Bernard Nguyên-Đăng, J.D.
Giáo dục, với nhiều định nghĩa khác nhau, tuỳ theo thời đại, môi trường, xã hội, cơ chế hay truyền thống của từng miền, hay quốc gia. Có nơi cho rằng, giáo dục là sức mạnh; có nơi lại cho rằng, giáo dục là cơ hội – nhưng, riêng tác giả của bài viết nầy đã đi đến một kết luận khác, chủ quan, dựa vào kinh nghiệm được giáo dục, trải nghiệm một chuỗi năm tháng dài hơn 40 năm sống, làm việc và giảng dạy tại Mỹ -“Giáo dục giải thoát con người khỏi sự ngu dốt, áp bức và cùng khốn.”
Giáo Dục, không nghĩa là nhồi tọng vào đầu óc người trẻ, người học, một số kiến thức ắt có theo định hướng của một thể chế giáo dục, cấp cho họ một mảnh giấy, “bằng”, rồi đẩy họ vào trường đời, như bằng chứng của một kết quả giáo dục.
Giáo dục cũng không phải bài vở, bài tập, bài thi, bài. . .theo quy định của một cơ chế giáo dục. Ngày nay, giáo dục lại không còn lệ thuộc vào bốn bức tường, lớp học, giấy bút, hay bảng đen, phấn trắng -tuyệt nhiên không thể còn lối đọc chép, nhồi tọng theo lối từ chương. Ắt hẳn, châp lý của những gì từ nơi thầy cô là hoàn hảo, tuyệt đối, đúng, chân lý. Triết lý giáo dục, không phải là mới, không còn gì đáng ngờ vực, đó, chính là một hành trình song hành-giữa người hướng dẫn, thầy-cô, và người học, thiết tha vun xới tri thức, xây dựng một nền tảng kiến thức để rồi từ đó, mỗi người học, tự phát huy, vươn lên, thoát thân làm người. . .người có ăn học, người tri thức.
Giáo dục là một hành trình dài, nhiều thử thách, lắm thăng trầm, gắn liền với kiếp người đến hơi thở cuối đời.
Giáo dục không mua được bằng tiền tệ, quan hệ, quyền thế, hay bất cứ phương tiện nào khác, ngoài một ước mơ vươn lên làm người, người có phẩm giá, người có nhân cách, người hữu ích cho chính bản thân, tu thân, cho gia đình, tề gia, cho xã hội, phục vụ tha nhân, nhân loại.
Giáo dục, không chỉ nhìn qua riêng một lăng kính, tầm nhìn, góc độ tiếp cận cá biệt nào về mục đích, mục tiêu, hình thức, phương pháp, tiến trình, cơ chế, khoa sư phạm, giáo trình, hay bất cứ tiến trình học hỏi, giáo dục nào – nhưng chính là qua một tầm nhìn tổng thể, trong đó có yếu tố văn hoá đi đầu, môi trường, ngôn ngữ, tâm sinh lý, truyền thống, kinh tế, xã hội, chính trị, tôn giáo và sau cùng là hai yếu tố tất yếu, vô cùng quan trọng, đó là: 1) người học, và 3) người dạy.
Tư duy, ý tưởng, quan tâm về giáo dục, không phải mới, không phải ít người bàn đến, không ít sách vở viết về chủ đề giáo dục; nhưng, nhìn vào kết quả giáo dục, người học đã được gì, đã giúp gì được cho bản thân, cho gia đình, và cho xã hội – đấy là thước đo thật chính xác ý nghĩa của giáo dục, chứ không bằng số lượng học sinh, sinh viên tốt nghiệp, số bằng khổng lồ đăng tải thành tích loan trên mạng.
Hơn 300 năm trước, bên trời tây, John Locke[i], qua các bài “Essay Concerning Human Understanding”, (1690); “Some Thoughts Concerning Education” (1693), đã gây tác động mạnh và ảnh hưởng rộng lớn cả Âu châu về triết lý giáo dục, về khả năng tư duy, lý luận, cùng ước mơ vươn lên làm người. Locke đã nhấn mạnh đến ba (3) nguyên lý chính của sứ mệnh giáo dục: 1) Phát triển thể lý; 2) Hình thành con người đạo đức, và rồi, 3) Đạt đến những chọn lựa các môn học hợp với tài năng, khả năng và sở thích. Locke hàm ý, mọi người sinh ra trên đời, với một thể lý quân bình, đều có khả năng, có thể vươn lên, học hỏi, làm người như mọi người trong các tầng lớp xã hội, kể cả tầng lớp giàu có, quyền thế, bản vị. Về khả năng trí tuệ, tư duy và sáng tạo của con người, Locke quan niệm rằng, trẻ con sinh ra trên đời, đều như tấm giấy trắng, không mang gì đến trần gian một hành trang trí tuệ gì khác, do đó, là những nhà giáo, với sứ mệnh giáo dục, kết quả một đời ăn học của một hoc sinh, sinh viên, là do thiện chí, nổ lực, dấn thân của nhà giáo, đóng góp vào, làm sao, cách nào, để tờ giấy trắng đó trở thành một sản phẩm hữu dụng, gía trị, một tuyệt tác cho xã hội.
Người học-Học sinh-Sinh viên
Thế, trọng tâm của giáo dục, không phải là cơ chế, là nhà trường, là sách vở, là giáo trình, là thầy cô, nhưng chính là người học, học sinh, viên viên.
Lý luận, triết học đặt người học, học sinh, sinh viên là trọng tâm của sứ mệnh giáo dục, không có gì mới mẻ, đáng bàn đến. Vì, người học, học sinh, sinh viên, chính là lý do để cơ chế giáo dục, thầy cô, nhà trường hiện hữu, tồn tại và mang giá trị thương hiệu, uy tín đến cho một nền giáo dục, gia sản văn hoá nhân loại. Nhà trường, lớp học, không phải là môi trường đào tạo thiên tài, nhân tài, ngược lại, chính thiên tài, nhân tài, mang đến cho môi trường giáo dục, nhà trường, một ý nghĩa.
Giáo dục nhắm đến khích lệ, cổ động và thôi thúc người học, học sinh, sinh viên một đam mê khám phá, một đời bền bỉ, liên lỉ khám phá, trau đồi kiến thức và sáng tạo. Người học sẽ thấy phấn chấn, phấn khởi và hứng thú ăn học, say mê khám phá khi họ nhận diện ra chủ đề, môn, khoa học liên quan trực tiếp hay gián tiếp đếm tài năn, kỹ năng và đam mê của riêng họ. Nhìn vào tấm gương của Steve Job, cha sẻ của đứa con tinh thần iPhone và Apple computer. Chính ông ta đã không tìm thấy hứng thú qua giáo dục truyền thống của nhà trường, không làm việc theo phong cách cứng nhắc của một tập đoàn lãnh đạo công ty, không thể song hành cùng những ai chỉ có những suy nghĩ hàn lâm, khuôn thức, gò bó, để rồi, Steve Job đã và đang thay đồi toàn diện sinh hoạt xã hội nhân loại. Từ đó, chỉ một iPhone nhỏ trong tay từng người tiêu dùng, công ty do Steve Job sáng lập nên, đã trở thành công ty thành công nhất trong lịch sử nhân loại – vượt qua mức doanh lợi trên 1000 tỉ đô ($1,000,000,000,000.00; Aug. 2, 2018)[ii]
Trong ngày hãng Apple vượt qua mức doanh thu trên 1000 tỉ đô Mỹ ($1 trillion US), chủ tịch Tim Cook gửi thông tư đến toàn thề 120,000 nhân viên, “Doanh thu của iPhone trên thị trường không phải là thước đo quan trọng [not the most important measure] về sự thành công của công ty, nhưng chính là sự thành công của việc chú trọng [focus on] về sản phẩm, khách tiêu dùng và những giá trị của công ty.”[iii]
Cũng trong ngày hãng Apple đạt mức doanh thu trên 1000 tỉ đô, chủ tịch Tim Cook trả lời phỏng vấn, “Nếu chúng ta phục vụ người tiêu dùng rất mực thoả đáng, chúng ta đặt họ vào trung tâm điểm kinh nghiệm của chúng ta, quả thực, chúng ta đã làm như vậy, và nếu chúng ta chú tâm vào những sáng tạo, cung ứng cho khách tiêu dùng những sản phẩm giá trị, tôi thiết nghĩ, kết quả doanh thu vượt cao vút và lợi nhuận tất nhiên bời chúng ta đã tư duy và hành xử đúng.“[iv]
Vậy, sản phẩm của nhà giáo là gì? và đối tượng sử dụng sản phầm giáo dục của nhà giáo là ai? Đó, chính là người học, học sinh, sinh viên, con em của hàng triệu phụ huynh, trong đó, ắt hẵn có con em của hàng ngàn, vạn thầy cô.
Nhà trường, môi trường giáo dục truyền thống, không phải là vườn ươm những thiên tài, nhân tài như Socrates, Leonardo daVinci, Thomas Edison, Bill Gates, Steve Job, Jack Ma, v.v. Nhiều nhà khoa bảng, được đào tạo từ Soviết, Nga, đều đồng ý rằng, Hoa Kỳ có một nền giáo dục rất tiên tiến. Thử nhìn vào cơ chế giáo dục phổ thông, trung học, “Home schooling”[v], dạy tại nhà, cho chính phụ huynh đảm trách, được công nhận như một hình thức giáo dục song song với nhà trường, vẫn được cấp bằng tốt nghiệp phổ thông như các trường lớp khác, công cũng như tư. Chương trình “Early College”[vi], áp dụng các lớp của chương trình cao đẳng vào trung học phổ thông, từ lớp 9 đến lớp 12. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, học sinh được cấp hai (2) bằng, trung học và cao đẳng. Nghĩa là, học sinh tốt nghiệp với hai bằng đó, sẽ tiệp tục học năm thứ 3, và 4 của chương trình cử nhân, thay vì mất 4 năm để theo đuổi chương trình đại học.
Nói vậy, để trở lại nguyên lý lấy người học làm trọng tâm (“Student Centered”[vii]), thay vì cơ chế, thầy cô, giáo án, sách vở.
Người dạy-Thầy-Cô, Giáo sư, Giảng viên, Giáo viên, Huấn luyện viên
Người học, học sinh, sinh viên là trọng tâm (Student Centered)
Sự am hiểu và cách ứng phó với cảm xúc học tập của người học, học sinh, sinh viên, là mục tiêu của nhà giáo. Để đạt được mục tiêu này, sự tham gia tích cực của người học, học sinh là điều hết sức quan trọng. Để truyền cảm hứng cho sinh viên, nhà giáo phải giảng dạy một cách sáng tạo và chú ý đến tính đa dạng của mọi thành phần trong lớp. Đến lớp, học sinh, sinh viên không chỉ mang theo với họ văn hóa của cộng đồng, của gia đình, mà còn cả văn hóa văn hóa học tập và văn hoá sống riêng của từng cá nhân. Học sinh đơn phương theo đuổi mục tiêu cá nhân riêng, nhưng qua lăng kính tập thể, họ tạo thành một văn hóa lớp học, nơi họ sẽ tích cực tham gia học tập hiệu quả theo nhóm, đội, đoàn, và tích cực tham gia vào một diễn đàn dân chủ để khám phá các xu hướng mới, khái niệm chính trị và tư pháp không quen thuộc.
Giảng dạy, với nhà giáo, không phải là một công việc, hay một nghề nghiệp – Đó là một sứ mệnh mà nhiều thầy cô đã thay đổi rất nhiều cuộc sống của học sinh. Chính thầy cô, thuở xưa, cũng đã là những người học trò may mắn đó. Đã được hấp thụ giáo dục tốt và thầm mong một ngày cũng sẽ trở thành những nhà giáo thiết tha với sứ mệnh giáo dục, giúp người học, học sinh, tự giải thoát lấy chính họ, để khỏi trở thành những con số trong thống kê giáo dục.
Thầy cô phải ý thức và tin tưởng mãnh liệt rằng giáo viên, giảng viên không phải người chấm điểm, cho điểm, nắm lấy vận mệnh, sức vươn lên, khả năng thăng tiến của học sinh trong tay mình-nhưng, cùng song hành với học sinh, và giúp họ khám phá ra tiềm năng, khả năng, và tài năng tối đa của họ. Tiến sĩ Ruth Simmons, Hiệu Trưởng Đại học Brown, từng tuyên bố, “Điểm, không thể đo lường trí thông minh của một người, mà là biểu hiện của những khoảng chênh lệch kinh tế và xã hội, giữa kẻ giàu và người nghèo”[viii].
Nghệ thuật và Khoa học chuyển tải thông tin – Giáo dục
Để trở thành một nhà giáo hiệu quả, thày cô không chỉ mong muốn uyên bác trong mọi thông tin, tài liệu, bài vở, giáo trình của mình, hoặc có được một kiến thức sâu rộng liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến chủ đề, môn giảng dạy-nhưng, thầy cô cần phải có nền tảng sâu về trí tuệ, cảm xúc, xã hội và trí thông minh ứng xử trổi vượt. Một nhà giáo có kiến thức, trước tiên phải là một học sinh, đi trong giày của từng học sinh, biết được động lực đến trường của họ – trên tất cả, sức mạnh và điểm yếu của chính con người học sinh và khả năng học tập. Quan trọng nhất, một giáo viên thực sự cần phải nhận thức về “quyền lợi của học sinh” như quyền của trẻ em và quyền người tiêu dùng. (Student’s Rights)[ix]
Phương pháp giảng dạy hiệu quả, thực sự không nhắm đến những cách cứng nhắc trong phương pháp sư phạm, nhưng tối đa hóa nghệ thuật tương tác, cảm thông giữa các con người với con người, và các ngành khoa học xã hội khác nhau. Là một chuyên gia trong lãnh vực giáo dục, được đào tạo tốt, vững chắc, chấp nhận biết lắng nghe là nguyên tắc quan trọng nhà giáo có thể mang lại cho học sinh, sinh viên thoả đáng ước mơ được giáo dục, thăng hoa kiến thức, phát triển toàn diện khả năng và kỹ năng sẵn có. Một thử thách lớn mà mọi nhà giáo phải vướt qua, đó chính là biết lắng nghe, biết quan sát từng người học, học sinh, trong việc giúp mỗi học sinh vượt qua thử thách, không chỉ để kiếm điểm tốt cho các khóa học bắt buộc.
Mục tiêu và phương pháp giảng dạy – Đây không phải chỉ là sứ mệnh dạy học sinh hoặc người học để trau dồi kiến thức mở rộng với thông tin đồ sộ, nhưng thực sự, mấu chốt của nhiệm vụ giảng dạy là giúp học sinh tìm hiểu cách xác định các vấn đề và áp dụng các thông tin và kiến thức có được trong các vấn đề thực tế.
Kết
Một câu nói không rõ xuất xứ, “Nếu bạn muốn trở thành một nhà giáo, bạn phải biết yêu mỗi ngày. Nếu bạn muốn trở thành một giáo viên, bạn phải gạt bỏ các lý thuyết hàn lâm, cấu trúc trí tuệ, tiên đề, thống kê và biểu đồ khi bạn tiếp cận để chạm vào phép mầu, mang tên: ‘Con người cá thể-Individual human being’”.
Nhà giáo–Quả là một cuộc sống đáng kính và cuộc sống xứng đáng để mang đến cho nhà giáo đặc quyền chạm vào những phép lạ–mỗi khi thầy cô gặp một học sinh, sinh viên, một người học, dù là đối diện, hoặc qua các phương tiện điện tử, ví dụ: Skype, Google Hangout, Facebook hoặc Viber. Không có từ nào có thể mô tả tài năng, kỹ năng, phương pháp dạy học có năng khiếu và triết lý của từng thầy cô để hoàn thành nhiệm vụ giáo dục người học–hãy nghe cựu học sinh đã thành danh, thành nhân, đã trở thành những nhà lãnh đạo, giảng viên, giáo sư chứng giám:
“Thầy tuyệt cú mèo -Thầy nhất thế giới”; San, Tr. Giuse Kim-Châu
“Thầy đã chinh phục giới trẻ”; TT BVG
“Thầy tôi, một kỹ sư tâm hồn!” Nguyễn Đ. Vinh. (VOA);
“Cô tôi, một bầu tri thức bao la cho thế hệ mai sau”; Phan V. C.
“Thầy của chúng tôi, vẫn là người thầy tuyệt vời–trước sau như một!” Trần B. H., PhD
Thầy cô, đừng vội mừng vui vì trong hằng hà sa số những học trò, học sinh, sinh viên một lần thưa xưng với mình bằng thầy-cô, và hãnh diện vì mình đã đào tạo ra những thiên tài, nhân tài cho nhân loại. Đúng ra, thầy cô phải khiêm cung, vì mình được vinh dự, diễm phúc góp phần vào, là chứng nhân của những thiên tài, nhân tài đã đầu thai làm người và làm người giữa đám học trò rất ư bình thường của thầy cô.
Sinh con ra, nào ai kể công sinh thành dưỡng dục. Làm nhà giáo, mấy ai mong chờ học trò, sinh viên quay lại tạ ơn thầy-cô. Nhưng, chữ nghĩa, đạo lý, ăn học nên người, hầu hết do nơi những hy sinh và đầu tư tâm huyết của thầy cô nơi từng em học sinh. Nếu, cha mẹ bỏ bê con cái, thiếu trách nhiệm giáo dục, thiếu hành vi, gương đạo đức, chỉ biết tất tất cho riêng mình, thì thử hỏi, chứ “hiếu” có ý nghĩa gì. Cũng vậy, nhà giáo có bao giờ tự hỏi, tôi đả làm gi cho mỗi em học sinh, thiết tha dược giáo dục nên người, được bảo vệ một môi trường giáo dục an toàn, yên vui và đầy nhựa sống, dẫn dắt các em trong hành trình tiến thân, không duy chỉ một ngày, một năm học, mà trọn cả một đời muốn học, cần học và phải học để thành công. Học để có điểm, đạt được bằng cấp, tất có thời hạn và đo lường được; nhưng hành trình học làm người, để vươn tới cấp thành nhân, hoàn toàn không thước, không cân nào đo lường được.
Để trở thành “một kỹ sư tâm hồn”, một nhà giáo, một thầy cô đúng nghĩa, trước hết, phải là một học trò đúng nghĩa, phải đi trong giày của từng học sinh, người học, hầu có thể chu toàn sứ mệnh giáo dục–đó, chính là biết song hành cùng học sinh, giúp người học khám phá ra chính mình, khai quật mọi khả năng, kỹ năng và tài năng tìm ẩn trong từng con người, bất luận tuổi tác, giống tính, giai cấp xã hội hay kinh tế gia đình.
-BNĐ-
_________
[i] https://www.britannica.com/biography/John-Locke
https://plato.stanford.edu/entries/locke/influence.html
[ii] https://www.cnbc.com/2018/08/02/apple-hits-1-trillion-in-market-value.html
https://money.cnn.com/2018/08/02/investing/apple-one-trillion-market-value/index.html
[iii] https://www.forbes.com/sites/christinemoorman/2018/01/12/why-apple-is-still-a-great-marketer-and-what-you-can-learn/#7a0b6c015bd0
Johnson, Katherine; Li; Phan; Trinh-“The Innovative Success that is Apple, Inc.”, Marshall University
johnson553@marshall.edu
[iv] https://www.cnbc.com/2018/04/10/apple-ceo-tim-cook-on-the-importance-of-consumer-privacy.html
[v] https://en.wikipedia.org/wiki/Homeschooling
https://www.parents.com/kids/education/home-schooling/homeschooling-101-what-is-homeschooling/
https://www.onlineschools.org/homeschooling-guide/
[vi]https://en.wikipedia.org/wiki/Early_college_high_school
https://tea.texas.gov/Academics/College%2C_Career%2C_and_Military_Prep/Early_College_High_School
[vii] https://www.potatopirates.game/blog/student-centered-learning
[viii] https://en.wikipedia.org/wiki/Ruth_Simmons
[ix] https://en.wikipedia.org/wiki/Student_Bill_of_Rights
https://www.stuvoice.org/student-bill-of-rights/access-and-affordability
https://www.gettingsmart.com/2015/05/11-rights-all-students-should-have/
https://campaignforchildren.org/resources/fact-sheet/childrens-bill-of-rights/
Views: 0