Thánh Mẫu

HAPPY BIRTHDAY MOM

Trần Mỹ Duyệt

“Happy Birthday mom”. Những lời đầy cảm xúc, chân tình và yêu thương này các con tôi mỗi năm một lần chúng đã nói, và đã hát mừng mẹ của chúng trong ngày mừng sinh nhật của nàng, mỗi khi chiếc bánh sinh nhật được đem ra. Mom – mẹ là người đã cưu mang, sinh thành, nuôi dưỡng và giáo dục chúng. Người đã cùng với tôi đem chúng vào đời, cho chúng một hình hài, chia sẻ với chúng những di sản tinh thần cũng như thể chất của chúng tôi. Riêng tôi, vì mang thân phận xa quên, sống cô đơn nơi miền đất tạm dung kể như hơn nửa đời người, nên cũng chỉ được vài lần nói với mẹ thân yêu của mình: “Happy Birthday mom” – Chúc mừng sinh nhật mẹ, mỗi khi có dịp về thăm mẹ.

Những lần như vậy, mặc dù là ngày vui, nhưng phần đông những người mẹ lại có những giọt nước mắt lăn tăn trên gò má. Những giọt nước mắt hạnh phúc, những giọt nước mắt buồn vui lẫn lộn. Vui vì thấy những hoa trái của mình ngày nay đã lớn khôn, đã vào đời, và đã thành đạt. Buồn vì nghĩ đến những đứa con bệnh tật, những đứa con không may mắn, và những đứa con vẫn còn đang lang thang chưa tìm được cho mình một bến đỗ, chưa thành công, cũng như chưa có được một tương lai hứa hẹn, ít là dưới con mắt của người mẹ.

Với những Kitô hữu, ngoài người mẹ trần gian, chúng ta còn có một người Mẹ tinh thần, người Mẹ được trao ban gắn liền với cuộc đời trần thế, cũng như mật thiết trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, đó là Mẹ Maria. Chúng ta có được người Mẹ này vì trên thánh giá, trước giờ tử nạn, Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta: “Hỡi con, này là Mẹ con”, và Hỡi bà, này là con bà” (x. Gioan 19:26-27). Đó là những lời trăn trối! Đó là tất cả những gì còn lại của Đấng Cứu Thế muốn trao lại cho nhân loại trước khi trút hơi thở cuối.

Và hôm nay, cùng với toàn Giáo Hội, toàn thể đất trời, con mừng sinh nhật Mẹ “Happy Birthday Mom”.

Tóm Lược Lịch Sử

Thật ra, chẳng ai biết rõ ngày chào đời của Đức Trinh Nữ Maria. Trải qua hơn 2000 năm rồi, làm sao ghi lại cho rõ? Nhưng những di tích lịch sử còn được tìm thấy, đã cho biết ngày 8 tháng 9 là ngày Sinh Nhật của Đức Mẹ.

Ngay từ đầu thế kỷ VI, Giáo Hội Công Giáo đã bắt đầu cử hành việc mừng kính này. Giáo Hội Đông Phương đã chọn Tháng 9 để mừng, vì tháng 9 cũng là tháng khai sinh Giáo Hội này. Ngày 8 tháng 9 đã được chọn vì 8 tháng 12 trước đó là ngày Đầu Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ. Những tin tức này căn cứ vào những gì được ghi trong Ngoại Thư Kinh của Giacôbê (the apocryphal Protoevangelium of James) viết vào khoảng đầu thế kỷ II, được đặt tên “Việc Sinh Hạ Đức Maria” (De nativitate Mariae). Sách được biên soạn bởi một người tự nhận là Giacôbê, anh cùng cha khác mẹ với Đức Giêsu.

Theo tài liệu này, song thân của Đức Maria là Gioankim và Anna. Thân phụ là một người giầu có trong 12 chi tộc của Israel. Cả hai đã kết hôn lâu năm nhưng vẫn không có con, mặc dù ông bà hằng đêm ngày liên lỷ cầu xin Chúa cho được một người con. 1 Sau cùng, các ngài đã được lời hứa rằng họ sẽ sinh một người con nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Và việc ra đời của Đức Maria đã cho thấy phù hợp với nhiều chứng dẫn trong Phúc Âm, và cũng đã nói lên sự quan phòng rất đặc biệt của Thiên Chúa trong đời sống của Đức Maria ngay từ khởi đầu.

Nơi sinh của Đức Mẹ là Sepphoris nước Israel. Tại nơi này, vào thế kỷ V một vương cung thánh đường đã được xây để tôn kính Đức Maria. Người ta đoán rằng ngôi nhà thờ này được cung hiến vào ngày 8 tháng 9; tương tự như lễ dâng Đức Mẹ vào đền thờ được mừng vào ngày 21 tháng 11 vì kính nhớ lễ cung hiến một thánh đường tại Giêrusalem năm 543.

Một số tài liệu khác thì ghi rằng nơi sinh của Đức Mẹ là Nazareth, và một số khác nữa lại cho là gần Cửa Chiên (Sheep Gate) ở Giêrusalem. Như phần đông những người giầu có như Gioankim, thường sống tại Giuđêa và Galilêa, vì vậy cũng có tài liệu cho rằng, Đức Maria được sinh ở vùng này. 2

 

Lễ Sinh Nhật Đức Mẹ

Phụng vụ đầu tiên nối tiếp với việc tôn kính Đức Trinh Nữ Maria của thế kỷ VI trong dịp cung hiến the Basilica Sanctae Mariae ubi nata est, ngày nay là Thánh đường Thánh Anna tại Giêrusalem. Thánh đường này được xây vào thế kỷ V, trên một nơi gọi là Ao Chiên và được cho là nhà của cha mẹ của Maria. 3  Tại Roma, lễ này được đem về từ các tu sỹ Đông Phương, và tiếp tục cho đến cuối thế kỷ thứ VII. 4

Theo những mẩu truyện có tính cách huyền thoại, linh thánh, Giáo Hội ở Angers nước Pháp tuyên bố rằng Thánh Maurilius đã thiết lập lễ Sinh Nhật Đức Mẹ tại Angers trên một mặc khải vào năm 430. Theo đó, vào đêm 8 tháng 9, một người đã nghe thấy các thiên thần ca hát trên các tầng trời. Ông ta đã hỏi và được cho biết đó là Sinh Nhật của Đức Trinh Nữ Maria rất thánh. Các thiên thần cũng bảo người này hãy cùng với cơ binh thiên thần vui mừng vì Thánh Nữ Đồng Trinh đã được sinh ra trong đêm này. Nhưng truyền thống này đã không có những chứng cứ lịch sử. 5

Một giả thuyết khác cho rằng tại Đông Phương trước kia, ngày 8 tháng 9 trùng vào những ngày đầu năm dân sự, do đó, các tín hữu đã muốn nhớ đến Đức Mẹ trong ngày đó. Rồi từ Đông Phương, lễ Sinh Nhật Đức Mẹ được truyền bá sang Tây Phương vào khoảng giữa thế kỷ VI hoặc đầu thế kỷ VII. Và từ thế kỷ VI, cả Giáo Hội Đông Phương và Tây Phương đã cử hành lễ mừng  Sinh Nhật Đức Mẹ. Nhưng đến thế kỷ X, lễ này mới được phổ biến phắp nơi và trở thành một trong các lễ chính mừng kính Đức Mẹ.

Vào thế kỷ XII, lễ này còn thêm tuần bát nhật, theo lời hứa của các Đức Hồng Y họp mật nghị để bầu giáo hoàng. Các ngài hứa sẽ thiết lập tuần bát nhật để tạ ơn Đức Mẹ nếu có thể vượt qua được các chia rẽ vì cuộc vận động của vua Frédéric và sự bất mãn của dân chúng. Đức Giáo Hoàng Célestinô V đắc cử, nhưng ngài chỉ cai quản có 18 ngày, nên chưa thực hiện được lời hứa, mãi đến giữa thế kỷ XIII, Đức Innôcentê mới hoàn thành lời hứa này.

Vẫn theo Ngoại Thư Kinh của Giacôbê. Vào thế kỷ thứ VI, Thánh Rômanô (của Giáo Hội Hy Lạp) đã sáng tác một thánh thi phác họa lại trích đoạn của sách Tin Mừng. Truyền thống cho rằng, lễ này có thể đã phát xuất ở Syria hoặc Palestin vào đầu thế kỷ VI, vì sau Công Đồng Êphêsô việc tôn kính Mẹ Thiên Chúa (Theotokos) được phổ biến mạnh mẽ đặc biệt là ở Syria. Giáo Hội Rôma chấp nhận lễ này vào thế kỷ VII. Vào đầu thế kỷ VIII, Thánh Anrê đảo Crêta đã giảng nhiều bài giảng về lễ này. Lễ này được tìm thấy trong các sách Bí tích Gêlasiô (thế kỷ VII) và Grêgôriô (thế kỳ VIII đến IX). Giáo Hoàng Sergiô I đã ra lệnh đọc một kinh cầu và rước kiệu cho lễ này.

Vì Sinh Nhật của Đức Maria xuất hiện trong Ngoại Thư Kinh nên Giáo hội Tây Phương chậm chấp nhận lễ này. Nó không được đề cập trong các lịch như Lễ Maria Hồn Xác Lên Trời theo Lịch Gốt-Gallican, Lịch Luxeuil, Lịch Tôlêđô của thế kỷ X và Lịch Môzaráp. 6

Nhưng Giáo Hội Hy Lạp, apodosis (ngày bế mạc của thời gian mừng đại lễ) kết thúc vào ngày 12 tháng 9, vì lễ này và lễ trọng suy tôn Thánh Giá là ngày 13 và 14 tháng 9. Những người Cốp ở Ai Cập và người Abyssinia cử hành Lễ Sinh Nhật Đức Maria vào ngày 1 tháng 5 và tiếp tục lễ này dưới tên “Hậu duệ của Giacóp” trong vòng 33 ngày. Họ cũng kỷ niệm nó vào đầu mỗi tháng. 7

 

Ý Nghĩa Ngày Sinh Nhật Đức Mẹ

Phụng vụ Giáo Hội Công Giáo không mừng sinh nhật của bất cứ vị thánh nào, ngoại trừ sinh nhật Chúa Giêsu, sinh nhật Đức Maria, và sinh nhật Gioan Tiền Hô,. Đối với Giáo Hội, ngày sinh nhật của các thánh là ngày mà các ngài qua đời – ngày về với Chúa, không phải là ngày sinh.

Thánh Augustine đã liên kết ngày sinh của Đức Maria với chương trình cứu chuộc của Chúa Giêsu. Thánh nhân nói với thế giới là hãy vui lên và chiếu sáng ánh sáng của ngày sinh này. “Mẹ là bông hoa từ đó đã nở ra từ cây huệ quí trong thung lũng. Qua sinh nhật của Mẹ, bản tính đã thừa hưởng từ cha mẹ đầu tiên của chúng ta được biến đổi.” (She is the flower of the field from whom bloomed the precious lily of the valley. Through her birth the nature inherited from our first parents is changed.) Trong lời nguyện mở đầu thánh lễ kính Sinh Nhật Đức Mẹ, Giáo Hội đã hướng về Ngày Sinh Nhật của Con Đức Maria như bình minh cứu chuộc của chúng ta.

Lý do chính mừng kính ngày Mẹ chào đời, theo Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vì đây là “ngày mà niềm hy vọng và vầng hồng Cứu Rỗi ló dạng trên trần gian, vì từ Mẹ mọc lên Mặt Trời công chính là Chúa Kitô, Chúa chúng ta.” Theo Ngài, Đức Mẹ đã đóng một vai trò không thể thiếu trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa. Do đó, ngày sinh của Mẹ báo hiệu ngày sinh của Đấng Cứu Thế, và nhờ đó mới có ngày chúng ta được tái sinh làm con cái Thiên Chúa. Vì thế, ngày Sinh Nhật của Đức Mẹ là ngày mà cả trời đất phải vui mừng. 8

———-

Tài liệu tham khảo:

Wikipedia, the free encyclopedia

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

  1. The Birth of the Blessed Virgin Mary”, Catholic News Agency.
  2. “Nativity of the Virgin Mary the Theotokos”, Saint George Greek Orthodox Cathedral, Greenville, South Carolina”. Archived from the original on 2016-10-19. Retrieved 2016-04-03.
  3. Roten S.M., Johann G., The History of the Liturgical Celebration of Mary’s Birth Archived September 9, 2012, at the Wayback Machine.
  4. Valentini, A. “Birth of Mary”, Dictionary of Mary, Catholic Book Publishing Company, New York, 1985.
  5. One or more of the preceding sentences incorporates text from a publication now in the public domainHolweck, Frederick (1911). “Feast of the Nativity of the Blessed Virgin Mary”. In Herbermann, Charles (ed.). Catholic Encyclopedia. Vol. New York: Robert Appleton Company. Retrieved 3 April 2016.
  6. Nguyễn Thành Thống (2009). Đức Trinh Nữ Maria. Nhà xuất bản Tôn Giáo. tr. 169.
  7. Nguyễn Thành Thống (2009). Đức Trinh Nữ Maria. Nhà xuất bản Tôn Giáo. tr. 170.

8, Lm. Giuse Phan Tấn Thành, op. – Trang web nguồn: Daminhvn.net.

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.