Dr. Lương Huỳnh Ngân chuyển ngữ
Trích sách Sa-mu-en quyển thứ nhất. (1Sm 16, 1b.6-7.10-13a)
1 ĐỨC CHÚA phán với ông Sa-mu-en: “Ngươi còn khóc thương Sa-un cho đến bao giờ, khi ta đã gạt bỏ nó, không cho làm vua cai trị Ít-ra-en nữa? Ngươi hãy lấy dầu đổ đầy sừng và lên đường.
6 Khi họ đến, ông thấy Ê-li-áp, ông nghĩ: “Đúng rồi! Người ĐỨC CHÚA xức dầu tấn phong đang ở trước mặt ĐỨC CHÚA đây!”
7 Nhưng ĐỨC CHÚA phán với ông Sa-mu-en: “Đừng xét theo hình dáng và vóc người cao lớn của nó, vì Ta đã gạt bỏ nó. Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn ĐỨC CHÚA thì thấy tận đáy lòng.
10 Ông Gie-sê cho bảy người con trai đi qua trước mặt ông Sa-mu-en, nhưng ông Sa-mu-en nói với ông Gie-sê: “ĐỨC CHÚA không chọn những người này.”
11 Rồi ông lại hỏi ông Gie-sê: “Các con ông có mặt đầy đủ chưa?” Ông Gie-sê trả lời: “Còn cháu út nữa, nó đang chăn chiên.” Ông Sa-mu-en liền nói với ông Gie-sê: “Xin ông cho người đi tìm nó về, chúng ta sẽ không nhập tiệc trước khi nó tới đây.”
12 Ông Gie-sê cho người đi đón cậu về. Cậu có mái tóc hung, đôi mắt đẹp và khuôn mặt xinh xắn. ĐỨC CHÚA phán với ông Sa-mu-en: “Đứng dậy, xức dầu tấn phong nó đi! Chính nó đó!”
13 Ông Sa-mu-en cầm lấy sừng dầu và xức cho cậu, ở giữa các anh của cậu. Thần khí ĐỨC CHÚA nhập vào Đa-vít từ ngày đó trở đi. Ông Sa-mu-en đứng dậy và đi Ra-ma.
Đây là một trong các kính ghép màu đẹp nhất tại Nhà thờ chính toà Chartres, nếu không phải là một trong kính ghép màu cổ kính nhất. Ông Gie-sê nằm trên giường trải khăn trắng, có cái chăn đỏ che thân, bên trong ông mặc bộ áo xanh bọc dải viền vàng óng ánh, đầu đội mũ ba vòng, thường dành cho Đức Giáo Hoàng. Giữa thân, mọc lên một cây cổ thụ, thân cây màu trắng và từ đó vô số cành mọc ra, có nhiều màu sắc chiếm trọn chiều cao của kính. Chính giữa mỗi khung kính, có một vua Giê-ru-sa-lem, xuất phát từ trung tâm thân cây.
Vua đầu tiên từ các vua, xuất phát từ Gie-sê là vua Đa-vít: và nói cho cùng, Gie-sê chỉ được danh tiếng nhờ đứa con mình chứ không phải ngược lại. Không thông tin gì nhiều về chính ông Gie-sê: chỉ biết ông sống vào khoảng năm 1.000, trước Chúa Giê-su Ki-tô, và cư ngụ tại Bê-lem, một làng nhỏ không có gì đáng chú ý thời ấy. Tất cả những gì người ta biết về ông là «Gie-sê người làng Bê-lem» (Một nơi khác trong Thánh Kinh, cho chúng ta biết ông là cháu nội một người phụ nữ dân ngoại tên là Rút). Thế mà Gie-sê trở nên danh tiếng: chỉ vì ông là cha vua Đa-vít. Ông là tổ tiên của một hậu duệ dài, tương tự như một cây cổ thụ có một tương lai đầy hứa hẹn, theo lời các tiên tri… và các kính ghép màu trong các Nhà thờ chính toà, đặc biệt ở Pháp.
Nhưng, chúng ta hãy bắt đầu bằng một chút lịch sử: người Do Thái (mười hai chi tộc xuất thân từ mười hai con trai ông Gia-cóp) tiến vào đất Pa-lét-tin vào khoảng năm 1200 trước CN. Trong hơn một thế kỷ, mười hai chi tộc sống gần như độc lập với nhau. Tuy nhiên, cũng có một mối liên hệ gắn bó họ với nhau: đó là lịch sử chung, và nhất là có cùng một Thiên Chúa: «đã đưa… ra khỏi đất Ai-cập» (Xh 20, 2) như họ thường nói như thế để công nhận chính Chúa giải thoát họ. Đó là ký ức chung từ khi sinh ra cho suốt cuộc sống của mười hai chi tộc. Thế nhưng, trên mặt chính trị thì không thống nhất. Mỗi khi mối nguy cơ đe dọa một chi tộc, có một vị cứu tinh (được gọi là «quan tòa») đứng ra chỉ đạo mọi chiến thuật, dựng đạo binh, và khi mối nguy cơ không còn nữa, mỗi người trở về nhà mình.
Dưới sức ép của các dân tộc hiếu chiến như dân Phi-li-tinh, cần có một vị vua để qui tụ mọi lực lượng, vua đầu tiên là Sa-un vào năm 1030-1010 trước CN. Nhưng ông bất tuân Thiên Chúa nhiều lần, không làm tròn sứ mạng. Ngôn sứ Sa-mu-en báo cho ông biết, Thiên Chúa sẽ thay thế ông và tuyển chọn một vua khác để trị vì Ít-ra-en. Thì đây, là bài tường thuật về sự chọn lựa ấy, chúng ta vừa đọc: Gie-sê có tám người con trai, Chúa gởi ngôn sứ Sa-mu-en đến chọn vua tương lai. Lạ lùng thay, theo lời khuyên Thiên Chúa, Sa-mu-en không chọn người lớn tuổi nhất, cũng không phải người cao lớn nhất, mà lại chọn đứa trẻ nhất, nó đang đi chăn ở ngoài đồng với súc vật. Và chính đứa trẻ bé nhỏ Đa-vít này sẽ trở nên một vì vua vĩ đại cho Ít-ra-en. Nếu quý bạn tham khảo tất cả các bài trong Thánh Kinh về việc đăng quang Đa-vít lên làm vua Ít-ra-en, vì các tài liệu không được thuần nhất với nhau, quý bạn sẽ gặp khó khăn để lập lại diễn biến chính xác các sự kiện. Điều này, chứng tỏ mục đích các tác giả Thánh Kinh không phải để cho chúng ta biết thời điểm chính xác các sự kiện lịch sử, mục tiêu của các ngài có tính cách thiêng liêng. Điều vừa lưu ý này, chúng ta đều biết, có giá trị chung cho tất cả các bài trong Thánh Kinh.
Trong bài này, việc Đa-vít được tiên tri Sa-mu-en chọn, dạy cho chúng ta ba điều: Thứ nhất, vua được Chúa chọn, và sự chọn lựa ấy, cũng như tất cả mọi ơn gọi của Thiên Chúa, mục đích là để thực hiện một sứ vụ. Qua câu truyện này, chúng ta nhìn ra nhiều điều được biết rõ thêm : như dân Ít-ra-en được Thiên Chúa tuyển chọn để phục vụ nhân loại, và cũng như thế, vua Ít-ra-en được chọn để phục vụ dân chúng. Chúng ta đang đứng trước mầu nhiệm những chọn lựa của Thiên Chúa: sự chọn lựa vua này cũng như dân tộc này, khó giải thích dưới mắt con người. Người bé nhỏ Đa-vít, cũng như cái dân tộc Do Thái bé nhỏ, như cái làng bé nhỏ Bê-lem không có gì đáng chú ý dưới quan điểm phàm nhân …
Điều thứ hai, vua được xức dầu, có nghĩa là «Đấng Mê-si-a» là «Đấng được xức dầu». Và rõ ràng, về sau nghi lễ xức dầu rất được tôn trọng, vì thế trong bài, đây là sự kiện quan trọng nhất của bài tường thuật. «Ta sai ngươi đến gặp Gie-sê người Bê-lem, vì Ta đã thấy trong các con trai nó một người Ta muốn đặt làm vua… Ngươi hãy lấy dầu đổ đầy sừng và lên đường.»
Điều thứ ba, và là điều sau cùng, việc xức dầu ấy ban cho vua Thần Khí của Thiên Chúa: «Ông Sa-mu-en cầm lấy sừng dầu và xức cho cậu, ở giữa các anh của cậu. Thần khí ĐỨC CHÚA nhập vào Đa-vít từ ngày đó trở đi. Ông Sa-mu-en đứng dậy và đi Ra-ma.» (c.13). Từ nay, vua tham dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa, vua trở nên một nhân vật thánh, dưới trần thế là một «trợ tá» của Chúa, đúng nghĩa của nó, (LND: theo tiếng Pháp như người thay mặt Chúa). Có nghĩa là vua trị vì dân chúng, không theo tinh thần người phàm, nhưng theo quan điểm của Chúa, hoàn toàn khác với quan điểm người phàm. Như mọi người biết: «Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn ĐỨC CHÚA thì thấy tận đáy lòng» (c.7).
Chúa nhật vừa qua, các bài đọc mời gọi chúng ta lắng nghe, không phải lắng nghe bất cứ gì, dĩ nhiên rồi. Đó là tin tưởng, «trông cậy», bài mẫu là câu truyện Ma-xa và Mơ-ri-va. Chúa nhật thứ IV Mùa Chay hôm nay là vấn đề cái nhìn. «Muốn thấy rõ thì chỉ nhìn với tấm lòng, điều chính yếu mắt không thể thấy được», văn sĩ Antoine de Saint-Exupery viết trong quyển «Hoàng Tử Nhỏ» như thế. Và trong bài tường thuật về A-đam lỗi phạm trong vườn Địa Đàng, chúng ta chú ý bài nhấn mạnh về cái nhìn: cặp mắt kính của con rắn là sự ngờ vực, đã làm méo mó. Huấn luyện có cái nhìn khác là một trong những mục tiêu của Mùa Chay.
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng
Views: 0