(Viết cho Tuần Thánh, tuần tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Kytô)
Hạt Cát
Khi chiêm ngắm và suy niệm về Thập Giá, về tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại, nhiều khi chúng ta băn khoăn hỏi mình và hỏi Chúa tại sao Chúa lại dùng thập giá để cứu độ chúng ta? Chúa có muôn vàn cách thế khác để cứu chúng ta khỏi chết, hoá giải tội khiên chúng ta, giúp chúng ta làm hoà với Chúa. Hình phạt thập giá là kiệt tác của chế độ quân phiệt Rôma dùng để trừng trị, dằn mặt những tên phản loạn, những phạm nhân hình sự can án nặng, và với mục đích răn đe những người khác. Cho nên, nó nhục nhã, tàn nhẫn, khủng khiếp lắm. Một vị Thiên Chúa qúa ư cao cả, thánh thiện, uy linh sao nỡ hạ mình xuống tận cùng của khổ đau, nhục nhằn như vậy? Tấm lòng bao dung của người cha trong ngụ ngôn “Đứa con hoàng đàng” đã làm ngẩn ngơ bao người. Như thế vẫn chưa thoả tình yêu diệu vợi của Thiên Chúa sao?
Chúng ta nên ngưng lối suy nghĩ này lại. Nếu chúng ta chỉ thuần dựa vào sự khôn ngoan loài người để thẩm đoán công việc của Thiên Chúa, chúng ta sẽ thất bại thê thảm, vì chúng ta sẽ chẳng bao giờ tìm được câu trả lời! Tiên tri Isaia nhắc nhở chúng ta:
“Nào ai biết được tư tưởng của Chúa,
để hòng chỉ giáo cho Người”
Nhất là những tư tưởng uyên bác, thâm sâu của Thánh Tông Đồ Phaolô khi ngài nói về Thập Giá Chúa Kytô. Thánh Tông Đồ tuyên bố: “Đức Kytô đã không sai tôi đi thanh tảy, mà là rao giảng Tin Mừng. Không phải bằng lời khôn ngoan của khoa ngôn ngữ, kẻo Thập Giá của Chúa Kytô bị ra hư không, trống rỗng, vì chưng lời rao giảng Thập Giá đối với những kẻ đang hư đi là một sự điên rồ. Còn đối với chúng ta, những người đang ở trên đường cứu thoát, lại là quyền năng của Thiên chúa, như lời đã viết:
‘Ta sẽ huỷ diệt khôn ngoan của hạng khôn ngoan,
và trí thông thái của hạng thông thái, Ta sẽ thủ tiêu”
Thánh Tông Đồ diễn giải lời tuyên cáo trên là, vì loài người đứng trước sự khôn ngoan của Thiên Chúa, đã không chịu dùng sự khôn ngoan của mình để nhận biết Thiên Chúa, trái lại chỉ dùng nó để kiêu căng, ngạo mạn “người Do Thái đòi có dấu lạ, người Hy Lạp tìm sự khôn ngoan”, dẫn tới hậu quả “Thập Giá Chúa Kytô đã là cớ vấp phạm cho người Do Thái, và là sự điên rồ đối với dân ngoại”. Riêng ngài và những người tin, thì “chúng tôi rao giảng Chúa Kytô bị đóng đanh thập giá”. Vì “đối với những ai được kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, thì lại là chính Đức Kytô, quyền năng của Thiên Chúa và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Bởi vì sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối của Thiên Chúa thì mạnh mẽ hơn loài người”.
Thiên Chúa thường mạc khải sử Khôn Ngoan của Người cho những kẻ khiêm tốn, bé mọn, nghèo hèn, và gớm ghét những bộ óc kiêu căng, tự cao tự đại. Thánh Tông Đồ nói: “Những điều thế gian cho là điên rồ, thì Thiên Chúa đã chọn để bêu nhuốc những người khôn ngoan, và những điều thế gian cho là yếu đuối, thì Thiên Chúa đã chọn để bêu nhuốc những kẻ mạnh mẽ, những điều thế gian cho là ti tiện, là không đáng kể, là không có , thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có, ngõ hầu đừng có xác phàm nào dám vinh vang trước mặt Thiên Chúa”.
Do đó, khi rao giảng Tin Mừng, Thánh Tông Đồ chỉ giảng bằng con tim và lòng sốt mến. Thánh Tông Đồ tâm sự, ngài không muốn biết gì khác “ngoài Chúa Giesu Kytô và là Chúa Kytô bị đóng đanh thập giá”.
Trở lại với cuộc sống hiện tại để nhìn vào lối sống, suy nghĩ, tính toán của rất nhiều người, trong đó có thể có chúng ta, thì những lời Thánh Kinh trên là lời tiên tri thức tỉnh chúng ta. Thật vậy, chẳng ai muốn đau khổ. Chẳng ai muốn chấp nhận thập giá, nói chi đến việc yêu thập giá, yêu đau khổ, có chăng là những kẻ “điên rồ”. Một người chấp nhận chịu thua thiệt cho người khác được hưởng lợi, chấp nhận khó nhọc, cho người khác được thoải mái, chịu ép mình vào con đường hẹp Chúa dạy, chuyên chăm giữ các giới luật Chúa cách tỉ mỉ giữa chợ người thờ ơ, lạnh nhạt… Những người như vậy thường bị người đời gán cho là những kẻ mát dây.
Mát dây, mát thần kinh hay điên rồ cũng là một nghĩa, chỉ khác ở mĩ từ.
Chúng ta hãy ngẩng đầu cao hơn ranh giới của sự tính toán phàm tục, để nhìn vào cuộc sống của những người biết vui vẻ chấp nhận đau khổ, yêu thập giá của họ, để thấy đời sống của họ thật bình an, hạnh phúc. Bình an của họ không đến từ thế gian, nhưng đến từ Thiên Chúa. Họ bình an nơi người khác phải âu sầu, lo lắng. Không gì trong cõi đời này làm họ mất bình an. Hạnh phúc của họ cũng không đến từ thế gian, nhưng đến từ Thiên Chúa. Họ hạnh phúc nơi những trường hợp người khác cảm thấy đau khổ, bất hạnh. Không gì trong cõi đời này tước mất hạnh phúc của họ. Họ sống trong thế gian mà như ở thiên đàng. Hoá ra những người biết học chấp nhận đau khổ, yêu đau khổ như lời Chúa dạy, họ đích thực đang sống trong thiên đàng trần thế, một thiên đàng của những người biết theo gương Chúa ôm lấy đau khổ của đời mình. Đây là chiếc cầu thiêng dẫn họ vào Thiên Đàng vĩnh cửu nơi Thiên Quốc.
Chúng ta rất may mắn được sống cùng thời với 4 vị thánh: Mẹ Thánh Teresa Calcutta, Tôi Tớ Chúa Lucia, Đấng Đáng Kính Hồng Y Nguyễn Văn Thuận và Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Bốn vị này đều gặp nhau ở một điểm: Yêu mến Thiên Chúa và do đó, yêu mến Thánh Giá. Bốn vị cùng hưởng một niềm vui nơi cuộc sống dương thế. Niềm vui đến từ sự bình an và hạnh phúc chân thật: Mẹ Thánh Teresa Calcutta hy sinh cả đời mình cho những người nghèo khổ, bất hạnh. Cho nên, dù trên khuôn mặt Mẹ Thánh có hằn lên những vết nhăn của đời phục vụ, nhưng trên môi mẹ luôn điểm nụ cười rạng rỡ. Tôi Tớ Chúa Lucia suốt đời giam mình trong dòng kín nghiêm ngặt và chịu nhiều đau khổ thầm kín, nhưng chúng ta có thể nhìn thấy đôi mắt Tôi Tớ Chúa luôn toả ra sự bình an, trong trắng của một trẻ thơ. Đấng Đáng Kính Hồng Y Nguyễn Văn Thuận với 13 năm tù đày oan khiên, trong đó có 9 năm biệt giam, nhưng ngài vẫn giữ được tâm hồn bình an, ngay cả hạnh phúc. Do đó, đã nâng đỡ được tinh thần của các tù nhân đồng cảnh ngộ, cũng như đã cảm hoá được nhiều cán bộ cai tù. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bị ám sát, nhưng ngài đã tới nhà tù để yêu thương, tha thứ cho kẻ muốn giết ngài. Và khởi đi từ đó, nhất là trong những năm tháng cuối đời, ngài bị bệnh tật hành hạ, nhưng Đức Thánh Cha vẫn bình an và hạnh phúc trong chiến đấu với bệnh tật, để thi hành nhiệm vụ nặng nề của vị chủ chăn hoàn vũ. Có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ quên hình ảnh vị cha già bệnh tật xuất hiện lần cuối nơi cửa sổ Đền Thánh Phêrô, khi ngài nhiều lần tận sức để nói lời chào thăm các con cái đang đứng nghe lời ngài mà không thành công! Đám tang vĩ đại nhất lịch sử và đầy cảm động của ngài nói cho chúng ta rằng, ngài rất bình an và hạnh phúc không chỉ lúc còn sống, mà ngay cả khi ngài nằm xuống qua việc Thiên Chúa đã làm cho những người hiện diện tại Quảng Trường Thánh Phêrô lúc đó, hay ở nhà theo dõi trên TV cảm nghiệm được sự bình an, hạnh phúc của ngài. Ống kính thâu hình của các đài TV đã ghi lại được nhiều hình ảnh thật đẹp liên quan đến cảm nghiệm này, thí dụ hình ảnh một thiếu nữ trẻ ngây ngất ngước mắt nhìn lên bầu trời lộng gió nơi Quảng Trường Thánh Phêrô, hai giòng lệ lăn dài trên gò má, nhưng ánh mắt lại chiếu toả sự bình an, hạnh phúc mà có lẽ cô gái trẻ đang cảm nghiệm trong lòng.
Vậy đâu là sự khôn ngoan chân thật? Khôn ngoan loài người tìm cách chạy trốn đau khổ cách vô vọng, hay khôn ngoan của Thiên Chúa khi chúng ta vui vẻ ôm lấy đau khổ của đời mình như một đền bù, thao luyện, lập công, và nhất là để chúng ta có thể chứng minh cho Thiên Chúa là chúng ta đang yêu mến Ngài thực sự, bởi những ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu mến đau khổ. Không thể tách rời tình yêu Thiên Chúa ra khỏi đau khổ. Thiên Chúa đã dùng thập giá để cứu độ loài người, và Ngài cũng muốn loài người đến với Ngài qua thập giá!
Dưới đây là những lời lời rất hay của Cha Thánh Pio, vị được in Năm Dấu Thánh lừng lẫy nhất trong những thế kỷ gần đây, khi ngài nói về đau khổ:
– Nếu bạn hiểu biết về giá trị của đau khổ, bạn sẽ không bao giờ chạy trốn nó.
– Trong suốt cuộc sống của bạn, Chúa Giesu không xin bạn vác Thấp Giá nặng nề của Người, nhưng chỉ xin bạn vác một mảnh nhỏ tí ti của Thập Giá Người thôi, mảnh nhỏ chứa đựng trong những đau khổ của con người.
– Hãy yêu mến Chúa Giesu. Khi bạn yêu mến Người nhiều, bạn sẽ yêu thích hy sinh nhiều hơn nữa.
– Bất cứ ai bắt đầu yêu, người đó phải chuẩn bi sẵn sàng để chịu đau khổ.
– Nhiều đau khổ, nhưng ít người biết chịu đau khổ nên. Đau khổ là món quà của Thiên Chúa. Phúc cho ai biết cách làm lợi từ đau khổ.
– Cuộc sống là ngọn đồi Calvary. Nhưng người ta phải trèo lên cách vui vẻ. Thánh Giá là đồ trang sức đến từ Bạn Tình, nên tôi hăm hở ôm lấy nó. Sự đau khổ làm tôi sung sướng. Tôi chỉ đau khổ khi tôi không được chịu đau khổ.
– Có người nói với tôi: ‘Thưa cha, cha yêu điều con sợ…’ Tôi trả lời ‘Cha không yêu chính sự đau khổ. Cha xin đau khổ vì Chúa, bởi cha khao khát hoa trái của nó: Nó làm vinh danh Thiên Chúa, cứu giúp các anh chị em còn sống, giải thoát các linh hồn trong Luyện Ngục. Cha còn xin gì hơn nữa?”
– Các Thiên Thần ganh tị với chúng ta một điều mà thôi, đó là các ngài không thể chịu đau khổ vì Chúa! Chỉ có đau khổ mới cho phép một linh hồn chân thành thưa với Chúa: “Lạy Thiên Chúa của con, xin hãy xem con yêu Chúa dường nào!”
– Xin Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh ban cho chúng ta lòng yêu mến Thánh Giá. Yêu đau đớn. Yêu đau khổ. Xin Người, Đấng là vị đầu tiên thực thi Phúc Âm cách tuyệt hảo nhất, trước khi Phúc Âm được viết ra, giúp và khuyến khích chúng ta biết dõi theo bước chân của Người, vì không có con đường nào khác dẫn tới sự sống, ngoài con đường Mẹ chúng ta đã đi theo.
Hạc Cát
Views: 0