Trần Mỹ Duyệt
“Tất cả là hồng ân”. Tôi muốn nhìn cơn đại dịch với cái nhìn tâm linh này. “And we know that God works all things together for the good of those who love Him, who are called according to His purpose.” (Chúng ta biết rằng, Thiên Chúa làm cho mọi sự để sinh lợi cho những kẻ được Ngài kêu gọi theo như ý Ngài định.) (Rom 8: 28)
Nhiều người trong cơn hoảng loạn, lo lắng này đã tỏ ra mất hy vọng, mất niềm tin vào quan phòng, vào ngày mai. Họ hốt hoảng, chộp giật, ky cóp những gì mà họ nghĩ rằng sẽ giúp mình sống sót một ngày, một tuần, một tháng mà không cần quan tâm đến lẽ phải, luân lý, đạo đức và nhân cách. Từng đoàn người rồng rắn nối đuôi nhau vào các siêu thị hay các chợ thực phẩm khuân, vác tất cả những gì họ cho là cần cho mình mà không hề quan tâm đến nhu cầu của những người khác.
Liên tiếp trong những ngày này, tôi nhận được hàng tá thông tin liên tục qua email, facebook, messenger, cũng như nghe nhiều tin tức từ mọi phía về những lời tiên tri, những thông điệp đạo đức, những chương trình cầu nguyện để xin cho cơn đại dịch chóng qua. Có thông điệp được cho là từ trời cao mách bảo. Có thông điệp rút ra từ bí mật này bí mật khác tiên tri về những ngày đại họa này, bao gồm những thử thách kinh khủng nhân loại phải chịu, những hình phạt Thiên Chúa giáng xuống con người vì tội lỗi, và dĩ nhiên, cùng với những lời kêu gọi xám hối.
Người ta cứ tưởng Thượng Đế rảnh rỗi không có việc làm nên thỉnh thoảng tạo ra một scandal dọa dẫm con người cho vui chơi. Hoặc Ngài giống như ông chủ hẹp hòi, bủn xỉn, thấy bọn giai nhân làm biếng, ươn lười và bất tuân thì giáng xuống một đòn trừng phạt để cảnh cáo.
Tôi không nghĩ Thiên Chúa hành động theo tâm địa hẹp hòi của con người trong biến cố Covid-19 này. Tại sao lại không nghĩ rằng chính con người vì ích kỷ, nhỏ nhen, và vì lòng độc ác đã tạo ra cho nhau những thử thách lớn lao như vậy, rồi đổ thừa cho Thiên Chúa, cho ma quỉ?
Theo tôi, trong trời đất có hai đối tượng thường luôn luôn bị oan mà không biết phải kêu ca, giãi bày như thế nào, đó là Satan và Chúa Trời. Tất cả những cái xui xẻo, đau khổ, bệnh tật, bất hạnh, và xấu xa là do Satan gây ra. Còn Thiên Chúa, nếu Ngài không gây ra những thứ ấy, thì cũng bất lực hoặc nhắm mắt làm ngơ.
Satan dĩ nhiên là xấu xa nên có đổ thừa cho hắn thì cũng không oan gì! Nhưng còn Thiên Chúa? Tại sao?
Ngài cũng bị oan, bị hiểu lầm. Khi mọi sự tốt đẹp, hạnh phúc, vui vẻ, thoải mái ít ai đến để chúc tụng và cảm ơn Ngài. Nhưng người ta lại không ngần ngại kêu van, xin xỏ đủ điều khi gặp những đau khổ, khó khăn, thử thách. Và nếu không được như ý thì quay lại trách cứ Ngài. Tâm lý vô ơn này, đến chính Chúa Giêsu cũng phải ngạc nhiên. Một nhóm 10 người phong cùi được Ngài cho khỏi, nhưng chỉ có một người trở lại cảm ơn Ngài. Quá sửng sốt, Ngài đã thốt lên: “Thế thì không phải cả 10 người được khỏi sao? Còn 9 người kia đâu sao không thấy trở lại mà cảm ơn Thiên Chúa?” (X. Luca 17:11-19)
Trong cơn đại dịch này rồi cũng sẽ xảy ra kết thúc tương tự. Theo khả năng khoa học và với sự tiến bộ của ngành y khoa, con người cũng sẽ tìm ra thuốc chích ngừa, thuốc trị được Covid-19. Như vậy, chỉ sau một thời gian không lâu nữa hy vọng cơn đại dịch sẽ được khống chế. Nó cũng bị thổi vào quá khứ, và người ta sẽ lại lo vui chơi, mua sắm, tái tạo, phục hồi kinh tế, thương mại, xã hội mà không còn nhớ đến những giây phút hoảng sợ, kinh hoàng, và những nạn nhân do nó gây ra. Họa may cũng có ít người ghi lại biến cố này với lời cảm ơn các chính phủ, các khoa học gia, các nhà phát minh, sáng chế, bào chế thuốc chủng, thuốc trị bệnh, những bác sỹ, y tá, y công trong các nhà thương, bệnh viện đã hy sinh chăm sóc cho các bệnh nhân. Một số ít thì nghĩ rằng do sốt sắng cầu nguyện mà bây giờ cơn đại dịch đã đi qua còn mình được sống sót…”. Nhưng cầu gì? Cầu với ai? Và ai là người đã ra tay xua tan bóng ma Covid-19?
Theo cái nhìn tâm linh, thì cơn đại dịch xảy ra cũng là do con người, nhưng nó cũng nằm trong thiên ý. Vì nếu “tất cả là hồng ân”, và nếu Thượng Đế an bài mọi sự trong thế giới này không ngoài mục đích đem lại tốt lành cho con người, thì câu hỏi là con người đã khám phá và đã học được gì qua biến cố này?
Con người không là gì cả, cuộc sống này không là gì cả, và sự hiện hữu của con người trên trái đất cũng không mang ý nghĩa gì cả, nếu như sau một chuỗi thời gian bôn ba, chộp giật, lo lắng, cất giữ để rồi phải xuôi tay, nhắm mắt vì một con siêu vi trùng như Covid-19! Và bài học thiết thực mà mỗi người cần phải học và rút ra qua biến cố này, cũng như các biến cố đã qua đi trên thế giới là “cái giá trị đích thật của cuộc sống”. Nó tùy thuộc ở chỗ ta đã làm gì để xây dựng cho mình, cho thế giới quanh mình thêm tốt đẹp hơn. Ở chỗ ta có biết ý thức được giá trị của sự cho đi, giá trị của tình thương cao cả?
Cũng qua cơn đại dịch dưới cái nhìn tâm linh, một học giả, và cũng là tác giả, nhà nghiên cứu, giáo dục và diễn giả quốc tế qua bài viết “Virút côrôna là một lời mời gọi trở về với Thiên Chúa” do Jos. VQK chuyển ngữ, phổ biến trên vietcatholic.net, 24 Mar 2020, trong đó ông đã viết:
“Cuộc khủng hoảng này có nguy cơ vượt ra ngoài cuộc khủng hoảng sức khỏe và làm suy giảm nền kinh tế (Mỹ). Vì thế chúng ta phải đặt nghi vấn vì lẽ gì mà Thiên Chúa lại bị thay thế, bị bỏ qua một bên và bị loại trừ. Đã đến lúc phải quay về với Thiên Chúa, bởi chỉ có một mình Người mới cứu chúng ta thoát khỏi thảm họa này.”
Trở về như thế nào? Theo ông:
“Trở về với Chúa không có nghĩa là dâng lên một lời cầu nguyện tượng trưng hoặc tổ chức một đám rước với hy vọng quay lại cuộc sống tội lỗi và những thú vui khôn lường. Thay vào đó, nó phải bao gồm lời cầu nguyện chân thành, hy sinh và đền tội như lời Đức Mẹ đã kêu gọi tại Fatima năm 1917.
Quay về với Thiên Chúa bao hàm một sự sửa đổi đời sống khi đương đầu với một thế giới thù ghét luật pháp Chúa và ngăn ngừa sự hủy diệt của nó. Điều đó có nghĩa là hành động như Giáo hội đã luôn luôn làm, theo công lý, khôn ngoan, bác ái, nhưng, trên hết, là với đức tin và lòng tin tưởng. Tất cả những phương dược này của Giáo hội, đầy tràn sự êm ái và có sức chữa lành, đều nằm trong tầm tay của các tín hữu.”
Tóm lại, trở về dưới cái nhìn thực hành tâm linh là:
“Trở về với Chúa không có nghĩa là chúng ta phủ nhận vai trò của chính phủ trong việc giải quyết các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, đức tin phải là thành phần chính yếu của bất kỳ giải pháp nào. Thiên Chúa đang hiện diện cùng chúng ta. Chúng ta hãy đặt niềm cậy trông vào Bí tích Thánh Thể, là sự hiện diện thực sự của Thiên Chúa trong thế giới và là Đấng đã dựng nên ta. Chúng ta cũng hãy khẩn cầu với Mẹ Thiên Chúa, là Đức Trinh Nữ Maria, Người là Sức khỏe của bệnh nhân và là Mẹ của Lòng thương xót.” [1]
Có lẽ nhiều người sẽ cho như vậy là quá lý thuyết, quá trìu tượng, quá thần thánh, và quá nặng nề về tôn giáo. Do đó, tôi muốn quân bình hóa bằng những suy tư của một người không mang nhãn hiệu học giả, nghiên cứu hay không nặng về tôn giáo. Một người có tiếng nói thực tế giữa những người giầu trên thế giới, nhưng theo tôi, lại là người giầu có trái tim, và có sự hiểu biết về tâm linh, Bill Gates:
“Tôi là một người tin tưởng mạnh mẽ rằng có một mục đích tâm linh đằng sau mọi thứ xảy ra, cho dù đó là những gì chúng ta cho là tốt hay xấu. Khi tôi suy ngẫm về điều này, tôi muốn chia sẻ với bạn những gì tôi cảm thấy Coronavirus/Covid-19 thực sự đang làm với chúng ta:
– Nó nhắc nhở chúng ta về sức khỏe của mình quý giá biết bao và chúng ta đã đi quá xa như thế nào trong việc bỏ bê sức khỏe, thông qua việc ăn những thực phẩm được sản xuất nghèo dinh dưỡng, và uống nước bị ô nhiễm bởi lớp lớp hóa chất. Nếu chúng ta không chăm sóc sức khỏe, tất nhiên chúng ta sẽ bị bệnh.
– Nó đang nhắc nhở chúng ta về sự ngắn ngủi của cuộc sống và về những gì quan trọng nhất chúng ta cần phải làm: đó là giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt là những người già hoặc bệnh tật. Mục đích của chúng ta không phải để mua giấy vệ sinh.
– Nó nhắc nhở chúng ta về xã hội vật chất của chúng ta đã trở nên như thế nào, và khi gặp khó khăn, chúng ta nhớ ra những thứ thiết yếu mà ta cần (thực phẩm, nước, thuốc) vốn trái ngược với những thứ xa xỉ mà đôi khi chúng ta đánh giá cao chúng một cách không cần thiết.
– Nó đang nhắc nhở chúng ta về gia đình và mái ấm gia đình quan trọng như thế nào và chúng ta đã bỏ bê điều này đến mức nào. Nó buộc chúng ta phải quay trở lại nhà của mình để chúng ta có thể xây dựng lại cuộc sống bên tổ ấm của mình và củng cố đơn vị gia đình mình.
– Nó đang nhắc nhở chúng ta rằng sau mỗi khó khăn, luôn có sự dễ dàng. Cuộc sống là theo chu kỳ, và đây chỉ là một giai đoạn trong chu kỳ tuyệt vời này. Chúng ta không cần phải hoảng sợ; điều này cũng sẽ qua.
Trong khi nhiều người coi virus Corona/Covid-19 là một thảm họa lớn, tôi thích xem nó như là một sửa chữa tuyệt vời.
Nó được gửi để nhắc nhở chúng ta về những bài học quan trọng mà chúng ta dường như đã quên và tùy vào mình mà ta có học được chúng hay không!”[2]
Riêng bạn, bạn nghĩ sao? Bạn có muốn chia sẻ tầm nhìn này với John Horvat II hay Bill Gates không? Vì, “Tất cả là hồng ân”.
_______
- Return To OrderThe Coronavirus Is a Call to Return to God
John Horvat II là một học giả, nhà nghiên cứu, giáo dục và diễn giả quốc tế. Ông là tác giả cuốn Return to Order. Ông hiện là Phó Chủ tịch của American Society for the Defense of Tradition, Family and Property.
- https://coronavirusnewslive.com/coronavirus/bill-gates-says-coronavirus-reminds-us-we-are-all-equal-in-powerful-open-letter-the-sun/ Bản dịch Saigon Nhỏ)
Views: 0