Khoa học

Qủy ám và bệnh tâm thần

Lương Huỳnh Ngân, M.D

Trần Mỹ Duyệt, Ph.D

 

Bài viết sau đây là một chia sẻ vừa có tính cách riêng tư và cũng vừa có tính cách nghề nghiệp. Một người bạn, Lương Huỳnh Ngân, bác sỹ nội khoa nhiều năm kinh nghiệm đã từng hành nghề tại Pháp và mới đây về hưu tại Việt Nam gửi tôi, với đề nghị cùng tôi chia sẻ thêm về đề tài:

QUỶ ÁM HAY BỆNH TÂM THẦN ?

Có một thời gian cộng đồng chúng tôi xôn xao vì chị H chia sẻ với anh chị em xin cầu nguyện cho gia đình chị. Vốn nhà chị được xây trên một miếng đất vùng ngoại ô Sài gòn khi xưa là một nghĩa địa. Bấy lâu nay chị chịu một tình cảnh vô cùng khổ sở.

Chồng chị nghiện rượu ngày nào cũng say xỉn, ăn nói bừa bãi. Điều tệ hại nhất là đứa con 14 tuổi của chị bị « quỷ ám » . Mỗi lần chị lấy sách Thánh Kinh ra đọc là nó «quậy» phá la lớn tiếng, «bỏ ngay sách đó xuống » …từ mấy tháng nay, giờ đến trường nó đi đâu chị cũng không biết. Gia đình tìm hết thầy này, thầy nọ làm phép, cầu nguyện trừ quỷ nhưng vô hiệu. Anh chị em khuyến khích nhau cầu nguyện cho gia đình chị, xôn xao bàn tán.

Tuy ở xa nhưng tôi cũng đến thăm và với bản năng méo mó nghề nghiệp quan sát và hỏi tận tình từ đầu các hiện tượng. Cách đây hơn hai năm cháu từng có những «cơn» ăn nói hồ đồ và nhất là bị nhà trường từ chối không nhận nữa. Sau một thời gian được một bác sĩ tâm thần khi xưa làm việc tại bệnh viện chuyên khoa Biên Hoà chữa trị. Một thời gian theo thuốc tâm thần cháu được bình phục đi học bình thường trở lại, nhưng mỗi tháng phải lên Biên Hoà tái khám. Sau đó gia đình quá bận ngưng thuốc chữa trị. Cháu vẫn khoẻ đi học bình thường sau hai năm cháu mới có những phản ứng như nói trên. Lúc bấy giờ gia đình không nghĩ đến tiền sử tâm thần. Trong lúc quá đau khổ vì, một đàng người chồng cũng gây rối. Đứa con gái lớn và mẹ mới nghiệm ra lý do nhà xây trên đất nghĩa địa, xin đây đó trừ quỷ… Sau khi theo lời khuyên của tôi chị đem đứa trẻ trở lại Biên Hoà chữa trị vài tháng sau mọi chuyện đã ổn trong nhà và nhờ lời cầu nguyện của cộng đồng và sự bình an trở lại cho chị và đứa con gái lớn, chồng chị nay đã cai rượu, cả nhà giữ đạo sốt sắng như một gia đình Kitô hạnh phúc.

Tóm lại mỗi trường hợp khó phân biệt, người Công Giáo chúng ta có may mắn trong một giáo phận có một linh mục được Giám mục giao nhiệm vụ trừ quỷ. Nên cố gắng tìm gặp, không phải nhất quyết để trừ quỷ nhưng trước tiên xin giúp nhận định có phải bị quỷ ám hay bệnh tâm thần.

Tôi không phủ nhận có ma quỷ và những người bị quỷ ám. Nhất là Giáo hôi ý thức điều đó cho nên thường trong giáo phận có linh muc trừ quỷ. Tuy nhiên trước khi vị linh mục này can thiệp thì biết bao nhiêu người, tiếc thay là tín hữu có những nhận định không dựa trên Giáo lý GHCG và Thánh Kinh : Sau khi chết không phải linh hồn con người muốn đi đâu thì đi, hiện về quấy nhiễu hay trợ giúp người thân !

Sau khi chết linh hồn con người chỉ có trong ba trạng thái : Sách Giáo Lý GH Công Giáo số 1022 nói rõ – Mỗi người, ngay sau khi chết, lãnh nhận trong linh hồn bất tử của mình sự trả công muôn đời cho mình trong cuộc phán xét riêng, cuộc phán xét đó quy chiếu đời sống họ với Đức Kitô, để họ phải trải qua việc thanh luyện, hoặc họ được lập tức được vào hưởng phúc trên trời, hoặc họ lập tức luận phạt muôn đời.

Có những trường hợp không dễ phân biệt hiện tượng do tâm lý rối loạn ; một hiện tượng tâm thần hay hay do thần dữ, hoặc Thần Linh tác động. Tôi có một trải nghiệm khó quên sau một ngày tham dự với nhóm Thánh Linh Âu châu tổ chức tại Colmar một thành phố Pháp cạnh biên giới Đức : người thì té ngã khi linh mục trình hào quang Thánh Thể, người thì « nói tiếng lạ », người thì « cười như điên » (Fou rire ) hay khóc không ngừng được…Tôi có học trong Đại Học y khoa một ít về thôi miên, nên thấy phương pháp hành sự khá giống.

Ra về tôi có hỏi một LM Dòng tên, ngài nói chung không nói về nhóm Thánh Linh, có một dấu hiệu rõ là thần dữ: khi đương sự nói thứ tiếng mà trước kia không bao giờ học. Thế nhưng có khi họ nói thứ tiếng mà cả mình cũng không hiểu thì khó biết !

Tôi vẫn hoang mang tự hỏi làm sao nhận định một hội đoàn, một phong trào hay một cá nhân nào dưới tác động của thần dữ hay không, cho đến khi có lời giải đáp của Đức Cố Giám Mục Mai Thanh Lương, từng có nhiệm vụ thiêng liêng tối cao đối với người Việt ở nước ngoài. Ngài nói « khi những người ấy hay tổ chức ấy làm cho chúng ta gần Chúa hơn là có dấu ấn của Chúa Thánh Thần, còn ngược lại hãy cẩn thận !»

Thật vậy ranh giới giữa bệnh tâm thần và quỷ ám rất mập mờ, nhưng sai lầm đáng tiếc thường trong hướng bệnh tâm thần mà bó tay cho là quỷ ám, trong lúc y khoa ngày nay có thể giúp nhiều bệnh nhân… ít nữa trong các nước văn minh.

Nói về tâm thần không thể không đề cập đến các bệnh tâm thần ở Việt nam. Người bác sĩ ở Pháp vốn có một chương trình đào tạo về bệnh tâm thần còn sơ đẳng đối với nghề bác sỉ đa khoa, còn ở VN thì không thể có tĩnh từ gì miêu tả sự yếu kém của đại đa số bác sĩ, được đào tạo bởi những bậc thầy chỉ tôn thờ duy vật chủ nghĩa. Cách đây 60 năm bọn trẻ quậy phá chúng tôi thường vào cuối « nhà thương » Cần thơ trêu chọc các bệnh nhân tâm thần bị nhốt như thú dữ, thì nay thấy cảnh ấy nhân lên gấp ngàn lần khi tôi đi cùng nhóm học viên lớp Giáo Lý Tân tòng Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn thỉnh thoảng lên cái gọi là «Bệnh Viện tâm thần» gần Thủ Đức. Hơn 1800 «bệnh nhân » bị nhốt trong hai khu nhà chỉ có khung sắt chung quanh làm tường. Đoàn Giáo Lý sinh được chia làm hai nhóm. Một nhóm cắt tóc cạo râu những người giống như trong các phim về thời đồ đá ; nhóm kia mang bao tay và dụng cụ sức ghẻ ngứa những người gần như trần truồng mình đầy ghẻ…Các bạn biết trong cái «bệnh viện» tâm thần cho 1.800 bệnh nhân ấy có bao nhiêu bác sĩ không ? Thưa chỉ có người giám đốc có «bằng cấp» bác sĩ !

Những gì tôi chia sẻ trên đây gần như chỉ là một biếm hoạ về ma quỷ, anh chị và tôi xem ra ít khi phải đối diện. Nhưng Thánh Phêrô cảnh giác hơn, có lời khuyên chúng ta : «Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé » (1Pr5, 8) Các chuyên gia về trừ quỷ của Giáo Hội như cha Juan José Gallego, Dòng Đa Minh, cũng rất cảnh giác, cha là chuyên gia trừ quỷ thuộc Tổng giáo phận Barcelona ở Tây Ban Nha. Ngài nói : kiêu căng ngạo mạn là tội mà ma quỷ thích nhất, hình như chúng ta thường gặp hơn trong mọi cộng đồng, nhất là cộng đồng Kitô, thứ mà ma quỷ ghét nhất.

GÓP Ý VÀ NHẬN ĐỊNH

Anh Ngân mến,

Đề tài chúng ta đang nêu lên đây là một đề tài phức tạp và tế nhị.

Phức tạp vì nó liên quan đến hai ngành học đều mang đặc tính siêu hình gồm tâm linh học, và tâm thần học. Phức tạp vì hễ một vấn đề nào khoa học không giải quyết được, hoặc không giải quyết đúng mức nó liền được chuyển qua cái nhìn tâm linh lệch lạc, cuồng tín, hay mê tín: điên loạn. Nhưng theo quan niệm của người mình, hễ điên loạn, tâm thần thì dính dấp tới ma qủy, và được gọi chung là qủy nhập hay qủy ám.

Tế nhị vì khi phân tích, nhận định về đề tài này ít nhiều có đụng chạm đến tôn giáo, đến niềm tin. Thêm vào đó, như anh nhận định về khả năng đào tạo, chuyên môn của những người mà hiện nay tại Việt Nam gọi là những bác sỹ tâm lý, bác sỹ tâm thần.

Tuy nhiên, vì ích chung, chúng ta cũng nên một lần trao đổi với nhau với hy vọng khai quang phần nào cái nhìn về tâm lý, tâm thần, và hiện tượng thần linh.

QỦY NHẬP

Trong thực tế có hiện tượng qủy nhập không ? Thưa có. Thánh Kinh cũng viết về hiện tượng qủy nhập (Mt 8:28-32, Mc 1:23-27, Mc 7:24-30, Lc 9:37-42).

Theo thông thường, trong hiện tượng quỷ nhập bao giờ cũng có hai yếu tố: yếu tố qủy và yếu tố đối tượng của việc nhập hồn. Thánh Kinh đã trưng dẫn yếu tố con người và trong đó có trường hợp một đàn heo.

Khi qủy nhập vào một người, nó làm cho hành động nhân tính của người đó biến thái và bị sai khiến. Thí dụ, la hét, cào cấu, xùi bọp mép, mắt long lanh, đỏ hoe. Hoặc nhảy vào lửa, nhảy xuống ao, nói năng thiếu kiểm soát, đôi khi nói tiếng lạ, nói những điều xem ra có vẻ tiên tri. Nhưng sau những lúc như vậy, khi trở lại con người bình thường, người đó không còn nhớ gì những việc mình làm, những gì mình nói. Trong tâm bệnh, hội chứng Tâm Thần Phân Liệt (schizophrenia) có thể được coi như một hội chứng liên quan đến qủy ám. Nó xảy ra khi bệnh nhân nói bằng những âm thanh khác lạ, hành động quái lạ, thiếu kiểm soát. Một người trước đó lịch sự, tử tế, nói năng khôn ngoan, bỗng trở nên hung dữ, ngôn từ thiếu kiểm soát, đôi khi lăng mạ và xúc phạm đến cả Thiên Chúa.

Trong một số trường hợp, những người bị qủy ám có thể nghe tiếng nói bảo họ giết người này người khác, hoặc làm một số hành động tội lỗi. Những hành vi thiếu kiểm soát, những ước muốn không kiềm chế để hại chính cả mình đều có trong những triệu chứng của Tâm Thần Phân Liệt.

Nhưng rõ ràng nhất có thể nói về những người bị qủy ám đó là những kẻ cuồng dâm, bạo dâm, và những hình thức dâm dục cuồng loạn, những người thờ Satan, những người tự nguyện tôn thờ Satan như các thầy bói toán, phù thủy, những người xử dụng bùa ngải, thư ếm… Tất cả họ là những môn đệ của Satan.

Qủy ám có thể được biết tới qua nhiều hình thứ. Nhưng chính cốt của hành động qủy ám là làm cho giảm giá trị, hoen ố, và phá hủy một cách tinh vi con người là tạo vật được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa. Đó là tất cả những gì mà Satan muốn làm: Chống lại Thiên Chúa qua con người là hình ảnh của Ngài.

Tuy nhiên, những trường hợp qủy ám lại xem ra đang gia tăng trong sinh hoạt tâm linh của nhiều người đang ở mức báo động. Theo bác sỹ Valter Cascioli, phát ngôn viên của Hiệp Hội Quốc Tế Những Chuyên Gia Về Qủy Ám (International Association of Exorcists, AIE), sau khi hiệp hội kết thúc phiên họp thuờng niên thứ 12 tại Roma từ 20- 25 tháng 10, 2014, những trường hợp qủy ám đang gia tăng khắp mọi nơi. Điển hình là trò chơi cầu cơ.

Vẫn theo ông, “Bất kỳ sự tham gia nào vào những điều huyền bí, dù là thụ động, vẫn có thể là một thảm họa và nên phải từ chối và tránh xa.”

Giáo Lý Công Giáo, dậy rằng tất cả những hình thức bói toán nhằm biết vận mệnh tương lai, đều trái nghịch với lòng tôn kính và phó thác cho một mình Thiên Chúa. Những cách thực hành ma thuật hoặc phù thủy nhằm có một quyền hành bí ẩn đối với đồng loại, đều nghịch với đức thờ phượng như “Xem tử vi, coi chiêm tinh, xem chỉ tay, bói theo điềm hay xin xâm, dùng người ngoại cảm…” (Đoạn 2116 bản tiếng Anh (CCC) *

BỆNH NHÂN TÂM THẦN

Là những người bị ảo tưởng, ảo giác, ảo ảnh làm lu mờ, giảm thiểu tư tưởng và ý chí tự do. Họ còn bị những triệu chứng như trầm cảm, chán nản, mất ý chí, thất vọng, tự kỷ, muốn tự tử… Tất cả những yếu tố ấy là căn tố dễ dàng cho việc qủy ám. Hoặc cũng có thể những bệnh nhân này bị nhầm tưởng và bị đối xử như qủy ám.

Sức khỏe tâm thần là gì?

Sức khỏe tâm thần thuộc về sức mạnh tâm lý và cảm xúc của mỗi người. Có một sức khỏe tâm thần tốt sẽ giúp hướng dẫn cuộc sống hạnh phúc và những mối giây liên hệ tốt đẹp. Nó giúp con người nhận diện những dấu hiệu và khả năng thắng lướt những khó khăn trong khuôn mặt cuộc đời.

Sức khỏe tâm thần có thể ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bao gồm những biến cố cuộc đời và ảnh hưởng di truyền.

Tâm bệnh là gì?

Tâm bệnh là một từ mang tính cách rộng bao gồm nhiều tình trạng khác nhau ảnh hưởng đến suy nghĩ và cảm tình của bệnh nhân. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng duy trì, điều hành thông qua từng ngày trong cuộc sống. Những yếu tố khác từng ảnh hưởng đến tâm bệnh gồm:

-genetics (di truyền)
-environment (môi trường)
-daily habits (thói quen hằng ngày)
-biology (Sinh học)

Y khoa trị liệu

Vì tâm thần là một căn bệnh như những căn bệnh thể lý, do đó, để trị liệu những căn bệnh về tâm thần, ít nhất có những loại thuốc sau:

-Antidepressants.
-Anti-anxiety medications.

-Mood-stabilizing medications.

-Antipsychotic medications.

Mỗi loại thuốc được dùng để trị liệu một hội chứng tâm thần. Bệnh nhân có triệu chứng bực bội, khó chịu phải kê toa khác với bệnh nhân hốt hoảng, sợ hãi. Tương tự bệnh nhân thay đổi tâm tính và thái độ phải có thuốc riêng khác với những bệnh nhân có những hội chứng muốn tự tử, nghe tiếng nói trong đầu bảo giết người này, người khác, tự nhận mình là tổng thống Hoa Kỳ, và được nói chuyện với Chúa, Phật… Có những mũi thuốc giá hàng ngàn đô la khi cần phải chích cho bệnh nhân tâm thần. Trong các nước có ngành y khoa tân tiến, các bệnh tâm thần tuy chưa có đồng thuận 100% về nguyên nhân, nhưng đã có những phương pháp chữa trị hiệu quả cho nhiều bệnh.

Vì thế, mỗi căn bệnh phải được chẩn đoán theo từng mức độ từ nhẹ, đến trung bình, và nghiêm trọng. Mỗi một liều lượng thuốc phải tuân theo sự theo dõi của bác sĩ tâm thần trên từng bệnh nhân. Hàng ngày bệnh nhân còn được theo dõi sức khỏe thể lý như cân đo sức nặng, áp huyết máu, và nhịp mạch tim để phù hợp với liều lượng thuốc.

Tóm lại, trong một bệnh viện tâm thần, ngoài các bác sỹ tâm thần còn có sự cộng tác tích cực trong phương pháp chữa trị hiệu quả cùng với các bác sỹ tâm lý, y tá, cán sự xã hội, và những y công làm thành một hội đồng trị liệu thường xuyên theo dõi bệnh nhân.

Bác sỹ Tâm Thần và Bác sỹ Tâm Lý

Bác sỹ Tâm Thần và Bác sỹ Tâm Lý khác nhau thế nào?

Bác sỹ Tâm Thần (Psychiatrist) là một y sỹ, một bác sỹ y khoa thực thụ với huấn luyện chuyên môn để ngăn ngừa, chẩn bệnh, và chữa trị các bệnh tâm thần. Những bác sỹ tâm thần là những nhà chuyên môn về tâm bệnh, hiểu rõ, cho toa chữa trị các hội chứng tâm thần. Các bác sỹ tâm thần cho toa, nhưng các bác sỹ tâm lý (psychologist) không cho toa.

Bác sỹ Tâm Lý (psychologist) là một nhà tâm lý học được huấn luyện, và đào luyện chuyên môn để thẩm định, cố vấn, và trị liệu các hội chứng về tâm lý. Họ có thể chuyên môn hơn về tâm lý. Trong khi trị liệu bệnh nhân, họ không được cho toa, nhưng có thể góp ý kiến với bác sỹ tâm thần về một bệnh nhân mà cả hai cùng chữa trị.

EM BÉ NÀY CÓ BỊ QUỶ ÁM HOẶC TÂM THẦN KHÔNG?

Qua những chi tiết được nêu lên trong câu truyện, theo tôi ngoài việc chẩn đoán và trị liệu về tâm thần, em bé cũng cần được theo dõi về tình trạng tâm lý nữa. Có thể em bị những dấu hiệu của tâm thần khiến mẹ và chị em vội vã cho là bị qủy ám. Hoặc cũng có thể ma qủy lợi dụng những tâm lý bất ổn của em để ảnh hưởng đến những hoạt động của em. Tôi đưa ra nhận xét này với lý luận là nếu bị quỷ ám thì em phải được trừ quỷ sao lại đưa đi bác sỹ tâm thần? Và tại sao sau thời gian uống thuốc tâm thần thì em trở lại bình thường?…

Dù sao, tôi vẫn nghĩ rằng, trong những yếu tố bệnh lý hoặc qủy ám của em có yếu tố tâm lý. Ở tuổi 14, một em có những phản ứng nổi loạn bằng lời nói, hành động, và những tư tưởng chống đối là chuyện bình thường. Chống đối ở nhà, chống đối ở học đường. Tôi không biết những người trong gia đình này đã hiểu được em bao nhiêu, đã dành bao nhiêu thời giờ với em, và đã làm gì hơn là nhồi nhét vào đầu em những lý thuyết và đạo lý Thánh Kinh vừa xa vời, vừa không dễ dàng chấp nhận với tuổi trẻ. Nếu em bị khích động la lên “bỏ ngay sách đó xuống” không đủ điều kiện để kết luận em bị qủy ám.

Ngoài ra còn có thêm yếu tố gia đình. Hỏi rằng em đi đâu sau khi rời nhà? Nếu bị qủy ám thật, có thể em đi vào nghĩa địa. Cũng rất có thể đi theo bạn bè, bị dụ dỗ vào con đường hút sách, và tập tành lối sống thoát ly gia đình. Những phản ứng này là chuyện thường xảy ra cho các em ở tuổi vị thành niên trước những khủng hoảng của gia đình.

Thêm vào đó là yếu tố thuốc. Các bệnh nhân tâm thần không khác gì những bệnh nhân cao máu, cao mỡ, tiểu đường. Họ cần được theo dõi và uống thuốc đều đặn. Một bệnh nhân tâm thần nếu sau khi rời bệnh viện mà lơ là hoặc bỏ thuốc vài tuần là căn bệnh có thể tái phát. Bởi thế, các bệnh nhân này phải được thường xuyên theo dõi và uống thuốc theo lời khuyên của bác sỹ. Cũng có thể, sau khi xuất viện, cần được trị liệu thêm với bác sỹ tâm lý.

Nhưng tôi đồng ý với anh, ở Việt Nam lúc này kiếm được một bác sỹ tâm thần và một bác sỹ tâm lý đúng nghĩa cũng giống như “mò kim đáy biển”. Các “bác sỹ” xã hội chủ nghĩa với khả năng huấn luyện, chuyên môn, nhất là kiến thức về y khoa rất yếu. Đây không biết có phải là hậu qủa của thuyết “hồng hơn chuyên” không?

Trong khi thẩm định những bệnh nhân được đi theo cha mẹ, họ hàng qua Mỹ với dạng “tâm thần” hoặc “tâm lý”, tôi cũng khám phá ra chân lý mà anh đã tìm thấy. Đọc những bản tường trình và tiểu sử bệnh lý cũng như căn bệnh được chẩn đoán, tôi thực sự không hiểu. Chữ nghĩa và tự vựng không chính xác, lẫn lộn giữa triệu chứng và bệnh lý. Trong những trường hợp ấy, tôi phải làm lại từ đầu, còn những tờ giấy chứng nhận với chữ ký và con dấu của bác sỹ trưởng phòng, bác sỹ tâm thần, bác sỹ chuyện khoa gì gì chỉ để trong hồ sơ lưu.

Tóm lại qua trường hợp em 14 tuổi trên, cũng như những nhận xét của anh về thành phần bác sỹ, y tá hiện nay ở quê nhà càng làm tôi thâm tín điều này là những bệnh nhân (thể lý, tâm lý, tâm thần) nếu bị một bác sỹ yếu tay nghề, thiếu khả năng chuyên môn, nhất là vô lương tâm chẩn đoán thì chẳng khác gì bệnh nhân sẽ chết dần mòn với căn bệnh đó, cùng với sự chữa trị vô cảm của người được gọi là “bác sỹ”.

______
*
Trường Hợp Quỉ Ám Gia Tăng Vì Trò Chơi Cầu Cơ. Trần Mạnh Trác. Vietcatholic.net. 9/11/2014

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.