Giáo hội hoàn vũ

ĐTC Phanxicô huấn từ lạy nữ vương đại lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh chuyển ngữ

Xin thân ái chào anh chị em.

Hôm nay, chúng ta trở lại với Quảng Trường được mở ra đây; thật là vui!

Hôm nay, chúng ta cử hành mừng đại lễ Hiện Xuống, nhớ lại sự kiện Thánh Linh được tuôn trào xuống trên cộng đồng tiên khởi của Giáo Hội. Bài Phúc Âm hôm nay (Gioan 20:19-23) đưa chúng ta về lại với tối Phục Sinh, và cho chúng ta thấy Chúa Giêsu phục sinh hiện ra ở Căn Tiệc Ly, nơi các môn đệ ẩn náu. Các vị đã cảm thấy sợ hãi. “Chúa Giêsu đã đến và đứng giữa các vị mà phán: ‘Bình an cho các con’ (câu 19)”. Những lời đầu tiên này của Đấng Phục Sinh: “Bình an cho các con” không phải chỉ là một lời chào vậy thôi, mà còn là những gì bày tỏ việc thứ tha nữa, đối với thành phần môn đệ thật ra đã bỏ rơi Người. Đó là những lời hòa giải và thứ tha. Cả chúng ta nữa, khi chúng ta chúc bình an cho người khác, là chúng ta tỏ ra tha thứ cho họ, và xin họ thứ tha cho chúng ta đó. Thật vậy, Chúa Giêsu ban bình an của Người cho thành phần môn đệ đang sợ hãi này, những con người cảm thấy khó mà tin được những gì các vị đã chứng kiến thấy, tức là ngôi mộ trống, và đã coi nhẹ chứng từ của Maria Mai-Đệ-Liên, cũng như của các phụ nữ khác. Chúa Giêsu tha thứ cho các vị. Người luôn thứ tha, và Người ban bình an của Người cho các bạn hữu của Người. Đừng quên rằng: Chúa Giêsu không ngừng tha thứ. Chúng ta mới là những người cảm thấy mệt mỏi xin thứ tha thôi.

Khi tha thứ cho các môn đệ và qui tụ các vị lại với mình, Chúa Giêsu biến các vị thành một Giáo Hội, Giáo Hội của Người, một cộng đồng hòa giải và sẵn sàng cho sứ vụ truyền giáo – hòa giải và sẵn sàng truyền giáo. Khi một cộng đồng không biết hòa giải, thì không thể nào sẵn sàng truyền giáo được: cộng đồng này chỉ sẵn sàng tranh luận nội bộ, sẵn sàng tranh cãi nội bộ thôi. Việc gặp gỡ Vị Chúa Phục Sinh đã hoàn toàn đảo lộn cuộc sống của các Tông Đồ, và biến các vị thành những chứng nhân can trường. Thật vậy, ngay sau đó Người liền phán: “Như Cha đã sai Thày thế nào, Thày cũng sai các con như vậy” (câu 21). Những lời này làm cho chúng ta hiểu rằng các vị Tông Đồ được mời gọi kéo dài chính sứ vụ truyền giáo được Chúa Cha ủy thác cho Chúa Giêsu. “Thày sai các con đi: nó không phải là thời gian khóa kín khép chặt, hay thời gian tiếc nuối, tiếc nuối ‘những giây phút tốt đẹp’, những giây phút được ở với Thày”. Niềm vui Phục Sinh là niềm vui cao cả, nhưng nó cũng là một niềm vui đắt giá, không được giữ lấy cho bản thân mình, mà phải được trao ban. Trong các Chúa Nhật của Mùa Phục Sinh, chúng ta đã từng nghe đoạn Phúc Âm này, rồi tới đoạn gặp gỡ những người môn đệ về Emmau, tới đoạn Vị Chủ Chiên Nhân Lành, đến bài từ biệt và lời hứa ban Thánh Linh – tất cả đều để củng cố niềm tin cho các môn đệ, cả niềm tin của chúng ta nữa, nhắm đến sứ vụ truyền giáo.

Thật thế, chính là để tác động sứ vụ truyền giáo. Chúa Giêsu ban Thần Linh của Người cho các Tông Đồ. Phúc Âm viết: “Người đã thở hơi trên các vị mà nói cùng các vị rằng: ‘các con hãy nhận lấy Thánh Linh'” (câu 22). Thánh Thần là lửa thiêu rụi tội lỗi và kiến tạo nên những con người nam nữ mới; Ngài là ngọn lửa yêu thương được các môn đệ sử dụng để có thể “thắp lửa” thế giới này, thứ yêu thương dịu dàng thiên về những con người bé mọn, nghèo khổ, bị loại trừ… Chúng ta đã lãnh nhận các tặng ân của Thánh Thần nơi Bí Tích Thánh Tẩy và Thêm Sức: ơn khôn ngoan, thông hiểu, huấn dụ, đại đảm, nhận thức, thảo hiếu và kính sợ Chúa. Tặng ân cuối cùng này, ơn kính sợ Chúa, thật sự ngược lại với nỗi lo sợ trước đó đã khiến các môn đệ bị tê liệt: chính tình yêu của Chúa, chính niềm tin tưởng vào lòng thương xót của Người và sự thiện hảo của Người, chính niềm tin tưởng này mới có thể chuyển động theo chiều hướng Ngài mong muốn, mà không hề thiếu vắng sự hiện diện của Người và sự nâng đỡ của Người.

Lễ Hiện Xuống là dịp làm mới lại nhận thức về sự hiện diện sống động của Thánh Thần là Đấng ngự trong chúng ta. Ngài cũng ban cho chúng ta lòng can đảm để chúng ta có thể vươn ra khỏi các bức tường bao che của “căn tiệc ly”, của phái nhóm, mà không để chúng ta bị hư hỏng nơi cuộc sống vắng lặng, hay cuộc đời khóa mình vào các thứ thói quen cằn cỗi. Giờ đây chúng ta hãy nghĩ đến Mẹ Maria. Mẹ đã ở đó với các vị Tông Đồ, khi Thánh Linh hiện đến, đóng vai trò chính yêu trong Cộng Đồng tiên khởi của cảm nghiệm tuyệt vời biến cố Hiện Xuống này. Chúng ta hãy cầu cùng Mẹ để có được một tinh thần truyền giáo nhiệt thành đối với Giáo Hội.

(Sau Kinh Lạy Nữ Vương, ngài nói tiếp:)

Anh chị em thân mến,

Thượng Nghị Giám Mục về Vùng Amazon đã kết thúc 7 tháng trước đây. Hôm nay, lễ Hiện Xuống, chúng ta cầu xin cùng Chúa Thánh Thần để Ngài ban ánh sáng và sức mạnh cho Giáo Hội cũng như cho xã hội ở Amazon, nơi đang bị thử thánh khắc nghiệt bởi dịch bệnh này. Nhiều người đã bị lây nhiễm và chết đi, đặc biệt là thành phần dễ bị tổn thương, ở cả các thổ dân nữa. Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, Mẹ của Amazon, tôi nguyện cầu cho người nghèo khổ và những ai bất lực ở Vùng Đất yêu quí này, mà còn cho cả những người ấy trên toàn thế giới, và xin kêu gọi đừng để một ai bị hụt hẫng trong việc được chăm sóc sức khỏe. Hãy chăm sóc dân chúng, chứ đừng chỉ cứu vãn nền kinh tế. Hãy chăm sóc dân chúng, thành phần còn quan trọng hơn là kinh tế nữa. Chúng ta, những con người, là đền thờ của Chúa Thánh Thần, chứ không phải của kinh tế.

Hôm nay ở Ý cử hành Ngày Toàn Quốc Cứu Tế (National Relief Day), để cổ võ tình đoàn kết trong việc chăm sóc cho người yếu bệnh. Tôi xin lập lại lòng biết ơn của tôi đến tất cả những ai, nhất là trong giai đoạn này, đã cống hiến và đang cống hiến chứng từ chăm sóc tha nhân của mình. Tôi tri ân nhớ đến và khen ngợi tất cả những ai đã cống hiến sự sống của mình để nâng đỡ những ai yếu bệnh trong cơn dịch bệnh này. Chúng ta hãy cầu nguyện trong thinh lặng cho các vị bác sĩ, cho những tình nguyện viên, các ý tá, cho tất cả các nhân viên ý tế, và nhiều người đã hy sinh mạng sống mình trong giai đoạn này.

Tôi xin chúc anh chị em tất cả một Chúa Nhật Hiện Xuống tốt đẹp. Chúng ta đang rất cần đến ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần! Giáo Hội cần Thánh Linh để có thể tiến bước một cách hòa hợp với Phúc Âm và can trường làm chứng cho Phúc Âm. Toàn thể nhân loại cũng cần đến Ngài, để có thể thoát được cuộc khủng hoảng này một cách liên kết hơn chứ đừng chia rẽ hơn. Anh chị em biết rằng người ta thoát ra từ một cuộc khủng hoảng, như cuộc khủng hoảng hiện nay, mà vẫn y như trước đó: một là tốt hơn hai là tệ hơn. Chớ gì chúng ta có đủ can đảm để đổi thay, để nên tốt hơn, tốt hơn trước đây, nhờ đó chúng ta có thể tích cực kiến tạo sau cuộc khủng hoảng dịch bệnh này.

Xin đừng quên cầu cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon lành, và sớm gặp lại anh chị tại Quảng Trường này nhé!

https://zenit.org/articles/regina-caeli-address-on-the-solemnity-of-pentecost/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề. 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.