Thần học

Trong Chúa, mọi sự đều khả thi

Mai Tá sưu tầm

 

Bài đọc một hôm nay kể lại một phần của sự tích sa ngã trong sách Sáng Thế.

Như chúng ta đã được dậy bảo các sự kiện này mang tính thần học, chứa đựng và truyền đạt một sứ điệp hơn là những dữ kiện lịch sử.

Qua đó, chúng ta nhận thấy sự tội đã hiện diện trước khi con người bất tuân. Con người không tạo ra tội, nhưng khiến cho sự hiện hữu của nó tiếp tục bởi việc ưng thuận và tăng thêm quyền lực thống trị của sự tội.

Tội có nguồn gốc riêng, luôn luôn đối nghịch với uy quyền của Thiên Chúa, và con người là nạn nhân cho sự hoành hành đó.

Trong thân phận con người, bằng kinh nghiệm sống, chúng ta cũng cảm nghiệm được sự thống trị này:

Con người khó khăn trong việc thiện và dễ dàng chiều theo sự xấu.

Chúng ta thường sống theo ý muốn của mình hơn là ý định của Thiên Chúa.

Và như vậy tương quan giữa Thiên Chúa và ta cũng bị đứt đoạn.

Từ sự đứt đoạn đó, như Adam, chúng ta đi trốn: trốn Thiên Chúa, trốn nhau và trốn chính mình. Từ sự rạn nứt trong tương quan với Thiên Chúa, con người đi đến sự đổ vỡ khác. Chúng ta không dám nhìn nhận việc mình đã làm, lại đổ thừa cho người khác và gián tiếp đổ thừa cho Chúa.

Trước khi phạm tội thì người đàn ông đã nhìn người phụ nữ bằng câu nói thật âu yếm và thơ mộng như ‘nàng là xuơng bởi xuơng tôi, thịt bởi thịt tôi’.

Nhưng sau khi sa ngã thì khác; tất cả sự âu yếm và thơ mộng không còn nữa, để nhường chỗ cho những oán trách và thở than, như ‘giả như không có người đàn bà đó thì đời con đâu đến nông nỗi này’.

Từ tình nghĩa phu thê bị rạn nứt dần đến tình anh em cũng chẳng còn, giết nhau chỉ vì ghen tương như trường hợp của Ca-in và A-ben. Lối cư xử mất tình mất nghĩa cứ thế lan rộng ra, bao trùm xã hội và cả thế giới,

Như vậy, khi con người muốn chiếm đoạt lẽ khôn ngoan của Thiên Chúa, khi muốn tự mình tiếm quyền Ngài để định đoạt điều thiện – điều ác, để tìm cứu cánh cho đời mình ngoài sự bao bọc của Thiên Chúa thì mình không còn là mình nữa. Chỉ có mình Chúa mới là Đấng khôn ngoan. Các hành vi kiêu ngạo, từ chối uy quyền và sức mạnh của Thiên Chúa chỉ làm cho con người khám phá ra cảnh trơ trụi, cô đơn, lẻ loi, đổ thừa trách nhiệm cho kẻ khác và cuối cùng tương quan giữa con người với Chúa và với nhau bị sứt mẻ.

Tuy nhiên, kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa không lệ thuộc vào những hành vi bất tuân của con người. Thiên Chúa là Tình Yêu và tình yêu đó được trải dài bằng chương trình cứu độ. Cho nên, tác giả của trình thuật không hề nói đến việc Thiên Chúa trực tiếp trừng phạt con người.

Trái lại, Ngài còn đi bước trước để tìm kiếm và gỡ rối cho họ. “Nghe thấy tiếng Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày, con người và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườn, để khỏi giáp mặt Thiên Chúa. Thiên Chúa gọi con người và hỏi: “Ngươi ở đâu?”

Và, trong phần cuối của bài đọc một hôm nay, tác giả đã hé lộ cho chúng ta thấy Chúa sẽ không bỏ cuộc. Uy quyền của Ngài sẽ thắng sự dữ và những kẻ thuộc về nó sẽ thần phục duới chân của Ngài. Đó là sứ điệp của bài Tin Mừng hôm nay.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, tuy chất chứa nhiều phần riêng biệt nhưng tác giả đã làm nổi bật vai trò và sứ vụ của Đức Giê-su. Người là Đấng mà tác giả của bài đọc 1 đã tiên báo, thì nay đã xuất hiện. Nơi Người, quyền năng của sự dữ bị tiêu diệt, Nuớc Thiên Chúa đuợc thiết lập. Trong đó, mối dây liên kết chúng ta lại với nhau không dựa trên huyết thống, máu thịt; nhưng trên căn bản của niềm tin và lòng mến mà con người trao cho nhau để thành gia đình mới.

Quả là một điều đáng buồn là hàng ngũ lãnh đạo, nhất là thành phần có ăn có học trong dân chúng lại không nhận ra đuợc các điều đó. Họ đã vu cáo Chúa là tay sai của thần dữ. Thậm chí cũng có một vài người trong huyết tộc lại cho rằng Nguời là kẻ mất trí. Tuy Thánh sử không nói rõ tại sao họ lại có cái nhìn lệch lạc như thế.

Nhưng dựa vào tinh thần của bài đọc 1 và kinh nghiệm tôn giáo của mỗi người, chúng ta cũng có thể cho rằng thói hành xử và lối nhìn sai lầm đó phát sinh từ tính kiêu ngạo, khư khư ôm lấy ‘cái tôi’ của bản thân, gán ghép cho người khác điều mà chính bản thân mình lo lắng và sợ hãi.

Thái độ của họ phản ảnh đúng như Lời cảnh báo của Đức Giê-su phán hôm nay

 “Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được?

Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy Xa-tan mà chống Xa-tan, Xa-tan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số.”

Như vậy, với những quà tặng và giá trị đặc biệt như: sự sống, tâm hồn, lý trí và lẽ khôn ngoan để phân biệt điều thiện – điều ác, con người được mời gọi vào một hành trình tìm kiếm sự hiệp thông với Thiên Chúa, với nhau và với thiên nhiên.

Trên con đường này, họ khám phá ân phúc và đau khổ, sức mạnh và mỏng dòn, thánh thiện và tội lỗi, hài hòa và dị biệt. Và con người phải chọn lựa!

Chọn lựa thì liều lĩnh và bấp bênh. Chọn lựa nào cũng có những dằn vặt và gian truân, nhất là khi phải chọn sao để sống đúng với ơn gọi và thân phận của mình, nhưng không phải là thứ thân phận được ‘ngụy tạo’ bởi tham vọng hay ‘vẽ vời’ theo sức quyến dũ của Thần dữ. Chọn lựa thật nào, ngay cả chọn lựa theo kiểu Adam – Evà và của người con thứ trong dụ ngôn ‘tình phụ tử’, cũng là dấu chỉ của nỗ lực hướng đến sự vươn lớn và trưởng thành trong thân phận con người.

Thiên Chúa đã yêu thương và chờ đợi mỗi người trong thân phận mỏng dòn và các chọn lựa của chính bản thân. Ngài trung tín trong việc tìm kiếm trước khi mời con người sống đổi mới. Đó là khuôn mẫu mà Ngài muốn chúng ta thực hiện.

Đối diện với thực tại chúng ta đang sống, nơi mà sức mạnh của sự dữ tràn lan. Nó ảnh hưởng vào các hệ thống quyền lực trong xã hội, len lỏi vào lối sống chung cũng như cuộc sống riêng của từng người. Nó nhen nhúm và tạo trong ta một sức mạnh và lôi kéo ta nhìn nhận và đánh giá sai các dấu chỉ của ân huệ.

Tất cả những điều đó khiến chúng ta chùn bước và gặp nhiều khó khăn khi áp dụng khuôn mẫu mà Thiên Chúa mời gọi. Nhưng không vì thế, mà những lời mời gọi sống trọn vẹn những giá trị của thân phận con người mất đi tiếng âm vang.

Trái lại, chúng ta lại ý thức hơn về nhiệm vụ của mình: Quên đi các mặc cảm phát sinh bởi các chọn lựa sai trái, đôi khi sự sai trái này bóp méo hình ảnh của Thiên Chúa nơi bản thân mình. Hãy tin tưởng vào sự thành tín của Thiên Chúa, và sống thật các giá trị mà Thiên Chúa trao ban khi tạo dựng nên con người.

Có điều nào Thiên Chúa tạo dựng mà lại xấu đâu, như tác giả trong sách Sáng Thế đã khẳng định “Thiên Chúa thấy mọi sự Người làm ra quả là rất tốt đẹp!” (1:31a)

Trong thân phận làm người, chúng ta gắn liền với những mâu thuẫn và các đổ vỡ. Tuy nhiên, mọi mâu thuẫn và đổ vỡ chỉ có thể được giải quyết khi con người học biết không chỉ chấp nhận mà còn trân trọng các sự khác biệt của nhau. Thái độ sống này giúp chúng ta nhận ra sự phong phú và tốt lành của Thiên Chúa vẫn tiềm tàng hoạt động không ngừng nơi cuộc sống riêng biệt, đầy mầu sắc của mỗi cá nhân và cộng đoàn.

Và với lượng ân sủng vô cùng phong phú của Thiên Chúa ấy, chúng ta có khả năng trao cho nhau tình yêu thương và lối sống hài hòa với thiên nhiên, với đồng loại và trên hết với Thiên Chúa.

Được tạo dựng như hình ảnh của Thiên Chúa, bổn phận của con người là nên giống Ngài và trở thành nguồn năng lực cho nhau, cho thế gian còn nhiều gian khổ và cho chính vũ trụ mà Thiên Chúa đã tin tưởng và trao cho chúng ta nhiệm vụ phải chinh phục và biến nó trở thành trời mới đất mới. Đó chính là lối sống ở vườn địa đàng. Đó là lối sống chúng ta đang tiến bước.

Như vậy, vườn địa đàng không phải là cảnh thần tiên ở quá khứ nhưng là mục tiêu chúng ta hướng tới. Vườn địa đàng đó đã được thể hiện một cách thật trọn vẹn nơi cuộc sống, sứ vụ và nhất là qua biến cố Phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô, nơi đó Người đã kéo mọi loài thụ tạo lên cùng Nguời.

Cũng chính trong cảnh sắc của vườn địa đàng đó mà nền văn hoá đổ lỗi cho nhau trong bài đọc một đã bị đảo ngược bởi nền văn hoá mới mà Đức Giê-su đem lại, trong đó các thành viên của gia đình mới, gia đình Nuớc Thiên Chúa sẽ sẵn sàng chịu trách nhiệm, dấn thân, xung phong, nhập trận và chọn lựa Chúa là ưu tiên duy nhất cho cuộc đời mình.

Chính vì thế, khi được biết Đức Ki-tô, đồng cam cộng khổ, chia vui sẻ buồn để rồi nên một với Người là mối lợi và ân phút tuyệt vời mà tất cả chúng ta đều nhắm tới.

Giây phút thần tiên là khi được cùng với Người san sẻ một cảm xúc, hoàn thành một huớng đi, không cho riêng mình, nhưng cho thế gian là đối tuợng Tình yêu mà Thiên Chúa muốn trao ban.

Chỉ có như thế thì quyền lực của sự dữ mới bị tiêu diệt dần dần để nhường chỗ cho sự hiển trị của Nuớc Thiên Chúa. Amen!

Nguồn: vuisongtrendoi@gmail.com

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.