Giáo hội hoàn vũ

Giảng Lễ Chúa Nhật XXX-A về Ngày Thế Giới Người Nghèo

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh chuyển ngữ

Dụ ngôn chúng ta vừa nghe có phần mở, phần thân và phần kết, cho thấy khởi điểm ban đầu, trung điểm tiến hành và tận điểm kết thúc cuộc sống của chúng ta.

Phần mở. Hết mọi sự được mở đầu là một sự thiện cao cả. Người chủ không giữ lấy cho mình cái giầu sang của mình, mà ban phát nó cho các người đầy tớ của ông; 5 nén cho người này, hai nén cho người kia, một nén cho người thứ ba, “tùy theo khả năng của họ” (Mt 25:15). Nếu tính ra thì một nén tương đương với lợi tức cho khoảng làm việc 20 năm: đó là một giá trị khổng lồ, đủ sống cho cả một cuộc đời. Đó là khởi điểm. Đối với chúng ta cũng thế, hết mọi sự đều được bắt đầu nhờ bởi ân sủng của Chúa – hết mọi sự bao giờ cũng được bắt đầu nhờ bởi ân sủng của Chúa, Đấng là một Người Cha và đã ban cho chúng ta rất nhiều sự tốt lành, trao phó cho chúng ta mỗi người những nén bạc khác nhau. Chúng ta có được một kho tàng to lớn, không phải nơi những gì chúng ta có mà là nơi những gì chúng ta là: sự sống chúng ta đã lãnh nhận, sự thiện ở nơi chúng ta, vẻ đẹp bất khả xóa mờ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, bằng cách dựng nên chúng ta theo hình ảnh của Ngài… Tất cả những điều ấy làm cho chúng ta trở nên quí báu trước nhan Ngài, mỗi một người chúng ta đều vô giá và đặc thù trong lịch sử! Đó là cách Thiên Chúa nhìn đến chúng ta, cách Thiên Chúa cảm thấy về chúng ta.

Chúng ta cần nhớ đến điều ấy. Bao giờ cũng thế, chúng ta quá thường nhìn vào cuộc đời của mình chúng ta chỉ thấy mình thiếu hụt, và chúng ta than van về những gì chúng ta thiếu thốn. Rồi chúng ta có khuynh hướng “giá mà..!” Giá mà tôi có công việc ấy, giá mà tôi có cái nhà ấy, giá mà tôi có tiền bạc và thành đạt, giá mà tôi không có vấn đề này hay vấn đề kia, giá mà tôi khá giả hơn những người chung quanh tôi…! Thế nhưng, những lời – giá mà! – ảo tưởng ấy là những gì ngăn cản chúng ta thấy được tất cả những gì là thiện hảo chung quang chúng ta. Chúng khiến chúng ta quên đi các nén bạc chúng ta có. Anh chị em có thể không có cái đó, nhưng anh chị em lại có cái này, và “cái giá mà” làm cho chúng ta quên như thế. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã cống hiến những nén bạc ấy cho chúng ta, vì Ngài biết rằng mỗi người chúng ta, và Ngài biết các khả năng của chúng ta. Ngài trao phó cho chúng ta, cho dù chúng ta hèn yếu. Thiên Chúa thậm chí tin tưởng vào người đầy tớ sẽ đem giấu nén bạc của hắn đi, hy vọng rằng bất chấp nỗi sợ hãi của hắn, hắn vẫn biết sử dụng một cách tốt đẹp những gì hắn nhận được. Tóm lại, Chúa xin chúng ta hãy thực hiện tốt đa giây phút hiện tại, đừng hoài niệm quá khứ, nhưng hãy nhẫn nại đợi chờ Ngài trở lại. Cái nhung nhớ ấy ghê tởm biết bao, cái nhung nhớ như thể một thứ tính chất đen đủi đầu độc linh hồn của chúng ta, và làm cho chúng ta lúc nào cũng nhìn lại đằng sau, bao giờ cũng nhìn vào các kẻ khác, chứ không bao giờ nhìn vào bàn tay của mình, hay nhìn vào những cơ hội hoạt động được Chúa ban cho chúng ta, không bao giờ nhìn vào tình trạng của bản thân mình… thậm chí không nhìn vào tình trạng bần cùng của mình nữa.

Tình trạng này mang chúng ta đến phần thân của dụ ngôn, đó là hoạt động của các người đầy tớ là việc phục vụ. Phục vụ cũng là việc của chúng ta nữa; nó làm cho các nén bạc sinh hoa kết trái, và giúp cho đời sống chúng ta có ý nghĩa. Những ai không sống để phục vụ, phục vụ chút ít trên đời này. Chúng ta cần phải lập lại điều này, và lập lại thường xuyên, đó là những ai không sống để phục vụ, phục vụ chút ít trên đời này. Chúng ta cần phải lập lại điều này, và lập lại thường xuyên, đó là những ai không sống để phục vụ, phục vụ chút ít trên đời này. Thế nhưng đâu là loại phục vụ chúng ta đang nói đến ở đây? Trong Phúc Âm, các người đầy tớ tốt lành là những người dám liều. Họ không sợ hãi cũng không quá cẩn trọng, họ không dính chặt với những gì họ có, nhưng biết sử dụng cách tốt đẹp. Vì nếu sự thiện không được đầu tư thì nó bị mất đi, và tính chất cao cả của đời sống chúng ta không được cân đo bằng việc chúng ta phục vụ bao nhiêu, mà bằng hoa trái chúng ta sinh lợi. Biết bao nhiêu là người sống một cuộc đời chỉ biết tích lũy những gì sở hữu được, chỉ quan tâm đến đời sống tốt đẹp chứ không phải là sự thiện họ có thể làm. Thế nhưng, trống rỗng biết bao cho một cuộc sống chỉ tập trung vào các nhu cầu của chúng ta, và nhắm mắt làm ngơ trước các nhu cầu của người khác! Lý do chúng ta có được các tặng ân là để chúng ta có thể trở thành tặng ân cho người khác. Anh chị em ơi, đến đây chúng ta cần phải tự vấn xem: tôi có chỉ theo đuổi các nhu cầu riêng của mình, hay tôi có thể nhìn đến các nhu cầu của người khác, đến những ai đang thiếu thốn cần giúp đỡ? Đôi tay của tôi có mở ra hay chăng, hay là chúng đang nắm lại?

Vấn đề quan trọng ở đây là có 4 lần tất cả những người đầy tớ đầu tư các nén bạc của mình, thành phần dám liều, được gọi là “trung tín” (vv.21,23). Đối với Phúc Âm thì việc trung thành không bao giờ lại thoát được tính chất dám liều. “Thế nhưng, thưa cha, làm Kitô hữu phải chăng mang ý nghĩa dám liều?” – “Đúng thế, con yêu, hãy dám liều. Nếu con không dám liều, con sẽ đi đến chỗ giống như người đầy tớ thứ ba: đó là đem chôn các khả năng của con, những phong phú của con về tinh thần và vật chất, hết mọi sự”. Hãy dám liều: không có vấn đề trung tín nếu không dám liều. Lòng trung tín đối với Thiên Chúa nghĩa là để đời mình lơ lửng treo lên, để những dự án đã được cẩn thận sắp xếp của mình bị lũng đoạn bởi nhu cầu phục vụ của mình. “Thế nhưng tôi có các dự án của mình, mà nếu tôi cần phải phục vụ…” Hãy để cho các dự án của anh chị em bị đảo lộn, hãy đi phục vụ. Thật là buồn khi thấy Kitô hữu chơi trò thủ thế, chỉ muốn tuân thủ các thứ qui luật cùng vâng phục những giới răn. Những Kitô hữu “vừa phải” này không bao giờ vượt biên hết, không bao giờ, vì họ sợ liều. Những con người ấy, xin cho phép tôi sử dụng hình ảnh này, những con người chăm lo cho bản thân mình để tránh khỏi phải liều bắt đầu trong đời sống của họ một tiến trình cằn cỗi hóa linh hồn của họ, và họ tiến tới chỗ như những thứ xác ướp. Việc tuân theo các qui luật vẫn chưa đủ; lòng trung thành với Chúa Giêsu không phải chỉ ở chỗ không gây ra lỗi lầm, một chủ trương hoàn toàn sai. Đó là những gì người đầy tớ lưỡi lĩnh trong dụ ngôn đã nghĩ: vì thiếu tính chất chủ động và óc sáng tạo, hắn chiều theo nỗi sợ hãi không cần thiết, và đã đem chôn nén bạc đã nhận được. Người chủ thực sự đã gọi hắn là “gian ác” (v.26). Thế mà hắn có làm gì sai đâu! Nhưng hắn cũng chẳng làm điều tốt. Hắn đã ưa phạm tội bằng việc bỏ qua hơn là dám liều gây ra một lầm lỗi. Hắn đã tỏ ra không trung tín với Thiên Chúa, Đấng ban phát nhưng không, và hắn còn xúc phạm hơn thế nữa, bằng cách trả lại tặng ân hắn đã lãnh nhận. “Ông đã trao cho tôi nén bạc này, và tôi trả nó về cho ông đây”, ngoài ra chẳng còn gì nữa. Về phần mình, Chúa xin chúng ta phải tỏ ra quảng đại, phải khống chế sợ hãi bằng lòng can đảm của tình yêu thương, thắng vượt cái tính chất thụ động biến thành đồng lõa. Hôm nay đây, vào những lúc bất định này, vào những lúc bất ổn đây, chúng ta đừng hoang phí cuộc đời của mình ở chỗ chỉ nghĩ đến bản thân chúng ta, tỏ ra lãnh đạm dửng dưng với những người khác, hay đánh lừa mình với ý nghĩ rằng: “yên ổn và an toàn!” (1Thess 5:3). Thánh Phaolô mời gọi chúng ta hãy nhìn thẳng vào thực tại và hãy tránh lánh tính chất lây nhiễm của những gì là lạnh lùng lãnh đạm.

Vậy thì chúng ta phục vụ ra sao, như Chúa muốn chúng ta phục vụ? Người chủ bảo người đầy tớ bất trung rằng: “Ngươi cần phải đầu tư tiền bạc của ta trong nhà băng, để khi ta trở về ta nhận được những gì lợi lộc từ những gì của ta” (v.27). Ai là “nhà băng” có thể cung cấp cho chúng ta số lời dài hạn đây? Họ là thành phần nghèo khổ. Đừng quên nhé: người nghèo ở ngay tâm điểm của Phúc Âm; chúng ta không thể hiểu được Phúc Âm mà không có người nghèo đâu. Người nghèo giống như chính Chúa Giêsu, Đấng, cho dù giầu có, đã tự hóa ra như không, biến mình thành nghèo khó, thậm chí nhận lấy tội lỗi vào bản thân mình là loại bần cùng tồi tệ nhất. Người nghèo bảo đảm cho chúng ta một lợi tức vĩnh hằng. Ngay cả hiện nay họ cũng giúp chúng ta trở nên giầu có về tình yêu thương, giá trị còn trọng đại cao quí hơn cả các thứ ngọc ngà châu báu. Chúng ta được dạy bảo bắt chước người phụ nữ biết “mở tay mình ra cho người nghèo” (Prov 31:20): đó là kho tàng lớn lao của người phụ nữ này. Hãy chìa tay của anh chị em ra cho người nghèo, thay vì đòi hỏi những gì anh chị em thiếu hụt. Như thế anh chị em mới tăng bội các nén bạc anh chị em đã lãnh nhận.

Sắp tới Mùa Giáng Sinh, mùa lễ hội. Biết bao nhiêu lần chúng ta nghe người ta đặt vấn đề: “Tôi có thể mua những gì đây? Đâu là những gì tôi muốn có nữa? Tôi cần phải đi mua sắm”. Chúng ta hãy sử dụng những lời khác như thế này: “Tôi có thể trao tặng những người khác cái gì đây?”, để trở nên như Chúa Giêsu, Đấng đã hiến mình và đã được hạ sinh trong máng cỏ”.

Giờ đây chúng ta đến phần kết của dụ ngôn. Một số người sẽ là thành phần giầu có, trong khi những người khác, thành phần đã có nhiều và đã hoang phí cuộc đời của mình, sẽ trở nên nghèo (cf.v.29). Thế rồi, vào cuối đời của mình, sự thật sẽ được tỏ hiện. Cái giả tạo của thế giới này sẽ bị tàn phai, cùng với chủ trương của nó là sự thành đạt, quyền lực và tiền bạc là những gì làm cho đời sống có ý nghĩa, thì lòng yêu thương – thứ tình yêu chúng ta đã ban tặng – mới cho thấy là kho tàng thực sự. Những thứ kia sẽ sụp đổ, còn lòng yêu thương sẽ vươn lên. Một đại Giáo Phụ của Giáo Hội đã viết: “Đối với cuộc đời này, khi đến lúc chết và sân khấu cuộc đời trở nên trống vắng, khi mà tất cả mọi sự lột bỏ những thứ mặt nạ giầu có hay bần cùng để ra đi, thì khi bị phán xét chỉ ở nơi việc làm của họ, họ sẽ được nhìn thấy những gì họ làm: một số thực sự giầu có, những người khác thì nghèo nàn” (SAINT JOHN CHRYSOSTOM, Homilies on the Poor Man Lazarus, II, 3). Nếu chúng ta không muốn sống đời nghèo khó, chúng ta hãy xin ơn để thấy được Chúa Giêsu nơi người nghèo, để phục vụ Chúa Giêsu nơi người nghèo.

Tôi xin cám ơn tất cả những người đầy tớ tín trung của Thiên Chúa ấy, thành phần âm thầm sống như vậy, trong việc phục vụ những người khác. Tôi nghĩ đến trường hợp, chẳng hạn, của Cha Roberto Malgasini. Vị linh mục này không chú trọng vào lý thuyết; ngài chỉ thấy Chúa Giêsu nơi người nghèo và cảm thấy đời sống có ý nghĩa trong việc phục vụ họ thôi. Ngài đã lau khô những giọt nước mắt của họ bằng thái độ dịu dàng của ngài, nhân danh Thiên Chúa là Đấng ủi an. Mở đầu ngày sống của ngài là việc cầu nguyện, để nhận lãnh các tặng ân của Thiên Chúa; tâm điểm của ngày ngài sống là việc bác ái, để làm cho tình yêu ngài đã lãnh nhận sinh hoa kết trái; đoạn cuối ngày sống của ngài là việc ngài minh chứng cho Phúc Âm. Con người này đã nhận thức được rằng ngài cần phải chìa bàn tay của ngài ra cho tất cả mọi con người nghèo khổ mà ngài hằng ngày gặp gỡ, vì ngài đã thấy được Chúa Giêsu nơi từng người trong họ. Anh chị em ơi, chúng ta hãy xin ơn trở thành Kitô hữu không phải bằng lời nói mà là việc làm. Để sinh hoa trái như Chúa Giêsu mong muốn. Chớ gì được như vậy.

http://www.vatican.va/content/francesco/en/homilies/2020/documents/papa-francesco_20201115_omelia-giornatamondiale-poveri.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề.

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.