Giáo hội hoàn vũ

ĐTC Phanxicô giảng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống 31/5/2020

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh chuyển ngữ

“Có nhiều thứ tặng ân thiêng liêng, những cùng một Vị Thần Linh” (1Corinto 12:4), Tông Đồ Phaolô đã viết cho Kitô hữu ở Corintô như thế. Ngài viết tiếp: “Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người” (các câu 5-6). Đa dạng và hiệp nhất là hai chữ được Thánh Phaolô ghép lại với nhau có vẻ xung khắc làm sao ấy. Ngài muốn nói với chúng ta rằng Thánh Linh là Đấng duy nhất qui tụ đa sự lại với nhau, và Giáo Hội đã được hạ sinh như thế, ở chỗ tất cả chúng ta đều khác nhau, nhưng được liên kết bởi cùng một vị Thánh Linh.

Chúng ta hãy trở lại với nguồn gốc của Giáo Hội, với ngày Lễ Hiện Xuống. Chúng ta hãy nhìn vào các vị Tông Đồ: một số các vị là thành phần chài lưới, thành phần bình dân, quen với lối sống làm việc tay chân, nhưng cũng có cả những vị khác nữa, như Mathêu là một nhân viên học nghề thu thuế. Các vị có những quá khứ và bối cảnh xã hội khác nhau, và các vị có tên gọi Do Thái và Hy Lạp khác nhau. Về tính nết, có một số hiền lặng và một số lại nhiệt liệt; các vị tất cả đều có những ý nghĩ và cảm thức khác nhau. Tất cả các vị đều khác nhau. Chúa Giêsu đã không thay đổi các vị; Người không làm cho các vị thành một loạt những mô thức đóng hộp. Không. Người cứ để cho các vị có những khác biệt, và giờ đây Người hiệp nhất các vị bằng việc xức dầu Thánh Linh. Mối hiệp nhất của các vị là từ việc xức dầu nàymối hiệp nhất trong đa dạng. Vào Ngày Lễ Ngũ Tuần, các vị Tông Đồ hiểu được quyền năng hiệp nhất của Vị Thần Linh ấy. Các vị thấy được điều đó bằng con mắt của các vị, khi hết mọi người vẫn qui tụ lại với nhau như là một dân tộc, dù nói các ngôn ngữ khác nhau: dân Chúa, được hình thành bởi vị Thần Linh này, Đấng đan kết mối hiệp nhất từ tính chất đa dạng, và ban sự hòa hợp, vì nơi Vị Thần Linh này mới sự hòa hợp. Chính Ngài sự hòa hợp.

 Giờ đây chúng ta hãy tập trung vào chúng ta, đến Giáo Hội hôm nay. Chúng ta có thể tự vấn rằng: “Những gì là điều hiệp nhất chúng ta, đâu là nền tảng cho mối hiệp nhất của chúng ta?” Cả chúng ta nữa cũng có những khác biệt của mình, chẳng hạn như về các ý nghĩ, về những chọn lựa, về các cảm quan. Thế nhưng bao giờ cũng xẩy ra khuynh hướng hung hăng bênh vực các ý nghĩ của chúng ta, tin rằng chúng là những gì tốt lành cho hết mọi người, và chỉ đồng ý với những ai nghĩ như chúng ta nghĩ. Đó là một khuynh hướng xấu, gây chia rẽ. Thế nhưng đó lại là một thứ đức tin được tạo nên theo hình ảnh của chúng ta; nó không phải là những gì Vị Thần Linh mong muốn. Chúng ta có thể nghĩ rằng điều liên kết chúng ta là các niềm tin của chúng ta và là nền luân lý của chúng ta. Tuy nhiên, còn hơn thế nữa kìa, ở chỗ nguyên lý hiệp nhất của chúng ta là Thánh Linh. Ngài nhắc nhở chúng ta rằng trước hết chúng ta là con cái yêu dấu của Thiên Chúa; tất cả đều bình đẳng ở chỗ đó, và tất cả đều khác nhau. Vị Thần Linh đến với chúng ta, nơi những khác biệt cùng với những khó khăn của chúng ta, để nói cho chúng ta biết rằng chúng ta chỉ có một Chúa duy nhất là Đức Giêsu – và một Cha duy nhất, và vì thế mà chúng ta là anh chị em với nhau! Chúng ta hãy bắt đầu lại từ chỗ này; chúng ta hãy nhìn Giáo Hội bằng con mắt của Vị Thần Linh, đừng như thế gian nhìn. Thế gian nhìn chúng ta chỉ như là thành phần phải trái, bằng ý hệ này hay ý hệ kia; Vị Thần Linh nhìn chúng ta như là những người con nam nữ của Chúa Cha, và là anh chị em của Chúa Giêsu. Thế giới nhìn chúng ta như thành phần bảo thủ và cấp tiến; Vị Thần Linh nhìn chúng ta là con cái của Thiên Chúa. Ánh mắt thế gian muốn thấy những cơ cấu tổ chức cần phải được làm sao cho có hiệu năng hơn; ánh mắt thiêng liêng nhìn thấy những người anh chị em cần đến lòng thương xót. Vị Thần Linh yêu thương chúng ta, và biết được vị thế của hết mọi người trong cả một đại cơ đồ các sự vật: đối với Ngài, chúng ta không phải là vụn hoa giấy bị gió thổi tung bay, mà là những phân mảnh bất khả thay thế trong bức tranh vi thạch của Ngài.

Nếu chúng ta trở về với ngày Lễ Ngũ Tuần, chúng ta khám phá ra rằng công việc đầu tiên của Giáo Hội là việc loan báo. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy rằng các vị Tông Đồ đã không sáng chế ra một chính sách nào hết; khi các bị khóa mình ở Căn Thượng Lầu, các vị đã không bàn về chính sách, không, các vị đã không soạn thảo ra bất cứ dự án mục vụ nào cả. Các vị đã không phân chia dân chúng thành từng nhóm theo gốc gác của họ, nói với những người ở gần trước đã rồi mới nói với những kẻ ở xa sau, một cách thứ tự như vậy… Các vị cũng có thể chờ đợi một chút trước khi bắt đầu rao giảng để hiểu sâu hơn nữa các giáo huấn của Chúa Giêsu, hầu tránh được các mối nguy hiểm… Không. Thần Linh không muốn ký ức về Vị Sư Phụ này được vun trồng ở những nhóm nhỏ, khóa mình nơi các căn phòng bên trên dễ biến thành “tổ kén”. Đó là một thứ bệnh ghê sợ có thể nhiễm lây cho cả Giáo Hội, ở chỗ biến Giáo Hội thành một tổ kén thay vì là một cộng đồng, một gia đình hay là một Người Mẹ. Chính Vị Thần Linh đã mở cửa ra và thúc đẩy chúng ta trong việc đẩy mạnh hơn là những gì đã được nói và làm, hơn rào cản của một thứ đức tin nhút nhát và thận trọng. Các sự việc đều bị tiêu tan trên thế giới này, ngoại trừ được tổ chức chặt chẽ và có chính sách đàng hoàng. Thế nhưng, trong Giáo Hội, Vị Thần Linh lại bảo đảm mối hiệp nhất cho những ai loan báo sứ điệp này. Các vị Tông Đồ đã khởi sự: chẳng có trang bị gì, chỉ biết sống liều thân. Một điều duy nhất khiến các vị lên đường, đó là ước muốn cống hiến những gì các vị đã lãnh nhận. Phần mở đầu nơi Bức Thư Thứ Nhất của Thánh Gioan thật là tuyệt vời: “Những gì chúng tôi đã thấy và đã nghe thì chúng tôi loan báo cho anh em” (xem 1:3).

Đến đây chúng ta mới hiểu được đâu là bí quyết của mối hiệp nhất, bí quyết của Vị Thần linh. Bí quyết của mối hiệp nhất trong Giáo Hội, bí quyết của Vị Thần Linh đó là tặng ân. Vì chính Thần Linh một ơn ban: Ngài sống ở chỗ hiến mình, nhờ đó Ngài giữ chúng ta lại với nhau, làm cho chúng ta trở thành những tham dự viên vào cùng một tặng ân. Cần phải tin rằng Thiên Chúa là ơn ban, rằng các tác động của Ngài không phải ở chỗ lấy mất đi mà là trao tặng cho. Tại sao điều này là những gì quan trọng? Vì cách thức làm tín hữu của chúng ta lệ thuộc vào cách thức chúng ta hiểu biết Thiên Chúa. Nếu chúng ta có trong trí khôn về một Thiên Chúa lấy mất và áp đặt, chúng ta cũng muốn lấy mất và áp đặt, bằng việc chiếm địa, đòi phải được nhận biết, tìm kiếm quyền lực. Thế nhưng, nếu chúng ta ấp ủ trong lòng một Thiên Chúa là ơn ban, mọi sự sẽ được biến đổi. Nếu chúng ta nhận thức rằng những gì chúng ta có đều là ơn ban của Ngài, một cách nhưng không và chúng ta bất xứng, thì cả chúng ta nữa cũng sẽ muốn biến cuộc đời chúng ta thành một tặng ân. Bằng việc khiêm tốn yêu thương, phục vụ vô tư và vui vẻ, chúng ta sẽ cống hiến cho thế giới một hình ảnh đích thực về Thiên Chúa. Vị Thần Linh, ký ức sống động của Giáo Hội, nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta được sinh ra nhờ bởi một tặng ân, và chúng ta tăng trưởng bằng việc trao tặng, không phải bằng việc giữ lấy mà bằng việc trao tặng bản thân mình.

 Anh chị em thân mến, chúng ta hãy nhìn vào nội tâm của mình và tự vấn xem cái gì đã ngăn cản chúng ta khỏi việc ban tặng bản thân chúng ta. Có thể nói có ba kẻ thù chính của việc trao ban, luôn rình chực ở ngày cửa ngõ cõi lòng chúng ta, đó là thái độ chuộng thân, tâm trạng lâm nạn và cảm quan yếm thế. Thái độ chuộng thân (narcissism) là những gì thần tượng hóa bản thân mình, chỉ quan tâm đến những gì tốt đẹp cho bản thân chúng ta thôi. Thành phần chuộng thân nghĩ rằng: “Đời sống tốt đẹp một khi có lợi cho tôi”. Thế là họ tiến tới chỗ nói rằng: “Tại sao tôi lại phải ban tặng bản thân mình cho người khác chứ?“. Trong thời dịch bệnh này, thái độ chuộng thân này sai lầm biết bao: xu hướng chỉ nghĩ đến các nhu cầu của riêng mình, tỏ ra lãnh đạm với các nhu cầu của người khác, và không công nhận những gì là mong manh mỏng dòn cùng lầm lỗi của mình.

Kẻ thù thứ hai là tâm trạng lâm nạn (victimhood) cũng nguy hiểm không kém. Những kẻ có tâm trạng lâm nạn này hằng ngày kêu ca phàn nàn về tha nhân của mình: “Chẳng có ai hiểu tôi cả, chẳng có ai giúp tôi hết, chẳng có ai thương tôi, hết mọi người chẳng để ý đến tôi!” Biết bao nhiêu lần chúng ta lại chẳng nghe thấy những lời phàn nàn này! Tâm can của thành phần cho mình là nạn nhân này bị khép kín, khi họ đặt vấn đề: “Tại sao những người khác không quan tâm đến tôi?” Trong cuộc khủng hoảng chúng ta đang trải qua đây, tâm trạng lâm nạn ấy ghê tởm biết mấy! Nghĩ rằng không ai hiểu được chúng ta và cảm thấy những gì chúng ta nghiệm cảm. Đúng là tâm trạng lâm nạn.

 Sau hết là cảm quan yếm thế (pessimism). Ở đây cũng toàn là kêu ca than phiền: “Chẳng có gì là tốt hết, xã hội, chính trị, Giáo Hội …” Những kẻ yếm thế bi quan hận tức với thế giới này, thế nhưng lại ngồi lì ra đó, khoanh tay chẳng làm gì hết, nghĩ rằng: “Cống hiến nào có bổ ích gì chứ? Vô dụng thôi!” Ở vào lúc này đây, trong khi nhiều nỗ lực đang được bắt đầu lại, thì tai hại biết bao cái cảm quan yếm thế này, thứ khuynh hướng nhìn hết mọi sự bằng một thứ ánh sáng tồi tàn nhất, và cứ nói rằng không thể nào trở lại như trước được đâu! Ai mà nghĩ như vậy thì điều duy nhất chắc chắn sẽ không thể trở lại đó là chính niềm hy vọng.

Nơi 3 kẻ thù này – ngẫu tượng soi rọi thân mình, thứ thần soi rọi – the mirror-god; thần tượng than trách – the complaint-god: “Tôi cảm thấy tôi là người chỉ khi nào tôi phàn nàn trách móc”; và thứ thần tiêu cực – the negativity-god: “hết mọi sự toàn là tối đen, tương lai thì ảm đạm” – chúng ta cảm thấy một thứ hạn hán hy vọng – famine of hope, và chúng ta cần phải biết ơn về tặng ân sự sống, tặng ân mà mỗi người chúng ta đều phải là. Chúng ta cần Thánh Linh, tặng ân của Thiên Chúa, Vị Thánh Linh chữa lành chúng ta cho khỏi thái độ chuộng thân, khỏi tâm trạng lâm nạn và khỏi cảm quan yếm thế. Ngài chữa lành chúng ta cho khỏi khuynh hướng soi thân, phàn nàn và tăm tối.

Thưa anh chị em, chúng ta hãy cầu nguyện cùng Ngài: Lạy Thánh Linh, ký ức về Thiên Chúa, xin hãy làm sống lại trong chúng con ký ức về tặng ân chúng con đã lãnh nhận. Hãy giải thoát chúng con khỏi tình trạng tê liệt vị kỷ, và làm bừng lại nơi chúng con ước muốn phục vụ, làm lành. Thảm trạng phung phí ước muốn này thậm chí còn tệ hại hơn cả cuộc khủng hoảng đây, ở chỗ khép mình lại. Xin hãy đến Lạy Chúa Thánh Thần: Chúa là sự hòa hợp; xin làm cho chúng con trở thành những kiến thiết viên của mối hiệp nhất. Chúa là Đấng luôn trao ban bản thân mình; xin hãy ban cho chúng con lòng can đảm để chúng con có thể thoát khỏi bản thân chúng con, để yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau, nhờ đó chúng con trở thành một gia đình duy nhất. Amen.

 http://w2.vatican.va/content/francesco/en/homilies/2020/documents/papa-francesco_20200531_omelia-pentecoste.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề. 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.