Tiến Sỹ Trần Mỹ Duyệt – Bác Sỹ Lương Huỳnh Ngân
“Đức Chúa thấy rằng sự gian ác của con người qủa là nhiều trên mặt đất, và lòng nó chỉ toan tính những ý định xấu suốt ngày. Đức Chúa hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất, và Người buồn rầu trong lòng. Đức Chúa phán: “Ta sẽ xóa bỏ khỏi mặt đất, con người mà Ta đã sáng tạo… vì Ta hối hận đã làm ra chúng.” (St 6: 5-7)
Biến cố sáng thế lần thứ hai như vậy đã xảy ra vào thời kỳ Nô-ê khi Thiên Chúa cho phép “tất cả các mạch nước của vực thẳm vĩ đại bật tung, các cống trời mở toang. Mưa đổ xuống đất bốn mươi ngày bốn mươi đêm.” (St 7:11-12) Ngài đã quét sạch nhân loại cũ, thế giới cũ và một nhân loại mới, một bộ mặt trái đất mới đã được tái sinh.
Nhưng dường như nhân loại đã mau chóng quên mất những ơn huệ của Ngài. Con người lại cũng đi vào những con đường mà tổ tiên mình đã đi trước. Sống vô ơn, chôn bám vào thế giới vật chất, quay lưng lại với Thiên Chúa, tôn sùng, và làm nô lệ cho Satan.
Trước lối sống của con người thời đại, chúng ta có đủ lý do để nhớ đến trận Đại Hồng Thủy, và lo sợ rằng nó có thể xảy ra giữa chúng ta hôm nay một lần nữa hay không? Chúng tôi tin và nghĩ rằng Đại Dịch Vũ Hán (Covid-19) là một loại hồng thủy đó.
Với sức tàn phá về mọi mặt từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, tôn giáo, và với sức hủy diệt kinh hoàng trên toàn thế giới, Đại Dịch Vũ Hán cũng không khác gì với sự hủy diệt khi so sánh nó với Đại Hồng Thủy (x. St 6 :2-22) đã xảy ra vào thời No-ê. Chỉ khác một điều là Đại Hồng Thủy thời Nô-ê đã kết thúc sau 40 ngày (x St 7: 1-24), còn Đại Dịch Vũ Hán, lần đầu tiên được tường trình từ Vũ Hán, Trung Quốc vào ngày 31 tháng 12, 2019 cho đến nay vẫn chưa chấm dứt, mà còn xem như càng ngày càng tàn phá, gieo chết chóc kinh hoàng cho thế giới một cách ghê gớm. Nhưng sự so sánh giữa hai biến cố này sẽ giúp ích gì cho chúng ta khi phải đối diện với những thử thách của hiện tại? Thiên Chúa đang muốn nói gì, mong mỏi gì ở mỗi người?
Với cặp mắt tâm linh, chúng ta thấy rằng giá trị giáo dục của đại dịch là cần thiết, nhưng cá nhân mỗi người cũng như chung nhân loại sẽ học được gì từ bài học này?
Trước đây hơn 2000 năm, Chúa Giêsu cũng đã dùng bài học Đại Hồng Thủy để nói về cách sống, niềm hy vọng và mục đích sống của con người trên trái đất:
“Quả thế, thời ông Nô-ê thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Vì trong những ngày trước nạn hồng thuỷ, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu. Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy. Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Bấy giờ, hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại; hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại. “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” (Mt 24 : 37-44)
Thật vậy, hành trình con người trên trái đất là cuộc lữ hành tiến về vĩnh hằng, và chúng ta là những lữ khách đang bước đi với niềm hy vọng. Tác giả Marie Noelle Thabut trong tác phẩm L’intelligence des Ecritures Socéval Editions đã cảm nghiệm:
“Thật ra khi chúng ta nói: “chúng ta vẫn đợi chờ ngày hồng phúc, ngày Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng ta ngự đến”, thì đó là ta nói về Chúa Ki-tô toàn diện theo Thánh Augustinô. Lúc bấy giờ chúng ta hiểu vì sao trong trích đoạn Tin Mừng trên, Chúa Giê-su có thể dùng thì tương lai cho việc Chúa đến: Chúa Giê-su con người đã đến, nhưng Đức Ki-tô toàn diện (theo cách phát biểu của Thánh Augustinô) đang được sinh ra. Thì đây, Thánh Phao-lô cũng có cùng một lối diễn tả: “cho đến bây giờ, muôn loài thụ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8: 22), hay như cha Teilhard de Chardin (*) nói: “từ nguyên thủy mọi sự, một Mùa Vọng mặc niệm và vất vả đã bắt đầu…”. Và từ khi Chúa Giê-su ra đời, Ngài đã lớn lên, chịu Chết, tất cả tiếp tục khởi động, vì Chúa Ki-tô chưa dừng được tạo nên. Chúa chưa kéo vào Ngài những làn xếp của Áo Bào bằng thịt và bằng tình yêu của Ngài, kết bằng các tín hữu.” [1]
Để đạt được mục đích ấy, chắc chắn nhân loại ngày nay cũng phải thống hối và trở về với Thiên Chúa, người Cha nhân từ vẫn hằng giang rộng đôi tay chờ đón những đứa con đi hoang trở về. [2] Đó là tầm nhìn và lối sống của đức tin, của những người con cái Chúa mà hình ảnh là những người được bước ra từ con tầu Nô-ê. Theo Bà Marie Noelle Thabut:
“Thật ra ở đây Chúa Giê-su cho chúng ta một lời khuyên bảo. Chúa chọn mẫu gương ông Nô-ê: thời ông Nô-ê, không một ai ngờ. Điều đáng nhớ Nô-ê là người công chính và được cứu. Tất cả những gì công chính sẽ được cứu rỗi.” [3]
Ai đã bước ra từ con tầu Nô-ê? Những người công chính. Nếu người “công chính” được cứu sống và bước ra khỏi tầu, thì kẻ “bất lương” sẽ bị chết chìm, bị cơn hồng thủy cuốn trôi! Đây cũng là một chi tiết được lưu ý khi nhắc đến Đại Hồng Thủy, và lý do tại sao Chúa Giêsu lại đưa ra sự lựa chọn: chọn người này, loại bỏ người kia, cũng như lời nhắn nhủ phải sẵn sàng?
Cũng theo Marie Noelle Thabut thì, “ở đây chúng ta nhận ra đề tài thường gặp, đó là sự phán xét – những gì tốt và xấu – giữa lúa và cỏ lùng. Dĩ nhiên nói những gì tốt và xấu như phân loại rõ ràng nơi loài người, chỉ là một cách nói: có tốt, có xấu, có lúa, có cỏ lùng, mỗi thứ đều hiện hữu trong con người mỗi chúng ta. Tự trong thâm sâu chúng ta, những gì tốt sẽ được tồn giữ những gì xấu sẽ bị diệt tận rễ. Chúng ta chỉ cần tỉnh thức, như Chúa Giê-su nói, tức là sẵn sàng ngày “Con Người sẽ đến.” [4]
Kết luận thực hành:
Suy niệm về biến cố Đại Hồng Thủy thời Nô-ê – và một cách tương tự – biến cố Đại Dịch Vũ Hán, nhận xét của Bà Marie Noelle Thabut là một ứng dụng thực hành mà chúng tôi cho rằng nó rất thích hợp với cái nhìn tâm linh về Đại Dịch Vũ Hán hiện nay, dù nó có được ví như một Đại Hồng Thủy thời đại hay không: “Thật ra ở đây Chúa Giê-su cho chúng ta một lời khuyên bảo. Chúa chọn mẫu gương ông Nô-ê: thời ông Nô-ê, không một ai ngờ. Điều đáng nhớ Nô-ê là người công chính và được cứu. Tất cả những gì công chính sẽ được cứu rỗi.” [5]
Như vậy, phải chăng chúng ta chỉ nhìn đến những người công chính được cứu rỗi, thậm chí được sàng lọc, cùng với những người được hoán cải sau Hồng Thuỷ-đại dịch để có một “ trời mới, đất mới ”, và quên đi những nạn nhân vô tội, những hối nhân ?! Suy nghĩ như thế là chúng ta đã có cái nhìn khiếm diện không phù hợp với một Thiên Chúa tình thương : “ CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương.” (Tv 103:8). Mọi tội nhân, với tâm hồn thống hối, ăn năn sau khi bước sang thế giới bên kia đều sẽ được đón nhận cũng vẫn bởi một Thiên Chúa Tình Yêu.
Tóm lại, Đại Hồng Thủy đã qua, Đại Dịch Vũ Hán rồi cũng sẽ qua, nhưng con người có nhận ra và hiểu được ý nghĩa của nó hay không lại tùy vào thái độ sống, vào cái tâm công chính của mỗi người.
___________
(*) Linh mục Phêrô Teilhard de Chardin Dòng Tên Pháp (1881-1995), nhà thần học -triết học và là một nhà khoa học lừng danh qua đời ở Mỷ ngày 10 tháng 4 1995.
1. Suy niệm Phúc Âm Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng năm A. Tác phẩm: L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions. Tác giả: Marie Noelle Thabut. Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân.
2. Xem Luke 15:11–32
3. Suy niệm Phúc Âm Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng năm A. Tác phẩm: L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions. Tác giả: Marie Noelle Thabut. Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân.
4. Ibid.
5. Ibid.
Views: 0