Trích từ FB Lã Minh Luận
Câu trả lời là KHÔNG nếu từ các cấp quản lí giáo dục cho đến giáo viên, cha mẹ học sinh và đặc biệt là học viên không thay đổi tư duy, nhận thức về sự dạy – học và thi cử.
Nói về sách giáo khoa, trên thế giới, kể cả các nước có nền giáo dục tiến bộ nhất cũng chưa thể có một bộ sách giáo khoa hoàn hảo, mặc dù người biên soạn có trình độ học vấn cao và biên soạn theo cơ chế dân chủ, khoa học, bình đẳng và được xác lập bằng pháp luật. Song cái mà họ hướng tới không phải là truyền đạt kiến thức và thi cử, bằng cấp, mà họ hướng tới phát triển tư duy, trí tuệ cho học sinh. Nhằm đào tạo ra con người minh định, năng động, độc lập trong suy nghĩ, sáng tạo trong thực hành; con người tự do, dân chủ, giàu lòng nhân ái và yêu đất nước. Đó chính là sự thành công của sách, của giáo dục, đào tạo.
Cơ chế biên soạn, phát hành và tuyển chọn sách giáo khoa trên thế giới hiện nay, cơ bản có 3 hình thức: thứ nhất là “quốc định’’ (một chương trình – một sách giáo khoa); thứ hai là “kiểm định” (nhiều nhóm tác giả, nhiều bộ sách, nhiều nhà xuất bản tham gia, quyền tuyển chọn dạy – học bộ sách nào lại do các trường hay địa phương tự chọn); thứ ba là “tự do’’, hình thức này thường tồn tại ở các nước Bắc Âu, các địa phương tự do biên soạn, dựa trên nền tảng chung là pháp lệnh. Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đang thực hiện cơ chế “kiểm định”. Ở Mỹ thì giao cho các bang tự biên soạn sách giáo khoa sao cho phù hợp với địa phương và tất cả đều lấy pháp luật (Luật giáo dục) làm tiêu chí. Như vậy, cơ chế biên soạn và tuyển chọn sách giáo khoa của thế giới rất đa dạng, miễn sao nó phục vụ cho học viên một cách tốt nhất những kiến thức cơ bản, nhằm tạo ra được nhân tố con con có những phẩm chất cơ bản nhất, đủ khả năng tự chủ cuộc sống, đặc biệt là tạo được nguồn lao động tri thức xây dựng đất nước một cách có hiệu quả.
Giáo dục Việt nam trong suốt mấy thập kỉ đã trải qua bốn lần CẢI CÁCH CHƯƠNG TRÌNH – SÁCH GIÁO KHOA nhưng vẫn bế tắc (rối như gà mắc tóc) trong việc đào tạo con người bởi những tiêu cực tệ hại của nó. Vậy, lần thứ tư này “chương trình và sách giáo khoa sẽ Đổi MỚI thế nào trước xu hướng hội nhập quốc tế mạnh mẽ và cuộc cách mạng 4.0 vũ bão?
Nói về sách giáo khoa, nếu trước kia, sách giáo khoa được biên soạn theo cơ chế “quốc định” (một chương trình, một bộ sách giáo khoa) thì lần này “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa’’, có nghĩa là nó được pha trộn bởi hai hình thức “quốc định và kiểm định”. Song thực chất cho tới thời điểm này, Bộ Giáo dục vẫn còn đang tham gia vào việc biên soạn và tuyển chọn tác giả biên soạn sách giáo khoa, mà lẽ ra, Bộ Giáo dục chỉ giữ vai trò thẩm định. Lí do vì sao?
Có quá nhiều lí do nhưng trong đó chắc chắn có lí do chương trình – sách giáo khoa của giáo dục Việt Nam sống quá lâu trong cơ chế “một chương trình, một bộ sách”. Thế nên, hầu hết giáo viên (người thực hiện) coi sách giáo khoa của Bộ ban hành như một “tín ngưỡng”, “một chân lí tuyệt đối, bất di bất dịch’’, tuân thủ nó như một “pháp lệnh”, cái gì trong sách giáo khoa không nói đến là không dạy, không được phép “vượt biên”, thậm chí phải chính xác tới từng chữ, đặc biệt là bị giới hạn chương trình và cơ chế thi cử vốn đã bị mặc định: dạy gì, thi ấy; sách nói sao nhắc lại vậy; mô phỏng lại cái đã có, đã biết… Có lẽ chính vì hiểu được tâm lí lệ thuộc đó mà Bộ vẫn đứng làm “trụ cột” biên soạn sách giáo khoa chăng? Mặc cho xã hội la ó đấy là thứ công cụ, một thứ tư duy mòn cũ, bị áp đặt, bị chi phối bởi những tư tưởng thủ cựu, kéo lùi sự phát triển của đất nước…
Giáo viên Việt nam sống lâu trong cái lệ thuộc và sức ỳ đã đủ lớn, thế nên chẳng biết khi thay đổi chương trình, thay đổi sách thì sẽ dạy thế nào? Nhiều người có tâm huyết và am hiểu về giáo dục thì không thể chấp nhận cái cách “đổi mới nửa mùa”. Bởi tư tưởng giáo dục trong đổi mới lần này “mở” ra cho người dạy, người học một chút “tự do” (tự lựa chọn bộ sách để dạy – học, lựa chọn văn bản phù hợp để dạy – học) nhưng lại bị “đóng khép” vào khuôn mẫu, cách thức ra đề thi, đánh giá điểm chác bằng một đề thi chung do Bộ, Sở qui định. Do vậy, dù có “đổi mới chương trình và sách giáo khoa” tới cả ngàn lần mà cách vận dụng vẫn rơi vào tình trạng cũ kĩ, lạc hậu, chỉ nhằm “khảo cổ” cái đã có, đã biết mà không hề kích hoạt cho cả người dạy và người học có một dư duy khai phóng, có khả năng phản biện độc lập và sáng tạo; không đề cao thực hành, thí nghiệm, trải nghiệm thực tế và phân luồng đào tạo… thì vẫn chỉ là vô ích. Biết đến bao giờ để giáo dục Việt Nam có quan niệm SÁCH GIÁO KHOA chỉ là một TÀI LIỆU THAM KHẢO của nhà trường trong quá trình truy tìm, khám phá tri thức của cả thầy và trò?
cuối cùng, tôi muốn gửi bức thông điệp tới Bộ Giáo dục và đào tạo cùng các thầy cô giáo kính mến rằng mấu chốt của một nền giáo dục thành công và tiến bộ không chỉ dừng ở chương trình và nội dung của bộ sách giáo khoa mà quan trọng hơn, nó nằm ở TRIẾT LÍ, TƯ DUY GIÁO DỤC của các cấp quản lí; nó nằm ở sự thay đổi phương pháp sư phạm ở giáo viên và tiếp nhận tri thức, quan niệm về sự học của học sinh (học để hiểu biết, để làm, để hội nhập và khẳng định mình trong cuộc sống); ở quan niệm về học – thi, bằng cấp, thành tích của cha mẹ học sinh và nhà trường (đào tạo ra con người có ích cho xã hội, không thể hữu danh vô thực). Chính vì thế, một bộ sách giáo khoa tiến bộ nhất thiết phải đáp ứng được hệ thống kiến thức hết sức cơ bản cho sự vun trồng, phát triển một con người (từ khi sinh ra cho đến lúc trưởng thành); về tư tưởng, phải lấy con người làm trung tâm để đào tạo ra cho đất nước con người lao động có các phẩm chất: tri thức, tự do, năng động, sáng tạo, tự chủ trong cuộc sống và giàu tính nhân bản. Nó hoàn toàn đối lập với quan niệm dạy – học chủ yếu chỉ để đi thi, lấy bằng, chứng chỉ (chủ nghĩa hình thức, thành tích mà không cần thực chất và hệ quả của nó), học xong mà không biết mình đã học được cái gì, cầm tấm bằng mà ngơ ngác trước cuộc đời: thất nghiệp, thất vọng và đói khổ.
(Ảnh chụp cùng GS Nguyễn Minh Thuyết trong dịp Tập huấn về Chương trình đổi mới Giáo dục năm 2019)
Views: 0