SỐNG TIN MỪNG

Na-a-man trở lại gặp người của Thiên Chúa và ông tuyên xưng Chúa

Dr. Lương Huỳnh Ngân chuyển ngữ

 

Trích sách Các Vua quyển thứ hai

14 Vậy ông xuống dìm mình bảy lần trong sông Gio-đan, theo lời người của Thiên Chúa. Da thịt ông lại trở nên như da thịt một trẻ nhỏ. Ông đã được sạch.

15 Cùng với đoàn tuỳ tùng, ông trở lại gặp người của Thiên Chúa. Ông vào, đứng trước mặt ông ấy và nói: “Nay tôi biết rằng: trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Ít-ra-en. Bây giờ, xin ngài vui lòng nhận món quà của tôi tớ ngài đây.”

16 Ông Ê-li-sa nói: “Có ĐỨC CHÚA hằng sống là Đấng tôi phụng sự, tôi thề sẽ không nhận gì cả.” Ông Na-a-man nài ép ông nhận, nhưng ông vẫn từ chối.

17 Ông Na-a-man nói: “Nếu ngài từ chối, thì xin cho phép tôi tớ ngài đây mang về một số đất vừa sức hai con lừa chở được, vì tôi tớ ngài sẽ không còn dâng lễ toàn thiêu và hy lễ cho thần nào khác ngoài ĐỨC CHÚA

Bài đọc Chúa nhật hôm nay, bắt đầu, lúc Tướng Na-a-man dìm mình xuống nước sông Gio-đan, theo lời ngôn sứ Ê-li-dê. Nhưng thiếu đoạn đầu của câu truyện, đặc biệt về cơn giận của Na-a-man, hết sức tức tối vì phải vâng theo một mệnh lệnh có vẻ ngu xuẩn.

Phải nói ông là một nhân vật quan trọng, một vị tướng xứ Xi-ri. Có nhiều thành tích vẻ vang trong quân đội, và được vua Aram (nay là Đa-mát) trọng vọng. Thế nhưng, đối với dân It-ra-en, ông là người Xi-ri, một người nước ngoài, ở nhiều thời điểm lịch sử còn được xem như kẻ địch. Nhất là trong câu truyện của chúng ta, ông là một người ngoại giáo: không thuộc về dân Chúa chọn. Tồi tệ hơn thế nữa, ông bị mắc bệnh hủi. Ngày nay cũng thế, bệnh này rất dễ lây lan, nên là một lý do phải cách ly: chúng ta không khó chi tưởng tượng tâm trạng lúc ấy của Na-a-man, đây là cả một tai họa.

Và đây là câu truyện. Vợ Na-a-man có một nữ tỳ gốc It-ra-en (bị bắt thời gian trước đó trong một cuộc ruồng bố), cô nói với bà chủ: «Bà biết không? Ở Sa-ma-ri, có một vị ngôn sứ, ông ấy chắc chắn có thể chữa lành cho ông Na-a-man». Trong trường hợp tương tự, người ta cũng sẵn sàng làm bất cứ chuyện gì! Tin này được truyền đi thật nhanh, nữ tỳ nói với bà chủ, bà nói lại cho chồng là Na-a-ma, ông nói lại cho vua A-ram: ngôn sứ xứ Sa-ma-ri có thể chữa lành tôi. Vì ông được trọng vọng, vua viết một bức thư giới thiệu cho vua xứ Sa-ma-ri.

Thư đại để như sau: Tôi xin giới thiệu với ngài, một người bạn và cũng là một bộ hạ trung tín, tướng tổng tư lệnh quân đội của tôi, tên là Na-a-man, ông ấy bị bệnh hủi. Xin ngài làm những gì có thể để chữa lành cho ông ấy (hàm ý nói, giới thiệu ngôn sứ của ngài, danh tiếng của ông đến tận xứ tôi). Thì đây, phát sinh một sự kiện thú vị: thường ta không biết, ta đang có một kho báu trong tầm tay… Vua It-ra-en nhận được bức thư, nhưng không thể tưởng tượng ông ngôn sứ nhỏ bé nhà mình có thể chữa lành một ai! Vì thế, vua hốt hoảng: chuyện gì xảy ra làm cho vua Xi-ri bắt ta phải làm phép lạ? Hay ông ta kiếm cớ để gây chiến với ta hay sao?

May thay, ở It-ra-en cũng như mọi nơi, tin đồn rất nhanh. Ê-li-dê biết tin này và nói với vua: «Không hề chi, để xem việc gì xảy ra… ngài cứ nói Na-a-man đến tư gia của tôi… để cho anh ta biết ai là Thiên Chúa thật.»

Na-a-man đến tận nhà Ê-li-dê, với đoàn tuỳ tùng đầy ắp quà cáp cùng hành lý cho người sẽ chữa lành ông, và đứng đợi trước cửa chờ ngôn sứ. Thực ra, chỉ có một đầy tớ hé cửa và nói: «Chủ tôi dặn tôi nói lại, ông chỉ cần dìm thân bảy lần xuống nước sông Gio-đan là ông sẽ khỏi bệnh». Thật là một cuộc tiếp đón kỳ lạ đối với một vị đại tướng, hơn nữa, thật tình mà nói, lệnh dìm xuống nước sông Gio-đan không ra một thể thống gì: cần chi phải cực khổ đi xa xôi! Bên Xi-ri có biết bao dòng sông tốt hơn sông Gio-đan nhỏ bé này.

Na-a-man không hài lòng, lên đường quay về Đa-mát. Rất may, ông có những thân cận cùng đi với ông; các bộ hạ nói với ông: «Ngài chờ đợi ngôn sứ đòi hỏi ngài làm điều gì khó khăn mấy, hẳn ngài cũng làm… thế ông đòi ngài làm một điều rất giản dị này …ngài cũng có thể làm chứ!» (Nhân dịp này xin lưu ý, các người giúp việc cũng có những điều hay; Thánh Kinh không mất đi dịp nào để nói lên điều ấy). Dù sao, Na-a-man cũng nghe theo và đây là đoạn đầu của Bài Đọc chúng ta hôm nay.

Vậy, Na-a-man trở nên một người như mọi người, vâng theo một mệnh lệnh rất tầm thường một cách đơn sơ… Ông dìm người bảy lần xuống nước sông Gio-đan như người đầy tớ Ê-li-dê nói và ông được chữa lành. Rất giản dị trước mắt chúng ta, trước các bộ hạ của ông; nhưng đối với một tướng lãnh quân đội việc vâng lời này không giản dị chút nào!

Vâng lời một người ngoại quốc, trước hết, đây không phải thái độ một quân nhân, và trong trường hợp này, Na-a-man hiểu rất rõ điều Ngôn sứ Ê-li-đe đòi hỏi, là phải cậy trông vào Thiên Chúa It-ra-en. Đoạn sau của bài này sẽ minh chứng điều ấy; được chữa lành, Na-a-man không phải một người vô ơn, ông trở lại nhà Ê-li-dê để nói lên hai điều. Thứ nhất là: «Nay tôi biết rằng: trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Ít-ra-en… (tôi) sẽ không còn dâng lễ toàn thiêu và hy lễ cho thần nào khác ngoài ĐỨC CHÚA». Nhân đây, xin lưu ý, tác giả viết đoạn này không có ý cho dân Xi-ry đọc, vì thế, tác giả muốn nói cho đồng bào It-ra-en của mình. Đây là một bài học, đại để như muốn nói: «các bạn được Chúa Duy Nhất chở che từ muôn thế kỷ, thì đây, các bạn sẽ thấy lòng trắc ần của Chúa cũng dành cho những người dân nuớc ngoài, còn các bạn dù là được Thiên Chúa chọn làm dân riêng của Ngài, các bạn luôn còn bị cám dỗ thờ phượng bụt thần… người nước ngoài này hiểu nhanh hơn các bạn vì thế ông ta được chữa lành».

Điều thứ hai, Na-a-man nói với Ê-li-dê «Tôi trao cho ngài một món quà để cám ơn», nhưng Êli-dê nhất định từ chối: Ơn Chúa không thể mua được. Thật vậy, Na-a-man vừa chứng kiến từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác: khi trình diện với E-li-dê, lúc đầu, ông đã dự tính hết mọi sự (Ê-li-dê tiếp đón ông, chữa lành cho ông, nhận món quà xứng đáng của mình, sau đó hai đàng không ai thiếu ai điều gì). Nhưng, mọi việc không xảy ra như ông dự định.

Tất cả câu chuyện gợi cho chúng ta ba điều đáng chú ý:

Thứ nhất, Na-a-man không gặp ngôn sứ, vì không phải ngôn sứ chữa lành mà là Thiên Chúa. Điều thứ hai, không có một cử chỉ gây ấn tượng mạnh hay có tính cách thần thiêng nào, nhưng là một điều thông thường đối với một người trong các xứ ấy: dìm xuống nước sông… Và chính trong cử chỉ tầm thường, thực hiện vì vâng lời, mà ông ấy đã gặp gỡ quyền năng Thiên Chúa. Chúa không đòi hỏi chúng ta những gì phi thường, nhưng chỉ tin tưởng vào Ngài. Điều thứ ba, không có quà tạ ơn: điều duy nhất để thể hiện lòng biết ơn của chúng ta là nhìn nhận những gì chúng ta lãnh nhận từ Chúa. Còn đối với ngôn sứ, người tôi tớ của Chúa, ông không nhận bất cứ gì cho riêng ông. Sau này, Chúa Giê-su nói trong Tin Mừng Thánh Ma-thêu: «Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy» (Mt 10, 8)

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions

Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân

Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.