyền là thứ yếu trong chính sách ngoại giao, và vấn đề kinh tế, thương mại tức vấn đề làm ăn được đặt lên hàng đầu. Điều chúng tôi quan ngại là lời tuyên bố trên đây của bà Ngoại Trưởng Hillary Clinton không những rất bất lợi đối với những nhà đang tranh đấu cho nhân quyền, dân chủ ở Trung Quốc mà còn rất tai hại cho những người đang cố gắng hết sức mình bất chấp khó khăn, tù ngục, đọa đày, ngay cả mạng sống, đấu tranh để vứt bỏ gông cùm xiềng xích của các chế độ độc tài toàn trị, độc tài quân phiệt ở Việt Nam, Tây Tạng và Miến Điện. Bởi vì bản chất các chế độ độc tài ở đâu cũng giống nhau. Rồi đây các chính quyền phi pháp, tàn bạo ở các nước nói trên sẽ thẳng tay đàn áp, bắt bớ, bỏ tù những người đấu tranh đòi quyền sống, quyền làm người, tự do, dân chủ và công bằng xã hội. Vì chẳng còn chướng ngại nào trên con đường áp bức của họ.

Ỷ Lan: Bạch Hòa Thượng, bà Katia Benneth phản ứng ra sao trước lời phê bình của Hòa thượng?

HT Quảng Độ: Sau đó thì bà Bennet cũng có cố gắng biện minh. Bà nói rằng là ở Bắc Kinh bà ấy cũng có nói như thế, tuyên bố như thế. Nhưng mà trong các cuộc họp riêng tư, các cuộc phỏng vấn, bà vẫn cứ đặt vấn đề dân chủ, nhân quyền hàng đầu. Đó là chính sách của Hoa Kỳ, chính sách truyền thống của Hoa Kỳ. Và nhất là bà đưa bản Tường trình về Nhân quyền trên toàn thế giới trong ấy có Việt Nam của Bộ Ngoại giao mới phát hành hôm qua hôm kia gì đó. Bà có nói để chứng minh rằng trước sau như một, Hoa Kỳ vẫn lấy vấn đề dân chủ và nhân quyền làm căn bản. Trong chính sách ngoại giao thì tôi cũng hiểu bà cố nói để biện minh vậy thôi. Chứ còn không thể nào làm hơn.

Nhưng tôi có nói với bà, tôi thưa thật tôi thấy vấn đề ấy nó hơi quan trọng liên quan đến người Việt Nam chúng tôi, cho nên tôi nói thế thôi. Chứ thực ra tôi cũng ý thức rằng, vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự người Việt Nam chúng tôi phải lo lấy. Còn sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, của Liên Âu, bất cứ gì ở bên ngoài, đó chỉ là phụ thôi. Theo nhà Phật cái nhân là chính, cái duyên là phụ. Tuy nhiên cái phụ cần phải có thì cái chính, cái nhân mới phát triển được. Chẳng hạn hạt thóc mà vứt xuống ruộng thì cũng phải nhờ gió, nhờ nước, nhờ đất tốt thì nó phát triển. Thì chúng tôi cũng vậy, nhân quyền thì chúng tôi tranh đấu, đòi hỏi. Nhưng dưới chế độ độc tài toàn trị thế này rất là khó khăn. Nếu không có sự hỗ trợ truyền thông bên ngoài thì không ai biết đến.

 

Do đó chúng tôi hy vọng ở Hoa Kỳ nói riêng, và các nước dân chủ tiên tiến nói chung trên thế giới, nhất là Liên Âu, hỗ trợ chúng tôi. Tôi có nói an ủi bà như thế, chứ bà cũng tỏ ra buồn, vì bà Ngoại Trưởng đã phát biểu rồi. Người Việt Nam thì nói sẩy chân còn đỡ được, sẩy miệng khó đỡ lắm! Cổ nhân Việt Nam hay là Trung Quốc ngày xưa cũng thế, trước khi nói phải uốn lưỡi ba lần mới nói là vì thế.

TUYÊN BỐ CỦA BÀ HILLARY CLINTON

Trước khi lên máy bay từ Seoul đi Bắc Kinh hôm 20.2.2009, Bà Hillary Clinton nói:

”Các chính quyền Mỹ liên tiếp cũng như các chính phủ Trung Quốc đều bị vấn đề nhân quyền khuấy động. Chúng ta cần phải tiếp tục gây áp lực. Thế nhưng không nên để điều này chi phối các cuộc thảo luận về cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, về biến đổi khí hậu và về an ninh".

Đài RFI của Pháp ngày 23.2.2009 có phổ biến một bài dưới đầu đề “Ưu tiên cho kinh tế, ngoại trưởng Mỹ quên hồ sơ nhân quyền”, tường thuật lại một bài báo trên tờ Libération của Pháp dưới hàng tựa «Bà Clinton tán tỉnh Bắc Kinh», nhấn mạnh rằng Washington mải lo cho món nợ của mình đã «quên mất» hồ sơ nhân quyền. Tờ Le Figaro cũng nói đến một bà Hallary Clinton ra sức quyến rũ Trung Quốc và đã gạt qua một bên vấn đề nhân quyền để có thể đẩy mạnh, một cách hữu hiệu hơn, sự hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia.

Trong bài “Hoa Kỳ chỉ trích TQ về nhân quyền” phổ biến ngày 26.2.2009, đài BBC tường thuật rằng trong chuyến thăm của bà Clinton tới Trung Quốc, một số nhân vật hoạt động cho nhân quyền đã chỉ trích bà khi người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ không nêu “vấn đề nhân quyền” với giới chức Trung Quốc.

Tuy nhiên nữ Bộ Trưởng Ngoại Giao Mỹ nói rằng bà có các buổi trao đổi ý kiến thẳng thắn với người đương nhiệm phía Trung Quốc. Báo cáo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói năm 2008 giới chức Trung Quốc đã thực hiện các vụ “giết người không nêu lý do, tra tấn, ép cung tù nhân, và dùng lao động cưỡng bức.” Đàn áp về văn hóa và tôn giáo trở nên tồi tệ hơn, xảy ra chủ yếu tại vùng Tân Cương có đông người Hồi giáo sinh sống. Và vùng Tây Tạng.

Bài tường thuật nói rằng Hoa Kỳ cần tiếp tục chính sách ngoại giao mạnh mẽ, vừa lên tiếng trước các vụ vi phạm nhân quyền, vừa yêu cầu hành động.

ĐỐI DIỆN VỚI SỰ THẬT

Vấn đề liên hệ giữa GHPGVNTN và Đảng CSVN và sau đó “cuộc chiến” kéo dài giữa hai bên, chúng tôi đã viết khá nhiều và đầy đủ. Hôm nay chúng tôi chỉ đề cập đến chính sách của Hoa Kỳ đối với vấn đề dân chủ và nhân quyền.

Thật ra, việc tố cáo chính sách của Hoa Kỳ về dân chủ và nhân quyền không phải là một chuyện mới mẻ gì. Trong gần 20 năm qua, kể từ khi chiến tranh lạnh chấm dứt và Hoa Kỳ bắt đầu áp dụng chiến thuật “diễn biến hoà bình”, các nhà tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền, các nhà phân tích, các dân biểu và nghị sĩ Hoa Kỳ… đã nhiều lần nêu lên vấn đề mà Hoà Thượng Quảng Độ đã đề cập đến. Chúng tôi cũng đã nhiều lần nói rõ về vấn đề này, nhất là trong các bài “Đừng quên Anh Hai”, “Lại chuyện Anh Hai”, “Anh Hai Cán Bộ”, v.v. Nhưng đa số người Việt chống cộng ở hải ngoại vẫn tưởng rằng Hoa Kỳ đang ở trong thời kỳ chiến tranh lạnh, sẽ dùng dân chủ và nhân quyền để đánh sập chế độ cộng sản Việt Nam hiện tại, lời phê phán của Hoà Thượng Quảng Độ một lần nữa đòi hỏi chúng ta phải đối diện với sự thật. Đây là một vấn đề không đơn giản.

1.- Sự thật phủ phàng

Chúng ta nhớ lại, sau khi Thứ Trưởng Ngoại Giao Mỹ Eric G. John thăm Hòa Thượng Thích Quảng Độ tại Việt Nam hôm 12.4.2007, thông tín viên Matt Steinglass của đài VOA đã tường thuật lại lời tuyên bố của ông ta như sau:

“Tôi không bị hạn chế dưới bất cứ hình thức nào khi đi gặp ông Thích Quảng Độ. Cơ bản là chúng tôi đã lái xe thẳng vào khuôn viên thiền viện.”

“Các nhà ngoại giao Hoa Kỳ đồng ý rằng tự do tôn giáo ở Việt Nam không hoàn chỉnh. Theo luật, mọi tổ chức tôn giáo phải đăng ký với nhà nước. Nhưng đối với đa số người Việt, Việt Nam đang được tự do tôn giáo nhiều hơn…”

Ông nói tiếp: "Chúng ta đã thấy các biến chuyển đáng kể. Tôi nghĩ rằng là có tiến bộ về tự do tôn giáo ở Việt Nam".

Ông cho biết: “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục khuyến cáo Việt Nam cho phép có tự do tôn giáo nhiều hơn. Nhưng, Hoa Kỳ sẽ không quan tâm đến lời kêu gọi của Hòa Thượng Thích Quảng Độ đề nghị dùng thương mại như một cái cần để thúc đẩy Cộng sản Việt Nam cởi mở hơn về các vấn đề nhân quyền.”

Sau đó, thông tín viên Matt Steinglass còn đá giò lái GHPGVNTN: “Giáo hội được thành lập ở Nam Việt Nam vào năm 1964. Khi đó, giáo hội phản đối Hoa Kỳ can dự vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam và đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình lớn chống Mỹ.”

Tuy nhiên, bảo rằng Hoa Kỳ quan tâm đến vấn đề thương mại hơn vấn đề dân chủ và nhân quyền cũng không hoàn toàn đúng vì hai vấn đề thường đi song song với nhau. Thỉnh thoảng Hoa Kỳ đã dùng chiêu bài dân chủ và nhân quyền để làm áp lực về thương mại đối với nước đối tác, nhưng Hoa Kỳ cũng chủ trương xây dựng dần dần dân chủ và nhân quyền ở quốc gia đối tác để hổ trợ cho việc phát triển kinh doanh.

2.- Chấp nhận “mô thức xám xập”

Tưởng cần nhắc lại: Bà cựu Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Condoleeza Rice đã từng thúc giục cả Miền Điện lẫn Bắc Hàn noi gương Việt Nam (The American Secretary of State, Condoleezza Rice urged Burma and North Korea to follow the example set by Vietnam). Hôm 27.11.2007, ông Ibrahim Gambari, Đại Sứ Đặc Mệnh Toàn Quyền của Liên Hiệp Quốc lại thúc giục Việt Nam tiếp tay trong các nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại Miến Điện! Sau đó, trong cuộc viếng thăm Hà Nội ngày 3.3.2008, Trợ Lý Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Christopher Hill lại tuyên bố Bắc Hàn và nhiều nước khác có thể học nhiều bài học quý giá từ Việt Nam. Ông nói:

"Tôi không rõ Bắc Triều Tiên có hỏi kinh nghiệm của Việt Nam hay không, nhất là kinh nghiệm phát triển kinh tế. Thế nhưng tôi rất mong họ hỏi câu hỏi đó vì trong 5 năm gần đây Việt Nam đã có những tiến triển thần kỳ."

Như chúng tôi đã nói, sở dĩ các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ thúc giục Miến Điện và Bắc Hàn nói gương (example) của Việt Nam vì theo họ Việt Nam đã hội đủ ba yếu tố sau đây để có thể giao thương bền vững: (1) Đoạn tuyệt với quá khứ, (2) ổn định tình hình và (3) phát triển kinh tế.

Khi muốn lập quan hệ thương mại với bất cứ nước nào, Hoa Kỳ thường làm áp lực đòi nước đó phải nới rộng dân chủ và nhân quyền đến mức nào đó để việc giao thương có thể phát triển được.

Các nhà phân tích cho rằng trong một nước chậm tiến, trình độ dân trí còn thấp, một chế độ độc tài theo “mô thức xám xập”, tức 30% dân chủ và 70% độc tài, chế độc đó có thể tồn tại được. Trái lại, nếu tiến tới “mô thức ứng xập”, tức 50% độc tài và 50% dân chủ, tình trạng bất ồn rất dễ xẩy ra và chế độ đó sớm muộn gì rồi cũng sụp đổ. Cộng Sản Trung Quốc và Việt Nam biết rất rõ điều đó, nên để bảo vệ chế độ, họ không bao giờ cho phép vượt qua “mô thức xám xập”, dù bị áp lực.

Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy nhà cầm quyền CSVN tìm mọi cách để phân hoá hay ngăn chận không cho GHPGVNTH hoạt động ở trong nước vì sợ giáo hội này sẽ gây bất ổn cho chế độ như dưới thời VNCH.

Hôm 9.3.2009, trong bài diễn văn đọc tại phiên họp của Quốc Hội Nhân Dân Trung Quốc, ông Ngô Bang Quốc, Chủ Tịch Quốc Hội, tuyên bố:

"Chúng ta phải học hỏi từ thành công của tất cả các nền văn hóa. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không bao giờ đơn giản chỉ đi sao chép hệ thống của các nước phương Tây hay đưa ra một hệ thống đa đảng luân phiên nắm quyền".

Chắc chắn các nhà đầu tư sẽ không bao giờ đầu tư vào một quốc gia sáng đình công, chiều biểu tình, ngày hôm sau đảo chánh… như tình trạng của miền Nam Việt Nam sau năm 1963. Các nhà kinh tế nói rằng đầu tư vào một tình trạng như thế chẳng khác chi “chùm hai chân nhảy vào bóng tối”.

Trong thực tế rõ ràng là Hoa Kỳ đã đồng ý “mô thức xám xập” có thể giúp cho việc phát triển kinh doanh ổn định, nên đã biện hộ cho cả Đảng Cộng Sản Trung Quốc lẫn Việt Nam, và kêu gọi Bắc Hàn và Miến Điện noi gương Việt Nam.

Cũng vì chấp nhận “mô thức xám xập”, các cường quốc đang đổ khá nhiều tiền của vào Việt Nam với hy vọng biến Việt Nam thành một đầu cầu phát triển kinh doanh ở Đông Nam Á. Họ tiếp tục tăng viện trợ ODA (Official Development Assistance), tức viện trợ phát triển cho Việt Nam, và đẩy mạnh các chương trình xây dựng hạ tầng.

Vốn ODA dành cho Việt Nam liên tục tăng lên, từ 4,45 tỷ USD cam kết cho năm 2007 lên 5,426 tỷ USD cho 2008. Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB) đứng đầu danh sách các tổ chức tài trợ cho Việt Nam, với 1,35 tỷ USD, chiếm 25% tổng số cam kết năm 2008. Chiều 5.12.2008 mức cam kết ODA được nhóm các nhà tài trợ quốc tế quyết định dành cho Việt Nam trong năm 2009 là 5,014 tỷ USD, thấp hơn mức cam kết năm 2008 là 8%, vì tình hình kinh tế thế giới đang suy thoái, nhưng như thế cũng là quá nhiều.

Với Nhật Bản, mặc đầu có vụ PCI, Nhật đã cam kết dành 83 tỷ 200 triệu Yen, tương đương với 900 USD, cho chương trình trợ giúp Việt Nam phát triển. Sự kiện này đã làm Nhật trở thành nước cấp viện trợ nhiều nhất cho Việt Nam.

Hoa Kỳ và các cường quốc cũng đang thúc đẩy và giúp Việt Nam hoàn tất đường xe lửa cao tốc xuyên Việt và xuyên Á để có thể mở rộng kinh doanh. Chỉ riêng tuyến đường sắt cao tốc nối Hà Nội với Sài Gòn dài 1600km đã tốn đến 40 tỉ USD, tương đương GDP của Việt Nam trong một năm.

Phương án thiết kế đoạn đường sắt từ ga Sài Gòn đến Lộc Ninh, biên giới Cambodia, dài 140 km trong tuyến đường sắt xuyên Á với phí tổn được dự trù là 438 triệu USD. Tuyến đường sắt xuyên Á này dài 5.500km, bắt đầu từ Côn Minh, Trung Quốc, chạy qua Việt Nam, Cam Bốt, Lào, Miến Điện, Thái Lan, Mã Lai Á và ga cuối cùng ở Singapore. Tuyến đường này do Mã Lai Á khởi xướng vào năm 1995 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2015.

Nhìn những công trình mà Hoa Kỳ và các cường quốc đang thực hiện ở Việt Nam, chúng ta có thể tin rằng họ đang tính chuyện làm ăn lâu dài với Việt Nam. Nhật Bổn đã viện trợ cho Việt Nam nhiều nhất nhằm ưu tiên chiếm lãnh thị trường tại đây trong tương lai.

DÂN CHỦ PHỤC VỤ KINH DOANH

Khi tạm thời chấp nhận một “mô thức xám xập” như đã nói trên, không có nghĩa là Hoa Kỳ và các cường quốc muốn duy trì mãi tình trạng đó. Họ sẽ dùng “diễn biến hoà bình” để làm thăng tiến chế độ, giúp cho việc kinh doanh ngày càng mở rộng.

Muốn thăng tiến chế độ, công việc đầu tiên là nâng cao dần cuộc sống và dân trí của người dân trong nước lên. Nếu mức sống và dân trí như hiện nay còn được tiếp tục duy trì, rất khó thoát ra khỏi “mô thức xám xập”.

Trong vụ nhà cầm quyền Việt Nam định khai thác mỏ bauxite ở Cao Nguyên, đài BBC đã phỏng vấn thầy giáo Y Long, một thầy giáo dạy cấp ba duy nhất người M’Nong ở tỉnh Đắk Nông, nơi dự án bauxite sẽ được thực hiện. Theo thầy Y Long người M’Nong chiếm gần 40% dân số Đắk Nông (tổng số dân trong tỉnh khoảng 500.000 người) và sống trên 90% diện tích đất đai của tỉnh. Người M’Nong không mặn mà lắm đối với những cái lợi do việc khai thác bauxite sẽ đem lại. Hiện nay việc đào tạo kỹ sư rồi đào tạo nhân lực chuẩn bị cho việc khai thác quặng bauxite thì người địa phương bản địa không hề biết gì hết. Người địa phương cũng khó có thể cạnh tranh trong việc kinh doanh thương mại phục vụ cho công trình khai thác vì họ quá nghèo và kinh tế thị trường vẫn còn là điều xa lạ đối với họ. Có hộ thu nhập hàng tháng chỉ tính bằng vài chục đô, có hộ không đủ gạo để ăn. Với họ, tốt nhất là không nên làm.

Tại Hà Nội, người ta mới khám phá ra xứ Quèn Gianh – Gò Mu thuộc huyện Mỹ Đức, cách trung tâm Hà Nội chỉ hơn 50 km về phía tây nam, chỉ có 2 học sinh lớp 6 là cao nhất, 3 học sinh lớp 5, 4 học sinh lớp 3 và lớp 1!

Với mức sống và trình độ dân trí như thế, dân chủ và nhân quyền đối với họ chẳng có một ý nghĩa gì cả.

Các cường quốc tin rằng khi cuộc sống và dân trí của người dân ngày càng được nâng cao, nền dân chủ sẽ được phát triển từ từ trong ổn định, và sự kiện này sẽ giúp cho việc phát triển kinh doanh của họ ngày càng tốt đẹp hơn.

Liên Hiệp Quốc và các cường quốc đã thiết lập kế hoạch kiến tạo “xã hội dân sự” ở Việt Nam qua từng giai đoạn. Họ tính cả việc xử dụng các đoàn thể quần chúng do Đảng CSVN lập ra.
Biết được điều này, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy nhân dịp lễ Vesak Nhà Nước được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 5 năm 2008, ngày 28.5.2008, ông Judd Birdsall – Văn Phòng Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế – Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, đã tới thăm và làm việc tại Văn Phòng I Trung Ương GHPGVN, tức Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước. Tại cuộc gặp gỡ, ông Judd Birdsall đã bày tỏ sự cảm kích và ngưỡng mộ đối với GHPGVN qua việc tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2008 trong thời gian qua. Ông mong muốn GHPGVN ngày càng phát triển hưng thịnh, giúp xã hội được thịnh vượng và hạnh phúc.

Mới nhìn qua, chúng ta cho rằng Hoa Kỳ đang chơi trò bắt cá hai tay, nhưng nhìn vào chương trình phát triển “xã hội dân sự” ở Việt Nam, chúng ta thấy Hoa Kỳ và các cường quốc đang thực hiện chiến dịch “diễn biến hoà bình”.

Đại Sứ Hoa Kỳ Michael Michalak đã từng nói: “Hai mươi năm sau, chúng ta sẽ không nói Mỹ đã vào Việt Nam để kiếm tiền, mà chúng ta sẽ nói rằng hơn 75% thành phần Nội Các Việt Nam là những người đã du học Mỹ." Còn ông Aloisi, Phó Đại Sứ Hoa Kỳ tiên đoán: “Việt Nam có thể ở trong lộ trình của chế độ dân chủ đa đảng trong 15 hay 20 năm tới”!

Các nhà phân tích cho rằng sự ước tính của ông Aloisi hơi quá lạc quan.

Trước đây, Đại Hàn và Đài Loan là hai nước chống cộng hàng đầu ở Á Châu, luôn sát cánh với VNCH. Nhưng khi Hoa Kỳ từ bỏ chiến tranh lạnh và thay thế bằng chiến dịch “diễn biến hoà bình”, cả hai nước này đã đi theo, và có khi còn qua mặt Hoa Kỳ, nhờ vậy hai nước này đã biến thành hai con rồng Á Châu.

Các nhà phân tích lưu ý rằng cái gạnh nối giữa phát triển kinh tế và dân chủ không phải luôn luôn là điều tất yếu. Nhiều chế độ độc tài cho thấy rằng họ có thể làm cho đất nước phát triển kinh tế nhưng vẫn dìm được dân chủ. Trường hợp của Trung Quốc là một thí dụ điển hình. Nhưng các chuyên gia Mỹ tin tưởng rằng thế hệ tới do họ đào tạo sẽ làm thay đổi.

VAI TRÒ CỦA TRUYỀN THÔNG

Trong bất cứ chế độ nào, kể cả tại Hoa Kỳ, lúc nào cũng cần có những ý kiến khác biệt được đưa ra để thúc đẩy chế độ phải xét lại các chủ trương và hành động của mình, nhận ra những sai lầm và sửa chữa. Khi tiếng nói ở trong nước bị giới hạn, tiếng nói từ bên ngoài rất cần thiết.

Nhưng điều quan trọng là phải nghiên cứu tường tận những vấn đề muốn chỉ trích hay góp ý để có thể điểm trúng “huyệt” mới có tác dụng. Nếu chỉ đánh khơi khơi, đánh dựa trên hư cấu, lập luận một chiều hay chỉ đánh để thỏa mãn lòng thù hận…, chắc chắn sẽ không có tác dụng gì.

Hiện nay có ba cơ quan truyền thông Việt ngữ quốc tế đã đóng góp rất nhiều vào việc làm thay đổi lối suy tư và hành động của người dân trong nước, kể cả các đảng viên và viên chức chính quyền, đó là đài BBC, đài RFI và đài RFA. Những cơ quan này đã dùng những tin tức chính xác và những quan điểm khác nhau của các chuyên gia để giúp người dân cũng như chính quyền trong nước suy nghĩ về những gì đã hay đang xẩy ra. Chúng tôi tin rằng đây là một phương cách tốt để nâng cao dân trí và đổi mới đất nước.

Lữ Giang
(10.3.2009)

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.