SỐNG TIN MỪNG

“Các ngươi đã mê đắm và ca hát, giờ đây các ngươi bị lưu đày”

Dr. Lương Huỳnh Ngân chuyển ngữ

 

Trích sách Tiên tri A-mốt

1 Khốn cho những kẻ sống yên ổn tại Xi-on,

4 Chúng nằm dài trên giường ngà, ngả ngớn trên trường kỷ,
mà ăn những chiên non nhất bầy, những bê béo nhất chuồng.

5 Chúng đàn hát nghêu ngao;
như Đa-vít, chúng dùng nhạc cụ mà sáng tác.

6 Chúng uống rượu cả bầu, xức dầu thơm hảo hạng,
nhưng chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giu-se sụp đổ!

7 Vì thế, giờ đây chúng sẽ bị lưu đày,
dẫn đầu những kẻ bị lưu đày.
Thế là tan tác bè lũ quân phè phỡn!

Trong Thánh Kinh, chỉ có A-mốt là người đầu tiên vừa là tiên tri, vừa là «văn sĩ», tức là một ngôn sứ đầu tiên để lại cho chúng ta một tác phẩm của ngài. Các tiên tri khác rất nổi tiếng: Ê-li-a chẳng hạn, hay Ê-li-dê, hay Na-than… Nhưng các ngài để lại bằng những bài giảng chép lại thành tài liệu. Chúng ta chỉ còn giữ lại ký ức những người thân cận của các tiên tri ấy.

A-mốt rao giảng khoảng năm 780-750 trước CN. Bao nhiêu lâu? Không ai biết. Ngài bắt buộc phải nói lên những điều không làm mọi người vui lòng, vì thế có người tố cáo, A-mốt sau cùng bị vua loại ra. Hẳn các bạn còn nhớ, ông là người gốc Miền Nam lên rao giảng Miền Bắc, thời kỳ này, nơi đây kinh tế trù phú. Chúa nhật tuần vừa qua, chúng ta đã nghe một bài cũng của ông, tố cáo một số người làm giàu trên xương máu người nghèo. Chỉ cần đọc đoạn bài ngày hôm nay, để có thể tưởng tượng cảnh xa hoa thời ấy ở Xa-ma-ri-a: «4 Chúng nằm dài trên giường ngà, ngả ngớn trên trường kỷ, mà ăn những chiên non nhất bầy, những bê béo nhất chuồng. 5 Chúng đàn hát nghêu ngao;… 6 Chúng uống rượu cả bầu, xức dầu thơm hảo hạng, nhưng chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giu-se sụp đổ!»

Thật vậy, sau này lịch sử cho chúng ta một bài học rằng sự vô tư thoải mái ấy bị xáo trộn một cách bi đát: «chúng sẽ bị lưu đày, dẫn đầu những kẻ bị lưu đày. Thế là tan tác bè lũ quân phè phỡn!». Đó là sự thật những gì xảy ra; không ai muốn nghe vị tiên tri đáng buồn ấy đã dày công cảnh báo chính quyền và các nhà lãnh đạo. Chẳng những thế, người ta còn muốn loại hẳn ông ra. Nhưng điều khi xưa ông lo sợ, lại xảy đến. Thì đây, là lời A-mốt nói cho những nhà giàu, nhà quyền thế, những người trách nhiệm. Thật ra ngài trách họ điều gì?

Câu đầu cho chúng ta chìa khoá mở ra ý nghĩa của bài: «1 Khốn cho những kẻ sống yên ổn tại Xi-on». Đó là cách nói, các người sống ấm cúng như thế, hài lòng trong sự thoải mái, ngay trong cảnh xa hoa các ngươi… Nhưng ta, ta không thoải mái như các ngươi, ta ái ngại cho các ngươi. Ta thương cảm vì các ngươi không hiểu chi hết: các ngươi như kẻ che mặt dưới gối để không thấy cơn bão đi qua. Cơn bão đó là sự sụp đổ tất cả xã hội này trong vài năm nữa do quân Át-xua, nhiều người trong các ngươi sẽ chết, số còn lại sẽ bị đày… «Ta rất ái ngại» cho các ngươi, giọng nói như thế, không ai thích nghe!

«1 Khốn cho những kẻ sống yên ổn tại Xi-on»… Nhưng điều gì là sai trái? Sai ở chỗ xây dựng an toàn trên những thực tế lúc bấy giờ: vài chiến thắng quân sự, kinh tế phồn thịnh, bề ngoài thánh thiện… để không phiền hà đến Thiên Chúa và tiên tri của Ngài. Họ còn khoa trương những thành công của họ; cho mình là xứng đáng, trong lúc ấy tất cả đến từ ơn Thiên Chúa. Sự an toàn duy nhất của It-ra-en phải là trung tín với Giao-ước…

Đó là nỗ lực của các ngôn sứ. Chúng ta còn nhớ đến Mi-kha (Mi-kha rao giảng vài năm sau tại Giê-ru-sa-lem): «Hỡi người, bạn đã được nói cho hay điều nào là tốt, điều nào ĐỨC CHÚA đòi hỏi bạn: đó chính là thực thi công bình, quý yêu nhân nghĩa và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của bạn.» (Mk 6, 8). Ở Xa-ma-ri-a thì trái ngược lại, còn tệ hơn, họ giả hình: họ biến những buổi tiệc sau hy lễ thành những buổi tiệc tưng bừng nhậu nhẹt… Các buổi ăn, A-mốt miêu tả ở đây là những buổi tiệc cúng, thường sau các hy lễ có hiến tế. Lúc bấy giờ, các buổi tiệc đó là phạm thánh, không liên quan gì với Giao Ước.

Điều làm cho bài này khó hiểu vì quá xúc tích, muốn hiểu phải biết tất cả những gì chung quanh các điều các ngôn sứ rao giảng. Quan niệm của A-mốt, cũng như các ngôn sứ khác như sau: Hạnh phúc của con người và các dân tộc, nhất thiết phải trung tín với Giao Ước cùng Thiên Chúa. Trung tín với Giao Ước tức là thực hiện công bằng xã hội và trông cậy vào Thiên Chúa. Một khi anh em tách xa khỏi con đường hạnh kiểm ấy, anh em kể như mất đi rồi.

Chính vì hai điểm ấy, A-mốt mới can thiệp. Về công bằng xã hội, chúng ta biết vị ngôn sứ nghĩ gì. Chỉ cần xem lại chương được đọc Chúa nhật tuần trước, nói về hạng người làm giàu trên lưng người nghèo; và trong bài hôm nay, những bữa ăn thịnh soạn được kể ở đây, không phải mọi người đều được hưởng. Còn về Thiên Chúa, không mấy ai cần đến Ngài nữa… họ tưởng như thế, còn tệ hơn thế nữa, họ giả vờ thực hiện những nghi lễ. Như tiên tri I-sa-i-a nói: «Dân này chỉ đến gần Ta bằng miệng, tôn vinh Ta bằng môi, còn lòng chúng thì xa Ta lắm» (Is 29, 13). Rất có thể A-mốt – vị tiên tri đến từ xa, quê ngài từ Miền Nam – có cái nhìn sắc bén về những yếu đuối của vương quốc Miền Bắc. Miền Nam chưa bao giờ có thời kỳ sung túc như thế, cuộc sống còn giữ những tập tục cổ truyền It-ra-en; trong lúc ấy, chúng ta thấy trong Chúa nhật vừa qua, thời vua Giê-rô-bô-am II là một thời kỳ sáng sủa hơn. Kinh tế phát triển mạnh, đòi hỏi cảnh giác cao hơn trong việc thay đổi xã hội. Không may, càng ngày họ càng xa lý tưởng ban đầu: lúc khởi đầu, Lề Luật bảo vệ bình đẳng giữa các công dân, và dự định phân phát công bằng đất đai cho mọi người. Trong lúc đó, trong thành Xa-ma-ri-a có biết bao nhiêu lâu đài tráng lệ, được xây từ những hy sinh của nhiều người. Một khi làm giàu to, do bán buôn thịnh vượng; ví dụ như trục xuất các tư hữu nhỏ, hay như chúng ta nghe trong bài đọc Chúa nhật vừa qua, biến người nghèo thành nô lệ.

Khoa khảo cổ mang lại nhiều chi tiết rất thú vị về điều này: trong lúc ở thế kỷ thứ X, các nhà cửa được xây với một kiểu, thể hiện lối sống giống nhau; trong thế kỷ thứ XIII; trái lại, có những khu nhà giàu và những khu nhà nghèo. Đánh dấu hết rồi lý tưởng tốt đẹp của Đất Thánh, một xã hội không giai cấp. Nếu ngày nay, chúng ta muốn trung tín với những gì Thánh Kinh muốn giới thiệu lý tưởng xã hội của Đất Thánh, thì nên đọc lại sách Ngôn sứ A-mốt.

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions

Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân

Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.