SỐNG TIN MỪNG

Đức Thánh Cha dâng lễ cầu xin cho các gia đình tìm được cách thế mới để yêu thương nhau

Đặng Tự Do

Vietcatholic.net, 16/Mar/2020

Lúc 7 sáng Thứ Hai 16 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ này, ngài cầu nguyện cách riêng cho các gia đình, xin Chúa ban ơn khôn ngoan cho các gia đình để các thành viên trong cùng một mái nhà có thể tìm ra những cách thế mới để thể hiện tình yêu trong tình huống khó khăn này.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

“Tôi đang nghĩ về những gia đình đang bị cô lập chung với nhau trong những ngày này. Xin Chúa giúp họ khám phá những cách thức mới, những cách thể hiện tình yêu mới, để sống cùng nhau trong tình huống mới này. Đó là một cơ hội đẹp để khám phá lại tình cảm gia đình. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các gia đình để các mối quan hệ trong gia đình vào lúc này có thể luôn phát triển tốt đẹp.”

Bài giảng của Đức Thánh Cha để tập trung vào bài Tin Mừng trong ngày mô tả phản ứng của dân chúng đối với Chúa Giêsu trong hội đường thành Nadarét.

Phúc Âm: Lc 4, 24-30

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi Chúa Giêsu đến thành Nadarét, Ngài nói với dân chúng tụ họp trong hội đường rằng: “Quả thật, Ta bảo các ngươi, chẳng có một tiên tri nào được tiếp đón tử tế ở quê hương mình. Ta bảo các ngươi, chắc hẳn trong thời Elia có nhiều bà goá ở Israel, khi trời hạn hán và một nạn đói lớn hoành hành khắp nước suốt ba năm sáu tháng, nhưng Elia không được sai đến với một người nào trong bọn họ, mà chỉ được sai đến với một bà goá ở Sarépta xứ Siđôn thôi. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Elisêô, nhưng không một người nào trong bọn họ được chữa lành, mà chỉ có Naaman, người Syria”.

Vừa nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, đẩy Người ra khỏi thành và dẫn Người đến một triền đồi, nơi họ xây thành, để xô Người xuống vực. Nhưng Người tiến qua giữa họ mà đi.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Có hai sự phẫn nộ thể hiện cả trong Bài đọc thứ Nhất và trong Bài Tin Mừng. Lúc đầu, những người trong hội đường thích những gì Chúa Giêsu nói. Nhưng khi họ tự hỏi lẫn nhau “ông ta học trường đại học nào? Đây là con trai bà Maria và ông Giuse mà… Ông ta chỉ là một người thợ mộc… Ông ta có thể nói gì với chúng ta nào?” Họ trở nên phẫn nộ đến mức họ dùng đến bạo lực thể xác. Trong Bài đọc Một, ông Naaman cũng vậy, ông trở nên phẫn nộ khi tiên tri Elisha đề nghị ông ta tắm bảy lần trong dòng sông Giođan. Phản ứng của ông dẫn ông đến hình thức bạo lực bằng lời nói. Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét: “Sự phẫn nộ luôn dẫn đến bạo lực hoặc bằng thể chất hoặc bằng lời nói”.

Ngài đặt câu hỏi:

Cả ông Naaman và người dân thành Nadarét đều là “người tốt”. Điều gì đằng sau những người tốt này khiến họ phản ứng phẫn nộ?

Theo Đức Thánh Cha, ý tưởng của họ về Thiên Chúa theo đó “Thiên Chúa chỉ biểu lộ chính Ngài qua những điều phi thường, thông qua những điều ngoại thường, rằng Thiên Chúa không thể hành động thông qua những điều bình thường, những gì là đơn sơ trong cuộc sống”.

Sự phẫn nộ thể hiện trong cả hai bài đọc là một phản ứng chống lại sự đơn sơ.

“Họ khinh miệt những điều đơn sơ. Nhưng Thiên Chúa của chúng ta làm cho chúng ta hiểu rằng Ngài luôn hành động thông qua những điều đơn sơ: sự bình dị của ngôi nhà Nadarét… sự đơn sơ của công việc hàng ngày… sự đơn sơ của lời cầu nguyện… những điều giản dị. Thay vào đó, tinh thần thế gian đẩy chúng ta về phía phù phiếm, hướng tới vẻ bề ngoài. Cả ông Naaman và dân Nadarét kết thúc bằng bạo lực. Naaman, người rất có học thức, đóng sầm cửa vào mặt tiên tri và quay lưng – đó là bạo lực, một hành động bạo lực. Những người trong hội đường bắt đầu trở nên giận dữ và điên lên, họ đi đến quyết định giết Chúa Giêsu, đồng thanh, họ đẩy Người ra khỏi thành và dẫn Người đến một triền đồi, nơi họ xây thành, để xô Người xuống vực.

Những người kiêu căng dễ trở nên phẫn nộ, nhưng Đức Thánh Cha lưu ý rằng thật ra kẻ kiêu căng rất nghèo về tinh thần. Người kiêu hãnh chỉ sống với ảo tưởng là họ tốt hơn, hay hơn, lành thánh hơn những gì họ thực sự là. Nhiều lần những người này cần trở nên phẫn nộ để cảm thấy rằng họ là một người nào đó có thế giá.

Để kết luận, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta suy nghĩ về “sự phẫn nộ của người dân trong hội đường của Nadarét và ông Namaan” là kết quả của việc họ “không hiểu được sự đơn sơ của Thiên Chúa chúng ta”.

Source:Vatican NewsPope Francis at Mass: May families find new ways of showing love

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.