Nguyễn Ngọc Thể
Trong đời thường, ai trong chúng ta cũng có những lúc mong đợi, trông chờ, từ khi sinh ra cho đến lúc trưởng thành và già nua. Một em bé còn nằm trong nôi, mỗi khi vắng mẹ, em khóc rồi cứ đưa mắt nhìn quanh như chờ đợi một điều gì hay mong đợi một ai. Kịp đến khi trông thấy mẹ em xuất hiện bên nôi, mắt em bỗng sáng lên, ngưng khóc, miệng cười toe toét, và rồi em được mẹ bồng bế trên tay. Còn niềm vui nào bằng?
Đên tuổi vị thành niên, các em mong gì ngoài những dịp được cha mẹ cho quà, như dịp sinh nhật của mình, dịp lễ Giáng sinh hay dịp Tết đến. Nhưng khi các em đến tuổi thanh niên, nỗi mong chờ của các em là gì, nếu không phải là hẹn hò và mong chờ người yêu đến với nhau. Và, khi con người đã thật sự trưởng thành, những mong có được một gia đình ấm êm, hạnh phúc, có công việc làm ăn thành đạt. Thế nhưng, khi đã đến tuổi cao niên thì niềm mong ước của những người này là mong sao có được cuộc sống an nhàn, thanh thản cho đến khi giã từ cõi thế và ra đi. Đại văn hào người Anh, ông William Shakespeare đã nói: “Thời gian trôi thật chậm đối với những ai đợi chờ; rất nhanh đối với những ai sợ hãi; rất dài đối với những ai phàn nàn, than thở; rất ngắn đối với những ai mừng lễ. Nhưng đối với những ai yêu thương, thời gian là vĩnh cửu.”
Những ngày này, thời gian này, chúng ta mong đợi gì? Chắc những người con của Chúa ai nấy đều mong đợi một Đấng Thiên Sai, một vị Cứu Tinh mau đến để cứu chuộc loài người đang sống trong cảnh lầm than, khốn cùng. “Nguyện trời cao đổ xuống sương mai, mây ơi mau hãy mưa Vị Cứu Tinh. Các tầng trời nói lên hiển vinh Chúa, không trung cao chiếu kỳ công tay Người. Chúa ơi, xin Người nhớ lời hứa xưa và mau ban ơn giải thoát trần thế mong chờ. Nhân gian điêu linh hoang sơ, luôn luôn mong ơn Cứu Tinh an bình và công chính tựa cây ngàn mong mưa.”1 Những lời kêu xin tha thiết đó chúng ta nghe vang vọng trong những ngày này. Và lời kêu gọi như sấm vang trong rừng vắng của một Gioan Tiền hô:” Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri Isaia đã loan báo” (Gioan 1:23). Quả vậy, con người hôm nay đang khao khát một sự giải thoát được mau chóng đến.
Sống trong một đất nước tự do, chúng ta không mong gì hơn là có được một nền dân chủ tốt đẹp, vững bền dài lâu, mọi người đều biết tương kính trong tinh thần cộng đồng nhân loại. Mà có được một nền dân chủ vững chải, tốt đẹp thì mỗi người và mọi người công dân trong nước đều cần phải có đồng tâm nhất trí với nhau, không bè phái, không đố kỵ, nhưng tất cả phải thành thật đóng góp tài trí của mình để dựng xây một chính thể, một đất nước để ngày càng giàu mạnh và vươn lên. Không bè phái, dối gian để thủ lợi cho riêng phe mình, đảng phái mình. Gian dối, lừa đảo sẽ không tồn tại lâu dài mà chỉ đem lại một sự không công bằng, thiếu minh bạch, chỉ đưa đến những hậu quả tai hại cho một xã hội. Những điều đó, một khi đã xảy ra, đặc biệt là nơi giới trẻ, sẽ làm cho niềm tin của họ bị đánh mất, thui chột, cuộc sống của họ sẽ bị tha hóa, vì tất cả những điều đó sẽ còn tồn tại mãi trong sử sách. Một khi đã ôm ấp sự lừa dối nơi chính mình và không muốn mạnh mẽ loại trừ ngay thì sự lừa dối ấy sẽ ngày càng bén rễ sâu trong cuộc đời mình và mãi mãi tồn tại trong tâm thức mình. Người ta nói rằng, tuổi trẻ dưới chế độ cộng sản đã bị tiêm nhiễm nặng nề về sự nói dối. Tôi được nghe một linh mục làm việc tại một đại chủng viện ở VN cho biết rằng: “năm đầu tiên vào nhập học, chúng tôi đã phải uốn nắn làm sao để cho các cậu mới vào phải loại bỏ việc nói dối !”
Satan chính là cha đẻ của sự lừa đối. Hãy đọc lại những gì nói đến trong sách Sáng Thế (ST) khi E-và đã bị Satan, đội lốt con rắn, lừa dối phỉnh gạt mình ăn “trái cấm” để rồi đưa cho A-đam cùng ăn để được bằng Thiên Chúa (ST. 3 : 4-7). Kết quả ra sao thì chúng ta đã rõ. Con cháu muôn đời sẽ lãnh án phạt truyền kiếp do ông bà nguyên tổ để lại. Chính vì thế, mà Thiên Chúa Cha, vì quá yêu thương con người, đã sai Con Một mình giáng thế để chuộc tội.
Chế độ cộng sản sở dĩ còn tồn tại một số nơi trên thế giới bởi nhờ có “kỹ thuật” dối trá tài tình cộng với sự tuyên truyền láo khoét vô địch. Họ cho rằng, “cứ nói dối đi, nó dối hoài, nói dối mãi, cuối cùng người ta cũng phải tin thôi.” Thứ đến là phải biết thuật tuyên truyền. Hai “thuật” này (dối trá và tuyên truyền) phải đi đôi với nhau như hình với bóng.
Chúng ta đã nhận chân được căn nguyên tội lỗi của nhân loại và để cho con người thoát khỏi cảnh lầm than của tội tội lỗi, tiếp tục dò dẫm bước đi trong bóng tối của sự chết, chúng ta hãy cùng nhau hướng về hang Bê-lem, nơi đó vị Cứu tinh sắp sinh ra để cứu đời. Người đến để xóa tan sự tội. Người đến để mang lại cho loài người sự công chính, an hòa.
Ngoài kia, đông đã về. Cảnh vật héo hắt, buồn hiu. Cả bầu trời bao trùm cảnh sắc thê lương. Thấp thoảng trong cảnh mù khơi, thỉnh thoảng có mấy bóng người đi lại dưới làn tuyết lạnh giá. Từng cơn có gió lạnh thổi vi vu qua những cánh đồng không mông quạnh. Đàn súc vật cũng không sao ra ngoài được để tìm cỏ rơm mà ăn. Trên trời cao, mặt trời không sao ló dạng. Dù vậy, ánh sáng vẫn yếu ớt chiếu qua không gian mờ mịt, u ám.
Trời đang ngả về chiều. Bỗng như có những tốp người từ một số phố thị khắp nơi thuộc miền Xy-ri đang đổ về một thị trấn nhỏ bé Bê-lem để thi hành lệnh trên ban xuống: kiểm tra dân số. Những nguời này tuôn về đây, bóng người đi, khi ẩn khi hiện qua lớp sương mù dày hoặc duới những cơn mưa tuyết. Trong số những người này, người ta nhận ra có hai ông bà thuộc tầng lớp nghèo nàn, cùng với những người khác hướng về một thị trấn nhỏ bé này để sẽ được “khai sổ dân đinh.” Riêng bà thì đang mang thai, ngồi trên lưng con lừa[1] bước đi chậm rãi. Nào, ta cùng nghe những gì mà Luca đã ghi:
“Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni-ô, tổng trấn xứ Sy-ri. Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giu-se từ thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê lên thành vua Đa-vít tức là Bê-lem1 miền Giu-đê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đa-vít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai.” (Luc. 2: 4-6)
Đường đi xa xăm dưới trời đông giá, và vừa đến nơi, người đông như trầy hội, người người chen chúc nhau để đi tìm nơi dừng chân. Ông Giuse và Bà Maria, tuy Bà mang thai sắp đến ngày sinh, cũng đã vội đi tìm chỗ để trú qua đêm. Dù vất vả, mệt nhọc, ông bà vẫn không tìm ra được nơi trú ngụ, vì đi đến đâu, các chủ quán trọ đều bỉu môi khinh chê, bởi ông bà mang phận nghèo hèn, không tiền, không bạc làm sao tìm được phòng nơi quán trọ! Cuối cùng, buộc lòng ông bà phải tìm một nơi bên ngoài vắng vẻ để tạm trú cho qua đêm. Nơi đây, ông bà đã tìm thấy được hang chuồng bò và vào nơi đó để trú tạm. “ Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc. 2: 6-7). Trước đó, tiên tri Isaia đã ghi: “Này đây trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ con trai, đặt tên là Emmanuel, Hài Nhi sẽ ăn đồ sữa và mật ong, cho đến tuổi biết phân biệt hay dở mà chọn lựa tốt xấu.” ( Is. 7: 14b-15).
Một nhạc sĩ nào đó đã viết lên ca khúc ngắn sau đây với nhiều cảm xúc và đầy tâm tình về hoàn cảnh Chúa Giê-su được sinh ra:
“Trong chồng bò nửa đêm tăm tối, Đấng Cứu tinh đã ra đời. Trong chuồng bò nửa đêm tăm tối, Chúa sinh ra làm người.
“Nhân loại ôi lại đây xem Chúa rét run trong thân cơ hàn. Nhân loại ôi lại đây xem Chúa Đấng yêu thương loài người.
“Noel trên trời vinh quang, chiếu muôn ánh sao huy hoàng. Noel trên trời vinh quang, ánh sao chiếu soi gian trần. Noel – Noe l – Alleluia.”
Nhân loại, gian trần đang sống trong lầm than, lòng những ước mong ngày đêm Đấng Cứu tinh đển cứu đời như các tiên tri đã loan báo trước trong thời Cựu ước. Như đất khô cằn cỗi lâu ngày những mong chờ ơn mưa móc từ trời cao để cây cối được thấm nhuần, tươi mát nhờ những cơn mưa.
Cũng thế, Chúa Giê-su giáng trần đem xuống cho nhân loại bao hồng ân khôn lường, như lòng muôn dân mong đợi qua bao ngày tháng, qua bao niên kỷ, và mong được giải thoát khỏi vòng hệ lụy của tội lỗi đớn đau, chua xót do ông bà nguyên tổ để lại. Thật vậy, Chúa đến để giải thoát con người khỏi xích xiềng tội lỗi, được thoát khỏi vòng u tối để nhìn thấy ánh sáng quang minh chính đại, để được nhìn thấy ánh sáng vĩnh cửu của Chúa Giê-su.
Ngài chính là Đấng cứu thế và kiến thế. Ngài chính là Đấng giải phóng đích thực cho mọi dân tộc, cho con cái loài người để rồi từ nay loài người không còn mang ách nô lệ của tội lỗi, của xiềng xích quỷ ma đớn hèn nữa. Thật vậy, bao lâu con người còn sống trong tội lỗi, con người vẫn còn phải chịu bao cảnh thương đau, vẫn còn phải chịu những đớn đau ê chề. Chúa đã đến với con người từ hơn hai ngàn năm qua. Chúa đã thực sự đến giải thoát con người, nhưng về phần chúng ta, chúng ta có thực sự mong muốn thoát ra khỏi cảnh mê muội, xích xiềng của tội lỗi, của những thú vui thấp hèn, chóng qua hay không?
Thánh thi ghi như sau: “Chiên Thiên Chúa đã từ nơi thượng giới
Xuống cõi trần đền tội vạ chúng ta.
Nào cùng nhau chạy đến lượng hải hà,
Xin tha thứ bằng lời kinh thấm lệ.”
Hãy hồi tâm suy nghĩ về điều này: Nếu những nhân sinh như chúng ta, những người con Chúa, một đàng muốn được giải thoát, đàng khác vẫn cố bám lấy những ích kỷ của mình, cố chạy theo những hư ảo phù vân, những ảo ảnh mau phai mờ, thì vô tình, chúng ta phủ nhận bao công ơn trời biển mà Thiên Chúa Ngôi Hai, Con Thiên Chúa, đã đem đến cho mỗi người chúng ta bây giờ và mãi mãi.
Nguyễn Ngọc Thể
(GS 2020)
________________________________________
[1] Trong Phúc Âm trích từ Luca ở trên, không thấy nói đến việc Bà Maria ngồi trên lưng lừa.
[2] Nguyện trời cao – Lm Kim Long
[3] Quãng đường từ Nagiareth đến Bê-lem khoảng 90 dặm, tức khoảng gần 145 cây số (kilometers).Một quãng
đường dài như thế mà bà Maria, tuy đang mang thai, vẫn phải đi bộ!
Views: 0