Uncategorized

«Cuộc trở lại» hay “đổi đời” của Thánh Phaolô

MỪNG NĂM THÁNH PHAO-LÔ « HỌC VÀ SỐNG TINH THẦN THÁNH PHAO-LÔ »

ĐỀ TÀI I

«CUỘC TRỞ LẠI» HAY «ĐỔI ĐỜI»  CỦA THÁNH PHAO-LÔ NHỜ CUỘC GẶP GỠ CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ PHỤC SINH TRÊN ĐƯỜNG ĐA-MÁT

I. CẦU NGUYỆN MỞ ĐẦU

MỪNG NĂM THÁNH PHAO-LÔ « HỌC VÀ SỐNG TINH THẦN THÁNH PHAO-LÔ »

ĐỀ TÀI I

«CUỘC TRỞ LẠI» HAY «ĐỔI ĐỜI»  CỦA THÁNH PHAO-LÔ NHỜ CUỘC GẶP GỠ CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ PHỤC SINH TRÊN ĐƯỜNG ĐA-MÁT

I. CẦU NGUYỆN MỞ ĐẦU

– Gợi ý của người hướng dẫn: Hướng ứng lời mời gọi của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI khi thiết lập Năm Thánh Phao-lô từ 28.6.2008 đến 29.6.2009 để mọi Ki-tô hữu HỌC VÀ SỐNG TINH THẦN THÁNH PHAO-LÔ, Vị Thánh và Tông Đồ Dân Ngoại nổi tiếng về nhiều mặt, hôm nay chúng ta bắt đầu Khóa học về Thánh Phao-lô. Anh chị em chúng ta hãy tha thiết nguyện xin Thánh Thần Thiên Chúa xuống trên mỗi anh chị em chúng ta để Người hiện diện và mở lòng mở trí chúng ta không chỉ trong buổi học hôm nay mà trong cả cuộc đời của chúng ta.

– Cùng hát : XIN NGÔI BA THIÊN CHÚA

ĐK : Xin Ngôi Ba Thiên Chúa ngự xuống trên chúng con. Ban hồng ân chan chứa thắm nhuần hồn xác chúng con. Biến chúng con thành những dũng sĩ theo Chúa Ki-tô, thành nhân chứng Nước Trời cho muôn người trong khắp nơi.

PK 1: Nguyện Chúa Thánh Thần xin ngự đến. Lòng vạn lòng đợi trông Ngài soi sáng. Và luyện lọc hầu mong được xứng đáng với danh hiệu Đền Thánh Chúa cao quang.

II. TỰ GIỚI THIỆU LÀM QUEN

– Xin bạn hãy tự giới thiệu về mình với các bạn đồng khóa: tên thánh, tên gọi, nơi sinh sống làm việc, nghề nghiệp, chức vụ v.v…
– Xin bạn cho biết «cơ duyên» nào đưa bạn tới với khóa học này?
– Và cho biết bạn mong đợi gì ở khóa học này?

III. ĐẶT VẤN ĐỀ

1. Tại sao có Khóa học về Thánh Phao-lô này?
2. Nói/Học về Thánh Phao-lô thì câu truyện đầu tiên người ta phải nhắc tới hay kể lại là câu truyện nào?
3. Chúng ta có thể đọc câu truyện ấy ở đâu? (câu truyện ấy được kể lại hay tường thuật trong Sách Thánh nào?)
4. Đọc đoạn sách Cv 9,1-19 chúng ta có thể nhìn, nghe, ngửi, cảm thấy gì và được đánh động ra sao?
5. Tại sao Phao-lô tìm bắt (bách hại) các Ki-tô hữu ?
6. Phải hiểu thế nào về «cuộc trở lại» hay «đổi đời» của Phao-lô?
7. «Cuộc trở lại» hay «đổi đời» của Phao-lô quan trọng như thế nào với chính Phao-lô, với Hội Thánh Công giáo và với mỗi người chúng ta?
8. «Cuộc trở lại» hay «đổi đời» của Phao-lô” cho ta những bài học gì?
9. «Cuộc trở lại» hay «đổi đời» của Phao-lô có liên hệ gì với những cuộc «trở lại» hay «đổi đời » của mỗi chúng ta không?

IV. HỌC HỎI VÀ CHIA SẺ

1. Lý do tại sao có Khóa học về Thánh Phao-lô này :
– Có 2 lý do để có Khóa học về Thánh Phao-lô này:
* Lý do thứ nhất: Đức Thánh Cha Bê-nê-đic-tô XVI đã thiết lập Năm Thánh Phao-lô từ 28.6. 2008 đến 29.6.2009 để mừng kỷ niệm 2000 năm ngày sinh của Thánh Phao-lô.
– Lý do thứ hai: Thánh Phao-lô là Tông Đồ Dân Ngoại, người đã góp công lớn :
+ trong việc khai triển và đào sâu nội dung sứ điệp Tin Mừng Cứu Độ mà Chúa Giê-su Ki-tô đã đem đến cho nhân loại,
+ trong việc truyền giáo tức rao giảng Tin Mừng và giúp người ta nhìn nhận Chúa Giê-su Ki-tô là Cứu Chúa, là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa.
+ trong việc thiết lập, củng cố, hướng dẫn các cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi bên ngoài xứ Pa-lét-tin.
Do đó «học và sống tinh thần Thánh Phao-lô» là điều Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI mong muốn ở mọi tín hữu Công giáo trong Năm Thánh Phao-lô này.

2. Nói/Học về Thánh Phao-lô thì câu truyện đầu tiên người ta phải nhắc tới hay kể lại là câu truyện nào?
– Nói/Học về Thánh Phao-lô thì câu truyện đầu tiên người ta phải nhắc tới hay kể lại là “câu truyện Thánh Phao-lô trở lại” hay đúng hơn là “câu truyện Thánh Phao-lô gặp Chúa Giê-su Ki-tô phục sinh trên đường Đa-mát”. Biến cố này đã thay đổi cuộc đời Thánh Phao-lô một cách triệt để, từ một kẻ bắt/giết đạo thành một người rao giảng và xây dựng Ki-tô giáo khắp vùng quanh Địa Trung Hải trong thế kỷ thứ nhất của Công nguyên.

3. Chúng ta có thể đọc câu truyện ấy ở đâu? (câu truyện ấy được kể lại hay tường thuật trong Sách Thánh nào?)
– Chúng ta có thể đọc câu truyện Thánh Phao-lô trở lại hay đúng hơn là câu truyện Thánh Phao-lô gặp Chúa Giê-su Ki-tô phục sinh trên đường Đa-mát trong sách Công Vụ Tông Đồ 9,1-19 và 22,6-16. Trong thư gửi tín hữu Ga-lát, Thánh Phao-lô cũng nhắc đến sự kiện này (Gl 1,11-24).

4. Đọc đoạn Cv 9,1-19 chúng ta có thể nhìn, nghe, ngửi, cảm thấy gì và được đánh động như thế nào?
(1) Lần 1: Các học viên đọc chung đoạn Cv 9,1-19 và mỗi người tập trung sự chú ý của mình vào những tình tiết liên quan tới thị giác, thính giác, khứu giác để trả lời câu hỏi: «Đọc Cv 9,1-19 bạn nhìn thấy gì? nghe thấy gì? và ngửi thấy gì?»

– Tôi nhìn thấy: một đoàn người hăm hở tiến bước – một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ ông Sao-lô – Sao-lô ngã sõng xoài xuống đất – một người trong đoàn nâng ông dậy và cầm tay dắt ông đi vào thành Đa-mát vì mắt Sao-lô mở mà không nhìn thấy.

– Tôi nghe thấy: tiếng ngựa hý và tiếng chân ngựa dậm xuống mặt đường – tiếng nói từ trời và câu hỏi của Sao-lô (cũng có thể chỉ nghe thấy câu hỏi của Sao-lô)
– Tôi ngửi thấy: mùi ngựa, mùi nắng và mùi bụi đường.

(2) Lần 2: Các học viên đọc chung đoạn Cv 9,1-19 và mỗi người tập trung sự chú ý của mình vào tâm tư tình cảm mà mình cảm nhận được để trả lời câu hỏi: « Đọc Cv 9,1-19 bạn cảm thấy gì hay cảm thấy thế nào?»

– Tôi cảm xúc động vì như vừa được chứng kiến một quang cảnh lạ thường của một cuộc “thần hiện” vẫn thường được thấy trong Thánh Kinh!

(3) Lần 3: Người hướng dẫn đọc lại đoạn văn Cv 9,1-19, các học viên nhắm mắt và lắng nghe và tập trung sự chú ý của mình vào (những) lời/câu/hình ảnh khiến mình chú ý để trả lời câu hỏi: đọc Cv 9,1-19 bạn được (những) lời/câu/hình ảnh nào lôi kéo đánh động? bạn nghe thấy âm vang gì trong bạn? tại sao?

– Tôi được lôi kéo, đánh động bởi tiếng nói (từ trời): «Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta?» và «Ta là Giê-su mà ngươi đang bắt bớ!»

– Lý do: Sao-lô tìm bắt các Ki-tô hữu là tìm bắt chính Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng mà các Ki-tô hữu tin theo. Thế có nghĩa là hễ ai đụng tới các Ki-tô hữu là đụng tới chính Chúa Ki-tô.

5. Có nhiều lý do để cắt nghĩa tại sao Phao-lô tìm bắt hay bách hại các Ki-tô hữu: Theo linh mục Nguyễn Khắc Hy thuộc Hội Xuân Bích, giáo sư thần học ở Mỹ thì có nhiều lý do giải thích tại sao Phao-lô tìm bắt hay bách hại các Ki-tô hữu. Ngài giải thích như sau:
* Về phương diện tôn giáo, Phao-lô là một tín đồ Do Thái giáo nhiệt thành, theo gương cha ông, muốn bảo vệ đạo mình và chống lại tất cả những tổ chức gây nguy hại cho Do Thái giáo (Gl 1,13-14; Pl 3,6).

* Về phương diện chính trị (mà chính trị không thể tách ra khỏi tôn giáo với nhiều người Do Thái thời đó), Phao-lô tỏ ra yêu dân tộc Do Thái qua việc bảo vệ Do Thái giáo chống lại ảnh hưởng của một giáo phái mới (là Ki-tô giáo) chấp nhận sự có mặt của người ngoại (Ro-ma, Hi Lạp…) sinh hoạt chung với người Do Thái. Phao-lô cũng như những người yêu nước khác sợ rằng nếu nhiều người Ro-ma theo giáo phái mới này, dần dà ảnh hưởng của Kitô sẽ mạnh hơn, vì về chính trị người Ro-ma là những kẻ nắm quyền đô hộ. Phao-lô, cũng như nhiều thanh niên nhiệt thành Do Thái đương thời, đề cao gương sống anh hùng của 3 vị: Pin-khát (cháu A-ha-ron), tiên tri E-li-a, và tư tế Mat-tít-gia. Ba vị này ảnh hưởng đời sống Phao-lô cũng như nhiều thanh niên đương thời.

– Pin-khát, vì nhiệt thành với đạo của Gia-vê Thiên Chúa, giết chết Dim-ri vì Dim-ri tuyên truyền tà thần khác ngoài Gia-vê và quảng bá đời sống sa đọa cho dân Do Thái (Dân số 25,7-13). Việc ông giết Dim-ri được xem là đẹp lòng Chúa (Dân số 25,10-13), và được dân Do Thái khen tặng (Tv 106, 30-31).

– Tiên tri Ê-li-a, vì lòng nhiệt thành với Gia-vê, đã thách thức hơn 450 ngôn sứ của thần Ba-al trong cuộc đấu sức trên núi Các-men để xem Gia-vê hay Ba-al đích thực là thần. Sau khi thắng cuộc thi, E-li-a đã ra lệnh giết chết các tiên tri này (1 Các Vua 18,17-40; 19, 10).

– Theo chân của E-li-a và Pin-khát, Mat-tít-gia “nhiệt tình với luật Chúa” nên đã giết một người đồng hương Do Thái khi người này dám nghe theo vua An-ti-o-chus IV để cúng ngoại tà thần (1 Mcb 2,23-28).

Như những cha ông này, Phao-lô có lòng nhiệt thành với Chúa Gia-vê, với dân It-ra-en, và với Luật Mô-sê.

* Về phương diện thần học, lý do Phao-lô cưỡng bức Ki-tô giáo vì: (1º) những người theo Đức Giê-su Ki-tô coi nhẹ Luật Mô-sê; (2º) họ có thái độ coi thường Đền Thờ vì họ không còn thờ phượng Thiên Chúa trong đền thờ; (3º) họ (Ki-tô hữu) dám nhận người ngoại vào trong cộng đoàn chung với những người Do Thái. Vì thế người Do Thái lúc này ngồi ăn cùng bàn với những người không chịu phép cắt bì; (4º) và điều khó công nhận nhất là trong khi những nhà lãnh đạo tôn giáo (thượng tế, luật sĩ, biệt phái…) kết án Đức Giê-su là người phạm thánh, và bị giết chết treo như một ác nhân (mà theo Do Thái giáo, Thiên Chúa lên án chết cho kẻ phạm tội – xem Đệ Nhị Luật 21:23), thì những Ki-tô hữu tôn thờ và công bố Đức Giê-su được Thiên Chúa cho chỗi dậy từ cõi chết, là Đấng Mê-si-a của It-ra-en. Đây là điều phạm thánh không chấp nhận được.

Tóm lại, có thể có lý do này quan trọng hơn lý do kia, nhưng tính tổng hợp của tất cả những lý do trên đã khiến con người Phao-lô nhiệt thành trở nên người bắt bớ Ki-tô hữu.

6. Ý nghĩa của «cuộc trở lại» hay “đổi đời” của Thánh Phao-lô:

“Cuộc trở lại” của Thánh Phao-lô không thể được hiểu theo nghĩa thông thường (mà nhiều giáo dân vẫn hiểu) là Phao-lô bỏ cuộc sống ăn chơi sa đọa, tội lỗi và hoán cải trở về với Chúa; mà theo nghĩa là Phao-lô từ một Pha-ri-sêu sốt sáng, nhiệt thành đến độ bắt đạo đã trở thành một tín hữu gương mẫu, một tông đồ nhiệt thành rao giảng chính Đấng và Đạo mà ông bách hại các tín đồ lúc trước.

7. Tầm quan trọng của «cuộc trở lại» hay “đổi đời” của Thánh Phao-lô:

a) Trước hết là đối với chính bản thân Thánh Phao-lô: vì nếu không có câu truyện này thì Phao-lô cũng chỉ là một người vô danh hay cùng lắm sẽ chỉ được sử sách nhắc tới như một Pha-ri-sêu thông minh tài giỏi và như một tên bạo chúa bách hại người Ki-tô hữu thửa đầu của Giáo Hội Công Giáo Rô-ma. Nhưng nhờ cuộc gặp gỡ kỳ diệu của Chúa Giê-su Ki-tô phục sinh trên đường Đá-mát, Phao-lô đã được biến đổi hoàn toàn, thành một đại thánh, một tông đồ nhiệt thành rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại, một thần học gia uyên thâm sắc sảo, một mục tử hết lòng vì đoàn chiên.

b) Kế đến là đối với Hội Thánh Công giáo Rô-ma: Nếu không có Thánh Phao-lô thì chúng ta không thể hình dung ra Hội Thánh Công Giáo Rô-ma đã ra sao, vì rõ ràng là Thánh Phao-lô đã đóng góp rất nhiều cho Hội Thánh Công Giáo chẳng những ở thời kỳ đầu mà ở mọi thời kỳ của Ki-tô giáo đến độ người ta đặt vân đề: “Có phải Thánh Phao-lô là vị sáng lập thứ hai của Ki-tô giáo không?”

c) Sau cùng là đối với mỗi người Ki-tô hữu: Mỗi Ki-tô hữu có thể tìm thấy nơi Thánh Phao-lô:

1°) Một vị thây, một tấm gương sống theo Chúa Ki-tô và sống chết với sứ vụ rao giảng Tin Mừng: “Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Ki-tô.” (1 Cr 11,1).

2°) Một kho tàng giáo lý đức tin để đào sâu nghiên cứu (13 Thư).

8. “Cuộc trở lại” hay “đổi đời” của Phao-lô cho chúng ta những bài học sau đây:

a) Thiên Chúa đã có kế hoạch riêng và rất bất ngờ dành cho Thánh Phao-lô. Thiên Chúa cũng có kế hoạch riêng cho cá nhân tôi. Điều quan trọng là tôi khám phá ra và vâng theo kế hoạch của Thiên Chúa!

b) Thiên Chúa là Đấng quyền năng và yêu thương (không có việc gì là bất khả thi đối với Thiên Chúa) trong việc tuyển chọn và biến đổi Thánh Phao-lô từ «thù» thành «bạn». Sự kiện đó khiến tôi vững tin vào Thiên Chúa, dù đời tôi có yếu hèn, tội lỗi, bất hiếu, bất trung đến thế nào chăng nữa.

c) Thiên Chúa dùng trăm ngàn cách để lôi kéo những người Chúa chọn và gọi đến với Chúa, quay về với Chúa, phụng sự Chúa. Trong cuộc đời tôi, tôi cũng đã từng cảm nghiệm nhiều lần bàn tay can thiệp diệu kỳ của Thiên Chúa.

9. Mối liên hệ giữa cuộc «trở lại» hay “đổi đời” của Thánh Phao-lô và những cuộc «trở lại» hay “đổi đời” của chúng ta:

Thánh Phao-lô đã được Chúa Ki-tô Phục Sinh biến đổi từ một người bắt đạo thành một người truyền đạo. Bạn đã có lần nào được Chúa biến đổi nhiều hoặc ít chưa? Bạn hãy chia sẻ một cuộc biến đổi ấn tượng và đáng nhớ nhất.
 Chia sẻ của các học viên:

 Chia sẻ của người hướng dẫn:

Cho đến ngày hôm nay, tôi đã có nhiều «cuộc đổi đời» không làm sao quên được. Tôi xin chia sẻ về một trong những «cuộc đổi đời» ấy:

Vào khoảng cuối năm 1975 tôi được giới thiệu vào làm trong nhà máy Thuốc Lá Vĩnh Hội, Quận 4 Sàigòn. Nhưng sau mấy năm, tôi bắt buộc phải xin nghỉ vì nạn «kỳ thị lý lịch» trong giới lãnh đạo nhà máy. Tôi thấy mình bị oan ức vì không được làm việc như người công dân bình thường mà lại còn bị nghi kỵ nữa (tôi phải làm việc nhiều lần với một nhân viên an ninh của chế độ, vì tôi là người vào làm trong nhà máy sau 30.04.75). Tôi cảm nhận rằng những người Công giáo như tôi không được đón nhận bởi những người cộng sản nắm quyền cai trị đất nước.

Cũng vào thời gian ấy, tôi bị một số bạn bè, họ hàng, bề trên nghi là người thân cộng, là đảng viên nằm vùng.

Tôi lâm vào cảnh bị hiểu lầm, bị nghi ngại và thậm chí bị xa lánh và loại trừ từ cả hai phía: xã hội và giáo hội. Tôi không biết đường nào mà đi, làm thế nào mà sống ! Có thể nói là tôi rơi vào khủng hoảng tinh thần và tâm linh.

Vào lúc ấy tôi may mắn gặp được một cuốn sách rất hay có tựa đề là DIEU CRUCIFIÉ (Thiên Chúa bị đóng đinh thập giá) của ông Moltmann là một nhà thần học Tin Lành người Đức nổi tiếng. Trong sách tác giả đã phân tích rất sâu sắc ý nghĩa của việc Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa bị đóng đinh thập giá để cứu chuộc nhân loại. Từ đó tác giả rút ra những hệ luận cho đời sống người Ki-tô hữu là môn đệ Chúa Giê-su là phải chịu chung một số phận (bị hiểu lầm, bị vu khống, bị kết án, bị đánh đòn, bị loại trừ và bị giết) như Chúa Ki-tô là Thầy và là Chúa của mình!

Cuốn Sách «Thiên Chúa bị đóng đinh thập giá» đã đem lại cho tôi ánh sáng và sức mạnh. Tôi hiểu rằng thân phận của tôi với tư cách là một Ki-tô hữu thì phải là như vậy. Tôi sung sướng hạnh phúc trong đau khổ, vì tôi được nên giống Chúa hơn, điều mà tôi khao khát trong những năm ở trong Chủng Viện và Dòng Tu (Tiểu Đệ Phúc Âm của Chân Phước Charles de Foucauld). Dần dần tôi lấy lại được sự bình an và lạc quan, tin tưởng.

Có thể xem đây là «cuộc trở lại» của tôi, trở lại theo hướng chấp nhận thân phận của người môn đệ Chúa Giê-su Ki-tô và con đường Thập Giá là con đường tôi phải đi, vì chính Chúa Giê-su Ki-tô đã đi con đường ấy và mời gọi những ai muốn theo Người đi theo con đường ấy! «Cuộc trở lại » này chẳng những giúp tôi thoát khỏi cuộc khủng hoảng của những năm 75-80 mà còn giúp tôi «kiên vững» trong cuộc sống những năm sau này, thậm chí ngay cả ngày hôm nay. Cuộc sống của tôi gặp rất nhiều khó khăn, hiểu lầm, nghi kỵ, thành kiến, vu khống của những người xung quanh, nhất là của bạn bè, bề trên.

V. ỨNG DỤNG [LINH ĐẠO VÀ SỐNG LINH ĐẠO]

a) Linh đạo Ki-tô giáo:

1°) Nhìn vào kinh nghiệm của riêng mình, mỗi chúng ta nhận ra điều này là Thiên Chúa không ngừng mời gọi, lôi kéo chúng ta về với Người. Có khi Thiên Chúa dùng một người, một biến cố, một cuốn sách, một bài giảng, một cuộc tĩnh tâm hay linh thao, một khóa học hỏi… để giúp chúng ta từ bỏ cuộc sống tầm thường, ích kỷ, thậm chí tội lỗi để trở nên một con người khác: nhiệt thành, tích cực và thánh thiện.

2°) Trong hành động tha thứ cho chúng ta và lôi kéo chúng ta về với Người, Thiên Chúa luôn tôn trọng sự tự do, hợp tác và đồng thuận của chúng ta.

3°) Nếu chúng ta đọc kỹ lịch sử của dân Ít-ra-en là Dân Riêng của Thiên Chúa, thì chúng ta cũng khám phá ra một kinh nghiệm tương tự: Dân phạm tội – Thiên Chúa kêu gọi và trừng phạt – Dân sám hối – Thiên Chúa thứ tha – Dân sống trong mối tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa và với nhau – Dân lại sa ngã phản bội – Thiên Chúa kêu gọi và trừng phạt – Dân sám hối – Thiên Chúa thứ tha – Dân sống trong mối tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa và với nhau…..

– Vì thế các nhà tu đức hay tâm linh nói «Linh Đạo Ki-tô giáo được xây dựng trên Ơn Trở Lại».

b) Sống Linh đạo Ki-tô giáo là:

1°) Phó thác cuộc đời mình cho Thiên Chúa
2°) Cầu xin Thiên Chúa gìn giữ và biến đổi mình
3°) Tin tưởng ở quyền năng và tình thương của Người
4°) Mau đứng dậy làm lại từ đầu (khi yếu đuối, sa ngã).

VI. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC .

– Gợi ý của người hướng dẫn: Chúng ta vừa học về “cuộc trở lại” của Thánh Phao-lô, Vị Tông Đồ Dân Ngoại và Cột Trụ của Hội Thánh Công Giáo. Chúng ta biết “cuộc trở lại” ấy quan trọng như thế nào và đem lại cho chúng ta những bài học bổ ích cho đời sống thiêng liêng. Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa tiếp tục hướng dẫn và trợ giúp chúng ta để chúng ta biết SỐNG TINH THẦN CỦA THÁNH PHAO-LÔ mà liên tục hoán cải và canh tân đời sống đức tin của chúng ta theo lời mời gọi của chính Thiên Chúa.

Chúng ta cùng hát và cùng cầu nguyện.
– Cùng hát : XIN CHỈ CHO CON

ĐK.- Xin chỉ cho con (xin chỉ cho con) đường đi của Chúa (đường đi của Chúa). Xin dạy bảo con (xin dạy bảo con) nước bước của Ngài (nước bước của Ngài). Xin hướng dẫn con trong chân lý. Xin dạy bảo con những điều cao quý, vì Chúa là Đấng cứu độ con, là Đấng ngày đêm con cậy trông.

1. Tất cả đường nẻo Chúa là Tình Yêu và Chân Lý dành cho những ai giữ trọn minh ước. Điều răn Chúa ra nghiêm chỉnh thực thi.

2. Xin mở lượng từ bi từ ngàn xưa Ngài vẫn có, mà quên hết những lỗi lầm con mắc, hồi niên thiếu vươn lên trong dại thơ.

– Cùng cầu nguyện:

Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giê-su Ki-tô và là Cha của chúng con. Chúng con tin Cha là Đấng quyền năng và yêu thương. Xin Cha thể hiện quyền năng và tình thương ấy cho chúng con cảm nghiệm được! Chúng con biết Cha có chương trình kế hoạch riêng cho mỗi chúng con. Xin Cha thực hiện chương trình và kế hoạch ấy cho chúng con và nơi chúng con, để chúng con thuộc trọn về Cha, được nghĩa với Cha, trong Chúa Giê-su Ki-tô, Con Cha, Chúa chúng con ! Amen!

 

CHUẨN BỊ ĐỀ TÀI II
THỜI ĐẠI VÀ TIỂU SỬ CỦA THÁNH PHAO-LÔ.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

Nhờ đề tài I về cuộc «trở lại» hay «đổi đời» của Thánh Phao-lô bạn có «khám phá», «cảm nghiệm» hay «quyết tâm» gì mới?
Xin ghi «nhật ký» để chuẩn bị chia sẻ vào lần học tới với các anh chị em khác.

Câu hỏi gợi ý tìm hiểu:

1. Muốn tìm hiểu về một con nguời nói chung, một vị thánh nói riêng, nhât là Thánh Phao-lô, chúng ta phải tìm hiểu những gì?
2. Thời đại của Thánh Phao-lô có những nét đặc điểm gì?
3. Nếu chúng ta muốn biết thêm về Thánh Phao-lô thì ngoài «cuộc trở lại» của Ngài, chúng ta phải quan tâm đến những gì khác nữa?
4. Thân thế, sự nghiệp của Thánh Phao-lô có những đặc điểm gì?
5. Chúng ta có thể học được gì từ việc tìm hiểu thời đại và tiểu sử của Thánh Phao-lô?

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.