Hữu nghị với Tàu hay đồng minh với Mỹ đều có những nghiệt ngã. Đó là thân phận của các nước nhược tiểu. Chúng tôi đã viết khá nhiều về VNCH đồng minh với Mỹ. Năm nay, nhân kỷ niệm 30 năm của sự đổ vỡ tình hữu nghị Việt – Trung, chúng ta thử nhìn lại biến cố này.
Như mọi người đã biết, ngày 25.12.1978, bộ đội VN bắt đầu mở cuộc tấn công Campuchia, sau đó ngày 17.2.1979, Trung Quốc xua quân qua biên giới Việt – Trung để “dạy cho Việt Nam một bài học”. Ngoài ra, Hà Nội còn phải chịu áp lực nặng nề về cả quân sự lẫn chính trị của các cường quốc Tây phương và Liên Hiệp Quốc đòi Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia. Nhờ cơ may nào, Đảng CSVN đã tồn tại được?
Chúng ta đừng đi lề bên phải hay lề bên trái, mà hãy nhìn lại lịch sử một cách khách quan để rút kinh nghiệm.
GIA TÀI CỦA MẸ
Trịnh Công Sơn đã mở đầu bài “Gia tài của Mẹ” bằng 5 câu hát thật buồn:
Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của Mẹ – để lại cho con
Gia tài của Mẹ – là nước Việt buồn
Trong đống gia tài của Mẹ đó, “Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu” là đau thương và lâu dài nhất.
Ngoài một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, trong tiến trình lịch sử, dân tộc ta còn phải chịu rất nhiều áp lực nặng nề và liên tục của Trung Quốc. May nhờ cha ông của chúng ta biết vận dụng “tam thập lục” một cách khôn khéo, khi cương khi nhu, nên mới bảo tồn được đất nước.
Vua Tàu ngày xưa được coi là Thiên Tử (con trời) thay trời trị dân. Do đó: “Khắp dưới gầm trời không đâu không là đất của vua. Tất cả trên mặt đất không ai không là dân của vua.” Đây là căn bản của chủ nghĩa bá quyền và bành trướng của Trung Quốc. Trung Quốc tự coi mình là tông chủ, còn các nước xung quanh đều là chư hầu. Trong hàng nghìn năm, Thiên Triều đã dùng hình thức Sắc Phong và Triều Cống để khuất phục các nước chư hầu. Mỗi khi chiếm được một nước chư hầu nào, Trung Quốc thường biến nước đó thành quận, huyện của Trung Quốc, tìm cách đồng hoá và khai thác tài nguyên.
Nước Việt được đặt dưới chế độ chư hầu của Trung Quốc từ bao giờ? Sách “Cương mục tiền biên” của Trung Quốc có ghi rằng một sứ bộ của Việt Thường đầu tiên đã đến chầu vua Nghiêu năm 2353 trước công nguyên để dâng rùa. Việt Thường nói ở đây là một trong 15 bộ tộc của Văn Lang.
“Đại Việt Sử Ký” có chép rằng vua Hùng cử sứ giả sang thăm Chu Thành Vương năm 1110 trước công nguyên và cống hai chim trỉ trắng.
Như vậy nước Việt bị biến thành chư hầu của Trung Quốc đã lâu lắm rồi và chế độ này chỉ chấm dứt sau khi Pháp chiếm Đông Dương. Nhà lãnh đạo của nước chư hầu nào muốn lên làm vua ở nước mình đều phải viết tờ biểu và xin sắc phong. Ngồi đọc lại những tờ biểu này, chúng ta sẽ cảm thấy vô cùng xót xa, nhưng cha ông chúng ta không thể làm gì khác hơn. Chúng tôi chỉ đưa ra hai tờ biểu của hai anh hùng bậc nhất của dân tộc ta là Lê Lợi và Nguyễn Huệ qúy vị cũng có thể thấy rõ điều đó:
Trong bộ “Việt Nam Sử Lược”, cụ Trần Trọng Kim (1882 – 1953) có kể lại, sau khi chiến thắng giặc Minh, Lê Lợi đã sai Nguyễn Trải viết “Bình Ngô Đại Cáo” báo tin chiến thắng với lời lẽ rất oai hùng để làm dân phấn khởi, nhưng sau đó Lê Lợi lại cho viết một tờ biểu đứng tên Trần Cao, rồi sai Lê Thiên Dĩnh và Lê Quang Cảnh đem phương vật sang sứ nhà Minh xin phong vương với những lời lẽ hoàn toàn trái ngược lại. Tờ biểu rất dài. Sau đây là một đoạn tiêu biểu:
“Ngờ đâu quan quân xa xôi mới đến thấy voi sợ hải, tức khắc vỡ tan. Việc đã xẩy ra như vậy, dẫu bởi sự bất đắc dĩ của người trong nước cũng là lỗi của tôi…”
Vua nhà Minh bấy giờ là Tuyên Tông xem biểu biết rằng giả dối, nhưng cũng muốn nhân việc này để thôi việc binh nên chấp nhận.
Nguyễn Huệ cũng đã bắt chước tiền nhân làm như vậy sau khi đánh thắng quân Thanh trong trận Ngọc Hồi – Đống Đa. Nguyễn Huệ đã sai Hám Hồ Hầu dẫn sứ bộ qua Trung Quốc dâng biểu lên vua Càn Long. Tờ biểu này viết cũng thê thảm không khác tờ biểu Lê Lợi dâng lên vua Minh, trong đó có đoạn như sau:
“Nếp nghĩ Đại Hoàng Đế là bậc theo ý trời, ban trị hoá, làm cho cành khô lại xanh tươi, cây kiệt lại nảy nở. Xin ngài lựa theo tự nhiên, thứ cho cái tội đón đánh Tôn Sĩ Nghị và xét cho tấc thành mấy phen đã gõ cửa ải, dâng lời tâu bày…”
Thấy cuộc viễn chinh khó đem lại thắng lợi, vua Càn Long chấp nhận ban sắc phong nhưng đòi An Nam phải lập đền thờ Hứa Thế Hanh và sang năm, nhân bát tuần khánh thọ của vua Càn Long, quốc vương nước Nam phải đích thân sang triều cận!
Ngày nay, có người đã phê phán những tờ biểu của tiền nhân là hèn nhát, nhưng trong thời đại của luật rừng, trước một đối thủ cực mạnh và lúc nào cũng hung hăng con bọ xít, nếu cha ông chúng ta không khôn khéo như thế làm sao có thể “Nam quốc sơn hà, nam đế cư”?
Các vua Chiêm Thành và Khmer ngày xưa, tuy là nước yếu, nhưng không biết xử dụng “tam thập lục kế” của Tàu, cứ cương đại, cương ẩu… nên bị người Việt dùng sức mạnh chiếm mất đất.
Cụ Trần Trọng Kim là sử gia sau cùng dám viết lại sự thật lịch sử dân tộc dựa theo sử liệu của cha ông để lại. Sau đó, vì muốn phục vụ cho mục tiêu chính trị, đa số các “sử gia”, dù đứng bên này hay bên kia chiến tuyến, đã tìm cách huyền thoại hoá lịch sử, sống với huyền thoại đó, và bắt những người khác phải suy nghĩ và sống như vậy, nên sử không còn là sử nữa, và lớp người sau không còn rút được kinh nghiệm của cha ông.
CÔNG CỤ CỦA BÁ QUYỀN
Trong thời gian chiến tranh lạnh, Đảng Cộng Sản Quốc Tế và Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã xử dụng Đảng CSVN như một công cụ để chiếm Đông Dương. Vì thế, cả Liên Sô lẫn Trung Quốc đã yểm trợ Đảng CSVN tối đa. Mao Trạch Đông đã từng nói:
“Nhân dân Việt Nam đã hy sinh nhiều, cống hiến nhiều đối với nhân dân Trung Quốc. Nhân dân Trung Quốc phải cám ơn và có nghĩa vụ giúp đỡ, ủng hộ nhân dân Việt Nam”.
Năm 1972, khi Tổng Thống Nixon đến Bắc Kinh, Mao Trạch Đông lại nói:
“Thành thật mà nói, nhân dân Trung Quốc, Đảng Cộng Sản Trung Quốc và nhân dân thế giới phải cám ơn nhân dân Việt Nam đã đánh thắng Mỹ. Các đồng chí chiến thắng mới buộc Nixon phải đi Bắc Kinh…”
Nói cách khác, Bắc Kinh đã coi Đảng CSVN như một thứ lính đánh thuê (mercenary) của mình.
Nhưng “tình hữu nghị đời đời bền vững” giữa Trung Quốc và Việt Nam không phải lúc nào cũng tốt đẹp, trái lại có những lúc rất đắng cay. Những sự đắng cay này đã được Bộ Ngoại Giao Hà Nội ghi lại khá đầy đủ trong tập “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua” do nhà xuất bản Sự Thật ấn hành vào tháng 10 năm 1979. Mở đầu tập này, nhà xuất bản Sự Thật đã giới thiệu:
“Cuốn Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua là một văn kiện quan trọng của Bộ Ngoại Giao nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam được công bố ngày 4 tháng 10 năm 1979 nhằm vạch trần bộ mặt phản động bành trướng Bắc Kinh đối với nước ta trong một thời gian dài.”
Ngoài ra, giữa Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa luôn có những sự bất đồng, nên Hà Nội phải chơi trò “đu dây” để giữ thế đứng của mình và trục lợi ở cả hai phía. Tuy nhiên, Bắc Kinh thường ép Hà Hội đứng về phía họ và chống lại Liên Sô. Tài liệu của Hà Nội cho biết năm 1963 Trung Quốc đã đưa ra 25 điểm của Phong Trào Giải Phóng Trên Thế Giới và Đặng Thiệu Bình đã thông báo cho các nhà lãnh đạo Hà Nội rằng Trung Quốc sẽ viện trợ cho Việt Nam 1 tỷ nhân dân tệ nếu Việt Nam khuớc từ mọi viện trợ của Liên Sô. Năm 1966, Trung Quốc hô hào thành lập Mặt Trận Nhân Dân Thế Giới chống Mỹ và tay sai, nhưng nói rõ mặt trận này không bao gồm Liên Sô. Sau đó, Trung Quốc đã gây khó khăn cho việc chuyễn hàng viện trợ của Liên Sô và các nước xã hội chủ nghĩa cho Việt Nam quá cảng qua đất Trung Quốc.
ĐU DÂY BỊ ĐỨT!
Sau khi Đảng CSVN chiếm được miền Nam Việt Nam, sự mâu thuẫn giữa Liên Sô và Trung Quốc ngày càng trở nên trầm trọng hơn, và Hà Nội đã ngã về phía Liên Sô. Đại hội Đảng CSVN lần IV vào tháng 12/1976 đã loại dần các phần tử thân Trung Quốc. Hoàng Văn Hoan, Ủy viên Bộ Chính trị từ 1956 và là Đại Sứ VN ở Trung Quốc từ 1950-1957, mất hết chức vụ trong đảng. Ba cựu đại sứ tại Trung Quốc cũng mất chức Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng.
Ngày 30.7.1977, hai tuần sau khi Việt Nam và Lào ký hiệp ước đồng minh, Ngoại Trưởng Trung Quốc Hoàng Hoa đọc diễn văn nói đến sự nguy hiểm của “chủ nghĩa xét lại Sô Viết”, và công khai cảnh cáo VN về hậu quả của một cuộc xâm lấn Campuchia. Trung Quốc muốn Campuchia và Lào phải nằm trong vòng ảnh hưởng của mình.
Cuộc xung đột về biên giới Việt Nam – Camphchia vào tháng 9 năm 1977 do Khmer Đỏ gây ra đã làm cho quan hệ Việt – Trung xấu đi. Tháng 11/1977 Lê Duẫn đến Bắc Kinh xin viện trợ kinh tế. Nhưng Trung Quốc viện lý do đang gặp khó khăn nên không thể viện trợ cho Việt Nam. Khi trở về, Lê Duẩn đã tìm cách làm hoà với Campuchia để làm giảm bớt sự căng thẳng với Trung Quốc. Nhưng ngày 3.12.1977, Phó Thủ Tướng Trung Quốc Trần Vĩnh Quý dẫn phái đoàn tới Campuchia, và ít lâu sau Khmer Đỏ lại mở cuộc tấn công lớn vào biên giới Việt Nam. Ngày 19.1.1978, Tân Hoa xã lên án Mạc Tư Khoa lợi dụng sự thù địch giữa Việt Nam và Campuchia để tăng ảnh hưởng ở Đông Á.
Thêm vào đó, Hội nghị Trung Ương Đảng CSVN vào tháng 2/1978 đã quyết định đánh tư sản mại bản ở miền Nam, tịch thu hơn 30.000 doanh nghiệp tư ở miền Nam, trong đó đa số do người Hoa sở hữu. Đa số người Hoa đã bỏ Việt Nam đi qua Trung Quốc hay các nước khác. Ngày 26.5.1978 Trung Quốc loan báo gửi tàu đến Việt Nam để đón những người Hoa đang trốn chạy. Ngày 7.6.1978 Đặng Tiểu Bình tuyên bố: “VN đang ngã về Liên Sô, kẻ thù của Trung Quốc.”
Lấy lý do cần có tiền để “nuôi nạn kiều”, ngày 13.5.1978 nhà cầm quyền Trung Quốc tuyên bố cắt một phần viện trợ không hoàn lại đã ký cho Việt Nam và rút một bộ phận chuyên gia về nước. Ngày 3.7.1978 chính phủ Trung Quốc lại tuyên bố cắt hết viện trợ và rút hết chuyên gia đang làm việc tại Việt Nam về nước. Ngày 22.12.1978, Trung Quốc đơn phương ngừng vận chuyển hành khách xe lửa tới Việt Nam.
Ngày 25.12.1978, bộ đội VN bắt đầu mở cuộc tấn công qua Campuchia. Bộ đội VN tấn công từ nhiều ngã, lần lượt chiếm các tỉnh bờ đông sông Mekong, sau đó tiến vào Nam Vang. Tới rạng sáng ngày 7.1.1979, các quốc lộ số 1 và số 7, cửa ngõ vào thủ đô Nam Vang, đã vào tay bộ đội Việt Nam và chính quyền Khmer Đỏ hoàn toàn bị xóa sổ. Nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia được thành lập ba ngày sau đó.
Trung Quốc phản ứng bằng cách lên kế hoạch cho cuộc chiến biên giới. Trong khi đi thăm Mỹ, Đặng Tiểu Bình thông báo cho chính quyền Carter rằng Việt Nam sẽ phải trả giá.
Ngày 17.2.1979, Trung Quốc đã tấn công trên toàn tuyến biên giới Việt – Trung trên đất liền thuộc 6 tỉnh của Việt Nam ở phía Bắc với qui mô 20 sư đoàn bộ binh. Cuộc chiến này đã được hai bên cũng như các hãng thông tấn quốc tế công bố đầy đủ hình ảnh và tài liệu nên chúng tôi thấy không cần bàn đến.
HAI MẶT GIÁP CÔNG
Cuộc chiến tranh “giải phóng Campuchia” của Việt Nam đã gây tổn thất nặng cho Việt Nam cả về mặt quân sự lẫn chính trị.
1.- Thiệt hại về quân sự.
Cuộc chiến tại Campuchia rất thê thảm. Ông Bùi Tín cho biết: "Trung Quốc đã giúp hết sức cho Khmer Đỏ dựng dậy. Cả Thái Lan cũng rõ ràng đứng về phía Trung Quốc và Khmer Đỏ. Đến năm 81-82 tôi đã thấy là không ổn, tình hình không kiểm soát nổi. Vào thời điểm ấy đã có ý kiến là nên giao Campuchia lại cho Liên Hiệp Quốc."
Trong một cuộc phỏng vấn của đài BBC, ông Hà Văn Tuấn, đã nói về các đồng đội cũ của mình:
"Hồi đó ở chiến trường, lúc nào sống thì biết sống, mà lúc nào chết thì biết chết. Đang ngồi chung với nhau, cũng có thể chết bất cứ lúc nào hai, ba người…"
Các địa danh nằm dọc biên giới Thái Lan nơi lính Khmer Đỏ lui về cố thủ, ghi dấu những trận đánh đẫm máu, giành giật không phân thắng bại. Một cựu bộ đội khác, ông Bùi Văn Lương, nhớ lại:
"Hồi đó chiến dịch mùa khô, tôi là lính xe tăng đi chiến dịch. Phơi nắng phơi sương cả ngày đêm. Trận đầu tiên, đánh từ lúc bốn giờ sáng tới một giờ chiều mà không lấy được căn cứ của địch. Xe tăng cháy không biết bao nhiêu."
Tính từ khi tiến vào thủ đô Nam Vang ngày 7.1.1979 cho tới khi rút hoàn toàn khỏi Campuchia vào tháng 12/1989, một tài liệu thống kê cho biết Việt Nam mất từ 10.000 tới 30.000 quân, nhưng một tài liệu khác nói rằng con số tổn thất này đã lên đến 50.000. Có nhân chứng hồi tưởng về cảnh ba lô bộ đội tử trận chồng chất trên đường băng Tân Sơn Nhất sau những lần gom quân.
2.- Thiệt hại về chính trị
Ngày 6.1.1979, một phi cơ Trung Quốc đến Nam Vang chở Sihanouk và gia đình qua Bắc Kinh. Ngày 7.1.1979, khi Sihanouk đang dự tiệc mừng hội ngộ thì nghe tin Việt Cộng đã chiếm Nam Vang. Ngày 8.1.1979, Trung Quốc đưa Sihanouk ra họp báo để tố cáo bọn bá quyền Việt Nam xâm lược. Cuộc họp báo được chuẩn bị rất chu đáo. Quan thầy Trung Quốc đã chỉ cho Sihanouk phải nói năng như thế nào. Nhưng kết quả thật quá bất ngờ! Sihanouk kể lại, lúc đầu ông tuyên bố đúng theo sách của quan thầy dạy, nhưng khi các ký giả quốc tế hỏi dồn tới, ông không còn tự chủ được nữa, quay lại tố Khmer Đỏ thi hành chính sách diệt chủng!
Cuối tháng 1 năm 1979, Hội Đồng Liên Hiệp Quốc họp, Trung Quốc đưa Sihanouk đi theo. Có người đã nói nhỏ vào tai Sihanouk: “Không nên bảo vệ cái gì không thể bảo vệ được.” Sihanouk gật gù tỏ ý biết hết rồi. Ấy thế mà khi ra trước Hội Đồng Bảo An, Trung Quốc lên dây cót, Sihanouk hát y chang như đã thu vô. Ông tố cáo Việt Nam đủ điều và cương quyết bảo vệ “chính nghĩa Campuchia dân chủ.” Trung Quốc cười khoái trá và cho Sihanouk đi bát phố chơi thoải mái.
Lợi dụng cơ hội ngàn năm một thủa này, Sihanouk vào xin Mỹ tị nạn chính trị. Mỹ tiếp rất tử tế, nhưng lắc đầu cái chuyện xin tỵ nạn. Thấy thế, Đặng Thiệu Bình nói với Sihanouk: Ngài đã từng nói ngài đã coi Trung Quốc là “quê hương thứ hai”, tại sao ngài phải đi tìm nơi nào khác mà không chọn “quê hương thứ hai” này? Không còn cách nào khác, Sihanouk đành trở lại “quê hương thứ hai”!
Do sự phối hợp với các quốc gia Tây Phương, ngày 22.6.1982 Trung Quốc dẫn Sihanouk đến Kuala Lumpur ký với Son Sann và Khieu Samphan (Khmer Đỏ) thành lập cái gọi là “chính phủ liên hiệp” quốc cộng để chống bọn bá quyền Việt Nam và tay sai là Heng Samrin. Ký xong, mực chưa ráo, Sihanouk nói với các ký giả: “Đó là một sự liên hiệp nhục nhã! Một sự liên hiệp không trông sạch và cũng không có gì vẽ vang. Một sự liên hiệp đáng ghê tởm. Một hiệp ước với quỷ sứ!…”
Nhưng “Chính phủ liên hiệp” nói trên lại được Liên Hiệp Quốc và đa số các cường quốc công nhận và đòi Việt Nam phải rút khỏi Campuchia.
Bị áp lực của Liên Hiệp Quốc và các quốc gia Tây phương, Việt Nam đã rút khỏi Campuchia vào tháng 12/1989, nhưng qua các cuộc bầu cư do sự giám sát của LHQ, Việt Nam cũng đã hình thành được một chính phủ Cambodia thân Việt Nam, do Việt Nam chỉ đạo và bảo vệ.
CƠ MAY LẠI ĐẾN
Trong thời gian từ 1975 đến 1989, với những đòn thù độc địa của Trung Quốc, áp lực của các quốc gia Tây Phương, và những sai lầm trong chính sách “cải tạo xã hội chủ nghĩa” theo giáo điều một cách mù quáng, Đảng CSVN đã đưa đất nước tới bờ vực thẳm. Thế thì tại sao Việt Nam đã phục hồi lại được?
1.- Gặp thời cơ
Năm 1985, khi nền kinh tế Liên Sô lâm nguy, ông Mikhail Gorbachev được bầu làm Tổng Bí Thư Đảng Công Sản Liên Sô. Ông đã đưa ra những đường lối mới để cứu nguy như glasnost (cởi mở), perestroika (tái cấu trúc), demokratizatsiya (dân chủ hóa), uskoreniye (tăng tốc nông nghiệp)…
Đảng CSVN bám ngay chủ trương này của Gorbachev để tìm một lối thoát. Nguyễn Văn Linh, người bị loại ra khỏi Bộ Chính Trị năm 1982, được thu dụng trở lại để làm con bài thí cho một chính sách đổi mới theo kiểu Gorbachev. Nguyễn Văn Linh tuyên bố:
"Muốn thấy đúng những sự thật về kinh tế xã hội của nước ta là phải đổi mới. Chỉ có đổi mới thì mới phát huy được những nhân tố mới để sửa chữa những sai lầm trầm trọng hiện nay. Và muốn đổi mới thắng lợi thì phải đấu tranh chống cái cũ, chống cái bảo thủ trì trệ, chống giáo điều rập khuôn, chống chủ quan nóng vội, chống tha hóa biến chất, chống những thói quen lỗi thời dai dẳng. Đây là một cuộc đấu tranh cách mạng gian khổ diễn ra trên mọi lĩnh vực và trong bản thân từng người chúng ta".
Với những chủ trương như thế, Đảng CSVN từ bỏ dần kinh tế xã hội chủ nghĩa và chuyển qua kinh tế thị trường, mở cửa đón nhận hệ thống thương mại và đầu tư của các quốc gia tư bản. Phương thức này đã giúp nền kinh tế Việt Nam phục hồi dần.
2.- Sự sụp đổ của các chế độ cộng sản Đông Âu và Liên Sô.
Hai biến cố quan trọng xẩy ra trong khối Cộng Sản từ năm 1989 đến 1991 đã khiến Trung Quốc phải thay đổi thái độ:
Thứ nhất, những diễn tiến về sự sụp đổ chớp nhoáng và đầy ngoạn mục của các chế độ cộng sản ở Đông Châu vào cuối năm 1989 đã xẩy ra hoàn toàn ngoài mọi dự tưởng của những chính trị gia lỗi lạc nhất thế giới.
Thứ hai, tháng 3/1990, một cuộc bầu cử tự do đã được thực hiện tại Liên Sô và ông Nikhail Gorbachev đắc cử Tổng Thống Liên Bang Sô Viết. Ngày 19.81991, phe quân nhân và cộng sản giáo điều làm đảo chánh lật đổ Tổng Bí Thư Gorbachev nhưng thất bại. Ngày 24.8.1991 ông Gorbachev tuyên bố giải tán Đảng Cộng Sản Nga và từ chức Tổng Bí Thư. Ngày 17.12.1991 Liên Bang Cộng Hòa Sô Viết giải tán.
Lúc đó, trên thế giới chỉ còn lại 4 nước theo chế độ cộng sản, đó là Trung Quốc, Việt Nam, Cuba và Bắc Hàn. Trước tình thế này, Trung Quốc bị bắt buộc phải làm hoà với Việt Nam để tạo một cái thế liên hoàn. Nhiều người tin rằng nếu chế độ cộng sản ở Liên Sô và các nước Đông Âu sụp đổ chậm hơn, Việt Nam khó chịu đựng nổi những đòn độc của Trung Quốc.
Ngoài thời cơ, chúng ta cũng phải công nhận rằng Đảng CSVN có khả năng biến đổi một cách nhanh chóng. Mặc dầu được xây dựng trong hệ thống giáo điều, Đảng CSVN đã không ôm chặt “Bốn Không” hay “Bốn Có” mà tùy cơ ứng biến: Từ kinh tế xã hội chủ nghĩa nhảy qua kinh tế thị trường, từ chủ trương “Chống Mỹ cứu nước” đi đến quyết định “Nhờ Mỹ cứu Đảng”… Nay Đảng CSVN lại chơi trò đu dây để tạo cái thế quân bình.
Hôm 17.2.2009, nhân kỷ niệm 30 năm Chiến Tranh Biên Giới, bà Khương Du, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã nói với báo chí:
“Trung Quốc và Việt Nam đã có một quá khứ không vui nhưng điều quan trọng là các lãnh đạo hai bên đã đạt được thỏa thuận mở ra tương lai và hai nước cùng chia sẻ mong muốn đó”.
Bà “hy vọng sẽ để lại phía sau quá khứ và hướng đến tương lai”.
Nhưng vấn đề có lẽ không giản dị như vậy.
Lữ Giang
(24.2.2009)
Ghi chú: Nếu tìm không thấy bài, cứ vào motgoctroi.com, mục "Mỗi tuần một chuyện" sẽ thấy trong đó.
Views: 0