Thánh Mẫu

KÍNH CHÀO NỮ VƯƠNG RẤT THÁNH. Chương 4

Chuyển ngữ: Trần Mỹ Duyệt

 

QUYỀN LỰC SAU NGAI VÀNG

HOÀNG HẬU VÀ DÒNG TỘC VUA ĐAVÍT

 

Chúng ta đã thấy trong Tin Mừng và Sách Khải Huyền của Gioan, công cuộc cứu chuộc của Chúa Giêsu được hoàn thành qua nhiều cách thế, hoặc được tiên báo, trong Sách Sáng Thế Ký như thế nào. Cuộc sáng tạo đầu tiên đã nói trước về cuộc sáng tạo đổi mới và cứu độ bởi Chúa Giêsu Kitô (Kh 21:5). Vườn Địa Đàng là hình ảnh của vườn Giệtsimani. Cây trong vườn Địa Đàng ám chỉ gỗ cây thập tự. Adong là hình ảnh của Chúa Giêsu Kitô, Evà là hình ảnh của Đức Nữ Rất Thánh Maria.

Tuy nhiên, đọc kỹ Khải Huyền 12, chúng ta cũng có thể mường tượng những khía cạnh khác cho việc khảo cứu. Một khía cạnh – liên quan đến Maria như Hòm Bia của giao ước – một cách rõ ràng dẫn chúng ta về với Maisen, người đã đồng hành cùng Israel trong sa mạc 40 năm. Theo Maisen, Israel “đã chiến thắng… bằng máu Con Chiên” (Kh 12:11) khi họ đã chuộc con trai đầu lòng tại Lễ Vượt Qua đầu tiên. Trong một cách tương tự, Israel mới “đã chiến thắng… bởi máu Con Chiên, “Chúa Giêsu Kitô, người là Maisen Mới, người thiết lập luật mới. Theo sau khía cạnh này, chúng ta cũng có thể nhìn thấy người chị của Maisen, tên là Miriam (Maria), cũng giống như Evà, người đàn bà sa ngã nắm hết quyền hành trong gia đình, chối bỏ tôn thờ Thiên Chúa và phản loạn với quyền bính được chỉ định của Thiên Chúa. Tuy nhiên, trong giao ước mới, Maria mới đã hoàn tất mẫu mực và hình ảnh tuyệt vời của sự vâng phục.

Tiếp theo, có lẽ còn nhiều khía cạnh kích thích sự tìm hiểu được gặp thấy trong triều đại của Đavít. Chính ở triều đại Đavít đã cho Israel trước đây một viễn ảnh về vương quyền của Đấng Cứu Thế. Là vị vua thứ hai của dân Do Thái, Đavít đã qui tụ 12 chi họ và thiết lập Giêrusalem làm thủ đô và trung tâm tinh thần của quốc gia. Dân chúng tôn kính Đavít vì sự công chính, thánh thiện, và đức tin của ngài đối với Chúa. Tuy nhiên, người kế vị Đavít, đã không sống với những nhân đức của tiên đế. Trong khi Đavít hiệp nhất quốc gia, những vị vua sau này không ngừng gây giận dỗi giữa các chị họ. Kết quả sau đó đã dẫn đến nổi loại và phân rẽ sự hiệp nhất của vương quốc Israel. Điều này làm cho Israel ra suy yếu và trở nên dễ dàng hơn cho những kẻ thù ngoại bang. Trong thời gian bị thống trị bởi người Babylon, ngoại bang đã bắt họ, và dòng dõi Đavít hoàn toàn bị xóa bỏ – hoặc hoàn toàn bị chấm dứt. Zedekiah, vị vua sau cùng của dòng dõi Đavít đã bị cưỡng bức nhìn những người Chaldeans, kẻ thù của mình, hành quyết tất cả các con trai của mình, rồi họ móc mắt của Zedekiah để những hình ảnh còn sót lại trong ký ức của ông chỉ là những xác chết của các con ông – và xem như chấm dứt triều đại của Đavít (xem 2V 25:7).

 Thật vậy, qua cuộc lưu đày và trải dài những thăng trầm của lịch sử, người Israel đã có thể nhìn lại vương quốc Đavít như một giấc mơ – và nhìn về tương lai với sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế, Vua và Tư Tế được xức dầu bởi Thiên Chúa. Ngay cả trong thời gian của Chúa Giêsu, những Pharisiêu cũng đã không ngần ngại xác nhận Đấng Cứu Thế như “Con của Đavít” (Mt 22:42). Vì Chúa đã hứa với Đavít rằng một vị vua thuộc dòng dõi của ông một ngày kia thống trị tất cả các dân nước, và sẽ trị vì đến muôn đời: “Ta sẽ đặt miêu duệ ngươi sau ngươi, nó sẽ xuất hiện từ thân ngươi… Và Ta sẽ thiết lập ngai báu của triều đại nó đến muôn đời, Ta sẽ là cha nó, và nó sẽ là con Ta” (2 Sm 7:12-14). Chúng ta cũng thấy lời hứa trong Thánh Vịnh: “Chúa thề cùng Đavít, một lời thề từ đó, Ngài sẽ không quay lưng lại: ‘Một trong những người con của ngươi sẽ được đặt trên ngai ngươi… Những người con cũng đời đời ngồi trên ngai ngươi.’ Vì Chúa đã chọn Sion làm dân Ngài: ‘Đây là nơi ta cư ngụ đến muôn đời’ ” (Tv 132:11-13).

Các tiên tri đã diễn tả sự lẫn lộn nỗi nhớ nhung quê hương và trông chờ của dân Israel, và các ngài đã nói trước sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế với sự chính xác kinh ngạc: Ngay cả trước thời gian của Zedekiah, Isaiah đã tiên báo rằng dòng dõi Đavít – gia phả của thân phụ Đavít, Jesse – sẽ nẩy sinh một “mầm”, nhưng từ mầm này sẽ nảy sinh “một chồi”, “một cành”: Đấng Cứu Thế (Is 11:1). “Này đây, hỡi nhà Đavít!… chính Chúa sẽ ban cho ngươi một dấu. Này đây, một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh con trai, và sẽ gọi tên người là Immanuel” (Is 7:13-14).

Tôi Mơ Về Một Dòng Tộc

Ngay từ những chữ đầu tiên của Tân Ước đã bao gồm đầy đủ lời hứa của các tiên tri và niềm mong đợi của Israel: “Gia phả của Chúa Giêsu Kitô, con vua Đavít” (Mt 1:1). Từ mở đầu Mátthêu xác nhận Chúa Giêsu như là con của Đavít, Đấng Cứu Thế mong đợi lâu đời. Đúng vậy, Mátthêu làm thế trong một cách khác lạ, hầu như không được báo trước. Mặc dù gia phả là một tài liệu truyền thống thuộc những người đàn ông, Mátthêu cũng pha trộn một cách khác thường những tên của bốn phụ nữ. Hơn thế, những phụ nữ này tất cả đều không đúng với ý niệm trong sạch của người Israel – luân lý và chủng tộc.

Người được nhắc đến đầu tiên là Tamar (Mt 1:3), đàn bà Canaan, bà đã ăn nằm với cha chồng mình (St 38:15-18). Người thứ hai là Rahab, một gái điếm và cũng là đàn bà Canaan (Mt 1:5; Gs 2:1-24). Người thứ ba là Ruth, một dân ngoại, Moatite (Mt 1:5). Và người cuối cùng, cũng là người rất đặc biệt, Bathsheba, “vợ của Uriah”, người Hittite (Mt 1:6). Chính Bathsheba người mà vua Đavít đã phạm tội ngoại tình với bà.

Mátthêu dường như chế nhạo những luật lệ khi ghi lại những đàn bà này trong gia phả của Chúa Giêsu; nhưng ông hành động một cách nào đó khôn ngoan hơn: một lời xin lỗi cần thiết trước. Bằng cách đặt những người phụ nữ – những phụ nữ dân ngoại, và những người phụ nữ dân ngoại có bóng dáng tai tiếng – giữa những tổ tiên của Chúa Giêsu, Mátthêu đã cắt bỏ một cách có hiệu quả những tranh chấp của bất cứ ai muốn hỏi về căn cước cứu độ của Chúa Giêsu. Một cách chắc chắn rằng thánh ký đã biết việc công bố một trinh nữ thụ thai Chúa Giêsu sẽ làm dấy lên những nụ cười mỉa mai từ những kẻ phê bình. (Và thực tế, Chúa Giêsu đã bị chế nhạo là con hoang ở nhiều chỗ trong Talmud, và danh xưng “Con bà Maria” tự nó có thể là một dấu hiệu xỉ nhục. Phong tục người Do Thái là gọi một nam nhân “con của” ông ấy. Chỉ có những người không cha mới được gọi “con của” bà này). Thật vậy, Mátthêu hầu như thách thức những độc giả Do Thái nêu lên câu hỏi về tổ tiên của Chúa Giêsu. Bởi vì nếu người Do Thái đã chế nhạo Chúa Giêsu như “con của Maria”, thì vua Salômon, người con mô phỏng của Đavít, sẽ mất đi giá trị 4 lần trên. Bởi vì Salômon đã chia sẻ cùng bốn mẫu người phụ nữ tổ tiên với Chúa Giêsu – và người sau cùng trong số họ, Bathsheba, mẹ ruột của Salômon.

Mátthêu đang bảo vệ những giá trị căn tính cứu thế của Chúa Giêsu cùng lúc ông cho thấy công việc thần linh qua việc trinh nữ mang thai. Nếu không xuất phát từ dòng tộc Đavít – vương quốc, lời hứa, và những lời tiên tri – không ai hiểu một cách tường tận sự xuất hiện của Đức Kitô. Thánh ký tiếp tục nghiêng về cuộc tranh luận huyết thống bằng cách ghi lại lời tiên đoán của Isaia về việc trinh nữ thụ thai đấng Immanuel. “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1:23). Một số huyết thống sau này khi Mátthêu nhắc về việc Chúa Giêsu sinh tại Belem, thành Đavít, ông trích dẫn lời tiên tri Micah: “Cả ngươi nữa, hỡi Belem… từ ngươi sẽ sinh ra một đấng thủ lãnh, người sẽ cai trị Israel dân ta” (Mt 2:6). Sau cùng, kết thúc bản tường trình về hài nhi của mình, Mátthêu miêu tả Thánh Gia định cư “trong thành gọi là Nadarét” (2:23). Nguyên ngữ của từ “Nadarét” là netser, hay là “cành” – và “cành” là tên mà Isaia đã đặt cho Đấng Cứu Thế, đấng sẽ trổ sinh từ chồi của cây Jesse (Is 11:1).

(Còn tiếp)

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.