Luật sư Đỗ Thái Nhiên
I.Căn bản luận trong đời thường.
Một trong các nhu cầu sống hàng đầu của con người là nhu cầu diễn đạt tư tưởng một cách minh bạch, dễ hiểu. Nhu cầu này đòi hỏi công việc diễn đạt các vấn đề trong đời thường cần phải thực hiện theo một bố cục hợp lý. Bố cục hợp lý kia được tác giả Lý Đông A gọi là căn bản luận. Căn bản luận gồm ba nhóm luận văn gắn bó với nhau: bản thể luận, nhận thức luận, phương pháp luận.
a)Bản thể luận: đây có thể là mấu chốt của một vấn đề, là đề tựa của một câu chuyện. Nó cũng có thể là một tệ đoan xã hội, một khó khăn gia đình, môt bông hoa của đời người. Nó còn có thể là cội nguồn, là cốt tủy, là căn bản của một thực tại đời sống…
b)Nhận thức luận: tiết mục này là chìa khóa mở ra ba cánh cửa: nguyên nhân, thực trạng, và hậu quả của vật hay sự vật đã được bản thể luận đề cập tới. Nhận thức luận cung cấp cho chúng ta những liện hệ giữa các thành tố trong bản thân của vật hay sự vật, những liên hệ giữa vật hay sự vật và đời sống chung quanh (cá nhân, gia đình, xã hội… ). Muốn hiểu thêm về nhận thức luận, chúng ta hãy nghĩ đến sự ra đời của qui luật Archimedes như một trường hợp điển hình. Để khám phá ra định luật này, ông Archimedes đã làm nhiều thí nghiệm về mối tương quan giữa một vật thể và chất lỏng mà vật thể kia nằm trong nó. Sau nhiều thí nghịêm, mỗi thí nghiệm cung cấp cho nhà vật lý một nhận thức, Archimedes kết luận: “ Một vật thể nằm trong chất lỏng đều bị chất lỏng đó đẩy từ dưới lên trên với sức đẩy mạnh bằng trọng lượng của chất lỏng mà vật thể kia choán chỗ”. Như vậy, khi nhận thức lên tới cao điểm, con người sẽ có đựơc nguyên tắc, còn gọi là quy luật để giải thích vấn đề nói ở bản thể luận.
c)Phương pháp luận: phần này trình bày những phương pháp nhằm biến các suy nghĩ từ bản thể luận và nhận thức luận thành hành động sống cụ thể: Làm thế nào để phát triển những cơ hội giúp đời sống thăng hoa ? Làm thể nào giải trừ các tệ đoan xã hội, giải trừ các khó khăn khiến đời sống bị trì trệ?
Bản thể, nhận thức, phương pháp thường hằng gắn bó với nhau, thiếu đi một trong ba tiết mục vừa kể, công việc diễn đạt tư tưởng trở nên khuyết tật, khó hiểu, không thể tiếp thụ. Để có được hiểu biết cụ thể hơn về căn bản luận, chúng ta hãy suy nghĩ thêm về các tỷ dụ luận sau đây.
Tỷ dụ I: Toán số học.
1)Bản thể luận: Hãy bàn về mười con số của số học: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 0.
2)Nhận thức luận: khảo sát về mối liên hệ giữa 10 con số kể trên. Mối liên hệ kia được đúc kết bằng bốn phép tính : cộng, trừ, nhân, chia.
3)Phương pháp luận: áp dụng bốn phép tính để tìm đáp số cho những bài toán số học.
Tỷ dụ II: Án văn của tòa án hình sự.
1)Bản thể luận: Trần thuật trường hợp nghi can phạm pháp.
2)Nhận thức luận: phân tích và minh chứng hành động của nghi can trong hiện vụ đã vi phạm những điều khoản nào của hình luật.
3)Phương pháp luận: Tòa tuyên phạt bị can: tiền, tù hay cả hai. Nếu thiếu yếu tố buộc tội Tòa tuyên bố tha bổng nghi can.
Tỷ dụ III: Đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trên biển Đông ( Tuyên bố của bộ Ngoại Giao Mỹ Jul/13/2020).
1)Bản thể luận: Mỹ không chấp nhận Trung Quốc xây dựng đế chế biển trên biển Đông.
2)Nhận thức luận: Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên biển Đông theo “đường lưỡi bò” cộng với hành động dùng kỹ thuật “xã hội đen” để ngăn cấm các quốc gia Đông Nam Á đánh cá, khai thác dầu khí trên biển của quốc gia sở tại là bất hợp pháp.
3)Phương pháp luận: Trừng phạt quan chức Trung Quốc có liên hệ tới hành động bất hợp pháp tại biển Đông. Tập trận: Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Úc và các nước Đông Nam Á… nhằm gây sức ép buộc TC ngưng quấy phá biển đông.
II.Căn bản luận trong triết học.
Triết học là môn học giải thích mọi hiện tượng trong đời sống, đồng thời hoạch định thế nào là đời người hạnh phúc. Về mặt nội dung, triết học là vấn đề lớn, rất thiết thân đối với loài người. Thế nhưng, về mặt hình thức trình bày tư tưởng, triết học vẫn cần diễn đạt theo bố cục của căn bản luận hệt như bất kỳ vấn đề nào trong đời thường. Vì vậy “đời thường” hay “đời Triết” khi diễn đạt tư tưởng, con người đều phải vận dụng bố cục của căn bản luận: bản thể luận, nhận thức luận và phương pháp luận thống nhất.
Điều đặc biệt đáng quan tâm là khi triết học được dàn trải trên bố cục của căn bản luận thì người đời lại đặt tên cho triết học kia là ý thức hệ, là chủ nghĩa… Với các tên gọi vừa kể, triết học lại bị một số dư luận lên án là xa rời thực tại, là đáng bị phế bỏ. Đánh giá như vừa kể rõ ràng là thiển cận và không thích nghi. Chủ nghĩa Marx sai lầm không vì nó có tên là chủ nghĩa. Marx sai lầm là vì tiền đề của triết học Marx (bản thể luận)sai lầm kéo theo sai lầm về qui luật triết học (nhận thức luận) và sai lầm về phần ứng dụng luận (phương pháp luận). Marx sai lầm tuyệt đối không có nghĩa là bất kỳ ý thức hệ hay chủ nghĩa nào cũng đều bị tuyên phán là sai lầm như một công lý tất nhiên.
III. Kết luận.
Viết về căn bản luận bài viết có mục đích minh xác ba công lý:
Một là tâm lý nhất nguyên của con người gói ghém ý nghĩa rằng con người sẽ nhận thức vật hay sự vật một cách tròn đầy với điều kiện vật hay sự vật kia được diễn tả theo hình thức của một sợi dây suyên suốt (nhất nguyên). Đó là suyên suốt của căn bản luận.
Hai là căn bản luận là công cụ chuyên chở tư tưởng. Giá trị của tư tưởng không nằm ở công cụ chuyên chở nó . Giá trị của tư tưởng không nằm ở sự kiện: tư tưởng kia là chủ thuyết hay chủ nghĩa ? Tư tưởng chỉ có giá trị chừng nào tư tưởng được xã hội chấp nhận.
Ba là muốn được xã hội chấp nhận một sự thật nào đó, con người có hai phương pháp lý luận để thuyết phục xã hội: lý luận siêu hình và lý luận biện chứng.
Lý luận siêu hình là kiểu lý luận viện dẫn quyền năng của Thượng Đế, của Thần Linh như cội nguồn duy nhất và tối cao đã tác tạo ra mọi di biến động của dòng đời. Lý luận siêu hình xây dựng trên nền tảng của đức tin. Dương gian này có tới hàng triệu triệu đức tin khác nhau. Làm thế nào hàng triệu đức tin khác nhau kia có thể đạt đến đồng thuận trên căn bản một đức tin duy nhất trong nỗ lực tạo đoàn kết cho công cuộc xây dựng xã hội công bằng, thịnh vượng và nhân ái ?
Lý luận biện chứng: phương pháp lý luận này chủ trương thuyết phục xã hội thông qua việc chứng minh những điều mà người du thuyết viện dẫn đều hiện hữu trong đời sống cụ thể (biện chứng). Nói cách khác, thực tại đời sống là chuẩn mực duy nhất của công lý. Phép biện chứng đòi hỏi sự thật chẳng là gì khác hơn là tất cả những gì con người có thể tiếp cận được bằng năm giác quan .
Loài người có ba dấu hỏi lớn:
1)Trước khi ra đời, Bạn ở đâu?
2)Thế nào là đời sống hạnh phúc trong xã hội dương thế?
3)Chết đi, Bạn đi đâu?
Giải đáp dấu hỏi số (1) và số (3) là chuyên đề thuộc thẩm quyền của các nhà Tôn Giáo, các nhà lý luận siêu hình.
Giải đáp dấu hỏi số (2) là cố gắng không ngừng nghỉ của những người quyết tâm dùng lý luận biện chứng để thuyết phục mọi người đồng qui trong nội dung xây dựng, phát triển và bảo vệ xã hội Người công bằng, thương yêu và thịnh vượng.
Bài này xin kết thúc bằng một mở ý cho các đề tài kế tiếp: tư tưởng LDA được trình bày theo bố cục của căn bản luận, và theo lý luận hợp tung, lấy biện chứng pháp làm nền tảng./.
Đỗ Thái Nhiên
Views: 0