Uncategorized

Trách nhiệm giáo dục con cái

“Nhờ bí tích Hôn nhân, sứ mạng giáo dục được nâng lên hàng phẩm giá và ơn gọi của một thừa tác vụ đích thực trong Hội thánh để phục vụ việc xây dựng các chi thể của Hội thánh.”
 

“Nhờ bí tích Hôn nhân, sứ mạng giáo dục được nâng lên hàng phẩm giá và ơn gọi của một thừa tác vụ đích thực trong Hội thánh để phục vụ việc xây dựng các chi thể của Hội thánh.”
 

I. Tại sao cha mẹ có trách nhiệm giáo dục con cái?

 

Nếu bạn nghĩ như vậy thì xin chúc mừng, vì bạn là những người cha, người mẹ đáng kính. Nhưng thật đau lòng khi ta nghe đâu đó thốt lên câu: Trời sinh voi, sinh cỏ.

 

Cần gì phải lo lắng, giáo dục, chúng sẽ tự khôn, tự lớn. Ngày trước mình còn nhỏ ổng bả vẫn sáng đi làm, tối thui mới về, có dạy bảo mình gì đâu. Chắc có lẽ tư tưởng đó ít nhiều vẫn còn tồn tại. Nên ngày nay chúng ta thấy trẻ em phạm pháp ngày càng nhiều, trẻ em làm nô lệ tình dục xuyên biên giới rất đông, trẻ lang thang bụi đời đếm không xuể, trẻ em dính vào các tệ nạn xã hội (xì ke, ma túy …) rất nhiều.

 

Xã hội và Giáo hội đã có cái nhìn thế nào đối với trách nhiệm giáo dục con cái. Về phía Giáo hội, ngay từ buổi bình minh của đời sống hôn nhân, các bạn đã được Giáo hội tin tưởng, trao phó một trách nhiệm “trồng người” và vun xới để con cái chúng ta trở nên những tín hữu cách sung mãn.

 

Tông huấn về gia đình coi sứ mạng giáo dục con cái như một “thừa tác vụ” trong Hội thánh: “Nhờ bí tích Hôn nhân, sứ mạng giáo dục được nâng lên hàng phẩm giá và ơn gọi của một thừa tác vụ đích thực trong Hội thánh để phục vụ việc xây dựng các chi thể của Hội thánh.”

 

Công đồng Vatican II trong “Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo” đã xác định vai trò quan trọng của các bậc làm cha mẹ trong việc giáo dục con cái: “Vì là người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ phải có bổn phận hết sức quan trọng là giáo dục chúng và vì thế họ được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng.” (GD.3).

 

Từ những nhận định trên, chúng ta thấy trách nhiệm giáo dục con cái thật là nghĩa vụ thiêng liêng, cao trọng. Bởi vì chúng ta đang được tham gia vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa, thông phần chia sẻ sứ mạng làm Cha của Ngài. Và bí tích Hôn phối là bí tích thánh hiến vợ chồng để lo việc giáo dục Kitô giáo đích thực cho con cái.

 

Về khía cạnh xã hội, người ta thường nói: “Con dại, cái mang” để nói lên tầm quan trọng, trách nhiệm nặng nề của các bậc làm cha mẹ. Người làm cha, làm mẹ nào không sung sướng, hạnh phúc, vinh dự khi thấy con cái thành đạt nên người. Ngược lại, là một sự ê chề đau khổ, thất vọng, buồn tủi và cả xỉ nhục nữa. Đúng là có một đứa con tốt là kho tàng vô giá quý hơn tất cả các kho tàng trên trái đất này.

 

Hơn nữa, gia đình còn là chiếc nôi, là trường học đầu đời … để giáo dục con cái. Bạn có bao giờ nghe nói: trẻ em về cơ bản, các thuộc tính tâm lý (tính tình, cá tính) đã được hình thành khi trẻ bước vào 5 tuổi? Như vậy, trong những năm tháng đầu đời đó, trẻ được sống và gần gủi với ai nhất, nếu trẻ hư hỏng, chúng ta đổ lỗi cho ai đây!

 

Xin mượn câu Kinh Thánh Ephêsô 6,4 để kết luận: “Những bậc làm cha mẹ đừng làm con cái tức giận. Hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy.”

 

II. Vậy giáo dục ở những lãnh vực nào?

 

1. Tôn giáo

 

Tôn giáo đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách của trẻ. Vì vậy giáo lý Công giáo, từ khai tâm cho đến hôn nhân, được chia thành nhiều giai đoạn trải dọc suốt quá trình phát triển từ tuổi thơ đến tuổi trưởng thành. Nhưng việc học giáo lý sẽ không hiệu quả, nếu nền tảng giáo lý ấy không được cụ thể hóa trong nếp sinh hoạt của gia đình. Học mà không hành thì nó chỉ là lý thuyết suông. Giáo lý sẽ không còn là nền tảng đạo đức cho trẻ mà trở thành một học thuyết cao siêu, xa rời thực tế. Ơû đây chúng ta không còn gọi là trách nhiệm giáo dục nữa mà là quyền được giáo dục con cái trong đức tin. Chúng ta nên giáo dục con cái chúng ta theo gương của gia đình Nazaret, như trong Luca 2,39-40 nêu rõ: “Khi ông bà đã làm xong mọi việc như luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là Nazaret, miền Galilê. Còn Hài nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.” Như vậy, đời sống gia đình là nơi thể hiện cho con cái thấy rõ hồng ân đức tin mà mình đã được lãnh nhận. Cha mẹ có bổn phận giới thiệu cho con cái tất cả những gì cần thiết cho nhân cách từng bước trưởng thành theo quan điểm Kitô giáo. Nơi gia đình Tin Mừng phải trở thành con đường dẫn tới niềm tin. Và một cách nào đó là trường huấn luyện những hạt giống làm môn đệ Chúa Kitô.

 

2. Giáo dục tinh thần

 

Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể cường tráng, là điều mà bậc làm cha mẹ nào cũng mong ước cho con mình. Như vậy trong giáo dục tinh thần bao gồm giáo dục tâm lý và thể lý cho con cái. Trong giáo dục tinh thần thì đòi hỏi là các bậc làm cha mẹ phải hiểu được quá trình phát triển của trẻ. Nhưng trong quá trình đó, sự phát triển giới tính có vị trí quan trọng. Nên ở giai đoạn dậy thì, các bậc làm cha, mẹ mới thảng thốt giật mình: sao kỳ vậy, mới ngày nào nó ngoan lắm, lúc nào cũng quấn quýt bên cha, bên mẹ mà sao bây giờ nó coi bạn bè nó quan trọng hơn chúng ta, nó ngày một bướng, không chịu nghe lời ai cả. Đây là điều thường tình thôi. Chúng ta cũng đã có một thời như thế mà chúng ta đâu có nhớ. Giáo dục tinh thần cũng có nghĩa là giúp con cái có một thân thể khỏe mạnh, tráng kiện bằng việc: dạy chúng giữ vệ sinh cá nhân, hít thở không khí trong lành, ăn uống, ngủ nghỉ chừng mực, vận động thể dục thể thao, siêng năng lao động, biết ngừa bệnh tật, biết tránh những thứ độc hại cho sức khỏe: thuốc lá, rượu chè, cờ bạc.

 

Cha mẹ cần khôn khéo dạy cho con cái những biến chuyển về sinh lý nơi con trai, con gái; về ứng xử trong tình bạn, tình yêu, đời sống gia đình, về sinh sản … có thể nói giáo dục tinh thần thì giáo dục giới tính rất quan trọng, là giáo dục ở cả ba mặt: tâm lý, sinh lý và xã hội. Tức là giáo dục cho con cái một lối sống, cách cư xử đúng với vai trò giới của mình, chứ không hạn hẹp như có người từng nghĩ là chỉ vấn đề về sinh lý. Như vậy, tùy thuộc vào hình thái xã hội chúng ta đang sống để giáo dục những phẩm giá, đức hạnh cho đúng.

 

Nói tóm lại, giáo dục tinh thần trong đó bao gồm giáo dục thể chất và giáo dục giới tính.

 

3. Giáo dục trí tuệ

 

Để có thể phát triển trí tuệ tối ưu, các bậc cha mẹ phải giúp con cái trong việc chọn lựa hứng thú tinh thần. Hay nói khác hơn đó là sở thích và năng khiếu bẩm sinh mà các em chiếm ưu thế nhất. Nếu đó là hứng thú tinh thần lành mạnh, hợp văn hóa, hợp thời đại thì các bậc làm cha mẹ nên nâng đỡ, bồi đắp cho chúng phát triển tối đa.

 

Giáo dục trí tuệ là mở mang trí óc, trau dồi kiến thức cho con cái. Chúng chỉ tiếp thu say mê khi chúng có hứng thú, có động cơ chiếm lĩnh.

 

Giáo dục trí tuệ phải quan tâm đến sự phát triển cả về tâm, sinh lý và xã hội. Đừng bắt ép trẻ thái quá theo thiển ý của cha mẹ, bạn sẽ tạo ra những “cỗ máy” hơn là một người toàn diện.

 

+ Ở thời kỳ trẻ chưa đi học: (trước 7 tuổi) cha mẹ phải khôn khéo trả lời những thắc mắc của chúng cách hợp lý, thành thật. Dạy cho chúng biết đại cương về những điều thông thường như muôn vật, thiên nhiên, sinh hoạt gia đình … Ơû tuổi này trẻ thường tự hào khoe với bạn bè rằng: ba bạn (mẹ bạn) nói như thế này, nói như thế kia. Ta thấy sự tin tưởng mà trẻ dành cho chúng ta lớn biết chừng nào.

 

+ Thời kỳ đi học: Khuyến khích và tạo điều kiện cho con cái học tập. Liên hệ chặt chẽ với nhà trường, theo dỏi bài vở, chỉ cho chúng đón nhận những điều hay, điều tốt và loại bỏ những điều tệ hại. Kiểm tra bài vở và hướng cho trẻ nên đọc những sách báo nào và có điều kiện hãy “tranh luận” nhẹ với trẻ về vấn đề sách báo đưa ra, để hiểu nhận thức của trẻ cũng như giúp trẻ tìm tòi, khám phá, nhận xét vấn đề.

 

+ Thời kỳ không đi học nữa: Giúp con cái tự học bằng việc đọc sách vở, nghiên cứu, tự học bằng cách thu thập kinh nghiệm trong đời sống, trong sinh hoạt, trong nghề nghiệp … Nhưng ở bất kỳ giai đoạn nào thì cha mẹ phải làm sao cho con cái thấy mình là người bạn, người đồng hành với chúng.

 

4. Giáo dục tính nhân bản

 

Tính nhân bản là những qui tắc ứng xử hằng ngày, sao cho đúng, cho hợp với lẽ phải mà số đông quan niệm. Như vậy ở đây đòi hỏi một sự cố gắng nên phải rèn luyện thì con trẻ mới có được.

 

– Ý chí cương quyết: Cương quyết thực hiện một việc khi biết việc đó là tốt, là có ích. Kiên quyết loại bỏ những việc xấu. Tập thắng vượt những khó khăn, cám dỗ. Không nản lòng, thất vọng, phàn nàn trước những thử thách, thất bại. Đây là một nhân tố cơ bản giúp cho con người thành công, đạt được những mục tiêu đã đặt ra.

 

– Bên cạnh đó phải giáo dục cho con trẻ biết lịch thiệp, nói năng xử thế tốt đẹp với mọi người. Biết kính trọng người trên, nhường nhịn người dưới. Tránh thô lỗ, cộc cằn để được mọi người yêu mến và có nhiều bạn bè tốt.

 

– Nhân ái yêu thương, biết thành thật không gian dối mưu mô, biết chấp hành luật pháp, có xã hội tính.

 

Rất nhiều điều bổn phận làm cha mẹ phải chú ý dạy bảo con cái. Nhưng đây xin trình bày bốn mảng cơ bản để các bạn có thể tham khảo. Chúng tôi luôn mong muốn được đóng góp vào sự phát triển toàn diện của con cái bạn.

 

Giáo dục con cái là một nghệ thuật, cho nên các bậc làm cha mẹ muốn giáo dục thành công, thì ngoài kiến thức về gia đình, về quá trình phát triển, tâm lý của trẻ, vẫn phải có một phương pháp hay còn gọi là nghệ thuật giáo dục.

 

 

III. Giáo dục bằng cách nào?

 

Có lẽ tùy hoàn cảnh, điều kiện … mà mỗi gia đình có một cách tổ chức giáo dục con cái khác nhau. Nhưng dù ở hình thức nào thì cũng có một số điểm chung để việc giáo dục thành công:

 

– Uy tín của cha mẹ: Uy tín khác với quyền lực hay uy quyền. Uy tín để đảm bảo rằng, con cái chúng ta luôn tin tưởng vào sự khôn ngoan của cha mẹ là người biết tất cả, là người đáng kính. Đừng bao giờ để con cái thốt lên: ông bà cãi nhau suốt ngày mà bảo chúng tôi yêu thương nhau sao? Con cái là người chưa đủ lớn, chớ không phải là “con nít.” Mà đã là người thì chúng cần được tôn trọng, từ được tôn trọng chúng sẽ tôn trọng và ta tạo được uy tín với chúng.

 

– Bên cạnh uy tín cha mẹ phải là tấm gương phản chiếu những điều chúng ta đã dạy bảo. Có một câu rất hay: Con cái chúng ta sẽ bịt tai lại trước những gì chúng ta nói, nhưng chúng sẽ sáng mắt trước những việc chúng ta làm. Qua câu nói xúc tích đó đã đủ nói lên tất cả những giá trị mà chúng ta đã làm: lời nói, cách cư xử với người xung quanh, cách vợ chồng đối đãi với nhau … trẻ học được tất cả từ trường học đầu đời này. Các bậc làm cha mẹ nên quên dùng câu đại loại: con phải như thế này, con phải như thế kia. Những lời đó sẽ dễ gây phản tác dụng, làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ. Nhiều em nhỏ có thái độ cứng đầu, cố chấp trong gia đình, bỏ nhà đi bụi … vì: cha mẹ cứ nhắc nhở đủ điều, cứ coi như trẻ con, làm cái gì cũng bị ngăn cản … Trong thâm tâm các em nghĩ việc cha mẹ ghét bỏ, hay thương đứa này hơn đứa khác, cố ý trù dập con cái … và chúng quyết định nổi loạn cho bõ tức. Vì không am hiểu phương pháp giáo dục, nên có nhiều trường hợp, khi mọi sự “đã rồi” thì cha mẹ mới biết, mà những lúc như thế thì người làm cha mẹ không tin là con cái mình như thế. Vì hàng ngày chúng ở nhà tỏ ra rất ngoan ngoãn. Nhưng đâu ai biết ẩn chứa trong đó là một thái độ ngấm ngầm chống đối, có khi là xem thường bố mẹ. Chỉ dạ, vâng cho qua chuyện, chứ những việc làm, những lời nói của cha mẹ chẳng có ý nghĩa gì.

 

– Uy tín và gương sáng là nền tảng căn bản của tất cả phương pháp giáo dục con cái. Hơn nữa, các bậc làm cha mẹ chỉ hiểu được điều này thật sự khi con cái sống trong một gia đình mà bố mẹ con cái yêu thương nhau. Như sáng kiến của một số người khi giải nghĩa từ FAMILY = FATHER AND MOTHER I LOVE YOU (bố mẹ, con yêu bố mẹ). Đây có thể là một cách lý giải ngẫu nhiên, tình cờ, nhưng nó nói lên khát vọng sống được yêu thương mà đứa con nào trong gia đình cũng ao ước, khao khát. Thật sự thì chúng phải được điều đó, như là món quà vô giá trong cuộc đời của trẻ, và sau này từ căn bản đó trẻ tiếp tục xây dựng cuộc sống gia đình của mình như thế. Vì khoảnh khắc hay giai đoạn hạnh phúc nào cũng sẽ đi sâu vào tiềm thức của con người, con người luôn có xu hướng hoài niệm và muốn sống lại những giây phút ấy.

 

– Trong giáo dục, các bạn đôi khi rơi vào tình trạng: “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược,” đừng bao giờ để rơi vào trường hợp cha dạy, mẹ bênh hoặc ngược lại. Nếu có bất đồng trong giáo dục thì phải kín đáo bảo nhau. Đơn giản là vì người cha là biểu tượng cho sức mạnh, sự cứng rắn, quyền bính, kỷ luật. Còn người mẹ ngược lại là biểu tượng cho sự dịu dàng, âu yếm, dễ chịu … Vì vậy giữa cha và mẹ phải có sự kết hợp hài hòa, để một người mang lại cho con cái cảm giác tin tưởng, an toàn, trật tự: một người là nơi con cái đến để tâm sự, được yêu thương. Người mẹ phải là mối dây liên kết người con với người cha, đừng bao giờ xóa nhòa đi hình ảnh này, đừng để câu “con hư tại mẹ” xảy ra.

 

 

IV. Kết luận

 

Chúng ta đang sống trong một thời đại với thật nhiều thách thức, nhưng con người sinh ra và lớn lên lại đòi hỏi một sự nâng đỡ rất nhiều từ gia đình.

Tuy biết rằng mọi sự không bao giờ hoàn hảo như sách vở thường viết, nhưng chúng ta sẽ cố gắng hết sức.

 

Sinh con ai nỡ sinh lòng,
Sinh con ai chẳng vun trồng cho con.

 

Chúc các bạn thành công.

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.