SỐNG TIN MỪNG

Chúa Nhật Lễ Lá: Nạn Covid-19 và Nạn Giê-su

Lm. John Trần Đình Khả

 

Một đôi bạn trẻ chuẩn bị làm đám cưới vào thứ Bảy đầu tháng Năm tới, và mời tôi chủ tế lễ cưới, nhưng vì con dịch Covid-19, mọi người phải cách ly, ở nhà và tránh tụ tập quá 10 người. Chỉ được làm nghi thức cưới chứ không có Thánh Lễ. Họ đành phải đổi chương trình hoãn ngày cưới; phải hủy chương trình ở nhà thờ, nhà hàng.

Tôi biết cô dâu từ khi cô mới 12 tuổi và đã phải chống chọi với bệnh leukaemia hơn gần hai năm trong bệnh viện MD Anderson và may mắn được khỏi bệnh. Bây giờ là y tá làm việc tại bệnh viện MD Anderson. Cô buồn bực và

Cô thắc mắc “Tại sao lại là tôi? Tại sao các bạn tôi có thể làm lễ cưới dễ dàng còn tôi lại phải bị trắc trở thế này?”

Con dịch Covid-19 đang làm đảo lộn cuộc sống của chúng ta và của mọi người trên toàn thế giới.

Mọi người, mọi sinh hoạt đều bị trắc trở. Nhiều người mất việc làm. Nhiều công sở, hãng xưởng tạm đóng cửa, ngưng hoạt động, trì hoãn sản xuất và công việc mua bán chậm lại. Nhiều nhà hàng cửa tiệm đóng cửa. Các buổi hội họp tiệc tùng bị cấm; Chúng ta phải tuân theo chỉ thị cách ly và giữ khoảng cách không đứng sát gần người khác. Cuộc sống trở nên bất tiện, căng thẳng bất bình thường. Nhiều người hoang mang lo lắng không biết tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu, tương lai ra thế nào.

Các nhà thờ không có thánh lễ và ngưng mọi sinh hoạt không cần thiết.

Nghi thức Tam Nhật Thánh và Lễ Vọng Phục Sinh cũng chỉ cử hành riêng. Rửa tội cho những người tân tòng và đón nhận những người gia nhập Giáo Hội cũng phải hoãn lại.

Người chết cũng chỉ có nghi thức chôn cất chứ không có lễ an táng.

Phản Ứng Nạn Covid 19

Khi có tin dịch phát xuất từ thành phố Vũ Hán bên Trung Quốc, nhiều người nghĩ nó còn ở xa không đáng chúng ta quan tâm.

Tin loan báo số người lây nhiễm và chết mỗi ngày một tăng, nhưng chúng ta cũng không lo lắng.

Thái độ chung của các nước vẫn là ở ngoài nhìn vào Trung Quốc.

Người ta chưa lo chặn dịch mà chỉ đặt câu hỏi, “Căn nguyên con dịch đến tử đâu?

Từ khu chợ buôn bán hoang thú hay từ phòng thí nghiệm vũ khí sinh học Wuhan?

Người ta nhận định, bình luận, phê phán và cũng có chút thương cảm cho các nạn nhân nhiễm dịch ở Trung Quốc, nhưng nó chưa phải là vấn đề chúng ta phải đối diện.

Khi dịch lan sang Hàn Quốc người ta bắt đầu quan tâm hơn, nhưng con dịch vẫn còn ở xa.

Rồi con dịch lan sang nước Ý, Iran, Tây Ban Nha, Pháp người ta bắt đầu lo lắng hơn.

Khi con dịch phát hiện ở bang Washington, New York, California, Louisiana, New Jersey, Illinois nhiều người nhốn nháo, hoảng hốt, lo sợ.

Lệnh khoanh vùng phong tỏa, cách ly và phương cách phòng ngừa được ban ra.

Nhiều người chạy đi mua thực phẩm và những nhu yếu phẩm dự trữ.

Khi dịch đến sát gần nhiều người bắt đầu than trách tại sao chính quyền nhà nước không cảnh báo?
Tại sao chính phủ không chuẩn bị dụng cụ y tế sẵn để cung ứng cho dân khi con dịch đến?
Tại sao không có thuốc?
Tại sao không có đủ máy trợ thở?
Tại sao không có đủ khẩu trang?
Tại sao không có đủ thuốc khử trùng?

Sau than trách người ta bắt đầu đổ lỗi, tại vì lãnh đạo giở, không biết nhìn xa trông rộng! Không có kế hoạch! Không đánh giá nguy hiểm đúng mức của con dịch. Tại vì và nhiều cái tại vì.

Người ta bắt đầu đổ lỗi cho những người lãnh đạo, cho tổng thống, cho thủ tướng, cho thống đốc, cho thị trưởng, cho bộ trưởng, cho cơ quan y tế, cho bệnh viện.

Bây giờ con số người nhiễm ở Mỹ tăng cao nhất thế giới. Số người chết vì dịch cũng đang tăng nhanh.

Thật đáng buồn là trong khi tổng thống, phó tổng thống, các chuyên gia y tế, các bác sĩ y tá, các khoa học gia, và nhiều nhân viên chính phủ, quân đội, và nhiều người khác đang ngày đêm lo tìm cách đối phó và chữa trị chăm sóc cho những người bị nhiễm dịch thì nhiều người trong giới truyền thông vẫn như người ngoài cuộc chỉ tiêu cực phê bình, chỉ trích, than trách và đổ lỗi mà không chung tay trong chương trình cứu chữa.

Làm như thế chẳng khác gì họ đang tự trút bỏ trách nhiệm cho người khác.

Họ đang tự phuổi tay nói, “Tôi không can dự gì vào việc chữa trị con dịch này.”

Đứng trước cơn đại dịch Covid19 chúng ta có thái độ thế nào? Chắc chắn bằng mọi giá chúng ta phải gìn giữ bảo vệ mạng sống của mình. Nhiều người chắc vẫn chưa cảm nhận đúng được cấp tính khẩn trương và nguy hiểm của đại dịch, nhưng Cơn đại dịch Covid 19 này đang làm mọi người suy nghĩ và chắc chắn sẽ thay đổi cuộc sống xã hội và của nhiều cá nhân. Ông bà chúng ta nói khi có biến thì “bỏ của chạy lấy người.” Mạng sống con người là cao quí nhất. Nhưng phải sống thế nào để đúng với giá trị con người.

Văn chương Việt Nam có câu truyện “Anh Phải Sống” kể về hai vợ chồng chèo thuyền đi vớt củi trên sông. Không may giông to gió lớn ập đến làm con thuyền bị lật đắm. Chồng biết bơi lội còn cô vợ thì không. Chồng dìu vợ cố bơi vào bờ, dù mệt nhưng quyết sống cùng sống, chết cùng chết. Nhưng khi thấy chồng quá mệt sức, nên cô vợ buột kêu lên “còn thằng bờm cái tí, anh phải sống” thế rồi cô buông tay ra trôi theo giòng nước. Mấy ngày sau người ta thấy người đàn ông cùng mấy đưa con thắt khăn tang đứng bên bờ sông tưởng nhớ người mẹ hiền và người vợ can đảm.

Chính Chúa Giê-su đã bằng lòng trả giá bằng chính sinh mạng của Ngài để cứu chuộc mọi người chúng ta.

Phản Ứng Nạn Giê-su

Các Phản Ứng trước con dịch virut Covid-19 này cũng cho chúng ta liên tưởng đến cảm nghiệm của các môn đệ trong trong những ngày cuối đời của Chúa Giê-su mà Giáo Hội gọi là Tuần Thánh bắt đầu với Chúa Nhật Lễ Lá. Tuần Thánh là thời gian mà chúng ta cảm thấy sự linh thiêng huyền bí của tâm linh Ki-tô giáo. Các môn đệ không hiểu những gì đang xẩy ra cho Chúa Giê-su và không lường trước được những gì đang đến với họ và nhân loại.

Bài Tin Mừng kể lại bối cảnh trong những giờ phút cuối đời của Chúa Giê-su bắt đầu từ bữa Tiệc Ly thân tình kín đáo, bồi hồi với những lời tâm sự dặn dò của Chúa Giê-su dành cho các môn đệ, rồi bầu khí tĩnh mịch Chúa cầu nguyện và lo buồn đến đổ mồ hôi máu thế mà ba môn đệ vẫn say ngủ. Tiếp đến là hành động phản bội hết sức vô cảm, không tình nghĩa khó hiểu của Giu-đa, đến cuộc xét xử bất công trước Hội Đồng Tòa Thượng Thẩm và trước quan Phi-la-tô, một ông quan thiếu bản lãnh, rồi lời chối Chúa thật trơ trẽn hèn nhát không hổ thẹn của Phê-rô, và Chúa bị đánh đòn tàn nhẫn, rồi nhận án tử hình thập giá đau đớn nhục nhã nhất trên đời, và kết thúc với cái chết tức tưởi đơn độc và được đem chôn cất trong ngôi mộ mượn của một người tốt bụng. Đứng trước cơn biến loạn như thế, các môn đệ đã hoảng sợ lo lắng hoang mang tán loạn như mất hết niềm tin và hy vọng.

Đây không phải là lúc than trách, đổ lỗi hay lên án Trung Quốc, Vũ Hán hay tổng thống hoặc bất cứ lãnh đạo nào bằng những lời la lớn tiếng “Đóng đinh nó vào thập giá.”

Đây cũng không phải là lúc sợ hãi bỏ chạy xa tránh những người mắc bệnh dịch như các môn đệ đã bỏ chạy khi Chúa lâm nạn.

Đây cũng không phải là lúc phuổi tay chối bỏ trách nhiệm như Phê-rô chối, “Tôi không biết người đó là ai.” “Tôi chẳng có trách nhiệm gì cả.”

Đây cũng không phải là lúc quá lo sợ thất đảm đến độ hành xử như Giu-đa thất vọng không còn thấy lối thoát.

Phản Ứng Theo Tin Mừng

Chúng ta cần học theo gương của Đức Mẹ và những người phụ nữ thân thiết với Chúa Giê-su âm thầm theo dõi, trao khăn lau mồ hôi cho Chúa, an ủi nhau nhất là những người đau bệnh.

Chúng ta cần học theo gương ông Simon vác đỡ gánh nặng cho các bác sĩ và các y tá cùng các nhân viên y tế đang phục vụ bệnh nhân.

Chúng ta cần học theo gương của ông Giu-se đóng góp phần mộ để mai táng những người không may phải chết vì con dịch.

Tuần vừa qua có tin từ bên Vương Quốc Anh kể về anh Liam Dowing, 30 tuổi đang mắc chứng bệnh ung thư tủy xương và mới bị mắc nhiễm dịch Covid 19. Hôm 19 tháng Ba, các bác sĩ nói với gia đình anh là họ không còn cách nào để chữa bệnh ung thư cho anh được nữa. Anh Liam nói chuyện với cố vấn chuyên nghiệp để biết các lựa chọn anh có, sau cuộc nói chuyện anh quyết định ngưng không tiếp tục dùng các thuốc chữa trị cho anh nữa. Thay vào đó, anh nói hãy dùng các phương tiện và nguồn thuốc trị liệu để chữa trị cứu sống cho người khác đang cần hơn.

Đây là một quyết định can đảm anh hùng đáng ngưỡng mộ của một thanh niên mới 30 tuổi đời.

Một giáo dân trong giáo xứ của tôi biết là vì trong mấy tuần vừa qua giáo xứ không có Thánh Lễ ngày Chúa Nhật và không có tiền đóng góp của giáo dân từ các Thánh Lễ. Ông hỏi vậy thì cha lấy tiền đâu để trang trải các phí tổn cho nhà thở. Tôi nói có lẽ sẽ phải cho các nhân viên tạm nghỉ việc để dành tiền trả chi phí điện nước. Nghe thế ông bà đã quyết định giúp cho giáo xứ 25 ngàn đô để có tiền tiếp tục trả cho các nhân viên. Ông nói, “Các nhân viên cần có tiền để lo cho họ và gia đình.” Tôi vô cùng xúc động và coi đó là bài học hy sinh cao quí khi bước vào Tuần Thánh. Chúng ta cùng dùng thời giờ trong tuần Thánh này để cầu nguyện cùng với Chúa Giê-su cảm nghiệm những ngày cuối đời của Ngài ở trần gian hầu chúng ta có thể ngưỡng mộ tình yêu sâu đậm và tình thương vô biên của Thiên Chúa dành cho nhân loại.

Quan sát và lắng nghe tường thuật về câu truyện cuối đời của Chúa Giê-su phải gánh chịu trong những giờ cuối đời của Ngài, chúng ta thấy một điểm nổi bật đáng buồn là sự giãi bày của tội lỗi, từ tội này đến tội khác mà con người xúc phạm đến Thiên Chúa và xúc phạm đến nhau. Thánh Mat-thêu đã chủ ý nhấn mạnh đến sự xấu xa này để nói với chúng ta về ảnh hưởng do cái chết và sự sống lại của Chúa Giê-su. Chúa Giê-su đến để cứu chúng ta khỏi chết bởi tội lỗi, và qua cuộc khổ nạn, chịu chết và sống lại của Ngài, Ngài đã phá tan quyền lực của tội lỗi và mở đường cho chúng ta đến với sự sống đời đời. Chúa Giê-su đã đón nhận bị đối xử tồi tệ nhất trần gian hầu Ngài có thể vĩnh viễn chôn vùi quyền lực của tội lỗi. Chúng ta cùng hiệp nhất với Chúa và với nhau chống lại tội lỗi, chống lại  Virut Covid-19 và trông chờ Ngày Phục Sinh khải hoàn cho toàn thể nhân loại.

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.