Văn

Bà Mẹ Quê

Tô Văn Cấp

 

Thiếu Tá Tô Văn Cấp, xuất thân Khóa 19 Trường VBQGVN, nguyên là Đại Đội Trưởng ĐĐ1 TĐ2/Trâu Điên TQLC, xung trận hét ra lửa, vậy mà Ông viết một bài về Mẹ thiệt là cảm động. Ôi Bà Mẹ quê một thân một mình nuôi 7 người con, ngày đêm ngong ngóng tin con từ chiến trận, sau đó từ các trại tù cải tạo khổ sai.

Và sau cùng ….
Xin kính mời quý vị và quý bạn đọc Bà Mẹ Quê:

==========

Có nhiều cách gọi về song thân tùy theo địa phương, nhưng ở quê tôi, một vùng thuộc tỉnh Kiến An, Hải Phòng thì con gọi bố mẹ là thầy bu, vì thế tôi xin giữ hai từ ngữ này mở đầu cho bài viết về mẹ tôi, một bà mẹ quê.

Thầy tôi qua đời ngày 15 Tháng Giêng, năm 1947, hưởng dương 41 tuổi! Ông cụ mất đi khoảng sau 2 tháng bị bệnh mà thuở ấy người vùng quê chỉ biết gọi là bệnh “thương hàn” (?). Những ngày thầy tôi lâm trọng bệnh và khi các con tiễn chân ông cụ ra cánh đồng thì nay tôi không còn nhớ gì nữa!

Kỷ niệm duy nhất còn sót lại trong đầu tôi là khi ông cụ tháo vai cày ra khỏi cổ con trâu rồi đưa sợi dây thừng cho tôi dẫn nó đi ăn: Đang nhai cỏ mà khi đến bên bờ hồ trước cửa nhà thờ, nó nhào xuống nước, ngước mũi lên thở phì phò. Còn tôi, một thằng bé chăn trâu mới 6 tuổi, không thể kéo nó lên được nên đành buông dây thừng, đứng trên bờ khóc vì sợ con trâu sẽ chết đuối…

Với bu tôi, một bà mẹ quê thì tôi nhớ nhiều, nhưng chưa một lần có dịp nhắc đến những kỷ niệm này với anh chị em và con cháu. Khi thầy tôi mất, bu tôi mới 43 tuổi với một nách bẩy đứa con, tất cả cùng sống trong căn nhà tranh vách đất ba gian hai trái, một mảnh vườn, dăm ba sào ruộng thuộc làng Cựu Viên, tỉnh Kiến An, thành phố Hải Phòng, chỉ cách hai nơi này chừng hơn 3 cây số.

Một hình ảnh tuy đã hơn 60 năm rồi, tôi vẫn còn như đang thấy trước mắt. Đó là cảnh hoàng hôn, bu tôi đứng ở góc vườn, hướng ra nghĩa trang mà kêu tên thầy tôi trong tiếng nấc, sau khi đã chôn cất thầy tôi.

Bu tôi cả ngày chân lấm tay bùn với ruộng lúa vườn rau. Mỗi buổi chiều về, sau khi thổi cơm cho con, nấu cám cho lợn (heo) xong thì mặt trời đã lặn, giữa lúc tranh tối tranh sáng, bà lẳng lặng ra góc vườn, lúc thì ngồi ngắt đọt khoai lang, khi thì đứng hái lá chè mà thút thít khóc. Các con không hề hay biết.

Đã rình rập từ lâu, rồi một buổi tối, chim đã về tổ, tôi leo lên cây cau ở góc vườn để bắt ổ chim sáo đen khi nghe chim con kêu “chíp chíp.” Và tôi thất kinh, suýt rơi xuống đất vì bất chợt thấy bóng đen đứng khóc góc vườn… Tuy nhiên tôi kịp hoàn hồn ngay khi nhận ra dải khăn tang trắng vấn trên đầu, hai đuôi khăn chạy dọc sống lưng của bu tôi. Vội tụt xuống định chạy vào nhà… nhưng rồi khựng lại, ngồi thụp xuống bên gốc cây cau vì tôi nghe tiếng bu khóc: “Ối ông ơi! Trời đã tối rồi! Ông đi đâu mà sao không về ăn cơm uống nước với các con ông ơi!”

Ở tuổi lên 6, tuổi nghịch ngợm của trẻ nhà quê không biết sợ ma nhưng tôi rùng mình nổi gai ốc khi nghe bu tôi kêu lên như thế. Bà khóc trong nấc nghẹn, cố kềm trong họng không cho ra tiếng vì sợ các con nghe được: Chắc bà muốn cam chịu thương nhớ một mình, không đành lòng chia nỗi buồn với các con.

Anh chị em chúng tôi không ai hay biết: Sau một ngày quần quật với ruộng lúa vồng khoai, ai cũng đã mệt nhoài, đi nghỉ sớm để sáng mai, khi gà vừa gáy và tiếng chuông nhà thờ “bính-boong” lúc 5 giờ sáng là đã phải dậy để chuẩn bị ra đồng.

Riêng mình tôi biết bu tôi khóc, tôi chẳng nói cho ai hay… Nhưng tiếng khóc của bà xoáy vào đầu tuổi thơ khiến tôi cứ đứng sau hè mà nhìn bu tôi rũ xuống như tàu lá chuối héo, nghe bà nấc nghẹn mà ứa nước mắt theo. Nhiều khi tôi thấy bà vịn cành chè rồi sức nặng của khổ đau kéo luôn cành chè gẫy xuống!… Rồi một tối, tôi nghe tiếng nói bên kia vườn, cách bụi tre, vẳng sang: “Mẹ Quán sao cứ khóc mãi thế! Hãy để cho Quán nó yên nghỉ.”

Đó là tiếng cụ Dưỡng, chú của thầy tôi. Chắc cụ cũng xót ruột vì tiếng khóc mỗi chiều tối ngoài góc vườn. Bu tôi là cháu dâu rất vâng lời chú chồng, từ đó bu tôi không đứng khóc ngoài góc vườn nữa. Nhưng nỗi sầu chồng chất trên nấm mồ chồng chưa xanh cỏ làm sao vơi, nước mắt bu tôi vẫn âm thầm rơi cùng những tiếng nấc nghẹn trong xó góc bếp giữa đêm khuya…

Mùa Đông tháng giá, tiết trời khá lạnh ở vùng quê, căn nhà lá nhiều khe hở để gió lùa vào, anh em tôi nằm ổ rơm, đắp chiếu, kín đầu thì hở đuôi và ngược lại kín chân thì thò đầu. Cái lạnh đêm khuya lại thêm dạ dày trống đúng với câu “bụng đói cật rét” nên giấc ngủ chúng tôi chập chờn.

Nửa đêm về sáng, gà vừa gáy, thức giấc thấy ánh lửa từ nhà bếp hắt lên, tôi bò dậy mon men tới sưởi ấm thì thấy bu tôi đã ngồi nấu cám heo, một tay cầm que, tay kia nắm mớ rơm đẩy vào tiếp cho lửa cháy. Bóng bà in lên vách bếp, chập chờn theo ánh lửa bập bùng. Thấy con thức dậy bò xuống bếp, bà biết ngay là con đang thiếu cái gì: Vừa trông thấy tôi, bà vội kéo vạt áo lau nước mắt, nói: “Đói hả? Ngồi xuống đây sưởi đi. Bu nướng cho con củ khoai.”

Bếp nhà quê đun bằng rơm rạ, tiếng nổ lép-bép bắn ra những tia lửa tựa pháo bông, kéo theo tro bụi phủ lên người ngồi nấu. Bu tôi đứng dậy khẽ phủi tro trên tấm khăn tang trắng rồi lấy củ khoai lang ở thúng treo sau lưng vùi vào đám tro giữa ba “ông đầu rau”…

Có thể nhiều người không biết “khoai nướng vùi bếp tro” là gì, mùi vị nó ra sao. Ngay như con cháu nội ngoại của bu tôi hiện nay đang sinh sống trên đất Mỹ cũng thể không biết được. Nhưng với tôi, củ khoai lang vùi bếp tro mà bu tôi “ban” cho thì không có gì so sánh bằng.

Người ta thường dùng chữ “ban” để nói về những “hồng ân” mà Thượng Đế, Chúa, Phật ban cho con chiên, Phật tử. Còn bu tôi đã “ban” cho tôi củ khoai nướng vùi bếp tro giữa đêm Đông giá lạnh mà xung quanh bếp chỉ có rơm rạ, tro bụi, bóng tối và tình mẹ con. Bà khều củ khoai trong đám tro ra, vò nắm rơm chà lên vỏ ngoài cho sạch chỗ cháy rồi đưa cho con: “Khoai còn nóng lắm… Ăn từ từ.”

Đúng rồi, khoai nướng thơm và ngon với trẻ em miền quê, nhưng nếu háu đói mà vội ngoạm ăn, quên cả bóc vỏ thì sẽ bị nóng phải hả miệng ra, ngửa mặt lên mà thổi “phù-phù.” Cũng như ăn vụng mà nuốt vội miếng khoai lang, dễ bị nghẹn.

Bụng đói, cật rét mà hai tay nắm được củ khoai nướng nóng thì thích lắm… Không hiểu sao cái tật tham ăn biến đi đâu mất, tôi cũng chẳng hiểu chữ “hiếu” là gì, nhưng vẫn cứ bẻ củ khoai ra làm hai, đưa bu tôi một nửa mà không nói một lời! Nếu văn hoa chữ tốt thì trong hoàn cảnh ấy, ngàn vạn lời nói cũng bằng thừa, là sáo ngữ. Tôi đưa nửa củ khoai cho bu tôi chỉ vì tôi thấy bu tôi kéo vạt áo lau nước mắt, chỉ vì trong ánh lửa rơm chập chờn giữa đêm khuya, tôi thấy mắt bu tôi đỏ. Tôi đưa nửa củ khoai cho bu vì tôi biết bu tôi cũng đói nhưng nhường miếng ăn cho con, như tất cả các bà mẹ nào khác.

Cầm miếng khoai trong tay, bu tôi nhìn tôi không nói gì… nhưng rồi bà choàng tay qua kéo tôi vào lòng. Tôi biết bu tôi đang thổn thức… Rồi nghe bà khẽ nói: “Con lên nhà đánh thức các anh chị dậy ăn cơm để còn kịp ra đồng.”

Hai chữ “ra đồng” là chỉ việc ngoài đồng ruộng như cuốc đất, nhổ mạ, cấy lúa, làm cỏ, trồng rau, trồng khoai, trồng bắp (ngô), v.v… Những công việc của nhà nông làm ra thực phẩm. Người “thành phố,” nhất là các bạn trẻ ngày nay, không bao giờ có thể hình dung ra được sự thể lam lũ vất vả như thế nào.

Ngày qua ngày, bầy gà một mẹ bẩy con đùm bọc quây quần dưới mái tranh được bao quanh bởi lũy tre, rồi chạy loạn chiến tranh! Khi hồi cư, làng cũ chỉ còn hoang tàn đổ nát, mẹ con lại chạy theo dòng người di tản. Thấy họ đi thì bà mẹ quê cũng dắt con đi, mà không biết đi về đâu và làm gì! Những lúc gian nan khốn khổ như thế, chắc hẳn bu tôi lại kêu tên thầy tôi, mong chồng chỉ lối đưa đường cho lũ vợ góa con côi được bình an…

Cuối cùng, gia đình tôi thành dân di cư trôi dạt vào Nam, về làng Bến Xúc, quận Bến Cát, tỉnh Bình Dương, năm 1954. Người nông dân thường có sức chịu đựng như “cỏ dại,” vất đâu cũng sống được với đất: Mẹ con chúng tôi ra đi, chỉ có hai bàn tay trắng, phải xoay sở ngược xuôi: Anh chị tôi lúc ấy đã trưởng thành nên phiêu bạt về thành phố, gia đình tôi lại di chuyển về 172/41 đường Đỗ Thành Nhân, Khánh Hội, quận Bốn, Sài Gòn.

Bu tôi, một bà mẹ quê “lạc” về thành phố, bỏ lại sau lưng xa tít mù khơi cái mái tranh, lũy tre, ruộng vườn… và mồ mả chồng mà không biết bao giờ được nhìn lại, bu tôi như tàu lá úa và chỉ hồi sinh khi nghe được tiếng bập bẹ “bà bà” của các cháu nội ngoại. Có lẽ đây là giây phút hạnh phúc nhất của bu tôi cũng như các bà mẹ khác: Thương cháu, chăm sóc cháu hơn cả thương con.

Vẫn tưởng được vui hưởng thái bình với cháo rau đạm bạc bên con cháu cho tới lúc bu tôi đầu bạc răng long thì chiến tranh lại tràn về, các con trai con rể của cụ lên đường tòng quân: Thằng cao nguyên, đứa Đông Hà, con trai út ở núi Sơn Trà thì con trai áp út ở mãi tận mũi Cà Mau. Đâu đâu cũng đều vang tiếng súng nổ! “Đại bác đêm đêm vọng về thành phố,” bà mẹ quê vẫn khốn khổ thức giấc ngồi tựa, mắt nhắm, tay cầm tràng hạt, miệng đọc thầm chuỗi Mân-Côi, cầu xin Thượng Đế ban ơn lành cho đàn con đang xông pha nơi lửa đạn.

Hằng ngày bu tôi vẫn nhói tim, nhìn những xe nhà binh GMC chở quan tài phủ cờ chạy qua cửa! Nghe mấy bà hàng xóm kháo nhau rằng áo quan phủ cờ vàng sọc đỏ là của lính chết trận,… bu tôi lại vịn tường ngồi xuống đất đọc kinh tiếp…

Rồi sáng ngày N Tháng Sáu, 1966, một xe GMC chạy vào xóm, từ từ dừng lại khiến bu tôi hốt hoảng khuỵu xuống… Nhưng người lính TQLC tìm vào nhà bà Châu hàng xóm, cũng là người cùng quê, để báo tin con trai bà, thằng Mão đã tử trận! Bà Châu xỉu, bu tôi hoảng hốt lo lắng muốn xỉu theo: Mão và tôi là bạn cùng tình nguyện vào TQLC. Mão Tiểu Đoàn 1, tôi Tiểu Đoàn 2, cả hai vừa đụng trận ở ngã ba sông Định, thuộc Bích La Thôn Quảng Trị. Nó tử thương, tôi bị đạn xuyên khuỷu tay, thấy không sao nên bảo hậu trạm đừng báo tin về cho gia đình biết. Khốn thay, hậu cứ ở Thủ Đức cứ theo thủ tục báo tin nên hai ngày sau lại một xe nhà binh đậu trước cửa hỏi nhà bà Tiệp, tên anh cả chúng tôi. Người báo tin chưa kịp nói gì thì bu tôi đã ngất xỉu, không còn biết gì nữa!

Chỉ bị thương nhẹ, tôi xuất viện ngay để đi phép… Đang nằm bệnh, thấy tôi về, bu tôi ngồi bật dậy ngơ ngác nhìn con, hai tay vuốt mặt con, nắn vai, nắm tay con lắc lắc như muốn biết đây là thực hay chiêm bao! Bu tôi không nói gì mà chỉ khóc, khóc mừng rỡ là còn cầm được tay con vừa từ mặt trận trở về. Những bà mẹ của lính chiến thấy mặt con lúc nào thì hạnh phúc lúc đó. Tôi xin mượn ý bài thơ Màu Tím Hoa Sim: “không chết người con lính chiến mà chết người mẹ hậu phương”… Người lính chiến nếu có chết, chỉ chết một lần; nhưng bà mẹ hậu phương thì chết giấc vì con, chết dần chết mòn!

Bu tôi đã chết giấc nhiều lần như thế khi thấy mấy đứa con, đứa cháu trong họ hàng và cùng ở TQLC lần hồi tử trận như Tô Chiêu, Tô Sơn, Vũ Tuấn, Nguyễn Thanh, v.v… Cuối cùng, ngày 19 Tháng Sáu, 1969, trên con kinh Cán Gáo thuộc tỉnh Chương Thiện, những tiếng nổ đã loại tôi ra khỏi vòng chiến, nhưng vẫn may mắn hơn Chiêu, Sơn, Tuấn, Thanh v.v…, tôi còn nặng nợ, nên khi tỉnh dậy, thấy mình nằm trên giường bệnh bệnh viện, toàn thân những dây cùng nhợ! Mờ mờ nhìn qua lớp băng quấn đầu, tôi nhận ra bu tôi đang lấy tay cạy vết máu bầm, vết sình đã khô trên mặt tôi. Qua hơi thở của bình dưỡng khí, tôi mấp máy đôi môi: “Mẹ”…

Tiếng “Mẹ” phát âm dễ thương là thế nên tôi quen với chữ “Mẹ” từ đó.

Tôị trọng thương, bị loại khỏi vòng chiến thì cũng là lúc mẹ tôi bớt được một phần lo âu: Thấy tôi lê lết với đôi nạng gỗ kẹp nách, mẹ lại mỉm cười: “Con cứ như thế này thì mẹ đỡ lo.”

Chưa trả hết nợ, tôi được hạnh phúc quanh quẩn một thời gian bên bà mẹ già nhà quê, bà mẹ không biết viết, không biết đọc mà chỉ biết khóc vì con…

Thế rồi đất bằng lại dậy sóng, các bà mẹ lại tiếp tục vất vả vì các con. Lần sau cùng nghe mẹ khóc là khi tôi cáu kỉnh nhìn mẹ rồi vất đôi dép làm bằng vỏ xe hơi mà cụ đã len lén để vào túi xách cho tôi lên đường đi “học tập cải tạo”: Sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, ba anh em trai tôi cùng hai người anh rể đều lên đường để “được” cải tạo làm con người! Chẳng cần nói thêm, ai cũng biết một bà mẹ già trong hoàn cảnh ấy thì “có vui bao giờ”! Nghe hàng xóm xì xào bán tán, mẹ tôi thật thà đi mua quần áo đen và dép râu cho các con, với mong ước là chúng sớm được về đoàn tụ!

Quá khứ lính chiến đời tôi đã khiến mẹ lo âu sợ hãi nhưng chưa lần nào tôi hỗn với mẹ như lần này: Tôi lôi đôi dép râu ra khỏi túi xách và quăng nó vào góc nhà. Mẹ nhìn sững tôi… Chắc bà tự hỏi tại sao con lại vất những thứ cần thiết ấy, nó sẽ giúp con sớm được về với mẹ mà… Làm sao tôi hiểu thấu được tình thương mênh mông của bà mẹ quê trong khi bà cũng không biết được con trai mẹ đang chín từng khúc ruột. Tôi lẳng lặng cầm túi xách với bộ quần áo lên đường, không lời từ giã mẹ già đang ngồi tựa vách, mắt nhìn theo gót chân con!

“Cải tạo” tới năm thứ chín thì tôi hay nằm mơ thấy mẹ, linh tính cho biết có điều chẳng lành. Tôi hỏi người nhà mỗi khi đến thăm nuôi thì được biết mẹ tôi vẫn bình thường… Mà sao vẫn thấy mẹ trong giấc mơ. Tôi đem chuyện hỏi lại, lúc đó vợ tôi đành lôi trong túi xách ra một xấp hình đám tang mẹ tôi mà vợ tôi đem theo nhưng vẫn muốn giấu kín. Tôi không còn nước mắt để khóc: tôi đã không có mặt khi mẹ ra đi… Nhưng chính tôi cũng đã không biết là ai vĩnh biệt ai. Mẹ tôi đã khóc vì các con phải đi xa, khiến mẹ mù lòa! Mẹ tôi ra đi vĩnh viễn khi tôi vẫn chưa quay về!

“Lòng mẹ thương con như biển Thái Bình dạt dào.” Lòng mẹ như bị dao chém mỗi khi nghe tin con trở về, “trở về trên đôi nạng gỗ, trở về hòm gỗ cài hoa”! Lời nào nói cho đủ, chữ nào viết cho hết trong vài trang giấy! Những bà mẹ dù quê hay thành phố, dù bên này hay bên kia đều là Mẹ Việt Nam. Mẹ Việt Nam thì lúc nào cũng vui và khổ đau theo đời sống thăng trầm của các con, không vui khi các con không vui với nhau. Khổ đau biết bao những bà mẹ của các anh lính chiến luôn canh cánh bên lòng, lo sợ phải rên rỉ câu: “Lá vàng đeo đẳng trên cây, lá xanh rụng xuống lấp đầy quê ta!”

Những ai đó còn mẹ, dù trong hoàn cảnh nào đi nữa, xin chớ có cử chỉ đáng trách như tôi đã phạm đối với “Bà Mẹ Quê” để sau đấy khỏi phải ân hận khôn nguôi.

Nguồn: Internet

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.