Dr. Lương Huỳnh Ngân chuyển ngữ
Tv 16, 1.5-6.8b.15) 10/11/2019
1 Lạy CHÚA, xin nghe con giãi bày lẽ phải,
lời con than vãn, xin Ngài để ý;
xin lắng tai nghe tiếng nguyện cầu
thốt ra từ miệng lưỡi chẳng điêu ngoa.
5 dõi vết chân Ngài, con không vấp ngã.
6 Con kêu lên Ngài, lạy Thiên Chúa, vì Ngài đáp lời con.
Xin lắng tai và nghe tiếng con cầu.
8 Xin giữ gìn con như thể con ngươi,
dưới bóng Ngài, xin thương che chở,
9 cho khỏi tay lũ ác nhân hãm hại,
thoát bọn tử thù tứ phía bủa vây.
15 Về phần con, sống công minh chính trực,
con sẽ được trông thấy mặt Ngài,
khi thức giấc, được thoả tình chiêm ngưỡng Thánh Nhan.
«dưới bóng Ngài, xin thương che chở» câu ngắn này xác định cho chúng ta văn cảnh chính xác của bài Thánh vịnh. Đây là đôi cánh các thiên thần Kê-ru-bim trên hòm bia Giao Ước. Chúng ta đang hướng về Đền Giê-ru-sa-lem, nơi thánh thiêng, Thánh cực Thánh, nơi mà vị thượng tế chỉ được tiến vào một lần mỗi năm, ngày Lễ Toàn Xá (Yom kippour).
Nhân vật trong bài này không phải Thượng Tế, nhưng là một kẻ lẩn tránh, tìm chỗ trú trong Đền, và kêu gọi sự công minh Thiên Chúa. Đó là ý nghĩa câu đầu: «Lạy CHÚA, xin nghe con giãi bày lẽ phải», và câu cuối: «15 Về phần con, sống công minh chính trực»
Nếu kẻ ấy kêu cầu sự công minh Thiên Chúa, tức là đang bị xử oan: chắc chắn không phải là một trường hợp riêng rẽ, vì chúng ta còn nhớ tiên tri A-mốt cũng có những lời khắt khe về hoạt động công lý thời ấy. Về các quan toà, ngài nói: «7 Khốn cho những ai biến lẽ phải thành ngải đắng và vứt bỏ công lý xuống đất đen» (Am 5, 7) A-mốt rao giảng ở Miền Bắc, nhưng trong Nam chẳng hơn gì. Đây là lời tiên tri I-sa-i-a trong chương 5: «20 Khốn thay những kẻ bảo cái tốt là xấu, cái xấu là tốt, những kẻ biến tối thành sáng, sáng thành tối, biến cay đắng thành ngọt ngào, ngọt ngào thành cay đắng». (Is 5, 20)
Hơn nữa, sở dĩ, Chúa Giê-su có thể kể một bài dụ ngôn, đưa ra trường hợp một quan toà bất công là vì việc này rất khả thi, chính Ngài sẽ là nạn nhân của chứng gian. Chúng ta có một dấu hiệu trong câu sau đây: «6 Con kêu lên Ngài, lạy Thiên Chúa, vì Ngài đáp lời con. Xin lắng tai và nghe tiếng con cầu», câu này ngụ ý nói, các quan toà dưới thế này, kêu cầu họ vô ích, họ không trả lời, họ không có nghe đâu…
Trong những hoàn cảnh này, khi một kẻ vô tội bị kết án, chỉ còn một nơi để nương náu, đó là Đền thánh, một nơi trú bất khả xâm phạm. Nơi đây, họ qui phục như thời thượng cổ, dưới «sự suy xét của Thiên Chúa». Đây là cơ may duy nhất ; ở đây rõ ràng là một điều tương tự như thế, vì người bị kết án kêu oan: «5dõi vết chân Ngài, con không vấp ngã». Ngày hôm nay ta nói «con không có lỗi lầm nào»
Không ai biết rõ, sự phán xét Thiên Chúa xảy ra như thế nào, nhưng câu này nói về sự phán xét ấy: «xin lắng tai nghe tiếng nguyện cầu thốt ra từ miệng lưỡi chẳng điêu ngoa». Chỉ cần vào ngủ trong Đền để hoàn toàn phó thác vào sự phán xét của Thiên Chúa, làm như thế cũng đủ chứng minh mình khả thi vô tội. Vua Sa-lô-môn đã tạo ra một lời thề, cho người bị kết án trước toà: «Nếu thật sự tôi là thủ phạm, quý vị buộc tôi, thì tôi sẽ bị một tai hoạ này… ». Nếu người bị cáo nhận thề như thế, thì đúng là kẻ ấy vô tội. Thời ấy họ tin dị đoan, đến nỗi không có người thật sự có tội nào dám thề như thế!
Kẻ nói trong bài Thánh Vịnh này, đúng thật là người vô tội vì chấp nhận án Thiên Chúa, bất cứ hình phạt gì. Trái lại, Chúa sẽ bảo vệ người ấy, «giữ gìn con như thể con ngươi,». Chúng ta nhận ra đây câu tuyệt vời trong sách Đệ Nhị Luật (Đnl 32, 10) mà trong văn chương Pháp còn vẫn giữ nguyên trong đời thường. Ngày nay, ta còn nói tha thiết gìn giữ ai «như thể con ngươi của mình».
Người này xác tín về sự vô tội của mình, nên bình thản chờ rạng đông: «25 Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất.26 Sau khi da tôi đây bị tiêu huỷ, thì với tấm thân, tôi sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa». (G 19, 25-26).
Khi dân Ít-ra-en tập hợp lại trong Đền Giê-ru-sa-lem, hát Thánh Vịnh này là họ tuyên xưng đức tin. Họ biết họ sẽ được thoát tay mọi kẻ muốn hại họ (Như Thánh Phao-lô nói với dân thành Thê-xa-lô-ni-ca trong Thư thứ 2), vì một lần nữa, ta biết rằng người bị lùng bắt trong Đền, tìm nơi ẩn náu và minh chứng, không ai khác hơn là toàn dân Ít-ra-en. «5 dõi vết chân Ngài, con không vấp ngã», đây là lời cam kết lòng trung tín của họ. Giữa những dân tộc chung quanh đất nước họ, It-ra-en vẫn trung thành với Thiên Chúa Duy Nhất. Trong Đền Giê-ru-sa-lem, và chỉ trong Đền này mà thôi, họ tìm nơi ẩn náu «con sẽ được trông thấy mặt Ngài, khi thức giấc, được thoả tình chiêm ngưỡng Thánh Nhan». Chưa đến thời phục sinh cá nhân, nhưng dân Ít-ra-en biết rằng không có gì có thể tiêu diệt hoàn toàn dân tộc họ, vì Chúa không thể nào không giữ lời hứa. «khi thức giấc, được thoả tình chiêm ngưỡng Thánh Nhan». Bài Thánh Vịnh này lúc được viết không muốn nói về phục sinh, nhưng sau khi Chúa Ki-tô Phục Sinh, chúng ta nhận ra bài này rất thích hợp với sự Phục Sinh của Chúa. Sau đêm tối của sự chết, chúng ta thức dậy dưới ánh sánh của Chúa. Trong sách Ma-ca-bê, các anh em cũng đã nói như thế lúc chạm trán với An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê.
Trong lúc chờ đợi giấc ngủ ngàn thu, mỗi đêm, chúng ta phó thác vào sự quan phòng Thiên Chúa. Vì lẽ ấy, có thể hiểu vì sao trong Kinh Hôm Phụng Vụ, mỗi tối chúng ta đọc: «8 Xin giữ gìn con như thể con ngươi, dưới bóng Ngài, xin thương che chở»
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng
Views: 0