SỐNG TIN MỪNG

“Lòng mến Chúa đổ xuống lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần là Đấng đã được ban cho chúng ta.”

Dr. Lương Huỳnh Ngân chuyển ngữ

 

Trích thư Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Rô-ma (Rm5, 1-2.5-8).

1 Vậy, một khi đã được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.
2 Vì chúng ta tin, nên Đức Giê-su đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa.
5 Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta.
6 Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta.
7 Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng.
8 Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.

Muốn hiểu bài này phải đặt thư Thánh Phao-lô gửi tín hữu Rô-ma đúng vào vị trí của nó. Chúng ta đang ở một khúc quanh của thư này, kết luận cho phần đầu, suy niệm về tội lỗi thế gian. Và đối với Thánh Phao-lô, tội lỗi chỉ là trái ngược với cậy trông vào Thiên Chúa, ngược lại với đức tin. Có thể nói, đối với ngài tội lỗi là ngờ vực; qua tường thuật về tội của A-đam thánh nhân hiểu như thế. Dĩ nhiên, nếu tội lỗi là ngờ vực Thiên Chúa, thì tội lỗi tách rời khỏi Thiên Chúa, không thể nào cứu vãn được; như thể, mối hiệp thông bị cắt đứt. Tôi xin trở lại bài tường thuật trong sách Sáng Thế: Thiên Chúa thổi vào con người sự sống; hình ảnh ấy thật tuyệt vời… Hẳn các bạn thấy trước mắt hình ảnh bích họa của Michel-Ange: ngón tay Thiên Chúa chạm vào ngón tay con người.

Tác giả sách Sáng Thế đề nghị một hình ảnh khác, cũng đẹp như thế: chúng ta được treo bám vào hơi thở của Chúa. Bao lâu chúng ta còn được treo vào hơi thở của của Ngài – tức là chúng ta chấp nhận sự lệ thuộc của chúng ta và những giới hạn của chúng ta – lúc ấy, chúng ta có thể sống thanh thản. Ở đây, bài tường thuật sách Sáng Thế còn có một hình ảnh rất gợi cảm; bài nói «Con người và vợ mình, cả hai đều trần truồng mà không xấu hổ trước mặt nhau» (St 2, 25) .

Sự trần truồng lúc nào cũng tế nhị, mong manh; nhưng, mong manh khi chúng ta an toàn thì không có gì nguy hiểm. Không cần phải bảo vệ; sự «trần truồng», tức là sự mong manh của chúng ta vẫn yên bình. Trái lại, khi chúng ta mất tín nhiệm nơi Thiên Chúa, chúng ta tự xa cách với Ngài, chúng ta không còn bám treo vào hơi thở của Ngài. Vì thế sách Sáng Thế nói đến sự chết. Trong chiều kích nhỏ bé của chúng ta, chúng ta biết rằng điều giết chết mối bang giao là khi sự ngờ vực bắt đầu. Ở đây cũng vậy, bài dùng hình ảnh thứ hai: người nam và người nữ không còn sống trong tin cậy nữa, họ lấy lá che thân. Một khi ngờ vực, thì không  có thể sống thanh thản với sự mong manh của chúng ta nữa; lúc ấy ta tìm cách tự bảo vệ, che thân. Cũng sự ngờ vực ấy nơi A-đam, chúng ta gặp lại trong Mác-xa và Mơ-ri-va; đó là Bài Đọc Một Chúa nhật thứ III Mùa Chay năm nay: đứng trước những khó khăn trong sa mạc, đặc biệt nạn khát, dân chúng nghĩ «Chúa muốn chúng ta chết». Trái hẳn lại, Chúa Giê-su Ki-tô, vẫn một lòng cậy trông, bất cứ điều gì có thể xảy ra, vẫn treo mình bám vào hơi thở của Thiên Chúa: ví dụ, chúng ta thấy trong đoạn Chúa bị cám dỗ trong Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu, phần đầu chương 4: «Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra»; hay là «Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi» và sau cùng «Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi». Khi Chúa Giê-su dạy chúng ta cầu nguyện: «Chúng con nguyện… nước Cha trị đến», Ngài ngụ ý nói, vì ý Cha luôn tốt lành, không lúc nào Ngài ngờ vực ý định Thiên Chúa. Ngay trong vườn Gét-xê-ma-ni, Ngài còn nói: «Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn.» (Mc 14, 36), câu này ngụ ý nói, vì ý Cha lúc nào cũng tốt thôi. Bởi vì Ngài sống bám treo theo hơi thở Thiên Chúa, Ngài được sống do hơi thở ấy, ngay qua cả cái chết thể lý. Vì lẽ ấy, Ngài phục sinh. Và như ông Mô-sê làm môi giới giữa dân chúng và Thiên Chúa; Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng trung gian, Ngài tái lập lại nguồn hiệp thông: «chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Vì chúng ta tin, nên Đức Giê-su đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa» (c.1- 2)

Nhất là không nên xem đó như một sự tính toán phần thưởng; nhờ thái độ tốt lành của Chúa Giê-su làm cho Ngài xứng đáng được thưởng, từ đó toả ra cho chúng ta. Đối với Thiên Chúa, Ngài chính là tình yêu, không có vấn đề tính toán. Ngay cả chúng ta, chúng ta tuy không biết yêu thương chi lắm, chúng ta cũng biết nói tình yêu không tính toán… Vỏn vẹn, bởi vì Ngài nối liền mật thiết với Thiên Chúa, nên Ngài nhận liên tục sự sống của Thiên Chúa, hơi thở của Thiên Chúa. Và chúng ta, bởi Ngài, chúng ta: «hưởng ân sủng của Thiên Chúa» (c.2). Chúng ta có khuynh hướng hỏi vì sao thế: vì ân sủng, tự nó là quà cho nhưng không. Đó mới là điều tuyệt diệu, như Thánh Phao-lô nói trong thư gửi tín hữu Cô-lô-xê: «Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người» (Cl 1, 19). Có nghĩa là, nơi Chúa Giê-su Ki-tô treo bám vào Thiên Chúa sẽ được Chúa Thánh Thần ban cho sự sống: «Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta.» (c.5), Thánh Phao-lô nói.

Qua đoạn này, tôi xin lưu ý hai điều. Bài này nêu bật tính Ba Ngôi Thiên Chúa, thường gặp nơi Thánh Phao-lô: Chúa Cha làm cho chúng ta công chính, Chúa Giê-su mang lại ân sủng cho chúng ta; tức là trong tình yêu Thiên Chúa, Thánh Thần Chúa được ban cho chúng ta và Ngài, tràn đầy nơi ta bằng chính tình yêu Thiên Chúa. Điều đáng lưu ý thứ hai là: lời Thánh Phao-lô dùng, được viết theo thể quá khứ. Thiên Chúa đã làm cho chúng ta công chính, Chúa Giê-su Ki-tô đã ban cho chúng ta, Thánh Thần Chúa đã được ban xuống cho chúng ta. Đó là điều chắc chắn rồi; có nghĩa là có hai yếu tố: đã cho rồi – chỉ cần chúng ta lãnh nhận món quà, một cách nào đó, dù chúng ta có xứng đáng hay không. Điều này làm chúng ta an tâm, có ai trong chúng ta dám cho mình xứng đáng điều chi không? Cũng không phải Thánh Phao-lô cho chúng ta một bài học luân lý, đại loại như «hãy xứng đáng với thực tế ấy». Thánh Phao-lô chọn cách nói với chúng ta: «Hãy nhận lãnh món quà, tạ ơn và sống với nó…. Món quà ấy chính nó sẽ biến đổi bạn…». Nhưng tôi tự hỏi, tại sao chúng ta khó chấp nhận ân sủng là quà được ban cho nhưng không, đến thế?

***

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân

Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.