Uncategorized

Vai trò làm vợ của người phụ nữ

Người con gái khi lớn lên vào đời, tâm lý chung bao giờ cũng mơ đến một mái ấm gia đình. Mơ ước này tự nó đã gắn liền với vai trò mà người phụ nữ phải có khi bước vào đời sống hôn nhân gia đình: Vai trò làm vợ.

Người con gái khi lớn lên vào đời, tâm lý chung bao giờ cũng mơ đến một mái ấm gia đình. Mơ ước này tự nó đã gắn liền với vai trò mà người phụ nữ phải có khi bước vào đời sống hôn nhân gia đình: Vai trò làm vợ.

Trong huấn từ ngày 9 tháng 6 năm 2005, nhân dịp khai mạc Hội Nghị Giáo Sỹ của Giáo Phận Rôma, Ðức Bênêđíctô XVI đã khai triển nền tảng nhân chủng học của gia đình như sau: “Hôn nhân và gia đình không phải là một cấu trúc xã hội hời hợt, hoa trái của những tình trạng lịch sử và kinh tế đặc thù. Trái lại, vấn nạn về quyền liên đới giữa một người nam và một người nữ có căn rễ trong ý nghĩa nền tảng căn bản nhất của nhân loại, và chỉ có thể tìm được câu trả lời từ đó.”

Theo Ðức Bênêđíctô XVI, thì nguồn gốc con người được tìm thấy trong tương quan giữa nó với Thiên Chúa, vì nó được tạo dựng theo hình ảnh của Ngài. Nguồn gốc ấy bắt đầu từ Ðấng tạo thành và lan rộng đến mỗi cá nhân con người và quy tụ vào sự hợp nhất giữa người nam và người nữ. Vì thế, khi hai người nam nữ thưa “có” trong lúc cử hành hôn phối, họ diễn lại chữ “có” mà Thiên Chúa đã phán ra trong lúc tạo thành vũ trụ và con người. Nếu tiếng “hãy có” của Thiên Chúa đem con người vào hiện hữu, thì còn tiếng có của hai người yêu nhau là làm cho hiện hữu ấy được tái diễn qua ơn gọi hôn nhân. Khi Thiên Chúa dẫn Evà đến với Adong, thoạt nhìn, ông đã nhận ra đấy chính là sản phẩm phát xuất từ mình, và ông đã đón nhận nàng như đón nhận chính mình. Ông đã thốt lên: “Ðây là xương của xương tôi, thịt của thịt tôi. Nàng sẽ được gọi là “đàn bà” vì nàng được rút ra từ “đàn ông” (Gn 2:23).

Con người của Evà là do Thiên Chúa đã tạo ra từ khúc xương rút ra từ cạnh sườn của Adong trong lúc ông ngủ. Từ sự chấp nhận ấy, Thánh Kinh ghi tiếp: “Bởi thế người đàn ông sẽ bỏ cha mẹ mà luyến ái với vợ mình và cả hai sẽ trở nên một” (Gn 2:24). Vai trò làm vợ bắt nguồn từ đó. Như vậy, sự cộng tác trước nhất và lớn lao nhất của người phụ nữ vào sự hình thành thế giới chúng ta đang sống là sự cộng tác với người chồng trong vai trò làm vợ của nàng. Vì từ vai trò này sẽ dẫn đến vai trò làm mẹ và làm nhà giáo dục sau này.

– Ðồng hàng:

“Người đàn ông không được dựng nên từ người đàn bà, nhưng người đàn bà được dựng nên từ người đàn ông” (1 Cor 11:8).

Xuất phát từ Thiên Chúa, con người mang hình ảnh của Ngài, và trong đó Ngài đã tạo nên con người có nam, có nữ. Từ căn bản này, người phụ nữ trong đời sống hôn nhân được coi là người đồng hàng hay ngang hàng với chồng. Nàng là một chủ thể không thể thiếu trong đời sống của chồng. Như mặt trái và mặt phải của bàn tay, và như hai mặt của một đồng tiền. Vai trò này bắt nguồn từ Thiên Chúa, ngay bước đầu tạo dựng, và vai trò người phụ nữ được nâng lên vai trò làm vợ, “người trợ giúp đương đối” (Gn 2:18) của chồng. Ðó là lý do tại sao Thánh Phaolô đã viết: “Hỡi các người chồng, hãy yêu thương vợ mình như Chúa Kitô đã yêu thương Giáo Hội và hiến toàn thân cho Giáo Hội” (Êph 5:25).

Ngang hàng hay đồng hàng với nam giới, đặc biệt trong ơn gọi hôn nhân gia đình. Theo Thánh Kinh, người phụ nữ không có gì để thua kém và bị coi thường bởi nam giới cả. Bởi vì họ cũng phát xuất từ đàn ông, và được tạo dựng đồng hàng với nam giới. Tuy nhiên, vai trò làm vợ của nữ giới hiện nay đang có nhiều biến dạng và thay đổi. Mới đây trong kỳ bầu cử Hoa Kỳ, ngày 4 tháng 11 vừa qua, tại California khi dự luật 8 cho phép hôn nhân đồng tính bị đánh bại, đã có hàng chục ngàn người xuống đường biểu tình đòi hủy bỏ kết quả và hợp pháp hôn nhân đồng tính. Hiện tượng này đã khiến ta phải suy nghĩ nhiều về vai trò làm vợ của những phụ nữ hiện nay. Một quan niệm dẫn tới những tương quan tình yêu và tình cảm ngoài hôn nhân.

– Phụ tá:

“Người vợ không thuộc về mình những thuộc về chồng; cũng vậy, người chồng không thuộc về mình, nhưng thuộc về vợ” (1 Cor 7:4). Thánh Phaolô tuy nói về sự liên kết tính dục, nhưng cũng có thể hiểu rằng vợ và chồng đều cần thiết cho nhau và vì nhau. Ở đây, chúng ta có thể tìm thấy vai trò phụ tá, trợ lực của người phụ nữ được nhắc đến trong Thánh Kinh, đó là “người trợ giúp đương đối” (Gn 2:18) của chồng mình.

Trong Sáng Thế Ký, khi Adong gọi vợ ông là “xương của xương tôi, thịt của thịt tôi”, đó cũng là nhấn mạnh và đề cập đến chính bản thân ông hay chính ông. Xương của xương tôi, thịt của thịt tôi cũng chính là tôi, hay là tôi “mình”. Do đó, trong những cư xử thường ngày, người vợ đương nhiên có quyền và có bổn phận phải phụ lực với chồng, vì làm như vậy là nàng vui xới và giúp xây dựng chính bản thân. Ðiều này cũng được tìm thấy trong văn hóa Việt Nam, theo đó, người chồng gọi người vợ hay người vợ gọi người chồng là mình: “Mình ơi!”.

Do đó, khi người vợ làm tròn trách nhiệm trợ giúp hay phụ tá một cách tận tình, năng động, và hết sức mình là làm cho chính “mình”.

– Ðồng hành:

Ca dao Việt Nam có câu: “Thuận vợ, thuận chồng tát biển Ðông cũng cạn”. Từ ngang hàng qua vai trò phụ tá, vai trò làm vợ còn có thêm một đặc tính khác nữa, đó là cùng đồng hành với chồng. Người vợ sẽ cùng với chồng chung bước trên con đường xây dựng hạnh phúc. Và hạnh phúc của người chồng cũng là hạnh phúc của người vợ; hay ngược lại, hạnh phúc của người vợ cũng là hạnh phúc của người chồng. Trong đời sống hôn nhân không có thứ hạnh phúc cá nhân. Hạnh phúc của tôi hay của anh.

Ðặc tính đồng hành của người phụ nữ trong đời sống hôn nhân bổ túc đặc tính ngang hàng và phụ tá của vai trò làm vợ. Giữa người chồng và người vợ, trong hành trình cuộc sống, không ai đi trước ai, vì như thế sẽ có người trở thành kẻ cả, người dẫn đầu của người kia. Cũng đừng đi sau nhau, vì như thế sẽ tạo mối quan tâm, lo lắng cho nhau. Nhưng đi song song bên nhau. Cùng sánh bước bên nhau, nâng đỡ nhau tạo nên một đời sống bình quyền, bình đẳng giữa hôn nhân. Một mặt người vợ nói lên sự quan tâm, lo lắng, và săn sóc cho chồng. Mặt khác, không mặc cảm về sự thua thiệt và yếu kém của mình ngay trong gia đình và ngoài xã hội.

Người vợ và người chồng đồng hành bên nhau còn tạo nên một cuộc sống bình đẳng, dễ dàng thông cảm, và chia sẻ với nhau. Nó dẫn tới sự kết hợp và hòa đồng trong tư tưởng, lối sống.

KẾT LUẬN

Người phụ nữ khi bước vào đời sống hôn nhân trong vai trò làm vợ, nàng không những đồng hàng với chồng, mà còn là người phụ tá đắc lực và nâng đỡ chồng nữa: “Vợ ngươi như cây nho sai trái, trong nội cung gia thất nhà ngươi” (Ps 128:3). Ðức Gioan Phaolô II trong cuốn Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng, khi đề cập đến địa vị phụ nữ trong đời sống xã hội, đã viết: “Nếu kỷ nguyên chúng ta nổi bật với xã hội phóng khoáng nhờ phong trào đòi bình quyền cho phụ nữ đang lớn mạnh, thì hẳn phải nói rằng khuynh hướng này là một phản ứng đối với sự thiếu kính trọng dành cho mỗi phụ nữ”. (tr. 217, Thăng Tiến 1995). Và ngài khẳng định: “Tôi thiết nghĩ một vài phong trào đòi bình quyền cho nữ giới hiện đại bắt rễ từ sự thiếu vắng lòng tôn trọng đích thực dành cho phụ nữ” (tr. 218).

Với cái nhìn của tâm lý xã hội và tâm lý hôn nhân, mức độ tiến bộ của một dân tộc, một nền văn minh dựa trên sự bình quyền và tôn trọng vai trò của nữa giới. Theo Elizabeth Cady Stanton, “Khoa học xã hội khẳng định rằng vị trí của một người đàn bà trong xã hội đánh dấu trình độ văn minh của nhân loại”. Ðể kiểm chứng, chúng ta có thể nhìn vào mức tiến bộ của các dân tộc và các nền văn minh hiện nay trên thế giới, đặc biệt tại các nền văn hóa mà vai trò, vị thế của người phụ nữ không được thừa nhận. Thí dụ, tại một số quốc gia Hồi Giáo quá khích.

Tóm lại, vai trò làm vợ của nữ giới là một vai trò hết sức cần thiết và quan trọng đến nỗi Socrates đã viết: “Cứ việc cưới vợ đi. Nếu được người vợ tốt, bạn sẽ hạnh phúc. Ngược lại, nếu gặp phải người vợ xấu, bạn sẽ trở thành một triết gia”.

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.