Dr. Lương Huỳnh Ngân chuyển ngữ
Trích thư Thánh Phao-lô Tông Đồ gửi tín hữu thành Phi-líp-phê.
6 Đức Giê-su Ki-tô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
7 nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.
8 Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự.
9 Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người
và tặng ban danh hiệu
trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.
10 Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su,
cả trên trời dưới đất
và trong nơi âm phủ,
muôn vật phải bái quỳ;
11 và để tôn vinh Thiên Chúa Cha,
mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng:
“Đức Giê-su Ki-tô là Chúa”.
Đoạn này rất nổi tiếng. Người ta thường gọi là «Bài Ca Thánh Thư gửi Tín Hữu Phi-líp-phê»; bởi vì, nghe bài này, người ta có cảm tưởng như Thánh Phao-lô không tự mình sáng tác, nhưng ngài trích từ một bài thánh ca thường hát trong phụng vụ.
Hình như, một trong những cái bẫy của bài này khi chúng ta đọc, chúng ta bị cám dỗ nghĩ rằng, nội dung bài có liên quan đến sự xứng đáng và phần thưởng.Với sơ đồ ấy là: Chúa Giê-su xử sự một cách tuyệt vời, và vì thế, Ngài nhận được phần thưởng đáng khâm phục! Sở dĩ tôi dám nói «cám dỗ», vì tất cả cách trình bày chương trình của Thiên Chúa có liên quan đến tính toán, phần thưởng, xứng đáng – mà tôi gọi là tương quan toán số – là trái ngược với «ân sủng» Thiên Chúa. Ấn sủng, theo định nghĩa là những gì ban cho nhưng không! Và, thật lạ lùng, chúng ta khó lý luận theo mối tương quan cho nhưng không. Chúng ta luôn bị cám dỗ suy luận theo cách qua lại xứng đáng = phần thưởng. Nhưng nếu Thiên Chúa chờ đợi chúng ta xứng đáng, thì trong trường hợp này, chúng có thể đáng lo lắng… Điều tuyệt vời của tình yêu Thiên Chúa, là Ngài không chờ chúng ta xứng đáng mới tràn ơn cho chúng ta; ít nữa, đó là điều mà Thánh Kinh nói cho chúng ta biết bằng mọi cách. Vì thế, tôi thiết tưởng để trung thành với bài này, nên đọc với một tương quan cho nhưng không. Nếu không, chúng ta có nguy cơ hiểu trái nghĩa, nếu quên rằng là quà tặng nhưng không từ Thiên Chúa, «tất cả là hồng ân» như Thánh Bernanos nói.
Hồng ân Thiên Chúa là quà nhưng không, đối với Thánh Phao-lô, đó là điều hiển nhiên. Điều hiển nhiên này tiềm ẩn trong mọi bài thánh thư, quá hiển nhiên đến độ ngài thấy không cần nói rõ lại. Nếu thử tóm lược tư tưởng Thánh Phao-lô, tôi có thể nói: hồng ân Thiên Chúa là quà nhưng không; bởi chúng ta tự loại chúng ta khỏi món quà nhưng không ấy, nếu chúng ta chọn thái độ đòi hỏi, như một yêu sách, nếu chúng ta cư xử như người phụ nữ vườn Địa Đàng: bà lấy trái cấm, bà chiếm hữu nó như đứa trẻ «cuỗm lấy» trên giang hàng trái cây… Trái lại, Chúa Giê-su Ki-tô chỉ có tiếp nhận (điều Thánh Phao-lô gọi là «vâng lời»), và bởi vì Ngài chỉ tiếp nhận hồng ân từ Thiên Chúa và không đòi hỏi, Ngài được toại nguyện.
Có cách khác để bày tỏ điều này: chương trình Thiên Chúa («Kế hoạch yêu thương» của Ngài), đó là đưa chúng ta trong vòng mật thiết với Chúa, vào hạnh phúc của Ngài, với tình yêu tuyệt hảo của Ngài. Chương trình ấy hoàn toàn nhưng không, điều này dĩ nhiên không có chi đáng kinh ngạc, bởi vì đây là một chương trình yêu thương. Hồng ân ấy từ Thiên Chúa, việc đưa chúng ta vào đời sống thiêng liêng của Ngài, chúng ta chỉ cần tiếp nhận; tôi có khuynh hướng muốn nói, tiếp nhận với một niềm vui kinh ngạc thán phục tuyệt vời. Chẳng có vấn đề xứng đáng hay không, đây là món quà. Với Thiên Chúa tất cả là quà tặng. Thế nhưng, chúng ta cũng biết có cách này cách nọ để nhận một món quà: hoặc chúng ta nhận như một cách tử tế, có nghĩa là đơn sơ và với lòng biết ơn…. hoặc tìm cách chiếm hữu, như một sở hữu, gần như cướp lấy nó… Khi ấy, món quà không còn ý nghĩa món quà nữa, mọi quan hệ bị hỏng mất. Và nếu món quà ấy tuyệt vời (tình bạn, tình yêu…) thì tất cả bị hỏng, bởi vì tình bạn, tình yêu thì không thể cướp lấy được. Tình bạn, tình yêu được lãnh nhận, có thể nói, trong tư thế quỳ gối trong niềm vui ngạc nhiên thán phục và lòng biết ơn. Nơi đây, món quà Thánh Phao-lô nói là tình yêu vô tận của Chúa, đó là sự sống của Ngài.
«Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa» mà không nghĩ, phải nhất quyết đòi hỏi địa vị ngang hàng với Thiên Chúa (c.6). Qua đoạn này, tôi xin lưu ý, đây là một lời xác quyết rất quan trọng về thiên chức của Chúa Ki-tô. Thánh Phao-lô bắt đầu rao giảng đạo Ki-tô và sáng lập cộng đồng Ki-tô hữu tại Phi-líp-phê vào năm 49 hay 50; ít người biết chính xác bài thánh thư này được viết vào năm nào: nhưng điều chắc chắn là trước khi có các Phúc Âm! Vì thế, vào thời ấy, đây là cách xác quyết minh bạch về tính hằng hữu và thiên tính của Đức Giê-su.
Bây giờ chúng ta trở về câu: «Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa». Chính vì Ngài có địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, Ngài mới biết là tình yêu nhưng không… Ngài biết là không nên đòi hỏi, Ngài suy luận rằng đòi hỏi duy trì ngang hàng với Thiên Chúa là không phải lẽ… Thế nhưng, chính điều ấy, Thiên Chúa muốn trao tặng cho chúng ta! Cho chúng ta như món quà. Rốt cuộc, chính xác Thiên Chúa đã ban điều ấy. Vấn đề giống như giai đoạn Cám Dỗ trong sa mạc: quỷ đề nghị những điều nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa! Nhưng Ngài từ chối chiếm hữu, Ngài trông chờ nơi Chúa Cha ban cho Ngài.
Chúa nhận: «danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.» (c.9): đó chính là Tên Thiên Chúa! Gọi Chúa Giê-su là Chúa, có nghĩa Ngài là Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, chữ Chúa chỉ dành cho Thiên Chúa, cũng như cử chỉ bái gối, điều này ám chỉ đến tiên tri I-sa-i-a: «Ta lấy chính danh Ta mà thề, lời chân thật này thốt ra khỏi miệng Ta, Ta quyết chẳng bao giờ rút lại: Trước mặt Ta, mọi người sẽ quỳ gối, và mở miệng thề» (Is 45, 23).
Chúa Giê-su đã sống cuộc đời trần thế của Ngài trong khiêm nhu và cậy trông ngay trong những lúc tồi tệ nhất, tức là lòng hận thù của con người và sự chết. Tôi dùng chữ «cậy trông» còn Thánh Phao-lô dùng chữ «vâng phục». Tiếng Pháp là Obeir, trong đó có gốc La-tinh ob-audire, theo nghĩa đen là để tai trước lời nói: đó là tư thế đàm thoại hoàn hảo, không tì bóng; tức là hoàn toàn tin tưởng. Sở dĩ để tai nghe trước lời nói, bởi vì ta biết lời nói ấy là tình yêu, có thể nghe, không phải lo lắng sợ sệt.
Bài thánh thư kết thúc bằng câu: «mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giê-su Ki-tô là Chúa”» (c.11): vinh quang là bày tỏ, là mặc khải tình yêu vô tận, tình yêu hiện thân. Nói cách khác, khi thấy Chúa Giê-su đem tình yêu lên tột đỉnh, chúng ta có thể nói như người sĩ quan La-mã: «Quả thật, người này là Con Thiên Chúa» (Mc 15, 39)
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng
Views: 0