Nazareth Tổng Hợp
Ăn gì bây giờ? Ăn cũng chết mà không ăn cũng chết. Thật là phức tạp! Đối với các món ăn và thức uống, hôm nay khoa học nói vầy, ngày mai khoa học chứng minh ngược lại. Thôi thì cứ theo nhu cầu thân thể của mình thèm gì thì ăn nấy, miễn sao điều độ, chừng mực. Đặc biệt những cụ trên 70 trở lên, có sống thêm vài năm nữa mà cứ phải bóp mồm, bóp miệng thì cũng chẳng ích lợi gì. Chết rồi mới thấy tiếc là tại sao khi còn sống không ăn vài món mà mình ưa thích. Bên kia thế giới có đâu mà ăn. Vả lại sống lâu với con cháu thì cũng nên sống, ráng sống. Sống mà bị đóng đinh ở viện dưỡng lão, bị ra vào bệnh viện chịu trăm ngàn thứ đau đớn chữa trị thì ôi …đời buồn thảm lắm. Hoặc sống mà con cái bỏ rơi, khinh bỉ thì thật là tủi!
Hôm qua đi thăm một người bạn tại viện dưỡng lão. Thoạt nhìn không nhận ra vì trước đây anh to con, cao lớn và nhanh nhẹn mà bây giờ gầy, ốm, xác xơ. Anh nằm một mình trong gian phòng cô đơn với bình oxy phì phèo, thở từng hơi mệt mỏi.
Tôi hỏi anh:
-Muốn ăn gì không?
Anh thều thào:
-Phở!
Tôi hỏi lại:
-Phở gì? Phở bò hay phở bò?
-Phở bò.
Và tôi lại hỏi anh:
-Muốn uống gì?
Anh tỏ ra thèm thuồng:
-Coca-Cola.
Tôi ghé lại văn phòng ý tá và hỏi một cô:
-Tôi có thể mang phở và Coca-Cola đến cho người nằm ở phòng 209 được không?
Cô ý ta nhìn vào hồ sơ bệnh lý và thực phẩm, lắc đầu:
-Không được. Người này chỉ được ăn những thực phẩm xay lỏng và nhuyễn cung cấp từ menu của Trung Tâm mà thôi. Những thức ăn khác có thể làm ông sặc mà tắt thở….
Tôi bước ra khỏi văn phòng mà nhớ lại lời mẹ tôi vẫn thường nói khi bà còn sống:
“Khi sống thì chẳng cho ăn,
Đến khi đã chết làm văn tế ruồi”.
Đó là thái độ của những đứa con bỏ rơi tuổi già cha mẹ, nhưng khi cha mẹ qua đời thì làm bộ khóc lóc, cúng kiếng, xin lễ, xin cầu nguyện. Tôi đã chứng kiến cảnh này không ít khi nhìn vào các bạn bè tôi, cũng như những người già cả quanh tôi.
Sau đây là vài thức ăn quen thuộc với hai phản ứng trái nghịch do Thanh Nguyên sưu tầm trên facebook Peter Nguyenthanh. Biết sao bây giờ, thôi thì còn sống ăn được gì cứ ăn, uống được gì cứ uống, miễn sao điều độ, chừng mực và thân thể mình thấy khỏe khoắn, thoải mái là được.
BƠ VÀ DẦU ĂN
Chuyện cũ: Có một thời người ta ca tụng margarine, vì margarine có nguồn gốc thực vật nên không có cholesterol, và ít chất béo bão hòa hơn là bơ. Sau đó lại thấy là cũng phải coi chừng margarine vì chất dầu trong margarine có nhiều thứ chất béo gọi là “trans” (transfat), cũng có hại cho tim mạch như chất béo bão hòa.
Chuyện mới: Có một số margarine mới được tung ra thị trường gần đây, không có chất béo trans. Thí dụ như margarine làm bằng dầu canola. Hoặc là những thứ margarine lỏng, margarine “diet” trong đó chất béo trans được giảm đi nhiều. Ngoài ra cũng có những margarine mới, như Benecol, Take Control, ăn vào có thể giảm cholesterol phần nào. Nếu chỉ lâu lâu dùng chút đỉnh, thì thật ra cũng không cần chọn lựa gì nhiều, bơ hay margarine đều được cả.
MUỐI
Chuyện cũ: Ăn mặn thì sẽ bị cao huyết áp.
Chuyện mới: Không phải cứ ăn mặn thì huyết áp bị cao. Chỉ có những người do yếu tố di truyền, hay nguyên do nào khác mà nhạy cảm với muối, thì mới cần kiêng mặn.
Tuy nhiên, về thực tế, không biết được ai là người nhạy cảm, ai không, và huyết áp có cao lên thì cũng bị từ từ không thấy được ngay, cho nên tốt hơn hết là đừng nên ăn mặn quá. Ngoài những món mặn, như đồ ăn kho, những thực phẩm bán sẵn như đồ hộp, xúc xích, chips… thường có rất nhiều muối. Ngoài ra, ăn nhiều muối cũng có thể làm cho xương bị xốp nữa.
ĐẬU NÀNH
Chuyện cũ: Đậu nành là một thứ ngũ cốc không có gì đặc sắc.
Chuyện mới: Đậu nành và những chế phẩm làm từ đậu nành như tàu hũ, sữa đậu nành … không những làm cho cholesterol giảm bớt, mà còn có thể làm đỡ bị ung thư. Nếu bạn ăn uống theo chế độ, ít cholesterol, ít chất béọ lại thêm chừng 25 grams chất đạm từ đậu nành thì sẽ giảm thiểu được rủi ro bị bệnh nghẹt động mạch vành, sinh đứng tim.
Tuy nhiên, đậu nành, cũng như những rau cỏ khác (và tất cả thực phẩm khác), là một hợp thể phức tạp của nhiều chất. Cho nên ăn có chừng mực vẫn là điều quan trọng.
BẮP (NGÔ)
Chuyện cũ: Ăn bắp không tốt bằng ăn cơm hay bánh mì.
Chuyện mới: Bắp là một thứ ngũ cốc cũng tốt không kém gì các loại gọi là “whole grain” khác. Bắp vàng có chứa nhiều chất tiền phẩm của sinh tố A, nhóm carotenoid, làm cho “sáng mắt.”
Tuy nhiên cũng nên nhớ là sinh tố A nhiều quá mức lại có hại. Bắp màu trắng thì không được tốt như bắp vàng.
Views: 0